Hàng Trung Quốc nhập về gấp 3 lần xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn
11/01/20220 Ngày 10.1, các cửa khẩu ở Lạng Sơn xuất khẩu được 100 xe hàng sang Trung Quốc nhưng số xe nhập là 400 xe, trong đó có 300 xe chở hàng, cao gấp 3 lần hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.Ở các cửa khẩu Lạng Sơn vẫn còn tồn hơn 1.700 xe hàng trong khi mỗi ngày chỉ xuất được khoảng trên 100 xe
Báo cáo mới nhất của Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn gửi UBND tỉnh Lạng Sơn trong ngày hôm nay 11.1, cập nhật đến 8 giờ cùng ngày, các cửa khẩu biên giới còn tồn 1.721 xe hàng hóa, nông sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc, đã giảm 97 xe so với ngày 10.1.
Cụ thể tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đang còn tồn 1.134 xe, trong đó có 632 xe chở hoa quả bằng các container nóng và lạnh.
Cửa khẩu phụ Tân Thanh đang tồn 369 xe, nhiều nhất là các xe chở hoa quả tươi và một số nông sản như ớt, sắt lát, hạt sen, tinh bột sắn. Cửa khẩu này đã dừng thông quan từ ngày 18.12.2021 đến nay chưa mở cửa hoạt động trở lại.
Còn tại Cửa khẩu chính Chi Ma đang tồn 218 xe, trong đó nhóm hàng nông sản (hạt sen, tinh bột sắn, hạt vừng, thạch đen) nhất nhất với 184 xe, 27 xe chở cà phê, cút mây, nhựa thông, số còn lại gồm nhiều loại hàng khác nhau.
Cũng theo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, hiện tại hàng hóa thông quan sang Trung Quốc chỉ diễn ra ở Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu chính Chi Ma nhưng lượng xe thông quan trong ngày chưa có sự đột biến. Trong ngày 10.1, cả hai cửa khẩu này chỉ làm thủ tục xuất khẩu được 100 xe. Trong khi ở chiều ngược lại, xe hàng nhập khẩu từ Trung Quốc qua 2 cửa khẩu nói trên lên tới trên 400 xe, trong đó trên 300 xe chở hàng
Đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường biển
Cũng theo Bộ NN-PTNT, Bộ GT-VT đã đồng ý về đề nghị phối hợp tháo gỡ khó khăn xuất khẩu nông sản ùn tắc ở biên giới phía Bắc và nhiều mặt hàng trái cây đang đến vụ thu hoạch. Cụ thể trong chiều ngày mai 12.1, lãnh đạo Bộ GT-VT và Bộ NN-PTNT sẽ cùng chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, đại diện lãnh đạo các cảng biển, các địa phương bàn giải pháp đẩy mạnh việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua đường biển.
Trong đó, nông sản cần xuất khẩu nhất trong giai đoạn hiện nay là trái thanh long. Dự kiến trong 3 tháng đầu năm, các tỉnh phía Nam cần tiêu thụ khoảng 300.000 tấn thanh long. Những năm trước, phần lớn sản lượng thanh long này được xuất khẩu sang Trung Quốc để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán. Nhưng trước quy định siết chặt kiểm soát dịch Covid-19 và Trung Quốc dự kiến tạm dừng nhập khẩu hàng đóng container lạnh trong 28 ngày ngày (trước tết 14 ngày và sau tết 14 ngày) khiến nông sản này đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu.
Trước đó, ngày 6.1, tại hội nghị kết nối sản xuất và chế biến, tiêu thụ thanh long do Bộ NN-PTNT tổ chức, ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết trong năm 2021, sản lượng xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc đạt 1,7 triệu tấn thì có 520.000 tấn (chiếm 30%) được xuất khẩu bằng đường biển từ TP.HCM. Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu chuối bằng đường biển sang Trung Quốc cũng đạt trên 400.000 tấn.
Dù địa bàn TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu thanh long, chuối sang Trung Quốc theo đường biển vẫn được duy trì, không có tình trạng ùn ứ như xuất khẩu trên các cửa khẩu đường bộ. Theo đó, ông Thiệt đề nghị các doanh nghiệp mạnh dạn chuyển hướng xuất khẩu bằng đường biển.
https://thanhnien.vn/hang-trung-quoc-nhap-ve-gap-3-lan-xuat-khau-qua-cua-khau-lang-son-post1420210.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét