Thứ Tư, 3 tháng 2, 2021

Giới thiệu "Chắp nhặt dông dài" của Tạ Đình Thính

"Chắp nhặt dông dài" - một kho tư liệu khổng lồ về cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở VN
Gần đây, vô tình tôi được kết bạn FB với một người quen là anh Tạ Đình Thính có nick name là "Đại Định". Anh tốt nghiệp phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) tại Tiệp Khắc năm 1970, nguyên Vụ trưởng tại Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chính phủ trong hàng chục năm. Trước đây thời còn công tác ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi cũng biết anh song chỉ cảm thấy quý anh vì thấy anh hiền và tốt bụng, chứ ít trao đổi chuyên môn. Mấy năm gần đây, tôi có gặp lại anh hai lần, là khi chúng tôi vào bệnh viên Hữu Nghị thăm chú Việt Phương đang ốm và khi viếng chú Việt Phương ở nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Cả hai lần tôi đều hứa sẽ đến thăm anh, nhưng đến tận tối hôm qua tôi mới thực hiện được.

Sau một hồi tâm sự chuyện quá khứ và tình hình hiện nay của đất nước, anh mang ra tặng tôi bộ sách "Chắp nhặt dông dài" do anh viết và được Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản năm 2018. Quả thật vừa nhìn thấy, tôi đã sốc và kinh ngạc vì bề dày của nó. Hai tập dày 1372 trang. Có lẽ tôi không nhớ lần cuối cùng tôi đọc một bộ sách lịch sử hay kinh tế dày cỡ này là năm nào, nhưng chắc chắn cách đây đã trên chục năm. 

Càng kinh ngạc hơn khi lật mấy trang cuối để nhìn mục lục, thì thấy toàn những nội dung rất cơ bản và đề cập tới những vấn đề rất then chốt và rất "nhạy cảm" của hai sự kiện có thể nói là "long trời lở đất", đụng chạm trực tiếp tới sinh mạng và số phận của hàng chục vạn, thậm chí hàng triệu người dân VN trong những năm 1950 và suốt thập kỷ 1975-1984 ở nước ta... Đó là cải cách ruộng đất được thực hiện vào những năm 1953–1956 và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh được thực hiện vào những năm 1958-1960 ở miền Bắc và 1975-1984 ở miền Nam. Hậu quả và thiệt hai của hai chiến dịch nay vô cùng khủng khiếp và sâu sắc, đến mức mỗi khi nhớ lại, chúng ta không thể không bàng hoàng, đau xót và căm phẫn, thậm chí vĩnh viễn không bao giờ có thể xóa bỏ khỏi trí óc chúng ta.

Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam là chiến dịch tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và tay sai bán nước, phân chia lại ruộng đất nông thôn cho nông dân, xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần phản quốc (theo Pháp, chống đất nước), phản động (chống chính quyền). Tuy nhiên, do vội vã thực hiện trên diện rộng trong khi cơ sở lý luận và phương pháp thực hiện không khoa học và minh bạch, nên đã gây ra nhiều tổn thất, nhất là cướp bóc ruộng đất của những gia đình trung lưu và biến việc xét xử địa chủ thành trả thù cá nhân, thậm chí cả vu oan và tấn công các đảng viên, cán bộ trung kiên và nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, ủng hộ chính quyền. Hậu quả là chính phủ Việt Nam đã phải tổ chức chiến dịch nhận khuyết điểm và sửa sai, phục hồi danh dự và tài sản cho các trường hợp oan sai, cũng như cách chức nhiều cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm về những sai lầm này. Đỉnh điểm là ngày 29 tháng 10 năm 1956, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người không dính các sai lầm trong Cải cách ruộng đất, đã phải thay mặt Chủ tịch nước đọc bản báo cáo của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương đảng tại Nhà hát lớn Hà Nội và Sân vận động Hàng Đẫy thừa nhận công khai các sai lầm và phát động chiến dịch sửa sai, phục hồi các chức vụ và trả lại tài sản cho một số cán bộ, bộ đội bị đấu tố, và tháng 12 năm 1956, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I, ông Hồ Chí Minh đã khóc và thay mặt chính phủ Việt Nam nhận khuyết điểm trong công tác cải cách ruộng đất. Tuy nhiên, việc sửa sai chỉ đơn thuần là phục hồi đảng tịch, quy lại thành phần (từ địa chủ, phú nông trở lại thành trung nông) chứ không trả lại tài sản, nhà đất cho những người bị hại... 


Hồi những năm 1970, khi đọc bộ tiểu thuyết vĩ đại nhất của nhà văn Nga Mikhail Aleksandrovich Sholokhov là "Sông Đông êm đềm" (với tác phẩm này, Sholokhov đã được tặng Giải Nobel văn học năm 1965), trong đó có vấn đề ruộng đất ở Nga, tôi luôn luôn đặt ra câu hỏi đạo lý nào cho phép những người cộng sản VN tự nhiên, thoải mái cướp sạch ruộng đất, nhà cửa của những người nông dân lao động vất vả qua nhiều thế hệ mới có được ? Bố mẹ tôi thường nói với tôi hầu hết những người được chính quyền cộng sản gọi là địa chủ thực chất chỉ là những nông dân cần cù chăm chỉ hơn người bình thường, tiết kiệm hơn người bình thường... Họ thuê người làm, lao động cùng với người làm và thường lao động vất vả hơn người làm mới chắt chiu được số tài sản quý giá đó chứ đâu phải bóc lột thậm tệ như các quan chức cộng sản và đám văn sĩ bồi bút mô tả. 

Tương tự như cải cách ruộng đất ở nông thôn, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh là một chính sách được thực thi tại các tỉnh phía Bắc sau 1954 và tại các tỉnh phía Nam sau ngày 30/4/1975 với mục tiêu "xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, xoá bỏ bóc lột tư bản chủ nghĩa, xoá bỏ giai cấp tư sản", thực chất là quốc hữu hóa (tịch thu) tư liệu sản xuất và cả tài sản của tầng lớp tư bản tư nhân ở thành thị. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 16 (năm 1959) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II khẳng định: "Một trong những nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa là xoá bỏ kinh tế tư bản tư doanh, xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, xoá bỏ bóc lột tư bản chủ nghĩa, xoá bỏ giai cấp tư sản". Hậu quả của hai cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc và miền Nam cũng rất nặng nề, đặc biệt là làm suy sụp toàn diện nền kinh tế miền Nam trong hơn 10 năm 1975-1985. Ngày nay, khi đất nước đang khuyến khích những nhà doanh nghiệp công thương phát triển trong nền kinh tế thị trường đầy năng động thì chúng ta lại càng có cái nhìn đúng đắn hơn để tiến tới đánh giá chính xác, khoa học, khách quan công và tội của các cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh trước kia. 

Trở lại với hai tập sách đồ sộ của TS Tạ Đình Thính, hôm nay tôi rất bận với công việc ở cơ quan hiện tại trước khi nghỉ tết và việc chia quà, chúc tết các cụ hưu trí nơi cơ quan công tác cũ nên mới đọc lướt qua và chưa dám có những nhận xét chi tiết về nội dung bộ sách, nhưng cảm nhận đầu tiên là lượng thông tin, tư liệu trích dẫn vô cùng phong phú và có nguồn gốc rõ ràng nên đáng tin cậy. 

Đặc biệt tác giả đã làm việc rất nhiều năm tại các cơ quan lãnh đạo đầu não của đất nước, được tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo hàng đầu ở trung ương..., nên có điều kiện khai thác nhiều loại thông tin, tài liệu lịch sử rất quý hiếm, thậm chí cả loại thông tin, tài liệu bảo mật. 

Có thể nói đây là lần đầu tiên tôi được đọc một kho thông tin đồ sộ như vậy về hai vấn đề đại sự này, nên cần phải hấp thụ và cảm nhận từ từ. Tuy nhiên, có thể nói ngay là tôi rất thích cấu trúc của cả hai tập sách, đi hoàn toàn theo lô gíc tự nhiên, từ mục tiêu đặt ra cho các cuộc cải cách cải tạo, các giải pháp lớn, đến tiến trình thực hiện, sai lầm và sửa sai, các trường hợp minh họa điển hình, rồi cuối cùng là tổng kết đánh giá. 

Mặc dù tác giả tập trung chủ yếu vào mô tả và phân tích thực tế một cách khoa học, khách quan, hạn chế đưa ra những kết luận, đánh giá chủ quan nhưng các kết luận, đánh giá chủ quan và cả những khuyến nghị giải pháp (nếu có) của tác giả đều có tầm cỡ và giá trị. Ví dụ trong đoạn cuối cùng của tập 1, tác giả viết: Để sửa sai triệt để, cần có một phiên tòa hoặc Quốc hội tuyên bố công khai trước toàn dân những sai lầm của cải cách ruộng đất, tuyên bố hủy các bản án, tuyên bố những người bị xử khi đó là vô tội dù họ đã không còn trên thế gian này. Không hồi tố những người chủ mưu hay tòng phạm gây ra những tội ác trong cải cách ruộng đất nhưng phải tước bỏ tất cả danh hiệu và vinh dự đã nhầm lẫn trao cho họ... Tôi rất tán thành những khuyến nghị như thế này của tác giả. 

Dông dài đến đây có lẽ là đủ, tôi chụp và đưa lên Blog và FB này mục lục của hai tập sách để các bạn có thể đọc và thấy tính hợp lý, khoa học của chúng, từ đó cảm nhận, suy đoán nội dung bên trọng và sự hấp dẫn của chúng, dẫn tới nhu cầu phải tìm chúng để có thể trực tiếp đọc và hiểu đúng những gì đã diễn ra ở đất nước ta trong những thập kỷ lịch sử cận đại đau thương vừa qua, qua đó vận dụng chúng trong cuộc sống của chính mỗi người. 

Đối với tôi, cảm nhận lớn nhất trùng với câu nói nổi tiếng của Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Ai tin cộng sản là không có cái đầu. Ai làm theo cộng sản là không có trái tim". Chúng ta đừng vội tin vào tuyên truyền cộng sản. Hãy tự mình đọc lịch sử như đọc những bộ sách "Chắp nhặt dông dài" này để hiểu đúng lịch sử, từ đó hãy làm việc với cái đầu của mình và với trái tim của mình, chứ đừng làm theo cái đầu của họ và với trái tim của họ. 

Xin giới thiệu bộ sách "Chắp nhặt dông dài" với các bạn. 
Cám ơn các bạn quan tâm và đọc bài viết này.

Xin cám ơn TS Tạ Đình Thính đã biên soạn và để lại cho hậu thế tác phẩm rất giá trị này. 

Ảnh chủ Blog và FB này với tác giả "Chắp nhặt dông dài" - TS Tạ Đình Thính

Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, giày và trong nhà
Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang ngồi, giày và trong nhà
Hình ảnh có thể có: văn bản
Không có mô tả ảnh.
Không có mô tả ảnh.
Không có mô tả ảnh.

1 nhận xét:

  1. "Ai tin 2 thằng mày là không có cái đầu. Ai nghe theo 2 thằng mày là không có trái tim".

    Trả lờiXóa