18 quy tắc để làm giầu trên Thị trường Chứng khoán
Năm 2021 có thể nói là một năm bùng nổ của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, với hàng triệu triệu nhà đầu tư mới (“FO”) tham gia thị trường, dẫn đến giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 25.960 tỷ đồng/phiên, có phiên kỷ lục lên đến 2,3 tỷ USD, thanh khoản tăng 250% so với năm 2020. Chính những điều này đã giúp cho TTCK Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn và xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, lọt vào top 10 thị trường tăng mạnh nhất thế giới.Cùng với đà tăng trưởng TTCK, có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân, mặc dù mới tham gia thị trường và chưa có kinh nghiệm đầu tư bao nhiêu, nhưng đạt “lãi khủng”, với tài khoản nhân gấp đôi, gấp 3 lần, thậm chí gấp 5 lần trong thời gian rất ngắn.
Tuy nhiên, kể từ trung tuần tháng 1/2022, phi vụ bán chui cổ phiếu của Chủ tịch tập đoàn FLC và vụ viết tâm thư bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm của Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh đã khiến toàn bộ TTCK đỏ sàn liên tục. VN Index giảm hơn 40 điểm và lình xình đỏ sàn liên tục. Cổ phiếu giảm sàn không chỉ là cổ phiếu liên quan trực tiếp như họ FLC và cổ phiếu bất động sản tăng nóng thời gian trước đó, mà hàng loạt cổ phiếu cơ bản có kết quả kinh doanh tốt cũng bị “vạ lây”.
Sự kiện này làm cho phần lớn nhà đầu tư cá nhân đã mất thành quả đầu tư của cả năm, thậm chí thâm hụt cả vốn gốc ban đầu. Nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân đối với TTCK luôn biến động như vậy, xin chia sẻ 18 quy tắc đầu tư với các nhà đầu tư cá nhân như sau:
Quy tắc số 1: Nhà đầu tư thành công không chỉ mua cổ phiếu tốt mà còn mua đúng điểm mua
Khi nhà đầu tư mở tài khoản chứng khoán, thì mỗi ngày công ty chứng khoán sẽ gửi các bản tin về tình hình thị trường, và các báo cáo phân tích về cổ phiếu niêm yết trên TTCK, cũng như các chính sách kinh tế và thị trường tài khóa… kèm theo đó là các khuyến nghị giá mua giá bán, giá mục tiêu của một số mã cổ phiếu niêm yết. Mặc dù các thông tin về cổ phiếu được công bố công khai, nhưng không phải ai mua cũng có lãi, mà lại có người lỗ và phải cắt lỗ.
Đâu là nguyên nhân?
Đó chính là có người mua đúng điểm mua và đúng giá mua, và chốt lời đúng thời điểm.
Quy tắc số 2: Mua cổ phiếu tốt để đầu tư, không nên mua cổ phiếu đầu cơ
Trong quý 3 và quý 4 năm 2021, hàng loạt nhà đầu tư FO vui mừng với tài khoản tăng gấp 2, gấp 3, gấp 4, thậm chí gấp 5 lần chỉ sau vài tháng mua GEX, DIG, CII, FLC, KLF, FIT, ROS…
Nhưng kể từ ngày 11/1/2022 đến hơn một tuần sau khi sự kiện bán chui cổ phiếu FLC của ông Chủ tịch, thì hàng loạt nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu này không bán được, vì ngày nào cổ phiếu trên sàn cũng giảm giá sàn và trắng bên mua, hoàn toàn không có thanh khoản. Nếu cứ liên tục trong vài phiên nữa thì cổ phiếu FLC rớt xuống mệnh giá, lùi về vùng 5.000 đồng trước khi đợt sóng tăng vừa qua, thậm chí có thể lùi về 1.000 đồng… Điều này có nghĩa là nhà đầu tư sẽ mất trắng khoản tiền đầu tư của mình.
Để tránh trường hợp chọn các cổ phiếu đầu cơ và tai tiếng, nhà đầu tư cần lựa chọn các cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh có kết quả tốt, cũng như tìm đọc cách chọn lọc cổ phiếu tốt.
Quy tắc số 3: Nhận diện cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường và xu hướng tăng trưởng của ngành đó
Chọn cổ phiếu tốt nhưng phải phù hợp với xu hướng của thị trường. Chắc hẳn nhiều nhà đầu tư còn nhớ, vào quý 1 và quý 2 năm 2021, các cổ phiếu ngân hàng tăng liên tục, nhiều tài khoản của nhà đầu tư tăng gấp đôi. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 7/2021, nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm giá liên tục, mặc dù cổ phiếu đó được đánh giá tốt trên thị trường như VPB, TCB, CTG… Trong khi các cổ phiếu ngân hàng giảm giá không phanh thì cổ phiếu ngành thép tăng chóng mặt, ví dụ NKG, HSG, HPG…nhiều nhà đầu tư tăng gấp 3-4 lần tài khoản…
Tuy nhiên, kể từ tháng 11/2021, toàn bộ cổ phiếu ngành thép bị suy giảm, cổ phiếu HPG từ 56.000 đồng rơi tự do về giá 44.000 đồng… mặc dù tập đoàn Hòa Phát kinh doanh lãi cả tỷ USD.
Do đó, nhà đầu tư phải nhận diện cho được cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường và xu hướng phát triển của ngành đó.
Quy tắc số 4: Gã khổng lồ luôn để lại dấu chân trên cát
Nếu có một người khổng lồ đi trên cát, thì dấu chân của anh ta luôn để lại. Do đó, nhà đầu tư nên theo dõi và để ý những phiên giao dịch mà cổ phiếu trong danh mục theo dõi của mình tăng mạnh với khối lượng giao dịch tăng đột biến trước đó. Điều này có thể là dấu hiệu cổ phiếu được các tổ chức lớn đang mua vào. Đối với các tổ chức lớn mua cổ phiếu, họ không thể giải ngân trong một vài phiên, mà mua rải rác nhiều phiên.
Đây chính là lý do cổ phiếu tăng liên tục, và nhà đầu tư cần theo dõi để đưa ra quyết định phù hợp.
Quy tắc số 5: Phải can đảm cắt lỗ khi cần thiết
Bất kỳ hình thức đầu tư nào cũng có rủi ro và có những nhân tố xảy ra không lường trước được. Do đó, dù bạn có tin tốt lành đến đâu, mua cổ phiếu tốt đến mức nào đi chăng nữa, nhưng khi có nhân tố không lường trước xuất hiện trên thị trường, bạn phải phân tích và can đảm cắt lỗ.
Ví dụ, sự kiện bán chui cổ phiếu FLC dẫn tới hàng loạt cổ phiếu blue chip giảm sàn liên tục. Nhiều nhà đầu tư giảm đến 20-25% tài sản trong danh mục, mà vẫn chưa cắt lỗ, và cầm cự tài khoản để chờ ngày cổ phiếu hồi trở lại. Tuy nhiên, nếu tổng tài sản giảm từ 20% trở lên sẽ khiến cho nhà đầu tư rất mất thời gian và công sức để phục hồi tài sản, vì không có cái gọi là “đầu tư dài hạn” hiệu quả khi mà cổ phiếu trong tài khoản cứ giảm giá liên tục như vậy.
Do đó, nhà đầu tư nên dừng lỗ khi cổ phiếu giảm đến từ 5 – 7% tổng tài sản trong tài khoản.
Quy tắc số 6: Khi cổ phiếu dẫn đầu đạt đỉnh chính là lúc cân nhắc chốt lời
Trên TTCK, sẽ luôn có những nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường và lan tỏa đến những cổ phiếu các ngành liên quan. Thông thường, những cổ phiếu dẫn dắt sẽ tăng giá trong độ 1 quý và đến cả 2 quý, rồi 3- 6 bắt đầu điều chỉnh. Sau đó, nhóm cổ phiếu lan toả, và nhóm penny gần đạt đỉnh.
Đây chính là lúc nhà đầu tư xem xét chốt lãi, vì sau khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt đi ngang và giảm giá, thì tầm 2 -3 tuần sau đó, các cổ phiếu liên quan và penny cũng lần lượt đạt đỉnh và hiện tượng “xả hàng” đồng loạt sẽ diễn ra trên tất cả các nhóm cổ phiếu còn lại.
Quy tắc số 7: Đầu tư cổ phiếu không có yêu và ghét
Có nhiều nhà đầu tư có thiện cảm với ban lãnh đạo của công ty, hoặc yêu thích một công ty nào đó, mà đầu tư vào đó, hoặc giả ghét vị Tổng giám đốc, hay công ty nào đó mà không mua hay đầu tư vào cổ phiếu đó. Điều này dẫn đến cái gọi là đầu tư theo cảm xúc và không lý tính, việc này đôi khi khiến cho nhà đầu tư lao đao khi cổ phiếu “yêu” rớt giá không phanh, và cổ phiếu “ghét” tăng giá chóng mặt.
Trong đầu tư, nhất là đầu tư cổ phiếu thì nhất định nói không với cảm xúc, không có yêu hay ghét một cổ phiếu nào đó, mà phải phân tích cổ phiếu đó có tăng trưởng hay không, và có đang phù hợp với xu hướng của thị trường hay không.
Quy tắc số 8: Thị trường có tăng thì cũng có giảm
Có nhiều nhà đầu tư sau khi mua một mã cổ phiếu nào đó, lúc nào cũng chăm chăm xem thị giá tăng hay giảm của nó, dẫn đến tâm tình biến động theo giá lên xuống của cổ phiếu đó, mà ăn không ngon ngủ không yên, suốt ngày chỉ nhìn bảng điện mà đau lòng và vui sướng.
Thực ra thì, cổ phiếu luôn biến động giá, hoặc đi ngang giá (tức là không tăng), nó chiếm 1/3 thời gian tăng trưởng giá của cổ phiếu đó. Do vậy, nếu nhà đầu tư nào mới mua cổ phiếu ngày T vừa xong mà tăng ngay, nhưng đến ngày T3, cổ phiếu về tài khoản lại giảm, và sau đó giảm tiếp, giảm liên tiếp thì cũng không nên buồn, nếu nó chưa chạm ngưỡng mất 5-7% tổng tài sản trong tài khoản, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi thành quả đầu tư.
Quy tắc số 9: Không phải cứ tin tức tốt hỗ trợ là cổ phiếu sẽ tăng
Có một điều mà nhà đầu tư nào mới tham gia thị trường cũng mắc sai lầm, ấy là cứ nghĩ rằng có tin tốt ra thì cổ phiếu sẽ tăng. Thực ra không phải vậy, mà nhiều khi tin ra là để tổ chức lớn nào đó xả hàng, hoặc các đội lái sẽ xả hàng… Do đó, tin tốt đối với cổ phiếu tốt và đang đúng xu hướng thị trường thì nó sẽ tăng giá; nhưng ngược lại tin tốt, nhưng thị trường đang ảnh hưởng bởi nhân tố nào đó, như chiến tranh, dịch bệnh ở nơi nào đó, hoặc là không đúng xu hướng thị trường, thì cổ phiếu cũng giảm.
Quy tắc số 10: Trong xu hướng giảm, nếu nhà đầu tư thấy khối lượng cạn kiệt cũng là lúc nên cân nhắc theo dõi cổ phiếu đó
Nhà đầu tư cần biết, lúc cổ phiếu giảm tức là lượng bán ra thị trường nhiều hơn lượng mua vào. Cho nên, khi khối lượng cạn kiệt tức là không còn nhiều cổ phiếu được bán ra nữa, lượng cung cũng không còn nhiều, nhà đầu tư nên theo dõi cổ phiếu đó để sẵn sàng mua vào.
Quy tắc số 11: Các nhịp tăng của thị trường luôn tuân thủ theo đúng 5 nhịp sóng Elliott: 3 nhịp tăng chính và 2 nhịp điều chỉnh.
Đầu tư chứng khoán có rất nhiều trường phái đầu tư và phân tích kỹ thuật, tuy nhiên nhà đầu tư cần lưu ý đến sóng Elliott. Sóng Elliott chính xác và sẽ luôn hiệu quả trên tất cả các thị trường, các khung thời gian là do nó phản ánh chính xác các giai đoạn tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường: từ bi quan, nghi ngờ, tự tin đến hưng phấn.
Quy tắc số 12: Một cổ phiếu đang trên đà tăng giá, nó sẽ tăng từ 3 đến 6 tháng liên tục, và ngược lại
Ví dụ: Có những cổ phiếu tăng liên tục trong vài tháng như KBC, FRT, DGC mặc dù bạn thấy giá nó có dao động lên xuống vài phiên, nhưng giá tăng là xu hướng của chính cổ phiếu này.
Ở chiều ngược lại, có những cổ phiếu trên đà giảm giá hoặc đi ngang, mặc dù cổ phiếu nội tại rất tốt, ví dụ như VNM, HPG…
Có nhiều nhà đầu tư thấy cổ phiếu tốt nào đó mà mình biết tăng vài phiên thì sợ sệt không dám giải ngân đầu tư. Thực ra thì một cổ phiếu mạnh và đang trên đà tăng trưởng, nó sẽ tăng từ 3- 6 tháng liên tục. Do đó, nhà đầu tư cần nghiên cứu vùng giá phù hợp trong chu kỳ tăng này để giải ngân vốn; còn một nhịp tăng của cổ phiếu ăn theo thì chỉ tầm 2 đến 3 tuần là kết thúc.
Nhà đầu tư mua cổ phiếu ăn theo thì dù có mua sớm cũng chỉ lãi 7-10%, còn nếu mua đúng cổ phiếu hàng đầu, thì dù mua muộn cũng lãi 20-30%.
Quy tắc số 13: Người tham lam luôn muốn mua ở đáy và bán ra ở đỉnh, người có kinh nghiệm thì mua ở điểm an toàn (mua là sẽ tăng) và bán ra khi sắp đến đỉnh.
Ông Rothschild, thành viên một gia tộc tài chính nổi tiếng trên thế giới, từng nói:
“Tôi thành công trên TTCK là nhờ không bao giờ cố mua ở đáy và bán ra ở đỉnh”.
Do vậy, nhà đầu tư đừng mong mua đáy và bán đỉnh, mà nên mua khi chắc chắn xu hướng tăng và bán ra khi đã kiếm đủ lời, hay còn gọi là “mua cao, bán cao hơn”.
Quy tắc số 14: Người ta sẽ luôn tìm một lý do nào đó để nói về cổ phiếu tăng hay giảm
Như đã nói trong các quy tắc ở trên, cổ phiếu luôn biến động trên thị trường, thông thường vài phiên tăng thì có vài phiên giảm, có thể là nhà đầu tư chốt lời theo sóng tăng đó, hoặc lo ngại dịch bệnh, hoặc cần tiền để mua cổ phiếu đang phù hợp với xu hướng sắp đến. Do đó, nhà đầu tư không cần tìm hiểu nhiều vì sao cổ phiếu tăng giảm, nếu như đã mua đúng cổ phiếu và đúng điểm mua, trừ khi cổ phiếu đang giảm đến mức cần phải can đảm cắt lỗ, và hoặc cần xem lại toàn bộ chiến lược đầu tư để đưa ra quyết định phù hợp, hay kịch bản phù hợp với thị trường.
Quy tắc số 15: Cổ phiếu nào được kêu gọi mua trên các nhóm đầu tư, và truyền thông nói có cánh về doanh nghiệp đó liên tục, thì là lúc cân nhắc bán cổ phiếu đó
Chắc hẳn là ai cũng nhớ những tháng vừa qua, trên các diễn đàn kêu gọi mua cổ phiếu họ FLC, cũng như các group kín, và truyền thông cũng đăng nhiều dự án đầu tư hoặc hợp đồng ký kết mang tầm quốc tế của tập đoàn này, và tin tốt về cổ phiếu này liên tục được đưa ra… kết quả sau đó là phi vụ bán chui của Chủ tịch FLC.
Chiêu trò truyền thông và “làm giá” cổ phiếu như vậy diễn ra rất nhiều với cổ phiếu trên sàn, do đó nhà đầu tư cần tỉnh táo để đưa ra quyết định sáng suốt.
Quy tắc số 16: Nhà đầu tư cần biết cổ phiếu nào cũng có một khoảng thời gian gọi là “phân phối đỉnh”
Trong chu kỳ tăng giá, một mã cổ phiếu nào đó sẽ đạt đỉnh, với khối lượng mua bán lớn đột biến. Đây chính là điểm phân phối đỉnh của cổ phiếu đó, tức là lúc mà người mua cổ phiếu giá thấp bán ra cho những người đến sau.
Sau khi khối lượng giao dịch này đã phân phối xong, cũng là lúc giá cổ phiếu giảm, nhà đầu tư cần biết điều này.
Quy tắc số 17: Các cổ phiếu tăng nhiều nhất chính là có kết quả kinh doanh tăng đột biến trong năm đó.
Trong quý 4 năm 2021, các cổ phiếu dòng phân đạm khí, như DCM và DPM liên tục tăng giá, và luôn có sóng tăng giá trong quý 4. Việc tăng giá này là kết quả của lợi nhuận và kết quả kinh doanh “khủng” của doanh nghiệp đạt được, nên dẫn đến thị giá cổ phiếu gia tăng.
Quy tắc số 18: Nhân viên môi giới chứng khoán không phải là người chịu trách nhiệm cho tài sản của nhà đầu tư
Chính bản thân nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về tài sản của mình, còn nhân viên môi giới chứng khoán chỉ giúp bạn các thao tác đặt lệnh giao dịch (nếu có), hoặc tư vấn, cung cấp thêm các sản phẩm của công ty chứng khoán cho nhà đầu tư. Họ làm việc và có trách nhiệm với công ty chứng khoán, cho nên đôi khi mâu thuẫn với lợi ích của nhà đầu tư. Phần lớn nhân viên môi giới mong muốn nhà đầu tư đặt lệnh mua và bán liên tục để họ hưởng doanh số, chứ không hẳn vì lợi ích của nhà đầu tư. Do vậy, nhà đầu tư nên nghe ý kiến của nhân viên môi giới để tham khảo thêm thông tin, chứ không quyết định theo ý kiến tư vấn của họ.
Trên đây là những quy tắc mà nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đã trải nghiệm, xin chia sẻ cùng các nhà đầu tư.
Nguồn: Trên mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét