Thuế thuốc lá và những ngụy biện thường được gắn với nó
FB Vũ Hoàng Linh 4-6-2025 - Ngày 9 tháng 5 năm 2025, trong đề xuất Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi trình Quốc hội, Bộ Tài chính bất ngờ chuyển sang ủng hộ “phương án 1 mới” (màu vàng) – tức là phương án tăng thuế thuốc lá ở mức thấp hơn, trái ngược với quan điểm trước đây của Bộ này là áp dụng “phương án 2” là phương án có mức tăng cao sớm hơn (5.000 đồng/bao). Thêm vào đó, lộ trình tăng thuế được đề nghị bắt đầu từ năm 2027 (thay vì 2026 như trước kia) với mức tăng tối thiểu 2.000 đồng/bao.Đây có phải là một phương án tốt không? Nó mang lại những lợi ích gì? Những lý do biện minh cho nó là gì? Nếu bạn đã theo dõi quá trình vận động chính sách trong lĩnh vực thuốc lá, thì đây không phải là điều quá bất ngờ. Những lời biện minh cho việc không tăng thuế mạnh – hoặc chỉ tăng “vừa phải”, “theo lộ trình hợp lý” – thường dựa trên ba luận điểm lặp đi lặp lại đến quá quen thuộc:
(1) Tăng thuế làm hại sinh kế nông dân trồng thuốc lá.
(2) Tăng thuế gây khó khăn cho doanh nghiệp.
(3) Tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến người nghèo.
Thoạt nghe, các lập luận này có vẻ nhân văn, thấu tình đạt lý. Nhưng khi kiểm tra kỹ, người ta sẽ nhận ra rằng chúng không dựa trên bằng chứng khoa học độc lập, mà chủ yếu đến từ các nhóm lợi ích gắn chặt với ngành công nghiệp thuốc lá – một ngành vốn có lịch sử dài chống lại mọi tiến bộ về chính sách y tế công.
Và nghịch lý là: Chính những quan điểm có vẻ “thận trọng”, “bảo vệ sinh kế” ấy lại đang trực tiếp duy trì một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm, nghèo hóa người dân, và tạo áp lực nặng nề lên hệ thống y tế – hút thuốc lá.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hút thuốc là nguyên nhân trực tiếp gây ra trên 100.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam, tức là trung bình mỗi ngày gần 300 người chết – nhiều hơn tai nạn giao thông, nhiều hơn cả ung thư gan và bệnh tim cộng lại. Những con số này không phải là “nghịch lý của sự lựa chọn cá nhân” – mà là kết quả trực tiếp của một chính sách thuế còn quá thấp, quá chậm thay đổi.
Điều đáng nói là các tác hại của thuốc lá không dừng lại ở bệnh viện, mà lan sang cả thu chi ngân sách nhà nước: Tổng chi phí y tế và tổn thất năng suất do thuốc lá gây ra ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương khoảng 1,14% GDP (Bộ Y tế & WHO, 2023). Trong khi đó, số thu từ thuế thuốc lá chỉ khoảng 20.000 tỷ đồng – nghĩa là mỗi đồng thu được từ thuốc lá lại đi kèm hơn 5 đồng chi phí tổn thất xã hội.
Vậy mà chính sách vẫn bị kìm hãm. Vì sao?
Câu trả lời, một phần, nằm ở sức mạnh ngôn ngữ của các lập luận có vẻ “trung dung” mà ngành công nghiệp thuốc lá không ngừng lặp lại. Từng cụm từ như “gây sốc cho doanh nghiệp”, “ảnh hưởng đến người thu nhập thấp”, “tránh đứt gãy sản xuất”… nghe quen thuộc đến mức gần như trở thành phản xạ chính sách. Nhưng sự quen thuộc không phải là sự đúng đắn.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia có thu nhập cao, và hệ thống y tế “ngang tầm các nước phát triển”, với tuổi thọ trung bình vượt 80 tuổi, người dân không phải trả thêm chi phí khám chữa bệnh nằm ngoài bảo hiểm y tế. Đó là một tầm nhìn đầy cảm hứng mà Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây tái khẳng định như một trụ cột phát triển bền vững.
Nhưng để hiện thực hóa viễn cảnh ấy, chúng ta không thể giữ mãi chính sách thuế thuốc lá ở mức trung bình thấp như hiện nay – thấp hơn khuyến nghị của WHO, thấp hơn cả Thái Lan, Philippines, Indonesia, chứ chưa nói đến các nước OECD. Vâng, có cao hơn Lào và Campuchia- nhưng đó phải chăng là điều bạn muốn nghe?
Chúng ta càng không thể tiếp tục cho phép các ngụy biện được tài trợ cản trở một chính sách đã được chứng minh là hiệu quả, công bằng, và lợi ích rõ rệt trên cả ba mặt: y tế, ngân sách, và công bằng xã hội.
Trong phần tiếp theo, tôi sẽ đi sâu vào phản biện từng lập luận phổ biến nhất mà ngành công nghiệp thuốc lá đưa ra – để thấy rằng, vấn đề không phải là không có giải pháp, mà là có những người không muốn giải pháp ấy được thực hiện.
1. Phản biện ba lập luận sai lệch của ngành thuốc lá
“Tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới sinh kế người nông dân thuốc lá”
Lập luận này thường được trình bày như một dạng biện hộ nhân văn: Rằng bất kỳ sự thay đổi chính sách thuế nào cũng nên cân nhắc đến những người nông dân vốn đã sống chật vật bằng việc trồng cây thuốc lá. Nhưng thực tế lại khác xa hình dung cảm tính đó.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích canh tác thuốc lá tại Việt Nam hiện chỉ khoảng 15.000 ha, chưa đến 0,1% tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước. Số hộ trồng thuốc lá cũng chưa đến 30.000 hộ, chiếm tỷ lệ không đáng kể trong cơ cấu lao động nông nghiệp. Đó là một nhóm dân cư nhỏ, và trong chính nhóm đó, phần lớn lại không có khả năng tích lũy từ cây thuốc lá, mà thường chịu cảnh nợ nần vì chi phí đầu vào cao và phụ thuộc vào doanh nghiệp thu mua duy nhất.
Một nghiên cứu của Trường Đại học Nairobi (Kenya) cho thấy: những hộ nông dân từ bỏ trồng thuốc lá và chuyển sang trồng cây có giá trị cao hơn như đậu tương, ớt, hay cây dược liệu, có mức thu nhập ròng tăng hơn 20% chỉ sau hai mùa vụ, đồng thời giảm đáng kể nợ vay đầu vụ do không còn phụ thuộc vào các khoản ứng của công ty thuốc lá. Kết quả tương tự được ghi nhận ở Bangladesh, Malawi và Philippines, với điều kiện chính sách hỗ trợ kỹ thuật và tiếp cận thị trường được triển khai kèm theo.
Vậy nên, nếu thực sự lo cho sinh kế nông dân, thì giải pháp không phải là giữ nguyên thuế thấp để họ tiếp tục bám vào một loại cây gây bệnh và có tương lai bấp bênh, mà sản phẩm là thứ được coi là độc hại và sẽ ngày càng giảm lượng tiêu thụ trên thị trường, mà là giúp họ chuyển đổi sang sinh kế bền vững hơn, sang những cây trồng có tương lại hơn. Vấn đề không phải là thuế thuốc lá, mà là thiếu chính sách chuyển đổi ngành nghề nông thôn hiệu quả.
“Tăng thuế sẽ gây sốc cho doanh nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng”
Lập luận này thường được trình bày với ngôn ngữ “kinh tế vĩ mô”: Rằng bất kỳ chính sách thuế nào có tính đột biến đều phải tránh “tạo cú sốc” ảnh hưởng đến việc làm, sản xuất, chuỗi cung ứng – đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch và tìm động lực tăng trưởng. Lập luận này gần đây lại càng được lạm dụng để nhấn mạnh rằng thì là Việt Nam đang cần có tăng trưởng kinh tế cao tối thiểu 8% nên cần tránh gây sốc cho doanh nghiệp v.v.v
Nhưng nhìn kỹ, ta sẽ thấy ngành công nghiệp thuốc lá là một ngành đặc biệt:
– Thứ nhất, hầu hết các doanh nghiệp thuốc lá lớn tại Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước hoặc liên doanh có bảo hộ, không nằm trong khu vực sản xuất có sức cạnh tranh cao.
– Thứ hai, lợi nhuận của ngành duy trì ở mức siêu ngạch trong nhiều năm do mức thuế thấp, sản phẩm gây nghiện và biên lợi nhuận ở mức cao. Lấy ví dụ, trong ba năm gần đây, bất chấp kinh tế khó khăn, Vinataba vẫn liên tục có sự gia tăng doanh thu và lợi nhuận, với mức doanh thu tăng 15-20% mỗi năm.
– Thứ ba, đây là ngành tạo ra sản phẩm gây hại, với chi phí y tế xã hội vượt xa giá trị kinh tế mà nó mang lại. Nói cách khác, đây không phải là ngành mà chính phủ cần “bảo vệ bằng mọi giá”.
Từ góc độ kinh tế học phúc lợi, tăng thuế thuốc lá là một trong những chính sách thuế hiếm hoi có hiệu ứng kép: vừa tăng thu ngân sách, vừa giảm tác hại sức khỏe. Những ngành như vậy đáng được ưu tiên điều chỉnh chứ không nên trì hoãn.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc năm 2015 là minh chứng mạnh mẽ. Nước này đã tăng giá thuốc lá từ 2.500 won lên 4.500 won (tăng hơn 80%) chỉ trong một đêm. Dù ban đầu gây phản ứng mạnh từ doanh nghiệp, nhưng không có sự đứt gãy chuỗi cung ứng nào, và số người hút giảm 15% chỉ trong hai năm đầu. Quan trọng hơn, nguồn thu từ thuế thuốc lá tăng hơn 70% và được dùng để mở rộng BHYT cho người dân.
Quan điểm của những người ủng hộ tăng “nhẹ nhàng” thuế, ở mức 2.000 đồng/bao, gọi là để doanh nghiệp có thời gian thích nghi, nhưng thực ra ý của họ là gì? Là tăng nhẹ để người tiêu dùng tiếp tục “thích nghi”, không bỏ thuốc vì giá chỉ tăng nhẹ nhàng. Nói cách khác, đó là tiếp tục tìm cách nuôi dưỡng thói quen xấu hút thuốc của người tiêu dùng, vì lợi ích của doanh nghiệp và bất chấp các tổn thất y tế, sức khỏe và năng suất trong ngắn hạn và nhất là trong dài hạn của người dân.
Ở Việt Nam, những doanh nghiệp thuốc lá có năng lực sẽ phải thích nghi bằng cách giảm chi phí, cải thiện công nghệ – hoặc chuyển hướng đầu tư. Đó là sự chuyển dịch lành mạnh cần thiết trong một nền kinh tế đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển con người.
“Tăng thuế làm tăng gánh nặng cho người nghèo”
Đây là lập luận được sử dụng nhiều nhất – và cũng gây tác động cảm xúc mạnh nhất. Nhưng trên thực tế, đây lại là ngụy biện kinh tế phổ biến nhất trong các chính sách liên quan đến hàng hóa có hại cho sức khỏe (sin taxes).
Trên bề mặt, đúng là người nghèo hút thuốc nhiều hơn, và tăng giá thuốc sẽ khiến họ chi tiêu nhiều hơn – nếu hành vi không thay đổi. Nhưng điều mà các nghiên cứu kinh tế hành vi đã chỉ ra là: Người nghèo nhạy cảm với giá hơn người giàu – nên họ bỏ hút thuốc nhanh hơn khi giá tăng. Điều này lại càng đúng hơn với lứa thanh thiếu niên, là những người mới bắt đầu hút thuốc lá và cũng là đối tượng nhạy cảm về giá thuốc lá hơn hẳn người lớn tuổi, do thu nhập hạn chế. Chính vì vậy, tăng giá thuốc lá mạnh sẽ giúp họ dễ bỏ thuốc lá hơn, hoặc sẽ ngăn họ tiếp xúc với thuốc lá ngay từ đầu. Về mặt y tế, những người ở lứa tuổi này cũng có thời gian hút thuốc ngắn hơn nên cũng dễ bỏ được thuốc lá hơn.
Một nghiên cứu của World Bank (2019) tại Philippines cho thấy, sau khi tăng thuế thuốc lá, tỷ lệ bỏ thuốc tăng nhiều nhất ở nhóm thu nhập thấp (tăng 12%) so với nhóm thu nhập cao (chỉ tăng 4%). Đồng thời, chi tiêu hộ gia đình dành cho thực phẩm và giáo dục tăng lên ở nhóm nghèo – tức là thu nhập khả dụng được sử dụng hiệu quả hơn.
Ở Việt Nam, khảo sát mức sống hộ gia đình (VHLSS) cho thấy chi tiêu cho thuốc lá chiếm trung bình 1,9% tổng chi tiêu hộ, nhưng ở nhóm hộ nghèo, tỷ lệ này có thể lên tới 2,5–3%, đồng nghĩa với cơ hội bị “lấn át” khỏi thực phẩm, thuốc men, giáo dục. Nếu tăng thuế giúp người nghèo hút ít đi, họ sẽ có thêm tiền cho những ưu tiên thực sự.
Tăng thuế thuốc lá không đánh vào người nghèo. Ngược lại, nó bảo vệ người nghèo khỏi những bệnh tật tốn kém mà họ ít có khả năng tiếp cận điều trị. Nói thêm nữa, tỷ lệ chi trả y tế từ tiền túi của người dân ở Việt Nam hiện nay rất cao, đạt tới 36% tổng chi phí y tế trong dân số, thậm chí là cao hơn đáng kể ở nhóm người nghèo do họ vừa có mức độ bao phủ của bảo hiểm y tế thấp vừa có thu nhập thấp hơn đáng kể so với nhóm giàu. Hãy hình dung tới gánh nặng y tế của một người nghèo hút thuốc lá và mắc ung thư phổi trong khi không được bảo hiểm y tế? Có rất nhiều câu chuyện thương tâm như vậy, và trong nhiều trường hợp, họ phải bán nhà hay không cho con cái đi học để dồn tất cả tiền của lo cho sức khỏe người bệnh.
Như vậy, tăng thuế thuốc lá không chỉ là chính sách công bằng, mà còn là một trong những chính sách an sinh hiệu quả nhất trong dài hạn. Điều này còn nhất quán với định hướng miễn viện phí cho người dân mà TBT Tô Lâm đã nêu ra, tránh tình trạng hệ thống y tế quá tải do mức độ chi trả quá cao cho các bệnh nan y có liên quan tới thuốc lá. Đó là chưa kể, một phần nguồn thu từ thuế thuốc lá có thể được sử dụng trở lại để chi trả cho các dịch vụ y tế nhằm phòng chống và chữa trị các căn bệnh do thuốc lá gây ra. Khi tăng thuế thì nguồn thu này sẽ tăng lên đáng kể như tiền lệ ở Philippines và Thái Lan cho thấy. Theo ước tính của WHO, nếu thực hiện theo lộ trình mà WHO và Bộ Y tế đề xuất, tức là tăng thuế đơn vị đánh vào thuốc lá lên 15000 đồng/bao vào năm 2030 thì nguồn thu từ thuế thuốc lá có thể tăng tới 29.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, cũng Bộ Y tế ước tính rằng nếu tất cả người dân được miễn khám sức khỏe một lần/năm thì tổng chi phí là 25.000 tỷ đồng/năm
2. Tăng thuế thuốc lá – vì một Việt Nam 2045 khỏe mạnh và thịnh vượng
Nếu có một chính sách nào đó cùng lúc giúp tăng thu ngân sách, cải thiện sức khỏe cộng đồng, và thúc đẩy công bằng xã hội – thì chắc chắn chính sách đó nên được ưu tiên trong mọi nghị trình cải cách quốc gia. Thuế thuốc lá chính là một ví dụ như vậy. Nhưng đáng tiếc, nó lại thường bị trì hoãn.
Trong bối cảnh Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 – một cột mốc lịch sử được Tổng Bí thư Tô Lâm tái khẳng định như một khát vọng chính trị và đạo lý – thì việc tăng thuế thuốc lá mạnh mẽ, nhanh chóng và quyết đoán không chỉ là một lựa chọn hợp lý, mà là điều bắt buộc về mặt logic phát triển.
Để đạt được mức GDP bình quân đầu người khoảng 12.000–13.000 USD vào năm 2045, Việt Nam cần tăng trưởng trung bình trên 6,5% mỗi năm trong 20 năm tới, đồng thời giữ ổn định vĩ mô, tăng năng suất lao động và bảo đảm tính bền vững về nguồn lực con người.
Tuy nhiên, thuốc lá là một rào cản âm thầm nhưng cực kỳ dai dẳng đối với mục tiêu đó. Theo Bộ Y tế và WHO (2023), tổng thiệt hại kinh tế do thuốc lá gây ra (bao gồm chi phí y tế và tổn thất năng suất lao động) ước tính khoảng 108.000 tỷ đồng/năm, tương đương 1,14% GDP. Bên cạnh đó, hút thuốc là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh mãn tính như tim mạch, đột quỵ, ung thư phổi – vốn là những bệnh khiến người lao động mất khả năng làm việc sớm, làm gia tăng tỷ lệ nghỉ hưu trước tuổi và chi phí BHYT. Người lao động Việt Nam luôn bị đánh giá là có sức khỏe yếu và có tuổi khỏe mạnh thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực, mà thuốc lá (và rượu bia) đóng vai trò rất lớn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu tăng năng suất lao động và kéo dài thời gian tham gia thị trường lao động – hai trụ cột để đạt mức thu nhập cao.
Vì vậy, tăng thuế thuốc lá không chỉ là công cụ tài khóa – mà còn là một chính sách phát triển nhân lực quốc gia. Không có quốc gia nào phát triển mà lại thiếu một lực lượng lao động khỏe mạnh, có năng suất cao và khả năng làm việc liên tục (hãy hình dung tới cảnh những người nghiện thuốc lá trong văn phòng của bạn cứ một tiếng là lại ra ban công hay xuống dưới chân tòa nhà để rít thuốc). Trong quá trình phát triển của các nước như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…chặng đường trở thành nước thu nhập cao thường song hành với lộ trình tăng giá thuốc nhanh, mạnh và dứt khoát. Lấy ví dụ Hàn Quốc từng tăng sốc giá thuốc từ 2.500 won lên 4.500 won/bao (gần 80%) vào năm 2015.
Theo Nghị quyết 20-NQ/TW về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, Việt Nam đặt ra các chỉ tiêu y tế đến năm 2045 như:
– Tuổi thọ trung bình trên 80 tuổi;
– Chiều cao trung bình nam giới tương đương các nước phát triển;
– Người dân không phải chi trả thêm chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi BHYT;
– An sinh xã hội về y tế ngang tầm các nước tiên tiến.
Đây là những mục tiêu đầy tham vọng – và không thể đạt được nếu không kiểm soát triệt để các yếu tố nguy cơ như thuốc lá.
Theo Báo cáo GATS Việt Nam (2020), tỷ lệ hút thuốc nam giới vẫn ở mức 42,3% – cao nhất khu vực ASEAN. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, tỷ lệ này sẽ tiếp tục duy trì hoặc chỉ giảm chậm. Điều đó đồng nghĩa với tình trạng mắc bệnh không lây nhiễm (ung thư, COPD, tim mạch) tiếp tục cao. Gánh nặng y tế tiếp tục dồn vào hệ thống BHYT, trong khi người dân nghèo vẫn bị “bẫy” trong chi phí khám chữa bệnh ngoài bảo hiểm.
Theo WHO, cứ mỗi 10% tăng giá thuốc lá (qua tăng thuế), thì tỷ lệ hút giảm 4–5% ở người trưởng thành và nhiều hơn ở thanh thiếu niên. Một chính sách tăng thuế đủ mạnh có thể giúp Việt Nam giảm tỷ lệ hút thuốc xuống dưới 30% trước năm 2030 – điều kiện tiên quyết để đạt các mục tiêu y tế quốc gia.
Thêm nữa, không thể bàn đến tăng trưởng mà bỏ qua nguồn lực ngân sách. Trong điều kiện dư địa thuế thu nhập và thuế VAT có hạn, thì tăng thuế tiêu thụ đặc biệt – nhất là với các mặt hàng gây hại – là lựa chọn tài khóa khôn ngoan. Theo kịch bản được WHO và Bộ Y tế khuyến nghị: Áp dụng thuế hỗn hợp gồm thuế tuyệt đối (tăng thêm 5.000 đồng/bao vào năm 2026, tiến tới 15.000 đồng/bao vào năm 2030) và thuế suất tỷ lệ đạt 75% giá bán lẻ thì nguồn thu từ thuế thuốc lá có thể đạt thêm 29000 tỷ đồng/năm.
Một phần nguồn thu này hoàn toàn có thể được sử dụng để:
– Trợ cấp BHYT cho người dân nghèo;
– Đầu tư phòng chống bệnh không lây nhiễm;
– Mở rộng dịch vụ y tế dự phòng cấp cơ sở;
– Hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho người trồng thuốc lá.
Mô hình này đã được nhiều quốc gia thực hiện thành công. Philippines, sau cải cách thuế thuốc lá năm 2012, đã đưa 80% khoản thu thêm từ thuế vào Quỹ Y tế Quốc gia, giúp mở rộng BHYT toàn dân và đầu tư y tế nông thôn. Việt Nam hoàn toàn có thể làm điều tương tự – với chính sách thuế thông minh, lộ trình rõ ràng và sự phối hợp liên ngành.
3. So sánh quốc tế
Theo báo cáo của WHO và Ngân hàng Thế giới (2023), Việt Nam hiện áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 75% giá xuất xưởng (không phải giá bán lẻ). Điều này tương đương khoảng 35–40% giá bán lẻ – thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của WHO là tối thiểu 75% giá bán lẻ.
Để dễ hình dung ta có bảng sau:
Như vậy, Việt Nam có mức giá thuốc lá rẻ nhất và thuế thấp nhất nhóm trong số các nước có thu nhập trung bình.
Vậy các nước trong khu vực có sự thay đổi như thế nào? Nhất là Philippines và Thái Lan là hai nước có thu nhập và trình độ phát triển gần tương tự Việt Nam.
Năm 2012, Philippines thông qua Đạo luật “Sin Tax Reform” – trong đó tăng mạnh thuế thuốc lá và rượu. Kết quả là tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm 10,7 điểm phần trăm chỉ trong 7 năm (từ 38,3% năm 2012 xuống còn 27,6% năm 2019), trong khi đó thu ngân sách tăng gấp 3 lần trong vòng 5 năm. Khoản thu thêm được đầu tư vào chương trình BHYT quốc gia (PhilHealth), mở rộng bao phủ cho người nghèo và nông thôn.
Trong năm 2015, chính phủ Hàn Quốc quyết định tăng giá thuốc lá từ 2.500 won lên 4.500 won/bao (gần 80%), qua việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT. Chỉ sau 2 năm, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 43.1% xuống 38.1%, sau đó tiếp tục giảm còn 31.3% năm 2022. Trong khi đó, Chính phủ thu thêm khoảng 5 tỷ USD, một phần được tái đầu tư vào y tế cộng đồng.
Thái Lan áp dụng mô hình thuế hỗn hợp từ năm 2017, bao gồm thuế tỷ lệ 75–80% giá bán lẻ và thuế tuyệt đối theo số tiền trên mỗi bao thuốc (tương tự như đề xuất ở Việt Nam). Kết quả là tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm đều từ 45.6% (2009) xuống còn 37,7% (2021). Giá thuốc lá trung bình tăng gấp đôi, làm giảm tiêu dùng và tăng ngân sách, và một phần nguồn thu này để tài trợ cho Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia.
4. Tăng nhanh, tăng mạnh và không trì hoãn
Khi tranh luận về chính sách thuế thuốc lá, lập luận “tăng từ từ”, “tránh gây sốc” luôn được viện dẫn như một giải pháp thận trọng. Nhưng đó có thực sự là thận trọng – hay là một sự kéo dài tình trạng thiệt hại kéo dài về y tế, tài khóa và công bằng xã hội?
Tăng từ từ thường là biểu hiện của chính sách du di với lợi ích nhóm. Trong khi các bằng chứng đã quá rõ: mức thuế hiện tại thấp hơn trung bình khu vực; mức độ thiệt hại kinh tế cao hơn thu ngân sách từ thuốc lá; và nhu cầu can thiệp chính sách là cấp thiết.
Mỗi năm trì hoãn là mỗi năm Việt Nam sẽ mất khoảng 100.000 ca tử vong sớm do thuốc lá; với mức tổn thất hơn 100.000 tỷ đồng do chi phí y tế và năng suất lao động bị mất. Đồng thời, chúng ta cũng bỏ lỡ cơ hội thu ngân sách bổ sung có thể tài trợ cho các mục tiêu an sinh xã hội, hay thậm chí cho cả đầu tư công nhằm vào tăng trưởng kinh tế.
Trong kinh tế học chính sách, có khái niệm gọi là “cửa sổ cơ hội” (window of opportunity). Khi xã hội đồng thuận, khi các bằng chứng đã rõ ràng, và khi chi phí của việc không hành động là quá lớn – thì chần chừ chính là sự phung phí chính trị.
Việt Nam đang đứng trước một cửa sổ cơ hội như vậy. Tăng thuế thuốc lá không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp, không phải là trừng phạt người hút thuốc, mà là một khoản đầu tư vào tương lai dân tộc.
5. Kết luận
Sau tất cả, thuế thuốc lá không chỉ là một công cụ tài khóa. Nó là một lựa chọn đạo lý- và đây lại là thứ người ta ít nói đến trong các thảo luận chính sách liên quan tới thuốc lá.
Bởi vì đây là một trong số rất ít chính sách mà dường như cái gì cũng tốt:
– Hiệu quả là điều chắc chắn: mọi nghiên cứu trên thế giới đều chứng minh tăng thuế làm giảm tiêu dùng, tăng thu ngân sách.
– Chi phí thấp nhưng lợi ích cao: chỉ một điều chỉnh chính sách có thể ngăn ngừa hàng trăm nghìn ca tử vong, tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng.
– Công bằng xã hội được cải thiện: người nghèo – nhóm chịu thiệt hại y tế nhiều nhất do thuốc lá – chính là những người hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách giảm hút thuốc.
Một chính sách win-win mọi nơi, mọi nhẽ như vậy mà lại bị trì hoãn, bị kỳ kèo, mặc cả, rút bớt chỗ này một tí, kéo giãn đoạn kia một tẹo, chỉ vì… à mà thôi.
Một quốc gia có thể trì hoãn đầu tư vào công nghệ, có thể tính toán lại các siêu dự án hạ tầng, nhưng không thể trì hoãn việc bảo vệ sự sống và phẩm giá của người dân. Bởi vì không có nền kinh tế nào bền vững nếu con người – nguồn lực quý giá nhất – bị tổn hại hàng loạt bởi những sản phẩm gây nghiện, rẻ tiền, và nguy hiểm như thuốc lá.
Tăng thuế thuốc lá có thể chỉ là một bước đi đơn lẻ trong chính sách y tế – tài khóa, nhưng cách chúng ta ra quyết định về nó lại phản ánh những điều lớn lao hơn về bản lĩnh và tầm nhìn của một quốc gia.
Nó đặt ra những câu hỏi cốt lõi: Chúng ta có đủ dũng khí để đặt lợi ích dài hạn của quốc gia lên trên những áp lực ngắn hạn? Chúng ta có thật sự hành động vì sức khỏe của nhân dân, hay vẫn còn bị ràng buộc bởi những vòng xoáy lợi ích nhóm và thói ì, e sợ tất cả những gì mới mẻ? Và sau cùng, chúng ta có xứng đáng với khát vọng 2045 – một Việt Nam không chỉ là một quốc gia dân giàu, nước mạnh, mà còn là nơi người dân có cuộc sống mạnh khỏe, an toàn, có quyền tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng?
Những câu hỏi lớn đó lại bắt đầu từ một quyết định tưởng chừng không lớn lắm sẽ được đưa ra trong những ngày sắp tới đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét