Thứ Năm, 5 tháng 6, 2025

Tại sao 8 năm qua tôi toàn đi buýt ?

Tại sao 8 năm qua tôi toàn đi buýt ?
Sáng nay, trên Blog và FB cá nhân, tôi có đăng bài TRÁI TIM THỨ HAI để nói về lợi ích vô cùng to lớn của việc đi bộ. Trái tim thứ hai trong cơ thể bạn chính là đôi cơ bắp trong cẳng chân của bạn; chúng là chiếc bơm cơ sinh học bơm máu về tim. 
Mỗi lần bạn bước đi, các cơ bắp chân co lại. Chúng ép các tĩnh mạch như vắt một miếng bọt biển. Kết quả máu được đẩy mạnh về tim, giúp cho hệ tuần hoàn của bạn lưu thông máu liên tục và trơn chu. Ngược lại, nếu không có "trái tim thứ hai" này, máu sẽ ứ lại nơi mắt cá chân. Giãn tĩnh mạch xuất hiện. Chân nặng nề. Cơ bắp căng tức. Mệt mỏi âm ỉ lan khắp cơ thể… Đau tim và giảm tuổi thọ.

Chính vì hiểu đôi cơ bắp trong cẳng chân là chiếc bơm máu tự nhiên của con người nên trong 35 năm qua, tôi thường xuyên đi bộ, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, để làm tăng sức mạnh của chiếc bơm này. Ở đâu tôi cũng có ô tô riêng, có xe máy riêng, nhưng tôi vẫn đi bộ đi học, đi làm... Mặt khác, tôi kiên quyết không đi thang máy mà toàn đi thanh bộ; chi ở những nơi không có thang bộ, hoặc số tầng phải leo nhiều quá, hoặc việc quá gấp,... thì tôi mới đi thang máy. 


Bên cạnh đó, vào các ngày nghỉ cuối tuần hay trong các dịp lễ không phải đi làm, tôi thường ra ngoại ô leo núi. Tôi đã leo lên đỉnh tất cả các núi quanh Hà Nội như núi Ba Vì, núi Tam Đảo, núi Hàm Lợn, núi Đồng Lư, núi Tiên Lữ, núi Ninh Sơn, núi Sài Sơn (có chùa Thầy), Đỉnh Phổ Đà Sơn, núi Quan Sơn, các núi khu vực chùa Hương và chùa Bảo Đài (chùa Tuyết), núi Sóc (có tượng Thánh Gióng), Đồi Bù (điểm chơi dù lượn)... 

Cách đi là đi xe buýt đến điểm gần chân núi nhất, đi bộ từ bến xe buýt vào chân núi (2-5 km), sau đó bắt đầu leo núi. Lên đến đỉnh ăn trưa, đọc sách, ngắm cảnh rồi xuống núi, ra bến xe buýt để trở về nhà. Nhờ leo núi, bắp chân của tôi rất to, khỏe và vững chắc. Tôi có thể đứng vững bằng một chân trong nhiều giờ đồng hồ, hoặc leo lên núi rồi đi xuống núi khoảng 40-50 km trong ngày mà cơ thể vẫn bình thường.

Quay lại chủ đề bài này là Tại sao 8 năm qua tôi toàn đi buýt ? Có 5 nguyên nhân.

1. Đi xe buýt để được đi bộ và leo cầu thang. 

Nếu dùng ô tô, xe máy cá nhân, tôi sẽ ít có cơ hội được đi bộ và leo cầu thang vì tôi bận suốt ngày, cùng một lúc làm việc ở 3 cơ quan, ngày nào cũng phải ra khỏi cửa. Công việc rất bận nên không còn thời gian dành riêng cho đi bộ. Nhờ đi buýt, tôi được đi bộ ra bến, được đi bộ khi chuyển xe buýt, được đi bộ từ bến xe buýt vào cơ quan làm việc...

Xem các ảnh ở dưới, các bạn sẽ thấy trong tuần từ 30/5 đế hôm nay 5/6, tôi đi bộ trung bình 5km/ngày, trong tháng từ 6/5 đến 5/6, trung bình 6,1 km/ngày; trong 6 tháng từ đầu tháng 12/2024 đến đầu tháng 6/2025, trung bình 5 km/ngày; và trong 1 năm từ tháng 7/2024 đến tháng 6/2025 trung bình 4,7 km/ngày.
Đó là chưa kể hàng ngày tôi vẫn đến Câu lạc bộ Ba Đình chơi thể thao, bơi, tập yoga và chạy trên máy 2-3 km.

Đặc biệt, nhờ đi xe buýt, tôi có cơ hội chui xuống hầm ngầm hoặc leo lên cầu vượt khi muốn sang đường, có cơ hội đi đường sắt trên cao. Mỗi lần như thế tôi lại được leo cầu thang, làm tăng sức mạnh của bộ đôi bắp chân và bắp đùi.

Xem các ảnh ở dưới, các bạn thấy trong tuần từ 30/5 đế hôm nay 5/6, tôi leo cầu thang trung bình 9 tầng/ngày, trong tháng từ 6/5 đến 5/6, trung bình 17 tầng/ngày; trong 6 tháng từ đầu tháng 12/2024 đến đầu tháng 6/2025, trung bình 16 tầng/ngày; và trong 1 năm từ tháng 7/2024 đến tháng 6/2025 trung bình 14 tâng/ngày. Có được thành tích này là nhờ ở trường hay ở bất cứ đâu, có thang bộ là tôi đi thang bộ. Tôi ở chung cư, tầng 22, nhiều lần đi làm về, tôi leo thẳng một mạch từ dưới đất lên căn hộ.

Đó là điện thoại Iphone tự động đo khi tôi mang trên mình. Số km và số tầng trên chưa tính đến thực tế là nhiều hôm tôi quên không mang điện thoại theo mình hoặc mang theo nhưng đến cơ quan để trên bàn, không cầm theo mỗi khi đi lại. Số km và số tầng chưa tính này cũng không nhỏ vì do đặc điểm nghề giáo phải giảng dạy ở nhiều phòng học trên nhiều tầng khác nhau và làm đồng thời ở ba cơ quan trong các tòa nhà cao tầng... nên thời gian di chuyển khá nhiều.

2. Đi xe buýt để có thời gian xoa bóp và bấm các huyệt đạo trên cơ thể

Hệ thống kinh mạch trên cơ thể con người rất nhiều. Giao điểm của các tuyến kinh mạch tạo nên các huyệt đạo. Xoa bóp kinh mạch và bấm các huyệt đạo trên cơ thể sẽ làm khí huyết lưu thông, mạch máu lưu chuyển thông suốt...

Ngồi tự do tự tại trên xe buýt chính là cơ hội vàng để xoa bóp và bấm các huyệt đạo trên cơ thể. Từ nhà đến cơ quan hoặc đến trường, tôi thường phải mất 1-1,5 giờ; tính hai chiều là 2-3 giờ, thậm chí có khi 4-5 giờ nếu bị tắc đường. Trong thời gian ngồi trên xe buýt, trên đường sắt trên cao, trong khi hầu hết các hành khách khác xem điện thoại hoặc ngủ gà ngủ gật thì tôi xoa bóp và bấm các huyệt đạo trên cơ thể.

Đầu tiên là xoa bóp toàn thân, từ đầu đến chân. Chú trọng xoa mặt, xoa đầu, chải đầu bằng tay, miết các tuyến kinh mạch trên đầu. Sau đó chuyển dần xuống tay, rồi chân, rồi bụng, rồi lưng.

Tiếp đến là bấm các huyệt đạo. Khắp nơi trên cơ thể chúng ta đều có huyệt đạo. Bấm lần lượt từ đầu xuống chân, từ lưng vòng ra trước bụng.

Sau khi xoa bóp và bấm các huyệt đạo xong, khí huyết đã lưu thông mạnh mẽ, người đã rất nóng và nhiều mồ hôi (rất may là xe buýt và metro đều có điều hòa nhiệt độ), thì chuyển sang tập thể dục cổ, tay và chân.

Đối với cổ, ngẩng cao ra phía sau rồi gục xuống phía trước 20 lần; lắc sang phải rồi lắc sang trái 20 lần, xoay vòng đầu từ trái sang phải rồi từ phải sang trái cũng 20 lần...
Đối với tay, bẻ các khớp tay, cổ tay, bàn tay và ngón tay, rồi xòe tay ra và nắm tay vào luân phiên 20 lần.

Đối với chân, cũng là như với tay. Đặc biệt, cần bấm mạnh vào các huyệt dưới gan bàn chân và rìa bàn chân.

Nếu đi metro, tôi thường chọn khoang vắng hành khách (tôi thường đi không trùng giờ cao điểm), để tập 10 động tác thể dục: Vươn thở, vặn mình ngang, uốn cột sống sang phải rồi sang trái theo chiều đứng, gập bụng ưỡn lưng, bụng gập để tay sát đất, xoay chân,... Trước cửa trường tôi có công viên Manor (Manor Central Park), tôi thường vào đó đi bộ và tập cả bài dạng Yoga "Suối nguồn tươi trẻ" trước khi bắt đầu giờ giảng hay làm việc.

3. Đi xe buýt để có thời gian đọc sách, xem lại bài giảng, chấm bài kiểm tra giữa kỳ, bài thi cuối kỳ, chấm báo cáo thực tập và khóa luận, luận văn tốt nghiệp, hoặc đọc các dự án, báo cáo đề tài khoa học, xây dựng đề cương, đề án, đọc và phê duyệt các công văn, hồ sơ... Tất cả những việc này đều có thể thực hiện trong khi ngồi trên xe buýt.

4. Đi xe buýt để tránh nắng mưa, tránh ô nhiễm môi trường và nhất là đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường phố. Điều này chắc không cần giải thích vì ai cũng biết. Đặc biệt xe buýt và metro thường xuyên có điều hòa rất mát, nên làm việc trên xe buýt rất sảng khoái.

Như vậy lợi ích của đi xe buýt rất rõ. Thay vì 3-4 giờ mỗi ngày tự mình phải lái xe mệt mỏi và không làm được bất cứ việc gì khác, thì chúng ta đi buýt và sử dụng thời gian ngồi xe buýt để làm được rất nhiều việc hữu ích.

5. Nguyên nhân cuối cùng: Ủng hộ chính sách khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng của nhà nước

Vài lời thế thôi, giờ tôi phải làm việc nên xin dừng ở đây.












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét