Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

Tỉ lệ U-6 là gì? Có phải lãi suất ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng ?

Tỉ lệ U-6 là gì? Có phải lãi suất ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng ?
Đọc lại bài "Tại sao lạm phát tại Mỹ cao nhất trong 40 năm?" mình đăng trên Blog toithichdoc.blogspot.com và FB của mình sáng nay, mình thấy bạn Kim Dung La bình luận "phải xem chỉ số U6 mới hiểu chính xác cách tính toán và cơ chế nảy sinh CPI mới sát thực tế và cho ra con số đúng, song em chưa biết chỉ số U6 như thế nào, bác viết riêng Stt giới thiệu về chỉ số này được không? Còn một điểm nữa em không hiểu: FED đã phát biểu sẽ cắt QE và tăng lãi suất $ vào tháng 3/2022, nhẽ ra thông tin này phải làm cho USD index và lãi TPCP Mỹ 10Y tăng NHƯNG thực tế nó lại giảm. Tại sao vậy". Mình tra thông tin trên mạng và trả lời như sau:
1) Thất nghiệp
Khi giảng ở trường đại học, tôi thường dành nhiều thời gian giải thích rất rõ thế nào là thất nghiệp. Nói một cách khái quát, thất nghiệp là tình trạng khi có một số người trong độ tuổi lao động, mong muốn và có khả năng làm việc, tích cực tìm kiếm việc làm nhưng không tìm được việc làm trong vòng 4 tuần gần nhất. Mỗi chữ trong định nghĩa trên đều có nội hàm và tiêu chí rất cụ thể để xác định tình trạng, kể cả thế nào là mong muốn hay tích cực tìm kiếm việc làm đều có tiêu chí cụ thể để xác định.

Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ người trong độ tuổi lao động không có việc làm, được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm
những người thất nghiệp so với lực lượng lao động xã hội.

Tỷ lệ thất nghiệp là một chỉ số thường xuyên thay đổi, có nghĩa là nó thường tăng hoặc giảm so với sự biến động của việc thay đổi điều kiện kinh tế. Khi nền kinh tế trong tình trạng suy thoái và việc làm rất khan hiếm, tỷ lệ thất nghiệp thường tăng lên. Khi nền kinh tế đang phát triển với tốc độ ổn định và công việc tương đối dồi dào, tỷ lệ này thường giảm xuống. 

Cách tính tỷ lệ thất nghiệp thông dụng nhất là theo công thức U3 (tiếng Anh: U-3 Rate)

Tỉ lệ thất nghiệp chính thức được sử dụng ở Mỹ và được Cục Thống kê Lao động (BLS) ghi nhận được gọi là tỉ lệ U-3. Đây là tỉ lệ phần trăm lực lượng lao động thất nghiệp và đã tích cực tìm kiếm việc làm trong 4 tuần gần nhất.

U3 định nghĩa những người thất nghiệp là những người sẵn sàng làm việc và họ đã tích cực tìm việc trong vòng bốn tuần gần nhất nhưng chưa có việc làm. Để chứng minh là tích cực tìm việc, họ phải báo cáo với sở lao động đã liên hệ với ít nhất 4-5 nơi để xin việc nhưng thất bại. Việc chứng minh này là cơ sở để sở lao động trả lương (trợ cấp) thất nghiệp cho người thất nghiệp đang tích cực tìm kiếm việc làm, vì mục tiêu của tiền lương thất nghiệp là để người thất nghiệp làm một việc là tìm kiếm việc làm.

Những người có việc làm tạm thời, bán thời gian hoặc toàn thời gian trong vòng 4 tuần gần nhất đều được coi là có việc làm, kể cả những người làm việc tại nhà và không tích cực đi tìm việc.

Để tính tỷ lệ thất nghiệp, ta lấy số người thất nghiệp chia cho lực lượng lao động của một quốc gia, bao gồm cả những người đang thất nghiệp. Tỷ lệ này được biểu thị bằng phần trăm. 

U3 = (Người thất nghiệp / Lực lượng lao động) * 100 

Nhiều người muốn làm việc nhưng không có khả năng lao động (ví dụ người khuyết tật), không được coi là thất nghiệp theo khái niệm này. Vì họ không được xếp vào lực lượng lao động của một quốc gia. Một số nhà phê bình cho rằng cách tiếp cận này không hợp lý. U3 cũng bị chỉ trích vì không phân biệt giữa những công việc tạm thời, bán thời gian và toàn thời gian.

Tỉ lệ U-6 (tiếng Anh: U-6 Rate) là tỉ lệ thất nghiệp bao gồm những người thất nghiệp đã tính trong chỉ tiêu thất nghiệp bình thường U3 nêu trên, ngoài ra còn cộng thêm những người lao động tìm việc mãi không được nên thoái chí và đã ngừng tìm kiếm việc làm và cộng thêm cả những người lao động bán thời gian đang tìm kiếm việc làm toàn thời gian.

Tỉ lệ U-6 được nhiều nhà kinh tế đánh giá là thước đo rõ ràng nhất về tình trạng thất nghiệp của một quốc gia, vì nó bao gồm tỉ lệ phần trăm lực lượng lao động thất nghiệp truyền thống, lực lượng lao động thiếu việc làm và lực lượng lao động lao động thoái chí.

Những người đã không tìm kiếm việc làm trong 4 tuần không được coi là thất nghiệp trong công thức tính U3 mà được coi là những người "gắn bó bên lề".

Trong khi đó, tỉ lệ U-6 tính đến cả nhóm những người "gắn bó bên lề", bao gồm những người lao động thoái chí đã từ bỏ tìm kiếm việc làm và những người lao động đã không tìm được việc làm trong 12 tháng qua. Nhóm này cũng bao gồm những người đã trở lại trường để học (do thoái chí chán đi tìm việc làm) hoặc bị bệnh tật phải nghỉ tìm việc để chữa bệnh. Trong các trường hợp đó họ có thể sẽ không quay trở lại lực lượng lao động dù họ không mong muốn.

Ngoài nhóm những người "gắn bó bên lề", tỉ lệ U-6 cũng bao gồm những người thiếu việc làm trong lực lượng lao động. Những người thiếu việc làm đại diện cho những người muốn làm việc toàn thời gian nhưng đã chấp nhận công việc bán thời gian do điều kiện kinh tế. Trong khi tỉ lệ U-3 coi loại lao động này được tuyển dụng (có việc làm), thì tỉ lệ U-6 coi nhóm này là thất nghiệp.

Tầm quan trọng của tỉ lệ U-6

Cả tỉ lệ U-3 và tỉ lệ U-6 đều được BLS công bố trong báo cáo công việc hàng tháng VÀ được các nhà theo dõi thị trường sử dụng để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế.

Để tính tỉ lệ thất nghiệp chính thức U-3, BLS chia tổng số người thất nghiệp cho tổng số người tham gia lực lượng lao động.

Chẳng hạn, báo cáo tỉ lệ hàng tháng trong tháng 6 năm 2019 công bố lực lượng lao động dân sự là 162,981 triệu người, tổng số người thất nghiệp là 5,975 triệu người, do đó tỉ lệ thất nghiệp chính thức U-3 được tính bằng 5,975/162,981= 3,7%.

Trong cùng báo cáo đó, những người "gắn bó bên lề" là 1,571 triệu người. Số lao động làm việc bán thời gian vì lí do kinh tế là 4,347 triệu.

Khi tính tỉ lệ U-6, nhóm "gắn bó bên lề" được thêm vào cả tử số (tổng số người thất nghiệp) và mẫu số (tổng lực lượng lao động); còn nhân viên bán thời gian chỉ được thêm vào tử số, vì họ đã được tính vào một phần của lực lượng lao động.

Do đó tỉ lệ thất nghiệp thực tế U-6 vào tháng 6 năm 2019 như sau:

U-6 = (5,975+1,571+4,347)/(1,571+162,981) = 7,2%

Tỉ lệ U-6 = 7,2% cao hơn nhiều so với con số 3,7% và được cho là sự phản ánh đúng hơn về tình trạng của nền kinh tế lúc bấy giờ.

2) Lãi suất

Nếu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, 
vào giữa tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có động thái tăng lãi suất đầu tiên trong 3 năm. Đây là một việc mà các nhà hoạch định chính sách cho là cần thiết, trong khi thị trường tài chính và nền kinh tế Mỹ phải miễn cưỡng chấp nhận.

Lần gần đây nhất Fed tăng lãi suất là vào cuối năm 2018, một phần của quy trình “bình thường hoá” chính sách tiền tệ khi đó, nhưng diễn ra đúng vào giai đoạn thoái trào của một trong những thời kỳ tăng trưởng kinh tế kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ.

Chỉ 7 tháng sau đợt tăng lãi suất đó, Fed đã vội giảm lãi suất trở lại vì tăng trưởng kinh tế ngày càng trở nên mong manh. Sau đợt giảm đầu tiên vào tháng 7/2019, Fed tiếp tục hạ lãi suất về ngưỡng 0 vào đầu năm 2020, khi kinh tế Mỹ và thế giới hứng chịu cú sốc chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19 gây ra.

FED CÓ THỂ TĂNG LÃI SUẤT TỪ THÁNG 3

Hiện nay, khi Fed chuẩn bị đưa chính sách tiền tệ trở lại trạng thái bình thường, các nhà đầu tư dõi theo mọi phát ngôn và động thái của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới này. Kể từ đầu tháng 12, khi Chủ tịch Fed Jerome Powell công bố trước Quốc hội Mỹ sự dịch chuyển quan trọng trong chính sách tiền tệ, thị trường tài chính Phố Wall đã trải qua nhiều biến động lớn. 

Tuy nhiên, xu hướng chung của thị trường vẫn là đi lên, với những kỷ lục mới được thiết lập trong những phiên gần đây. Điều này cho thấy đang dần chấp nhận và không còn lo lắng nhiều về việc chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đến lúc phải được thắt lại.

Thị trường tương lai ở Phố Wall đang đặt cược khả năng 60% Fed nâng lãi suất ngay từ tháng 3 này, và khả năng 61% Fed sẽ có thêm 2 lần nâng lãi suất nữa trong năm nay.

“Nhìn lại lịch sử có thể thấy rằng sau vài lần thắt chặt của Fed, nền kinh tế và thị trường đã bắt đầu gặp khó”, chiến lược gia Jim Paulsen thuộc Leuthhold Group phát biểu. “Chúng ta hình thành nên quan niệm này dựa trên những gì đã diễn ra trong 2 thập kỷ qua, khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng bình quân khoảng 2% mỗi năm. Với mức tăng trưởng chậm như vậy, chỉ cần Fed nghĩ đến tăng lãi suất là nền kinh tế đã mệt rồi. Nhưng hiện nay, kinh tế Mỹ không tăng chậm như vậy nữa”.

Ông Paulsen dự báo thị trường sẽ không có nhiều phản ứng với đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed, nhiều khả năng sẽ diễn ra trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 15-16/3. Ông giải thích đó là bởi một đợt tăng như vậy đã nằm trong kỳ vọng và sẽ chỉ đưa lãi suất cho vay qua đêm tiêu chuẩn của Fed lên khoảng 0,25-0,5%, từ khoảng 0-0,25% hiện nay.

Trong cuộc họp vào tháng 12, giới chức Fed dự kiến sẽ có 3 lần tăng lãi suất trong năm 2022, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm.

Thị trường tương lai ở Phố Wall đang đặt cược khả năng 60% Fed nâng lãi suất ngay từ tháng 3 này, và khả năng 61% Fed sẽ có thêm 2 lần nâng lãi suất nữa trogn năm nay – theo công cụ FedWatch Tool của sàn CME.

Nếu như đợt tăng đầu tiên có thể không vấp phải nhiều phản ứng của thị trường, thì trong 2 đợt tăng sau đó, giới đầu tư có thể phản ứng mạnh.

Fed tiến tới tăng lãi suất nhằm phản ứng với áp lực lạm phát, trong bối cảnh giá tiêu dùng ở Mỹ tăng mạnh nhất trong gần 40 năm. Trong phần lớn thời gian của năm 2021, ông Powell và các quan chức khác của Fed quả quyết rằng lạm phát sẽ sớm xuống thang, nhưng đến cuối năm, họ đã phải lên tiếng thừa nhận rằng xu hướng của lạm phát không phải là một vấn đề tạm thời.

THỊ TRƯỜNG SẼ BIẾN ĐỘNG NHIỀU HƠN DÙ KINH TẾ MỸ VẪN ỔN

Kế hoạch thắt chặt của Fed có diễn ra êm xuôi hay không tuỳ thuộc nhiều vào phản hồi của thị trường với mỗi đợt tăng lãi suất – theo trưởng tư vấn kinh tế Mohamed El-Erian của Allianz. Trong trường hợp Fed thành công, nhu cầu trong nền kinh tế chỉ giảm đi chút ít, và phía nguồn cung cũng có phản ứng tương tự.

Tuy nhiên, ông El-Erian nói rằng rủi ro nằm ở chỗ lạm phát có thể dai dẳng và thậm chí tăng cao hơn dự báo của Fed, dẫn tới việc Fed phải thắt chặt quyết liệt hơn. “Lạm phát đã cao rồi và vẫn đang tăng. Vấn đề là khi nào lạm phát sẽ không tăng nữa”, ông nói.

“Giờ đây, thời kỳ lãi suất giảm kéo dài từ 2019 đã chấm dứt, lãi suất thực sẽ tăng lên từ mức thấp kỷ lục. Sự dịch chuyển này có thể sẽ dẫn tới biến động và làm thay đổi tương quan giữa các loại tài sản”. Lisa Shalett, Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley Wealth Management phát biểu.

Các nhà đầu tư kỳ cựu ở Phố Wall đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, xem đây là những chỉ báo đáng tin cậy về dự định của Fed. Đến hiện tại, lợi suất nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng ông Paulsen nói rằng phản ứng của thị trường với mỗi động thái thắt chặt của Fed có thể đưa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm – một lãi suất tham chiếu quan trọng – vượt ngưỡng 2% trong năm 2022, từ mức hơn 1,7% hiện nay.

Ông El-Erian cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối ổn trong năm nay, cho dù thị trường tài chính gặp một số trở ngại. Tương tự, ông Paulsen nói kinh tế Mỹ đủ mạnh để chống chọi với các đợt tăng lãi suất, nhưng một đợt điều chỉnh trên thị trường tài chính có thể xảy ra trong nửa cuối của năm nếu lãi suất tiếp tục tăng.

Tương tự, Giám đốc đầu tư Lisa Shalett của Morgan Stanley Wealth Management dự báo thị trường tài chính Mỹ năm nay sẽ biến động nhiều hơn, cho dù nền kinh tế có tiếp tục tăng trưởng. Trong một báo cáo mới đây, bà Shalett nói rằng thị trường đã trải qua một thời kỳ kéo dài với lãi suất thực liên tục giảm, cho phép giá cổ phiếu thoát khỏi ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế nền tảng và mức định giá cổ phiếu đã được đẩy lên rất cao.

“Giờ đây, thời kỳ lãi suất giảm kéo dài từ 2019 đã chấm dứt, lãi suất thực sẽ tăng lên từ mức thấp kỷ lục. Sự dịch chuyển này có thể sẽ dẫn tới biến động và làm thay đổi tương quan giữa các loại tài sản”, bà Shalett nhận định.

Thị trường tiếp tục có một cái nhìn sâu hơn vào các dự định của Fed. Cuộc thảo luận trên thị trường hiện nay không chỉ về chuyện Fed bao giờ sẽ chính thức kết thúc chương trình mua tài sản (QE) và Fed sẽ tăng lãi suất bao nhiêu lần trong năm nay, mà còn về chuyện khi nào Fed sẽ bắt đầu cắt giảm giá trị bảng cân đối kế toán.

Cho dù Fed có dừng mua tài sản sau vài tháng nữa, thì Fed vẫn tiếp tục tái đầu tư tiền lãi từ danh mục hiện tại. Giá trị bảng cân đối kế toán của Fed hiện đã đạt mức khoảng 8,8 nghìn tỷ USD. Chuyên gia kinh tế Andrew Hollenhorst của Citigroup dự báo Fed sẽ bắt đầu cắt giảm quy mô danh mục vào quý 1/2023.

Trở lại với câu hỏi của bạn Kim Dung La: FED đã phát biểu sẽ cắt QE và tăng lãi suất $ vào tháng 3/2022, nhẽ ra thông tin này phải làm cho USD index và lãi TPCP Mỹ 10Y tăng NHƯNG thực tế nó lại giảm. Tại sao vậy".

Biểu đồ dưới đây lấy từ trang https://vn.tradingview.com/symbols/TVC-US10Y/ cho thấy ngay khi Chủ tịch Fed Jerome Powell công bố chuyển sang chính sách tiền tệ thắt  chặt, lãi TPCP Mỹ 10Y đã lập tức tăng lên và tăng lên rất nhanh. Đây cũng là điều khá ngạc nhiên vì bình thường khi FED thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng, thì thị trường không phản ứng ngay lập tức như vậy do chính sách tiền tệ siêu lỏng thường có độ trễ nhất định.

Biên tập từ thông tin trên investopedia có bổ sung thêm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét