Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2022

Một bài ca dao và thái độ của người dân trước thời cuộc

Bài này hay, nên đọc để so với thực trạng lòng dân hiện nay. Cách đây mấy chục năm, khi học và đọc sách sử thời Pháp xâm chiếm các thành trì ở VN, mình thấy quá nhục nhã cho dân tộc mình. Chỉ với mấy trăm thằng lính Pháp và tay sai bản địa, có khi chỉ có vài thằng lính Pháp, nhưng người Pháp đã chiếm thành Hà Nội và các thành trì của VN rất dễ dàng chỉ sau chưa tới 1 giờ tấn công, trong khi binh lính và dân quân triều đình bảo vệ thành lúc đó có tới hàng nghìn, thậm chí hàng vạn người. Bây giờ mỗi khi đi qua cổng Cửa Bắc của thành Hà Nội oai phong cổ kính với vết đạn đại bác bắn thủng một lỗ trên tường, mình không khỏi xấu hổ, nhục nhã. Thực tế chỉ cần nghe một tiếng đại bác của Pháp nổ là quân tướng trong thành bỏ chạy toán loạn. Sung sướng và tự hào gì khi khoe khoang những lần thành Hà Nội thất thủ chớp nhoáng như vậy, khiến Quan khâm sai đại thần nhà Nguyễn Nguyễn Tri Phương bị thương và bị bắt (trận thành Hà Nội 1873) và Tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn (trận thành Hà Nội 1882). Ngay sau khi Hà Thành thất thủ, quan triều đình ở các tỉnh đều ngơ ngác không biết thế nào, hễ thấy quân Pháp đến là bỏ chạy. Bởi vậy, chỉ có một sĩ quan là Hautefeuille và 7 người lính Pháp mà cũng hạ được thành Ninh Bình, và chỉ trong 20 ngày mà 4 tỉnh ở Trung-Châu đều mất cả. Ngược dòng lịch sử, 600 năm trước khi giặc mạnh phương Bắc lăm le cướp nước ta, các vua Trần đã mở hội nghị Diên Hồng để tạo sự đồng thuận toàn dân và mở hội nghị Bình Than để thống nhất ý chí của quý tộc. Điều đó cho thấy, đối diện với nguy cơ mất nước càng cần đối thoại để thống nhất ý chí. Muốn có đối thoại cần có sự tôn trọng lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội. Điều này vua quan nhà Nguyễn đã không làm được. Những vị vua dốt nát, yếu đuối và đội ngũ quan lại tham nhũng, bất tài, mua quan bán tước của nhà Nguyễn không thể là hạt nhân đoàn kết được dân tộc. Họ không làm được điều các quý tộc nhà Trần đã làm. Quý tộc Nhà Trần là những anh hùng, hào kiệt. So sánh với các thời nhà Trần và thời nhà Nguyễn, thì thấy thời nay không khác gì thời nhà Nguyễn. Nguy cơ mất nước đang nhãn tiền.
Suy nghĩ về một bài ca dao và thái độ của người dân trước thời cuộc
Tác giả: FB Đặng Văn Dũng
Hồi còn nhỏ tôi được học một bài ca dao:

"Con cò đậu ở bờ tre,
Thằng Tây nó bắn cò què một chân,
Mai cò ra chợ Đồng Xuân,
Chú khách mới hỏi sao chân cò què,
Cò rằng tôi đứng bờ tre,
Thằng tây nó bắn tôi què một chân”.

Bài ca dao này cứ ám ảnh tôi mãi, không phải vì nó có nội dung hay nghệ thuật đặc sắc gì mà vì thông điệp không rõ ràng của nó đối với người đọc. Tôi nhớ sách giáo khoa (không nhớ rõ lớp nào và năm nào) có giải thích: – qua nhân vật con cò tố cáo tội ác của giặc Pháp!

Tuy nhiên, ”con cò” ở đây không hề có thái độ thù hằn gì “Thằng tây” cả, thậm chí, cũng không thực sự đau buồn hay giận dữ!. Đổi lại, thái độ của ”cò” hoàn toàn dửng dưng: ”- cò rằng tôi đứng bờ tre/ thằng tây nó bắn tôi què một chân”! Hết!

Thái độ dửng dưng này là một dấu hỏi lớn trong tâm trí tôi suốt thời đi học. Sau này được tiếp cận một khối lượng lớn thông tin và qua suy xét của bản thân tôi dần dần nghiệm ra ý tứ sâu xa mà tác giả vô danh muốn gửi tới người đọc.

Bài ca dao trên gắn với một giai đoạn đau buồn trong lịch sử dân tộc, đó là khi thực dân Pháp xâm lược nước ta vào cuối thế kỷ XIX.

Xem lại lịch sử giai đoạn này, ngoài quyết tâm đánh pháp của Trương Công Định và các văn thân, sỹ phu với nhưng tấm gương hy sinh anh dũng (thực ra cả Triều đình Nhà Nguyễn cũng quyết tâm đánh Pháp) còn có các sự kiện khác mà người Việt Nam có lương tri nào khi xem lại cũng cảm thấy xấu hổ.

Chỉ có 120 binh lính Pháp do một đại úy chỉ huy cộng với vài chục lính mộ người Việt và người một số nước Châu Á khác đi theo hỗ trợ(10 người âu, 30 người châu á, 150 lính mộ Vân Nam) cùng với 08 khẩu pháo mà hạ thành Hà Nội do một vị đại tướng của Việt Nam chỉ huy với 7 ngàn quân, chỉ trong nháy mắt! (chưa đến 1 tiếng đồng hồ trong ngày 20/11/1873)

Đại úy Garnier yêu cầu nộp thành, ta không theo. Y ra lệnh công thành. Nên nhớ, quân ta đông gấp vài chục lần quân Pháp, lại là một dân tộc văn minh chứ không còn ở giai đoạn bán khai như người da đen ở châu Phi hay còn dùng công cụ đồ đá như người Azteca ở Mexico. Nếu xáp chiến thì chỉ cần dùng quả đấm cũng có thể đè bẹp quân Pháp. Nên nhớ vũ khí thời đó của quân Pháp cũng khá thô sơ. Tiếc thay, chỉ vài loạt đạn của quân Pháp quân ta vứt súng chạy như vịt còn trơ lại vị Tổng đốc bị thương. Con trai Cụ là Nguyễn Lân cũng bị bắn chết.

Đại uý Garnier, 34 tuổi


Các sự khiện tiếp theo còn bi thảm hơn. Ngày 05/12/1873, chỉ có 7 lính Pháp và 2 lính mộ đi ca nô đến thành Ninh Bình bắt quan tuần phủ và hạ thành; lúc đó trong thành có 1700 quân trấn giữ.

8 lính Pháp hạ thành Ninh Bình

Chỉ có 50 lính pháp và một số lính mộ tấn công thành Nam Định có hàng ngàn quân. Việc quân Pháp dùng ngay các thanh chướng ngại làm thang leo lên mặt thành cũng đủ thấy sức kháng cự của quân ta không đáng kể. Thành Hải Dương còn thất thủ một cách khôi hài hơn. Chỉ có hơn hai chục lính pháp tấn công thành; táo tợn đến mức đu người lên cánh cửa để nhòm vào trong thành. Sau vài loạt đạn, lãnh binh Vi Văn Đông vội vàng bỏ trốn, quan binh thấy thế cũng trốn sạch. Quân Pháp phá cổng vào thành, thành mất.

Tại sao một dân tộc đã từng đánh thắng hàng vạn quân Tống, Nguyên, Minh, Thanh lại bạc nhược như vậy. Cũng vẫn dân tộc ấy thôi 80 năm sau, bằng vũ khí cũng kém hơn đã đánh bại chính đế quốc pháp trang bị tối tân hơn nhiều?!

Nhiều người cho rằng ta thua Pháp vì súng đạn ta không bằng Pháp. Điều đó không sai nhưng thực ra không hoàn toàn đúng. Súng đạn của quân Nhà Nguyễn cũng được nhập từ phương Tây và chỉ thua súng đạn của pháp một thế hệ. Thậm chí bằng lò rèn thủ công mà ông Cao Thắng ở núi rừng Vụ Quang còn chế tạo được gần giống súng của Pháp.

Ta thua pháp về tổ chức chiến tranh nhưng điều này có thể học hỏi và thay đổi được vì cuộc chiến tranh pháp – việt kéo dài 30 năm (1859 – 1888).

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại của người Việt Nam chính là sự thờ ơ của đa số người dân trước thời cuộc, trước vận mệnh của đất nước.

Trở lại bài ca dao, người dân ở đây được hình tượng hoá ở hình ảnh con cò. Cò ta đứng ở bờ tre để xem quan quân triều đình đánh nhau với Tây. Cò dửng dưng như người ngoài cuộc đứng xem một việc không liên quan đến mình. Không may ”thằng Tây” nó bắn phải ”cò”, thế thôi!

Người dân dửng dưng trước thời cuộc, trước nguy cơ mất nước vì xã hội Việt Nam đã chia rẽ sâu sắc. Nguyễn Hàn Ninh có bài thơ vịnh đèn kéo quân rất hay nói lên thực trạng của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ là:

"Một lũ ăn mày, một lũ quan,
Quanh đi quẩn lại chỉ một đoàn”

Thân phận người lính cũng vậy:
”Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan,
đẽo tre đẵn gỗ trên ngàn…”.

Các quan chỉ coi lính như lũ người hầu, làm việc không công: ”nước sông công lính”. Ngay các quan cũng chẳng quan tâm gì đến việc luyện tập, võ bị. Lực lượng vũ trang bị coi thường:

”Văn thì thất phẩm đã sang,
võ thì tứ phẩm còn mang gươm hầu”.

Tựu trung, quan lại là lũ người chỉ nghĩ đến mình, ra tay vơ vét, chiếm đoạt. Người dân đã nhìn rõ thực trạng này về hàng ngũ công chức bất tài, vô hạnh này:

”Khi bình làm hại dân ta,
Túi tham vơ vét chẳng tha thứ gì,
Đến khi hoạn nạn lâm nguy,
Mặt trông lơ láo, chân đi tập tềnh!”

Rồi:
"Đồn rằng quan tướng có danh,
Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai”

Ông Ích Khiêm phải kêu lên:
"Áo chúa cơm vua hưởng bấy lâu
Đến khi đánh giặc phải nhờ Tầu…”

Trong tình hình quan chức như vậy, người dân vừa khinh vừa ghét. ”Cò” không nói ra nhưng có khi còn hả hê trưóc cảnh quan quân bị Tây bắn, chạy như vịt:
”- Cho chúng mày chết!”

Một dân tộc đã chia rẽ như vậy thì mất nước là tất yếu!

Sỹ quan Pháp phát súng cho lính mộ tình nguyện người Việt

Khác hẳn 600 năm trước khi giặc mạnh phương Bắc lăm le cướp nước, chính quyền đã mở hội nghị Diên Hồng để tạo sự đồng thuận toàn dân; mở hội nghị Bình Than để thống nhất ý chí của quý tộc.

Điều đó cho thấy, đối diện với nguy cơ mất nước càng cần đối thoại để thống nhất ý chí. Muốn có đối thoại cần có sự tôn trọng lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội. Điều này Nhà Nguyễn đã không làm được. Những vị vua dốt nát, yếu đuối và đội ngũ quan lại tham nhũng, bất tài, mua quan bán tước của nhà Nguyễn không thể nào trở thành hạt nhân đoàn kết dân tộc được nữa. Họ không làm được điều các quý tộc nhà Trần đã làm. Quý tộc Nhà Trần là những anh hùng, hào kiệt, con cháu của những người bình dân chài lưới mới chiếm được chính quyền từ tay Nhà Lý rệu rã bằng võ công và trí tuệ.

Giữa những trang hào kiệt:
"Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn,
Hỏi rằng chi đó bảo rằng than!”

Và lũ công chức tham nhũng, bạc nhược là khoảng cách rất xa về chất người.

Chúng ta vẫn có thể thua Pháp vì trình độ phát triển của họ lúc bấy giờ hơn hẳn ta nhưng thua như kiểu vua quan nhà Nguyễn là một nỗi nhục lớn lao mà không nên quên. Bởi vì nếu quên, nếu cố tình không sòng phẳng với lịch sử có thể dân tộc Việt Nam lại lặp lại sai lầm tương tự trong tương lai./.

HN, 02/8/2011
https://nghiencuulichsu.com/2019/04/01/suy-nghi-ve-mot-bai-ca-dao-va-thai-do-cua-nguoi-dan-truoc-thoi-cuoc/?fbclid=IwAR2ASqZgQmrefZOXWCnJPAn1m4w7eOcGOlHsUXz4tXa001saDZAD4ogMD7w

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét