Chuyện Xuân Ba
Bất ngờ lướt FB thấy bài “CHUYỆN CHÁU TẠ ĐÌNH ĐỀ” (Bản đủ so với bản in trên Tiền Phong Chủ nhật hôm nay, 9-1-2022) của Xuân Ba, đăng trên trang FB Đại Định của bác Tạ Đình Thính, tôi đọc lướt qua thấy sốc nên viết bài bình dưới đây. 1) Theo tôi biết, bác Tạ Đình Thính tốt nghiệp phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) tại Tiệp Khắc năm 1970 (Xuân Ba viết thời điểm năm 1976, Tạ Đình Thính đang là nghiên cứu sinh PTS ngành kinh tế thống kê tại Tiệp Khắc). Không rõ chính xác là năm nào. Bác nguyên là Vụ trưởng tại Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chính phủ trong hàng chục năm. Trước đây thời còn công tác ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi cũng biết bác song chỉ cảm thấy quý bác vì bác hiền và tốt bụng, chứ ít trao đổi chuyên môn. Gần đây tôi cũng được bác tặng bộ sách “Chắp nhặt dông dài” được Xuân Ba kể trong bài báo này.
2) Đọc bài báo dài dòng này của Xuân Ba, nhận xét đầu tiên là văn chương lộn xộn, câu văn không ra câu văn, từ ngữ không ra từ ngữ, câu chữ phóng đại không cần thiết, trẻ con học loại văn này thì dốt càng thêm dốt, không nên đăng ở Tiền Phong Chủ nhật.
3) Từ lâu tôi đã biết tài năng của Xuân Ba là nghe một bốc phét lên thành mười, cho nên đọc giải trí thì được chứ để tin thì khó lắm. Ví dụ trong bài này ông ta cho rằng có tất những Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, lạnh lùng, An Nam tạp chí, Đông Dương tạp chí Nam Phong, Thanh Nghị Phong Hóa Ngày nay, Tự lực Văn đoàn Tao Đàn… và có cả những ấn phẩm thời kỳ CCRĐ, Nhân văn giai phẩm… tại phòng đọc Đông Nam Á ở Thư viện quốc gia Tiệp Khắc. Điều này tôi không tin, có thể có một số chứ không phải là một kho tàng đồ sộ như ông nhà báo này mô tả. Khi sang nước ngoài, tôi hay đến thư viện xin sách cũ, sách nào mà 3-5 năm không có ai đọc thì thường thư viện sẽ thanh lý 50-80% để lấy chỗ đặt sách khác, chỉ những sách có giá trị lịch sử mới lưu lại dài hạn một số bản; do đó họ sẽ lấy tặng tôi trước kỳ thanh lý vì họ biết đằng nào cũng bỏ đi. Loại truyện và tạp chí VN trên không xứng đáng được lưu trữ quá nhiều như cách mô tả của Xuân Ba.
4) Đoạn về kinh tế kế hoạch hóa tập trung, kinh tế thị trường và bảng cân đối kinh tế quốc dân “là phương pháp tính toán các chỉ báo dựa trên mô hình kinh tế nào và vấn đề so sánh giữa các nền kinh tế” được mô tả quá thô thiển, không chính xác, viết để cho có; câu chữ rất lủng củng, mơ hồ. Hình như trước đây nước ta không sử dụng cụm từ “bảng cân đối kinh tế quốc dân” mà chỉ sử dụng cụm từ “bảng cân đối liên ngành”, “sau này gọi là bảng đầu vào đầu ra” ( input–output tables). Trong bối cảnh Tiệp Khắc đang ở đỉnh cao XHCN năm 1976, nếu bác Thính có làm bảng này thì chắc cũng chỉ rất sơ khai và vẫn mang hơi hướng của mô hình kế hoạch hóa tập trung, chưa thể học theo sách để “thấm đẫm quan điểm kinh tế thị trường”…
5) Xuân Ba viết năm 1997, bác Thính được chọn vào nhóm nghiên cứu đặc biệt, thành viên nhóm này toàn những thứ dữ, trong đó có Trần Đình Thiên. Tôi biết anh Thiên thời đó mới 39 tuổi, đang còn cắp cặp theo hầu Đỗ Hoài Nam, nên khó có chuyện anh Thiên tham gia nhóm đó.
6) Hai tập Chắp nhặt dông dài dày 1372 trang, nhưng được Xuân Ba bốc lên thành gần 2000 trang, trang bì in một màu xanh với 4 chữ vô cùng khiêm tốn, vậy mà ông nhà báo bốc lên thành do NXB Hội Nhà Văn in rất bắt mắt bạn đọc. Nội dung sách chỉ bàn về hai vấn đề lịch sử là cải cách ruộng đất tại một địa phương và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, chứ không phải là vấn đề thu được từ “Những cuộc nghe liên miên. Những ghi chép dầy cộp của thân phận thơ lại. Những tập tài liệu được giải mật. Dằng dặc các cuộc gặp gỡ đủ mọi đối tượng từ các VIP đến cô văn thư anh đánh máy” như Xuân Ba bốc phét. Đặc biệt, tên sách là “Chắp nhặt dông dài”, thì được ông nhà báo đổi thành “Chắp nhặt giông dài”, phản ánh sự vô trách nhiệm không giới hạn của nhà báo này… Loại bài xuyên tạc sự thật thế này mà đăng lên báo Tiền phong như ông ta thường đăng thì chỉ làm hại giới trẻ.
7) Ông nhà văn phét lác một hồi trong bài viết rồi kết thúc bằng “tình bạn giữa ông thày giáo dạy Địa lý ở trường cấp 3 Thường Tín năm xa từng là bạn học ở Trường Sư phạm Ba Lê với Bernard de Lattre de Tassigny, con trai De Lattre de Tassigny danh tướng, anh hùng Pháp quốc”, và chua thêm một câu chẳng liên quan: “Cũng mong cho cái chứng cao máu đỡ hành ông”. Ông nào ở đây: Bernard ? đồn trưởng Non Nước ? hay đồn trưởng Hà Hồi Thường Tín chính là cái ông thày dạy môn Địa sau này ? Chẳng ai hiểu. Sau đó là hết, bài văn cụt, không có kết luận… Viết văn không có kết thúc thế này tôi cho điểm rất kém.
8) Tôi viết hơi dài vì rất ghét những người như Xuân Ba mà tôi thường gọi là nhà báo cung đình kiêm đại đại bồi bút cho chế độ, vì ông ta có tài viết văn nịnh bợ và lăng xê những quan chức cấp cao và chỉ quan chức cấp cao. Thông tin thường bị ông ta phóng đại hoặc viết sai sự thật, mục tiêu là gì chắc ai cũng hiểu, vì làm gì cũng phải tính đến lợi ích.
9) Còn nhiều điểm vô lý trong bài viết này của ông ta nhưng chỉ ra mấy điểm trên là đủ rồi. Do đó khi ông ta viết “Một số thanh niên làng Đại Định ra Hà Nội đã tiếp cận được các tư tưởng của Đảng, chịu ảnh hưởng của phong trào dân chủ. Nhiều người đã đến với Việt Minh học cùng lứa với những Đỗ Mười, Nguyễn Thọ Chân, Tạ Hoàng Cơ…” thì tôi buồn cười vì người dân ai cũng bảo Đỗ Mười có đi học bao giờ đâu, thậm chí còn có nhiều phiên bản tiếu lâm về chuyện học của Đỗ Mười.
10) Đưa một tin sai thì cả bài viết vô giá trị, đây là quan điểm đánh giá các bài viết của tôi. Do đó, đọc bài này của Xuân Ba để biết cũng như theo dõi VTV để biết, chứ tin thì tôi chả tin câu nào của Xuân Ba là đúng cả.
----------------------------
FB Đại Định - Mấy lần gặp nhà báo Xuân Ba, trân quý tặng sách cho Anh, nay anh viết thành một bài đúng những điều tâm sự với anh và hay . Xin phép được đưa về trang nhà để tiện khi tìm đọc lại. Cảm ơn nhà báo.
CHUYỆN CHÁU TẠ ĐÌNH ĐỀ
(Bản đủ so với bản in trên Tiền Phong Chủ nhật hôm nay, 9-1-2022)
Xuân Ba
QUÊ KIỂNG
Cữ thu năm 1993 ấy, tôi được cụ Đề rủ về quê.
Quê cụ, làng Đại Định, Thanh Oai.
Cùng về làng có tướng Hoàng Minh Thảo, chiến hữu thân thiết của ông Đề.
Trên xe khó mà dứt được mạch chuyện. Ấy là ông Đề đương hào sảng về cái làng Đại Định, Tam Hưng.
Cuối thập niên 30, lứa thanh niên có học, phần đông là học trò cụ giáo Tạ Đình Giáp làng Đại Định ở trường Kiêm Bị đã tham gia cuộc vận động dân chủ 1936-1939. Một số thanh niên làng Đại Định ra Hà Nội đã tiếp cận được các tư tưởng của Đảng, chịu ảnh hưởng của phong trào dân chủ. Nhiều người đã đến với Việt Minh học cùng lứa với những Đỗ Mười, Nguyễn Thọ Chân, Tạ Hoàng Cơ...
Những người này sau khi tiếp thu tư tưởng yêu nước đã tiến hành tuyên truyền cách mạng. Nhiều người trở thành các nhân tố mở đường cho phong trào, chuẩn bị cướp chính quyền ở địa phương.
Sử làng Đại Định của Tam Hưng Thanh Oai còn chĩnh chiện những dòng này.
"Sáng ngày 19/8/1945, hàng nghìn quần chúng trong xã dưới sự chỉ huy của ông Tạ Đình Đề, sau khi bắn ba phát súng hiệu mở đầu. Đoàn quân khởi nghĩa hàng ngũ chỉnh tề, đoàn quân của 8 thôn nhất tề kéo lên Bình Đà. Hoảng sợ trước khí thế của quần chúng, tri huyện Lê Quang Nhạ bỏ huyện đường chạy thoát thân. Toàn bộ huyện lỵ Thanh Oai về tay cách mạng".
Đại Định. Cái làng cũng… ngang như tính cách ông Tạ Đình Đề?
Theo cái vòng tay khoát hoạt của ông, tôi cố mường tượng ra Đại Định xưa có xóm trong, xóm ngoài bao bọc bởi thành cao, lũy tre và hào sâu.
Cái thế đất ấy, ngay sau thời điểm Toàn quốc kháng chiến, dân quân làng Đại Định đã ngang ngạnh cương cự lại cuộc lấn chiếm của quân Pháp tạo thế an toàn cho Chính phủ, quân chủ lực rút lui an toàn vào vùng tự do Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức từ Hòa Bình đến "Thủ đô kháng chiến", làm cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm. Nguyễn Đình Thi ngày đó đã cắm chân ở đất này. Ông nhìn về Hà Nội ngập trong khói lửa để có bài ca bất hủ "Người Hà Nội".
Đầu năm 1947, địch đưa một lực lượng mạnh có cả xe tăng tấn công. Dân quân du kích chiến đấu dũng cảm, cầm chân địch. Chiếm được làng, địch đã đốt sạch Đại Định. 42 dân quân du kích của làng đã hy sinh.
Ngày 6/11/1950, địch bất ngờ huy động một lực lượng lớn đánh vào khu làng kháng chiến Tam Hưng hòng xóa làng chiến đấu, xóa con đường kháng chiến nối vùng tạm chiếm với vùng tự do. Giặc tràn vào ngõ xóm làng Đại Định. Chúng lùng sục, phát hiện ra cửa hầm, chất rơm rạ, quăng lựu đạn vào cửa hầm để hun đốt. Trận càn ác hiểm này, 13 dân quân du kích đã ngã xuống, trong đó có Tạ Đình Hâm, Bí thư Chi bộ xã Tam Hưng.
Ông Tạ Đình Đề trước đó đã nhập vào lực lượng điệp báo Thành Hà Nội của tướng Hoàng Sâm.
… Trên lối đi là một người đàn ông dong dỏng, trắng trẻo lễ phép chào cụ Đề.
Theo ông Đề, chúng tôi dừng lại. Trong chất giọng trầm rè như giới thiệu của ông thoắt trở nên tở mở.
À mà thằng này làm to. Đương là chuyên viên của Văn Phòng Chính phủ đấy nhá.
Bữa trưa ấy, tôi ngồi kề gần anh cháu mà ông Đề nói là người của Văn phòng chính phủ…
Tôi đang nghĩ đến những khúc nhôi buồn. Các cơn bĩ cực của ông Tạ Đình Đề mà mình đã từng biết, từng viết.
Năm 1974 Tạ Đình Đề bị bắt. Rồi phiên tòa kéo dài 6 ngày năm 1976 trở thành một sự kiện chấn động dư luận. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt Hà Đăng Ấn cho công nhân Xưởng Dụng cụ Cao su Đường sắt nghỉ việc để đi tham dự phiên tòa. Nhiều anh em công nhân ôm hoa đứng ở cổng Hỏa Lò để tặng ông Đề khi Công an dẫn ông sang Tòa án. Quảng trường Tòa án ngày nào cũng đông nghịt người theo dõi phiên tòa...
Không luận được tội trạng, Tòa không đủ chứng cứ kết tội. Các tội khác, đều bị luật sư dùng luật bác bỏ. Lời Tuyên án của Hội đồng Xét xử được truyền qua loa phóng thanh. Tiếng của Chánh án chưa dứt thì tiếng vỗ tay, hoan hô vỡ òa như sấm. Người ta ào vào công kênh Tạ Đình Đề lên vai, rồi tặng ông những bó hoa.
Rồi năm 1985, Tạ Đình Đề và người con trai bị bắt với tội danh phản cách mạng. Lần này tội nặng không như tội tham ô làm trái như bị vu lần trước. Giam cầm ròng rã, mãi ba năm sau, Tạ Đình Đề được triệu ra tòa. Và lần thứ hai tại Tòa án, Hội đồng Xét xử cũng như lần trước, Tội trạng không luận được. Cũng không đủ chứng cứ kết tội. Đành tuyên án: "Tạ Đình Đề không phạm tội” và được trả tự do ngay tại tòa. Tòa kiến nghị Tổng cục Đường sắt phục hồi quyền lợi mọi mặt cho bị cáo".
( Về sự kiện này, những người trong cuộc trong đó có ông Tạ Đình Đề sau mới được biết, ông Trần Quốc Hương ( Mười Hương) một yếu nhân của ngành Nội chính khi ông Đề bị vu cho tội tày trời phản cách mạng đã phê vào hồ sơ ngắn gọn ba chữ phải xử nghiêm. Ba năm sau, cũng chính cụ Mười Hương trước khi phiên tòa diễn ra chỉ gọn lỏn mỗi một chữ, tha!)
Vậy hai lần ông chú gặp nạn cái anh cháu chuyên viên Văn phòng Phủ Thủ tướng ( sau gọi là Văn phòng chính phủ) ấy đang ở đâu?
… Lựa lúc không khí gia đình thân mật, tôi bật lên câu hỏi cứ nãy giờ dền dứ rằng, ông cháu từng ở vị thế này nọ mà sao không giúp gì ông chú của mình?
Nghe vậy, ông Đề bật ngay cái cười khơ khơ.
Nhiều người cũng hỏi như chú mày. Nhưng thời điểm ấy bố nó sống lại cũng mà dám?
Gọn lỏn mỗi câu ấy. Mà chắc như cục gạch. Cứ như chân lý vậy?
CHỢT NGỘ TẬN TRỜI TÂY
Thời điểm ông Đề bị vu tội tham ô bị bắt và ra tòa năm 1976 ấy, anh cháu Tạ Đình Thính đang là nghiên cứu sinh ( khi ấy là PTS) ngành kinh tế thống kê tại Tiệp Khắc.
Thời gian ở Tiệp, Tạ Đình Thính chợt bừng tỉnh nhiều điều.
Trong chương trình học, Tạ Đình Thính phải đến thư viện Quốc gia Praha để tham khảo tư liệu. Vốn mê thích văn học cùng ham đọc, anh chàng NCS này xiết bao ngạc nhiên khi tình cờ một hôm lạc bước vào phòng đọc có tên là Đông Nam Á.
Trời đất, có bao nhiêu là sách hay. Mà tinh những cuốn hồi ở trong nước, Thính mới nghe chứ chưa bao giờ thấy chứ đừng nói gì đến đọc. Nhưng ở đây có tất. Những Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, lạnh lùng…… Tại phòng đọc Đông Nam Á này anh được tiếp thoải mái với những An Nam tạp chí, Đông Dương tạp chí Nam Phong, Thanh Nghị Phong Hóa Ngày nay, Tự lực Văn đoàn Tao Đàn… Có cả những ấn phẩm thời kỳ CCRĐ, Nhân văn giai phẩm… Tìm hiểu thì được biết, sở dĩ có nguồn sách báo tư liệu phong phú này là do mấy vị thương nhân của Hãng giày Bata thay nhau là đại diện chi nhánh tại Việt Nam các nhiệm kỳ lần lượt tha về. Là thương nhân nhưng cũng kiêm luôn là những nhà văn hóa, sứ giả văn hóa. Họ không hưởng một mình mà cúng tất cho Thư viện quốc gia Tiệp!
GS Milan Kovaschka là người hướng dẫn luận văn cho Tạ Đình Thính. Vị GS này từng là đại diện của Tiệp Khắc ở LHQ, sau đó là Giám đốc UNDP tại Châu Phi. Thày cũng là bạn thân của GS Otasisck, nhà cải cách hàng đầu của Tiệp Khắc từ những năm cuối 60 đầu 70 thế kỷ trước. Một điển hình bi kịch của những người dậy sơm! Bởi ông đã nhận ra khuyết tật của mô hình kinh tế Kế hoạch hóa tập trung và đề xướng không mệt mỏi mô hình kinh tế thị trường (mới ở mức sơ khởi) để cứu nền kinh tế nước Tiệp. Vì quan điểm đó mà GS Otasisck bị mất hết các chức vụ quản lý. Nhưng còn may ông không bị đối xử quá tệ. Sách của ông vẫn còn và ông thành GS thỉnh giảng ở nhiều trường đại học phương Tây.
Tạ Đình Thính được GS. Milan Kovaschka hướng dẫn viết luận án Phó TS với cái tên "Phương pháp lập bảng cân đối kinh tế quốc dân tổng hợp thống kê". Đại để là phương pháp tính toán các chỉ báo dựa trên mô hình kinh tế nào và vấn đề so sánh giữa các nền kinh tế (giữa các nước - so sánh quốc tế).
Chàng sinh viên họ Tạ từng thấm nhuần cùng ám ảnh quan điểm về thống kê học của nền kinh tế hế hoạch hóa tập trung của các tay tổ Xô Viết. Hào hứng bắt tay vào Luận án. Viết được mấy chục trang, anh hăm hở mang trình thày. Thính bất ngờ khi thấy thày chỉ lướt qua và thảy vào ngăn kéo! GS lẳng lặng đưa cho 6 cuốn sách trong đó có của Otasisck và của chính ông. Những sách ấy toát yếu cùng thấm đẫm quan điểm kinh tế thị trường… Thày Milan Kovaschka quán triệt cho anh NCS người Việt rằng phải dựa vào đó mà xây dựng mô hình thuật toán để tính toán.
Những ngơ ngác bỡ ngỡ dần được nghiêm ngắn lại bởi tính logic và khoa học của vấn đề. Đại để nền kinh tế kế hoạch chia nền kinh tế thành "sản xuất vật chất và phi sản xuất vật chất" và chỉ tính hàng hóa dạng vật chất để hình thành tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân. Còn các nước phi XHCN thì căn cứ vào lý luận hàng hóa và dịch vụ của kinh tế thị trường để tính toán.
Thày Milan Kovaschka kiên nhẫn lái cho anh sinh viên Việt thông minh phương pháp tiếp cận vấn đề mới. Cụ thể là việc hoàn thành luận án trên nền tảng lý thuyết kinh tế thị trường.
Luận án đạt điểm tối ưu. Hăm hở về nước. Tất nhiên là nhân viên thơ lại Văn phòng Phủ thủ tướng, anh cán bộ khoa học trẻ Tạ Đình Thính, thời kỳ đó phải suốt ngày nghe các VIP phê phán về những mặt cùng những khía cạnh ngang trái của quan điểm kinh tế thị trường.
Tại VPCP, Tạ Đình Thính được phân công trong tổ thư ký và sau đó là phụ trách một Vụ tổng hợp. Nghe là chính. Anh biết quan điểm khách quan khoa học của những ông thày có đầu óc đổi mới của mình bên Tiệp chả dễ gì ngày một ngày hai được thực thi và có ngay sức sống ở thời buổi bao cấp khốn khổ! Nhưng Tạ Đình Thính nhiều lúc thấy mình lạc lõng thậm chí hoang mang. Nhất là thời điểm có đoàn Chuyên gia Xô Viết sang Việt Nam. Nhân có bài viết của một GS chỉ mới nêu ra vài nét cái khuyết tật của kinh tế kế hoạch và đề xuất mô hình kinh tế thị trường (dù còn rất sơ khai) mà bị Đoàn chuyên gia LX phê phán là "Chủ nghĩa xã hội thị trường" sẽ phá nát VN và đề nghị không nên phổ biến bài báo này.
Những cuộc tranh luận khi âm thầm khi nảy lửa khi công khai lúc bí mật ( trong phạm vi hẹp) về KTTT và KT kế hoạch đã đem đến cho lứa cán bộ trẻ ham hiểu biết và cổ vũ cái mới những góc nhìn mới như Tạ Đình Thính. Họ không cô đơn vì họ biết trong đội hình VIP ( một số Bộ trưởng, thứ trưởng, một số chuyên viên…) và cả siêu VIP ( có Phó thủ tưởng, Trưởng Ban Đảng) nhiều người có đầu óc tư tưởng đổi mới. Tất muốn cựa quậy để vượt thoát cái lồng kìm hãm sức sản xuất và cái mới được bung ra. Nhưng khá là cam go và chả phải dễ dàng đạt được và thắng thế. Nhưng thực trạng đó lại là tiềm năng là cơ sở của những đổi thay. Nên lứa cán bộ chuyên viên như Tạ Đình Thính càng thấm thía khi được chứng kiến những thời điểm chín muồi, cái mới cái khoa học tiến bộ đã thắng thế như Chỉ thị khoán 100. Như sự kiện tiếp cận với thực tế ở các tỉnh phía Nam Tổng Bí thư Trường Chinh mới dứt khoát với trào lưu Đổi Mới!
Có lẽ biết nghe. Tránh a dua. Và cả biết im lặng nữa. Nên những chuyên viên khôn khéo như Tạ Đình Thính đã không trở thành nạn nhân của phe phải học thuyết này khác. Dạng như Tạ Đình Thính có lẽ cần cho một số VIP? Nên nhiều năm liên tục, ông chuyên viên họ Tạ này hết là Vụ trưởng bên Tây Hùng Vương ( Văn phòng CP) lại Vụ trưởng tiếp bên Đông Hùng Vương ( Văn phòng TƯ Đảng) Thời điểm năm 1997, tôi còn thấy Tạ Đình Thính được chọn vào nhóm nghiên cứu đặc biệt. Thành viên nhóm này toàn những thứ dữ. Những Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Phú Trọng Tô Huy Rứa, Phạm Chánh Trực, Trần Đình Thiên… Phụ trách là GS Nguyễn Đức Bình. Nhiệm vụ của nhóm là bàn về đảng viên làm kinh tế tư nhân.
KHIẾU VIẾT LÁCH
Nhiều lần ngồi với Tạ Đình Thính, cứ mang máng cảm giác dường như từ vô thức, ông cháu Tạ Đình Thính này đã chịu ảnh hưởng lây lan từ người chú Tạ Đình Đề? Tít những năm xa lắc lơ thời bao cấp bịt bùng khốn khó đã manh nha rồi thường trực cái máu kinh tế thị trường? Ông chú Tạ Đình Đề, Xưởng trưởng Cao su Đường sắt đã hào phóng mạnh dạn thu nạp sử dụng người lao động chẳng hề đe nẹt săm soi họ từng đào ngũ, ở tù ra miễn họ có tay nghề làm việc chăm chỉ. Việc khoán sản phẩm đến tận tay người lao động của ông Đề đã từng khiến ông rước họa. Rồi gì nữa, cái máu hay là phản xạ phản biện, nói thẳng nói thật. Nhưng Tạ Đình Thính có hơi khác ông chú của mình. Là chỉ khi hưu ông mới nói. Và nói theo cái cách của mình!
Những cuộc nghe liên miên. Những ghi chép dầy cộp của thân phận thơ lại. Những tập tài liệu được giải mật. Dằng dặc các cuộc gặp gỡ đủ mọi đối tượng từ các VIP đến cô văn thư anh đánh máy. Lại có khiếu viết lách. Nên 2 tập cuốn Chắp nhặt giông dài gần 2000 trang của ông do NXB Hội Nhà Văn in đã rất bắt mắt bạn đọc. Công luận nhiều người coi đó là cuộc bạch hóa lịch sử hiếm hoi. Nhưng tôi mạo muội cho rằng biên chép ( không phải là thấy gì ghi nấy, nghe chi kể nấy hoặc là sản phẩm của thứ báo chí uốn éo nào đó) của một người viết có nghề may mắn được can dự vào những sự kiện hiếm hoi biết chọn lựa, biết vượt thoát lên sự kiện đã làm nên một cuộc chơi lớn của Tạ Đình Thính. Chẳng phải bây giờ tiểu thuyết hay sách ở dạng tư liệu đang có vẻ lên ngôi đó sao?
Vậy nên dông dài… là cái cách nhún mình khiêm nhường. Là cái cách để Tạ Đình Thính can dự vào sự kiện và thời cuộc một cách có trách nhiệm. Các cuốn như Làng tôi, Tạ Đình Đề sáng nhân cách, Nợ đời… là những kiểu dông dài và can dự như thế!
Bút lực của ông lão sắp 80 Tạ Đình Thính như đang hồi vượng? Thú thực ngồi với ông khó dứt được những thứ dông dài? Như hôm chuyện về một nữ Đội trưởng Đội cải cách mà ông có biết trong thời gian CCRĐ đã 17 lần dùng súng ngắn để ban phát súng ân huệ cho 17 ông địa chủ bị quy oan trong các cuộc xử. Và số phận con cái của bà ấy giờ ra sao. Rồi chuyện tình bạn giữa ông thày giáo dạy Địa lý ở trường cấp 3 Thường Tín năm xa từng là bạn học ở Trường Sư phạm Ba Lê với Bernard de Lattre de Tassigny, con trai De Lattre de Tassigny danh tướng, anh hùng Pháp quốc.
Chuyện Bernard sang tòng chinh trong đội quân lê dương phụ trách đồn binh Chùa Non Nước. Những cuộc thăm thú qua lại giữa đồn trưởng Non Nước và đồn trưởng Hà Hồi Thường Tín chính là cái ông thày dạy môn Địa sau này… Rồi anh con trai Đờ Lát bỏ mạng trong một trận đánh và ông bố phải tức tốc đưa xác con mình về Pháp ra sao…
Cũng mong cho cái chứng cao máu đỡ hành ông.
Chú thích ảnh
1. Tạ Đình Đề thời trẻ.
2. Tạ Đình Đề ( phải) và tướng Hoàng Minh Thảo
3. Ông Tạ Đình Thính
4. NCS Tạ Đình Thính và GS Milan Kovaschka
5. Tác phẩm của Tạ Đình Thính
6. Tạ Đình Thính với bạn bè
vv
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét