Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

Xấu hổ vì dòng kiều hối kỷ lục

Đọc đoạn này thấy thương và kính trọng Kiều bào ta quá: "với trái tim hướng về quê nhà, dù dịch bệnh tác động không thể về quê ăn tết, kiều bào đã hết lòng chuyển kiều hối về cho người thân, hỗ trợ người thân nhiều hơn và cũng vì Covid-19, kiều bào đã ra sức chắt chiu gửi thêm kiều hối, gửi nguồn vốn quý về để phát triển đất nước nhiều hơn". Kiều bào đúng là những chùm khế ngọt, cho dân ta trèo hái suốt ngày. Riêng Sài Gòn năm 2020 nhận 6,1 tỷ USD, chia cho 9 triệu dân (có hộ khẩu) thành phố, mỗi người được 678 đô la, tương đương 15,8 triệu đồng/người/năm hay 1.316.000 đồng/người/tháng. Tiền viện trợ như thế đã gần đủ hoặc đủ sống rồi nên dân Sài Gòn ung dung là phải, khoe giầu là phải. Họ biết kiều bào phải lao động rất vất vả ở xứ người mới kiếm được ít tiền đảm bảo cuộc sống và gửi về quê nhà, nhưng với lòng tham không đáy, họ còn muốn khai thác cái  “mỏ vàng vô tận của kiều bào" nhiều hơn nữa ! Sống dựa trên sức lao động của người khác và còn muốn sống thế mãi mà không thấy xấu hổ, thấy nhục sao ? Tôi rất ghét những thông tin về thu hút kiều hối, thu hút vốn ODA, FDI, vay nợ nước ngoài hay bán tài nguyên kỷ lục. Tất cả đều không phải thu nhập từ thành quả lao động do chính chúng ta làm ra. Sống dựa vào các nguồn tiền đó là bóc lột sức lao động của người khác, là cướp tiền của các thế hệ con cháu chúng ta (vì sau này con cháu vừa hết tài nguyên, vừa nai lưng lao động lấy tiền trả nợ...).
Đằng sau dòng kiều hối kỷ lục
SGGP 23/2/2021 Những ngày cận Tết Tân Sửu 2021, một tin vui được loan báo là kiều hối đổ về TPHCM tăng đột biến, đạt mức 6,1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2019 (5,5 tỷ USD). Kiều hối không những không giảm mà còn gia tăng mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động toàn cầu, càng cho thấy sự đóng góp lớn lao của kiều bào đối với quê hương đất nước.
Tìm hiểu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên (Khu Công nghệ cao TPHCM) - một doanh nghiệp được kiều bào tạo lập. Ảnh: VIỆT DŨNG

Vượt xa dự báo

6,1 tỷ USD kiều hối trong “năm Covid-19” là con số kỷ lục, vượt xa mọi dự báo trước đó của các tổ chức tài chính, chuyên gia tài chính, là nguồn lực vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và cả nước đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Kiều hối cùng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đóng góp vào sự phát triển của TPHCM.

Giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành toàn cầu, hình ảnh những chuyến bay đặc biệt của Việt Nam đến các quốc gia đón gần 90.000 con em, người lao động, kiều bào về nước đã làm rung động trái tim nhiều kiều bào trên khắp thế giới. Kiều bào càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ khi năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới suy giảm kinh tế, tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã vượt lên, đạt mức tăng trưởng dương, thực hiện thành công “mục tiêu kép” và chăm lo cho đời sống người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội và kết quả phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao và được kiều bào ở nước ngoài cũng như người dân trong nước hết sức tin cậy. Trong niềm tin cậy ấy và với trái tim hướng về quê nhà, dù dịch bệnh tác động không thể về quê ăn tết, kiều bào đã hết lòng chuyển kiều hối về cho người thân, hỗ trợ người thân nhiều hơn và cũng vì Covid-19, kiều bào đã ra sức chắt chiu gửi thêm kiều hối, gửi nguồn vốn quý về để phát triển đất nước nhiều hơn.

Kiều bào không chỉ có kiều hối

Hẳn nhiên, sự hướng về, đồng hành đóng góp của kiều bào với quê hương đất nước không chỉ có kiều hối. Giữa lúc dịch Covid-19 tác động và bão lũ dồn dập ập vào các tỉnh miền Trung, những “tấm lòng vàng” của kiều bào đã thể hiện bằng nghĩa cử cụ thể, nhanh chóng. Kiều bào đã gửi tặng gần 80 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật thiết thực cho phòng chống dịch, khắc phục hậu quả bão lũ.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, kiều bào có đóng góp quan trọng về đầu tư, thương mại, chuyển giao tri thức, khoa học - công nghệ… Trong hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tỷ lệ người có trình độ cao, là chuyên gia, trí thức, doanh nhân chiếm tỷ lệ rất cao, lên tới nửa triệu người. Với nền tảng được đào tạo bài bản, mối quan hệ rộng, kinh nghiệm sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, thì tiềm năng đóng góp của kiều bào về tri thức, kinh nghiệm cho đất nước là rất lớn. Và đây mới là “mỏ vàng” vô tận của kiều bào!

Cùng với phát huy “mỏ vàng” kiều hối, trong thời điểm hiện nay, “mỏ vàng” về tri thức, kinh nghiệm của kiều bào rất cần được trân trọng, phát huy hiệu quả hơn cho sự phát triển tăng tốc của Việt Nam cũng như của TPHCM. Đơn cử là việc góp ý, hiến kế. Hàng năm, TPHCM thường tổ chức các buổi lắng nghe kiều bào góp ý cho sự phát triển.

Quy mô nhất, TPHCM bội thu 47 ý tưởng, đề án, kiến nghị, hiến kế của chuyên gia, trí thức kiều bào sau hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng TPHCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” (thường được gọi là VK16, tháng 11-2016). Ngay sau VK16, “Ngân hàng ý tưởng kiều bào” được hình thành gồm nhiều sáng kiến, đóng góp tâm huyết ở các lĩnh vực với mục đích cùng chung tay giải quyết đột phá các vấn đề “nóng” của TPHCM. Gần 5 năm đã trôi qua, và hàng năm, TPHCM đều thu nhận những hiến kế, đóng góp mới. Vậy những hiến kế tâm huyết của kiều bào đã được TPHCM triển khai, hiện thực hóa đến đâu?

Hiện nay, TPHCM đang cần nhiều nguồn lực về tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng đô thị sáng tạo, xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số… Vậy TPHCM - với lợi thế 6,1 tỷ USD kiều hối trong năm 2020, sẽ định hướng sử dụng dòng tiền này thế nào? TPHCM đang có mong muốn thu hút chuyên gia, trí thức, nhà khoa học cho phát triển các lĩnh vực trọng điểm; vậy TPHCM “bắt sóng”, gắn kết, khai thác “mỏ vàng” tiềm lực dồi dào ở các trí thức, chuyên gia kiều bào ra sao?

Những điều này cần được công khai thông tin trên báo chí và phản hồi tới kiều bào để kiều bào càng thêm sự tin tưởng, thêm gắn kết, ra sức đóng góp với TPHCM.

Năm 2021, dù dịch Covid-19 còn phức tạp, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) cùng 38 chi hội thành viên ở các nước vẫn tiếp tục tham gia giới thiệu sản phẩm và phát triển kênh phân phối, đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài. BAOOV tiếp tục gắn kết thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận, mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài, góp phần đưa hàng hóa, sản phẩm Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

PETER HỒNG - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

https://www.sggp.org.vn/dang-sau-dong-kieu-hoi-ky-luc-715131.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét