Myanmar được xóa nợ 6 tỷ USD
ADB và World Bank xóa bỏ gần 1 tỷ USD, trong khi các nước trong Câu lạc bộ Paris cũng trừ 2,2 tỷ USD, giúp khối nợ quá hạn của Myanmar nhẹ gánh hơn 60%.'Mỏ vàng' tài nguyên tại Myanmar / Standard Chattered trở lại Myanmar
Ngày hôm qua (28/1), Myanmar đã được xóa khoản nợ quá hạn gần 1 tỷ USD từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB), thông qua một khoản vay bắc cầu của Nhật Bản. Việc này đã mở đường cho Myanmar vay thêm tiền khi quốc gia này đang ráo riết nâng cấp cơ sở hạ tầng.
ADB thông báo sẽ cho Myanmar vay tiếp 512 triệu USD, lần đầu tiên sau hơn 30 năm. Trong khi đó, WB phê chuẩn khoản vay 440 triệu USD cho quốc gia này. Số tiền trên sẽ được dùng để hoàn trả Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, nhà băng đã cho Myanmar vay tiền tháng này để trả các khoản nợ quá hạn với các tổ chức được chính phủ bảo lãnh.
Tính từ năm ngoái, Myanmar đã được xóa khoảng 6 tỷ USD nợ. Ảnh: Bloomberg |
Ông Maung Maung Thein - Thứ trưởng Bộ Tài chính Myanmar cho biết: “Chúng tôi cần vốn để phát triển và kinh doanh. Vì vậy, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ Myanmar rất nhiều”.
Myanmar đang nỗ lực giải quyết khoản nợ 11 tỷ USD quá hạn, sau hàng thập kỷ dưới quyền kiểm soát của quân đội khiến quốc gia này bị đẩy xuống hàng nghèo nhất châu Á. Các động thái cải tổ mạnh mẽ của Tổng thống Thein Sein đã thu hút dòng vốn nước ngoài cùng hàng loạt công ty trên thế giới như General Electric (Mỹ) hay Telenor (Na Uy).
Nhật Bản, chủ nợ lớn nhất của Myanmar năm ngoái đã đồng ý xóa bỏ gần một nửa số nợ trị giá 6,6 tỷ USD cho nước này. Hôm qua, Bộ Tài chính Myanmar cũng cho biết Na Uy đã xóa bỏ 534 triệu USD nợ cho họ sau một cuộc họp với 19 nước thành viên Câu lạc bộ Paris (nhóm các nước chủ nợ gồm Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản, Nga và 14 nước khác).
Cũng trong cuộc họp này, các thành viên Câu lạc bộ Paris đã đồng ý xóa 2,2 tỷ USD nợ cho Myanmar, theo Wall Street Journal. Như vậy, tính đến nay, khối nợ của Myanmar phải gánh đã nhẹ hơn tới 60%.
Trong một báo cáo tháng này, IMF cho biết: "Các tổ chức nhận thấy việc xóa nợ là cần thiết để giúp Myanmar tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế và đảm bảo tính bền vững của các khoản vay". Cơ quan này cũng nhận xét việc Tổng thống Thein Sein phá bỏ hệ thống tỷ giá cố định và hiện đại hóa ngân hàng đang giúp kinh tế nước này phát triển. GDP Myanmar được dự đoán tăng 6,3% năm tài chính 2013, cao hơn 5,5% năm ngoái. Tốc độ này có thể đạt 7% trong 5 năm tới nếu những cải tổ này vẫn được tiến hành.
Thùy Linh - Phương Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét