Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Chúng ta có nên tiêm VACCINE ?

Đồng ý với ý kiến của bác Sơn trong bài này. Không hiểu từ năm nào đã sinh ra chuyện làm việc gì nhà nước cũng yêu cầu phải xã hội hóa, tức là bắt dân phải bỏ tiền ra mua hoặc kêu gọi dân quyên góp tiền để thực hiện. Nhiều việc đại sự như giáo dục để nâng cao dân trí và tăng năng suất lao động, các nước đều có hình thức phổ biến, đại trà là miễn phí, nhưng ở VN học ở đâu cũng phải đóng tiền, thậm chí đóng rất nặng. Bây giờ đang nóng việc tiêm vaccine. Nhà nước thu thuế thì có trách nhiệm sử dụng thuế đó để phòng ngừa và chữa bệnh cho tất cả người dân nếu bệnh đó có khả năng lan ra khắp cộng đồng, làm chung như thế mới hiệu quả. Các nước đều làm thế; chúng ta cũng đã làm thế đối với một số loại bệnh... Thế mà nay lại đưa ảnh quảng cáo đứa trẻ vài tuổi đầu dùng búa to đập lợn đất bé xíu lấy tiền tiết kiệm để đóng góp cho nhà nước mua vaccine. Moi móc từng xu của trẻ em có thấy nhục và xấu hổ không ? Thay vì bỏ tiền chống Covid quá tốn kém và biến cả nước thành trại lính như hiện nay, Nhà nước nên dùng số tiền đó để mua vaccine tiêm cho dân có phải tốt không ? Hoặc như bác Sơn viết trong bài, thế sao họ có tiền tổ chức đại hội hoành tráng, ca nhạc hoành tráng, xét nghiệm cho từng người tham dự liên hoan ca nhạc hết sức tốn kém? Thế sao họ xây bao nhiêu là tượng đài, bao nhiêu là trụ sở? Và tại sao, trong lúc không có tiền mua vaccine cho dân, mà hết tỉnh này đến tỉnh khác đòi xây sân bay?  Tiêm vaccine ở VN cũng là vấn đề, tôi thường rất lo ngại khi nhìn các cô y tá ở các trạm y tế phường bảo quản và tiêm vaccine. Vaccine phòng Covid phải được bảo quản ở nhiệt độ âm rất ngặt nghèo. Với cách làm luộm thuộm của VN, sợ rằng chất lượng khi đưa vào người sẽ không đảm bảo. Do là giáo viên đại học, thuộc 11 nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm trước, quả thật  lúc này tôi chưa muốn làm chuột bạch. Ngoài ra, tôi thấy nhà nước quyết định ưu tiên tiêm trước cho tất cả quân nhân thuộc lực lượng quân đội và công an là quá rộng. Với lực lượng này, cũng chỉ nên ưu tiên những người tham gia phòng chống dịch là đủ. Đồng thời tôi cũng thắc mắc tại sao ưu tiên cho giáo viên mà không ưu tiên cho sinh viên vì sinh viên tiếp xúc, quan hệ xã hội còn rộng hơn giáo viên đứng bục.
Chúng ta có nên tiêm VACCINE ?
FB Bs Võ Xuân Sơn - Có bạn hỏi tôi nghĩ sao về việc Việt nam cho tiến hành thử nghiệm vaccine cúm Tàu. Tôi trả lời rằng, muốn chế ra vaccine thì phải thử nghiệm. Bạn ấy hỏi liệu Việt nam có thể chế tạo ra vaccine ngừa cúm Tàu hay không?

Tôi cho rằng Việt nam hoàn toàn có thể điều chế ra vaccine ngừa cúm Tàu. Trên thực tế, Việt nam đã điều chế và sản xuất một số loại vaccine, thì có gì mà không điều chế được vaccine cúm Tàu. Thực tình thì tôi không theo dõi việc chế tạo vaccine của Việt nam, nên tôi không biết việc ấy đã tiến hành đến đâu. Nhưng nếu Việt nam tuân thủ các qui trình sản xuất vaccine của thế giới, có nghiên cứu và công bố đầy đủ các bước thì đó là điều tốt, đáng khích lệ.


Bạn ấy lại hỏi, rằng tôi nghĩ sao khi có một số người cho rằng nếu thử nghiệm, thì ông Vũ Đức Đam nên thử nghiệm trước. Tôi không đồng ý việc này. Chẳng phải tôi thương tiếc gì quan chức, cũng chẳng phải tôi thần tượng gì ông Đam. Tôi cho rằng, khi thử nghiệm, có thể có những trường hợp biến chứng, thậm chí chết người. Tuy nhiên, nếu tỉ lệ biến chứng ít, ví dụ 0,001% chẳng hạn, thì nghiên cứu ấy vẫn có thể được coi là thành công, và chúng ta có vaccine.

Nếu ông Đam đứng ra làm người thử nghiệm, mà cái tỉ lệ 0,001% ấy rơi vào người khác thì không sao, nhưng nếu chẳng may nó rơi vào ông ấy, thì có ai dám chích cái vaccine ấy không? Thực vậy, cái đó gọi là hiệu ứng truyền thông. Chỉ có những người quá kém hiểu biết, hoặc có lí do nào đấy mới chấp nhận nguy cơ bị rơi vào khủng hoảng truyền thông kiểu như vậy.

À, tôi có nói đến một chuyện, rằng để thử nghiệm, ở các nước, người ta trả tiền cho người được thử nghiệm, bao gồm cả bảo đảm tài chính về rủi ro ở mức nhất định nào đó. Đó là chi phí nghiên cứu mà các nghiên cứu có thử nghiệm trên người đều phải thực hiện. Tuy nhiên, ở Việt nam thì hay có kiểu tình nguyện không công. Thậm chí, trong một số trường hợp, người “tình nguyện” thử nghiệm không những không được nhận thù lao, mà còn không biết cả việc mình bị trở thành vật thử nghiệm.

Tôi bổ sung thêm đoạn này, chứ không lại bảo tôi vu khống. Hồi đó, bệnh viện tôi thông báo cho nhân viên chích ngừa viêm gan siêu vi miễn phí. Tôi liền xuống chích. Sau khi chích xong, mấy người yêu cầu tôi kí vào bản đồng ý chích. Tôi lạ quá và hỏi, mọi người ấp úng trả lời. Cuối cùng thì tôi được biết, là họ thử nghiệm vaccine nhập từ Cuba. Ông giáo sư phó giám đốc bệnh viện đã nghĩ ra cách lừa tụi tôi. Tôi, cùng khá nhiều người, đã mắc bẫy lừa của ông ta. Lần đó, tôi trở thành trò cười cho một số anh em có quan hệ mật thiết với lãnh đạo nên có thông tin.

Nói đến chuyện kinh phí thử nghiệm, lại nhớ đến chuyện mấy ngày nay xôn xao chuyện quyên góp tiền để mua vaccine chích cho người dân. Nghe nói có em bé nào đập heo đóng góp. Tôi hơi lạ, vì hầu như nước nào thì chính phủ cũng lấy tiền ra để mua vaccine về chích cho người dân, còn ở Việt nam thì lại vận động người dân góp tiền để mua vaccine.

Có lẽ chính phủ chúng ta nghèo, không có tiền mua vaccine chích cho dân, nên hệ thống truyền thông nhà nước mới làm ồn ào chuyện quyên góp. Thế sao họ có tiền tổ chức đại hội hoành tráng, ca nhạc hoành tráng, thử nghiệm cho từng người tham dự liên hoan ca nhạc hết sức tốn kém? Thế sao họ xây bao nhiêu là tượng đài, bao nhiêu là trụ sở? Và tại sao, trong lúc không có tiền mua vaccine cho dân, mà hết tỉnh này đến tỉnh khác đòi xây sân bay?

Cho nên, tôi nghĩ có lẽ là họ làm truyền thông thôi, chứ họ chẳng thiếu tiền đâu. Nên tôi thấy mình nên để dành tiền, khi nào có vaccine dịch vụ thì lo cho cả nhà chích. Nếu còn khả năng thì lo cho nhân viên của mình. Tôi cũng không trông chờ lắm vào sự “ưu tiên” như ai đó nói, vì tôi đã chứng kiến nhiều chuyện “nói vậy nhưng không phải vậy”. Rồi ai đó lại bảo lên TV mà chích.

Ngoài ra, ngay cả khi được ưu tiên, thì tôi cũng không trông chờ gì nhiều vào cái vaccine, mà tuổi của tôi đã sắp hết “date” để nó có hiệu lực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét