Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

Người dân về quê ăn tết, các tỉnh cách ly như thế nào?


Theo dự kiến, 5h sáng nay gia đình mình đã lên đường đi du xuân xuyên Việt 17 ngày Hà Nội - Vũng Tàu - Sài Gòn, trong đó có một số ngày ở các tỉnh Tây Nguyên, kể cả Gia Lai, vì theo các phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ thì tình hình dịch bệnh không có gì nghiêm trọng: các ổ dịch đều được cô lập, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm nên mọi việc đều trong vòng kiểm soát... Tuy nhiên, thực tế không mầu hồng như vậy mà các thông tin cho thấy dịch bệnh ngày càng lan rộng và lan nhanh ra nhiều tỉnh thành. Đêm qua mình đọc tin 5 tỉnh trên đường mình đi qua đã quyết định thực hiện nhiều biện pháp mạnh với người về quê và cả khách nơi khác đến địa phương. Bài dưới đây cho biết ngày 3/2, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp trên địa bàn vận động công nhân ngoại tỉnh không về quê trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Theo đó, lao động về đón tết ở các địa phương có dịch hoặc đi qua các địa phương có dịch nhiều khả năng sẽ bị phong tỏa rất cao và không thể trở lại làm việc sau tết. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có văn bản khuyến cáo người dân tạm dừng kế hoạch, lịch trình du lịch, thăm thân nhân ngoài tỉnh, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ người ra, vào tỉnh từ nay đến sau Tết Tân Sửu. Thậm chí có chuyên gia của Bộ Y tế cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho các địa phương ban hành các quy định phù hợp với tình hình; do đó, việc có cách ly "người từ Hà Nội" tới địa phương hay không vào dịp tết này là tùy theo quyết định của lãnh đạo các tỉnh thành... Như vậy, Thủ tướng Phúc đã buông quyền "cấm hay không cấm đi lại" trên phạm vi cả nước cho mỗi địa phương tự quyết định; đây là một sai lầm nghiêm trọng. Vì quan chức địa phương vừa yếu về năng lực quản lý, vừa rất sợ trách nhiệm, nên với đà lan nhanh của dịch bênh thế này, cách quản lý tốt nhất đối với họ làm cấm tiệt việc đi lại cho nó chắc, hoặc ít nhất là cứ người lạ vào địa phương thì bắt cách ly tại nhà hay khách sạn 14-21 ngày. Thế thì rủi ro sẽ rất lớn cho những du khách như mình. Trong số khoảng 20-25 tỉnh phải đi qua, chắc chắn sẽ bị mắc kẹt ở đâu đó với những thủ tục cấm đoán khắt khe của quan chức cấp thấp thường hèn đối với lưu manh côn đồ nhưng ác với dân lành của chính quyền địa phương. Vậy là giấc mơ du xuân năm nay của gia đình mình đành phải bãi bỏ.

Người dân từ TP.HCM, Hà Nội... về quê ăn tết, các địa phương cách ly như thế nào?
04/02/2021 
TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho các địa phương ban hành các quy định phù hợp với tình hình. Do đó, việc có cách ly người về từ những vùng "nhạy cảm" như Hà Nội hoặc một số địa phương có người dương tính với COVID-19 hay không vào dịp tết này là tùy theo quyết định của lãnh đạo các địa phương. Nhiều địa phương đã thông báo cách ly toàn bộ người dân về từ vùng dịch, có nơi chỉ cách ly người thuộc diện F1. Nhiều địa phương khác thì đề nghị người dân không nên về quê dịp tết này để phòng tránh dịch...

Ngại tình hình dịch bệnh, hai bạn sinh viên quê ở Quảng Nam, hiện học tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM, tìm hiểu thông tin trên mạng và đến ga Sài Gòn trả vé - Ảnh: NHẬT THỊNH

Từ đâu về thì bị cách ly?

BẮC GIANG: Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết tỉnh sẽ rà soát toàn bộ người dân từ các vùng dịch về để phòng chống lây nhiễm COVID-19.

Trong đó, tập trung vào 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh - địa phương có các ca bệnh lây nhiễm cộng đồng phức tạp mà chưa phát hiện được F0 nên toàn bộ 100% người dân từ 2 tỉnh này về sẽ phải rà soát, cách ly.

Dựa trên khai báo của người dân về nơi ở trước khi về thì sẽ phân loại cách ly tập trung hay tại nhà. Nếu ở các vùng dịch như TP Chí Linh, các điểm thôn / xóm / ngõ / phường / xã bị cách ly y tế ở trên địa bàn tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh thì sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày. Còn người dân ở ngoài vùng dịch mà ở 2 tỉnh này sẽ cách ly tại nhà 14 ngày.

Các địa phương khác như Hà Nội, Gia Lai, Bắc Ninh… thì chỉ cách ly tập trung các trường hợp trong vùng dịch đã được Bộ Y tế, địa phương công bố điểm dịch cách ly y tế như thôn Bạch Lữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội).

HÀ GIANG: Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, người dân ngoại tỉnh ở các vùng dịch theo thông báo của Bộ Y tế về Hà Giang phải cách ly tập trung 14 ngày.

Người dân Hà Giang đến/đi từ vùng dịch trở về thì phải cách ly y tế.

YÊN BÁI: Tất cả công dân từ các địa phương có dịch về tỉnh phải đến trạm y tế trên địa bàn lưu trú để kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế trước khi trở về nhà. Người dân tự theo dõi sức khỏe, khi có các biểu hiện ho, sốt, khó thở... cần báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất nơi cư trú.

HẢI DƯƠNG: Ngày 3-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Mạnh Cường - giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương - cho biết những người không ở vùng bị phong tỏa, bị cách ly y tế do dịch COVID-19 vẫn được ra vào Hải Dương bình thường, trừ các khu vực mà Hải Dương đang triển khai biện pháp phong tỏa, cách ly y tế.

HẢI PHÒNG - THÁI BÌNH: Những người không thuộc vùng dịch (đã được Bộ Y tế công bố) khi ra vào các địa phương này sẽ chỉ phải thực hiện khai báo y tế, đo kiểm tra thân nhiệt.

PHÚ THỌ: Ông Nguyễn Huy Ngọc, giám đốc Sở Y Tế tỉnh Phú Thọ, cho biết tỉnh sẽ áp dụng cách ly tại nhà đối với các trường hợp từ vùng dịch về. Các trường hợp F2, người vừa hoàn thành cách ly tập trung và các trường hợp khác theo quy định của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 Trung ương và địa phương.

TP HÀ NỘI: Người dân về từ TP Chí Linh (Hải Dương) từ ngày 1-1 và sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) từ ngày 5-1 cần chủ động đến trạm y tế nơi lưu trú hoặc trung tâm y tế địa phương khai báo y tế để được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19.

Ông Hà Tiến Thăng - chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình - nhấn mạnh những người trở về từ vùng dịch (theo cập nhật của Bộ Y tế) sẽ phải đi cách ly y tế tập trung theo quy định. Những ai không chấp hành việc cách ly tập trung, lực lượng chức năng sẽ buộc quay đầu.

Cũng theo ông Thăng, người dân đến từ Hà Nội hay các địa phương khác không nằm trong vùng dịch chỉ cần khai báo y tế, lịch trình di chuyển.

NGHỆ AN: Theo ông Bùi Đình Long - phó chủ tịch UBND tỉnh, người dân về quê dịp tết phải chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe. Riêng trường hợp F1 sẽ được cách ly y tế tập trung, người F2 và F3 phải cách ly tại nhà.

Người dân từ các địa phương chưa có ca COVID-19 về quê sẽ không phải cách ly tại nhà và cách ly y tế tập trung.


Người dân làm thủ tục đi máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 3-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Không về tết này còn tết khác..."

Ngày 3-2, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn vận động, tạo điều kiện cho công nhân ngoại tỉnh không về quê trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Theo đó, lao động về đón tết ở các địa phương có dịch hoặc đi qua các địa phương có dịch nhiều khả năng sẽ bị phong tỏa rất cao và không thể trở lại làm việc sau tết.

Đặc biệt, nếu tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng sẽ dẫn đến nguy cơ làm bùng phát dịch khi trở lại Đồng Nai làm việc.

Hơn nữa, khi người lao động bị cách ly tập trung sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Do đó, với tinh thần "không về tết này còn tết khác, nhưng dịch không dập lúc này thì không còn lúc khác", chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kêu gọi và đề nghị lãnh đạo các DN trên địa bàn vận động, khuyến cáo công nhân, người lao động ngoại tỉnh không trở về quê trong dịp Tết Nguyên đán 2021, DN tùy vào khả năng có hình thức hỗ trợ công nhân lao động ở lại địa phương đón tết.

Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có văn bản yêu cầu tạm dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung trên 50 người, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, thực hiện nghiêm yêu cầu "5K" và xử phạt nặng các trường hợp không đeo khẩu trang đúng quy định, không thực hiện khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực.

Địa phương này khuyến cáo người dân tạm dừng kế hoạch, lịch trình du lịch, thăm thân nhân ngoài tỉnh, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ người ra, vào tỉnh từ nay đến sau Tết Tân Sửu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Lương Tâm - phó giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh - cho biết địa phương này đã xây dựng các phương án, cơ sở cách ly y tế tập trung nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xảy ra dịch.

Tuy nhiên, theo ông Tâm, trong thời điểm dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, người dân Hà Tĩnh đang đi làm ăn xa nên cân nhắc kỹ việc trở về quê dịp tết. Nếu trở về ăn tết cũng phải khai báo y tế.

Khi nào cấm đi lại?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho các địa phương ban hành các quy định phù hợp với tình hình. Do đó, việc có cách ly "người từ Hà Nội" hay không vào dịp tết này là tùy theo quyết định của lãnh đạo các tỉnh thành. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có địa phương nào đưa ra quyết định như vậy.

Chỉ có những vùng dịch hay vùng bị phong tỏa mới ngăn đi lại. Còn nếu ngăn đi lại hoặc yêu cầu cách ly là không đúng quy định.

PGS.TS TRẦN ĐẮC PHU
(cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế)

"Quan điểm của tôi là không nên thực hiện ngăn sông cấm chợ, phải vừa mở nhưng vừa đóng, đều bằng hàng rào kỹ thuật. Vì dịch còn kéo dài, không thể gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân. Thay cho việc đóng cửa, nên nỗ lực nhanh chóng trong khoanh vùng, truy vết để dập dịch" - chuyên gia này nói.

Giải thích về cấm đi lại, ông Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) - cho biết ổ dịch/vùng dịch là những nơi đã có quyết định phong tỏa hoặc cách ly y tế, trong vùng có rào chắn.

"Chỉ cấm đi lại từ ổ dịch, còn đi lại trong phường này và ngoài phạm vi phường là bình thường, không được cấm đoán, nếu có cấm đoán hãy báo lên Ban chỉ đạo chống dịch quốc gia" - ông Phu nói.

https://tuoitre.vn/nguoi-dan-tu-tp-hcm-ha-noi-ve-que-an-tet-cac-dia-phuong-cach-ly-nhu-the-nao-20210204080620046.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét