HẬU BÁO VĂN NGHỆ VÀ NỖI BUỒN CHIẾN TRANH (kỳ 3)
Nguyên Ngọc - Nãy giờ là một số chuyện linh tinh ở Hội Nhà văn sau Đại hội IV, coi như chuyện thường ngày ở huyện. Bây giờ mới tới chuyện nghiêm trang hơn, về cái ban được Thường trực giao cho tôi, như tôi đã nói, có cái tên nghĩ kỹ một chút sẽ thấy rất kỳ quặc: Ban Sáng tác. Thử nhớ xem từ ông Balzac, ông Flaubert, ông Dostoievski, ông Tolstoi, ông Victor Hugo cho đến ông Hemingway, ông Faulkner, ông Jean-Paul Sartre, ông Milan Kundera, ông Salman Rushdhie… có ông nào cần một Ban Sáng tác không? Vậy cái gọi là Ban Sáng tác là ban gì và để làm gì? Kiếm tiền để tài trợ cho các nhà văn sáng tác chăng? Hình như lâu nay đó là một trong những công việc chính của Hội Nhà văn và họ làm khá thành công. Lý do thành công khá buồn cười: các vị “cấp trên” rất cao và đầy uy quyền ở ta rất khinh thường các ông bà nhà văn đúng như anh Nguyễn Đăng Mạnh đã nói thẳng với Tổng bí thư Đảng, lại vừa khá… sợ cái đám các ông bà ấy, đám ấy mà bất bình viết linh tinh lên thì cũng rất phiền. Chi bằng cho chúng ít tiền để mà “yên dân”.
Các vị Chủ tịch hội biết rõ tâm lý đó thường định kỳ lên vừa dọa vừa xin, mỗi lần đều được tỷ này tỷ nọ, về phân phát cho hội viên, vừa được tiếng chăm lo cho anh em, vừa nhận được thêm phiếu mỗi khi bầu bán, thậm chí có người giống hệt như ông Tập bên Tàu tin chắc bằng cách này sẽ giữ được ghế Chủ tịch suốt đời… Tôi tin rằng không ít người hiểu rõ sự tệ hại và đáng xấu hổ của cái lối ngửa tay nhận tiền này, anh là người lao động văn học, anh làm ra sản phẩm đem bán mà sống chứ, có người thợ mộc nào ngoài món tiền bán cái bàn cái ghế do mình làm ra, lại được nhà nước tài trợ thêm không? Sao riêng anh lại có? Nhuận bút ở ta không đủ sống, thì làm thêm nghề khác mà tồn tại. Nhưng rồi mọi người đều vừa thở dài vừa nhận tuốt, “mình không nhận thì thằng khác cũng nhận, tội gì! Không nhận khéo “chúng nó” lại bỏ vào túi riêng”. Chị Ý Nhi bảo tôi, xưa nay hai anh em mình tuyệt đối không nhận một xu nào gọi là trợ cấp sáng tác của hội, hai chúng tôi thuộc về thiểu số tuyệt đối.
Vậy Ban Sáng tác làm gì? “Chỉ đạo” sáng tác ư? Mới nghe đã thấy buồn cười. Là nhà văn thì họ viết, thích gì thì viết nấy, viết thế nào là hoàn toàn do họ, hay dở họ chịu…, cái ban này làm thế nào chỉ đạo được, vả anh lấy tư cách gì mà dám chỉ đạo họ. Nghĩ cho cùng, viết hay sáng tạo nghệ thuật nói chung là công việc tự do nhất, cũng là đơn độc nhất trên đời. Chỉ có một thứ duy nhất có thể ngăn cản anh: tài năng của anh. Nếu anh thật sự không có tài thì trời cũng chẳng giúp gì anh được. Thế thôi. Tất cả những đàn áp, cấm đoán, khủng bố, thậm chí bỏ tù… của bất cứ quyền lực xã hội nào đều là diễn ra sau đó. Tuy nhiên Mikhail Bulgakov có câu phán tuyệt vời “Les manuscrits ne brûlent pas”, bản thảo là thứ đốt không cháy. Chứng cứ sống sờ sờ, tác phẩm Truyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn đã bị một ông Bộ trưởng của cái bộ được gọi là Bộ Văn hóa, buồn thay lại là một nhà thơ không hề xoàng và tôi đã từng tin, ra lệnh cho vào máy xay kỳ nát ra thành bột. Vậy mà rồi cứ như bằng phép màu nó lại sống lại, mạnh mẽ hơn, rực rỡ hơn, trường tồn…
Gần đây đọc nghiên cứu công phu của chị Thụy Khuê, ta càng biết rõ hơn Tự Lực văn đoàn kỳ thực trước sau chỉ có mấy người, ba anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam gốc Hội An xứ Quảng nhưng đều sinh ở Cẩm Giàng, Hải Dương, cùng Khái Hưng, Thế Lữ, Tú Mỡ, về sau có thêm Xuân Diệu, cộng thêm một họa sĩ tài danh nhất nước Nguyễn Gia Trí, mà như nhà nghiên cứu Trương Chính đánh giá “trong vòng tám năm, từ 1932 đến 1940, (họ đã) chiếm ưu thế tuyệt đối trên văn đàn công khai”.
Còn Nguyễn Hưng Quốc thì nhấn mạnh: “Chỉ với bảy người và chỉ trong khoảng một thời gian ngắn ngủi, họ làm được nhiều việc hơn bất cứ một nhóm văn học tư nhân nào khác trong cả lịch sử văn học Việt Nam từ trước đến nay”. “Đó không phải là nhóm lớn nhất hay quan trọng nhất trong “nền văn học hiện đại” hay trong giai đoạn 1930-40, mà là trong suốt cả lịch sử kéo dài hơn một ngàn năm của văn học Việt Nam nói chung.” Với nòng cốt đó, họ còn tập họp được một loạt nhà văn nhà thơ và nghệ sĩ ưu tú, những Huy Cận, Trọng Lang, Đoàn Phú Tứ, Đỗ Đức Thu, Trần Tiêu, Thanh Tịnh, Phạm Cao Củng, Nguyễn Khắc Hiếu, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Đinh Hùng, Nguyễn Công Hoan, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Tường Bách, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường, Lê Minh Đức…
Đặc biệt họ đã góp phần quan trọng phát hiện, dìu dắt và đào tạo, hình thành nên cả một lớp tài năng trẻ tiếp nối đặc sắc. Bằng cách gì? Không hề có trường lớp. Chủ yếu bằng các Giải thưởng Tự Lực văn đoàn, muốn nói gì thì nói, là giải thưởng văn học có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất thời bấy giờ.
Hãy thử nghe một tư liệu về tổ chức văn học một thời này:
“…Giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn là giải văn chương tư nhân đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam. Nó hoàn toàn mang tinh thần “Tự lực” – không nương nhờ chính quyền hay bất cứ tổ chức chính trị xã hội nào, cả về tư cách pháp nhân lẫn kinh phí trao thưởng. Ban giám khảo của giải thưởng chính là chòm sao thất tinh đã làm nên tên tuổi Tự Lực Văn Đoàn: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu. Điểm đặc biệt nữa của giải thưởng này là không nhận tác phẩm đã xuất bản, mà chỉ nhận bản thảo dự thi, với tôn chỉ “phải để xác định một tài năng đầy đủ và dồi dào”, vì thế giải mang tính phát hiện rất cao.
Tự Lực Văn Đoàn có cả thảy bốn lần tổ chức giải thưởng vào các năm 1935, 1937, 1938 và 1939:
- Năm 1935: không có tác phẩm trúng giải (chính thức), mà chỉ có bốn tác phẩm được nhận giải khuyến khích.
- Năm 1937: không có tác phẩm trúng giải nhất, nên giải được chia làm hai, một cho kịch Kim tiền của Vi Huyền Đắc, một cho phóng sự tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng. Cũng năm này, được Hội đồng “đặc biệt khuyến khích” là tập thơ Tâm hồn tôi của Nguyễn Bính.
- Năm 1938: Tự Lực Văn Đoàn tuyên bố “Sau khi xem xét kỹ càng tất cả tác phẩm dự thi, Ban giám khảo của giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn 1938 đã nhất định không tặng giải thưởng”.
- Năm 1939: tiểu thuyết Làm lẽ của Mạnh Phú Tư và tiểu thuyết Cái nhà gạch của Kim Hà trúng giải. Ngoài ra còn có hai tập thơ “được chú ý đặc biệt”, là Bức tranh quê của Anh Thơ và Nghẹn ngào của Tế Hanh.”
Người cho chúng ta tư liệu quý này còn viết thêm:
“Không chỉ sáng tác văn học, Tự Lực văn đoàn còn trao các giải thưởng cho các nhà văn không thuộc nhóm... Đây là một giải thưởng uy tín, một bảo chứng danh giá cho sự nghiệp văn chương của những người đoạt giải: Ðỗ Ðức Thu, Phan Văn Dật, Vi Huyền Đắc, Nguyên Hồng, Anh Thơ, Tế Hanh… Thoạt nhìn đã có thể thấy, đây là một giải thưởng có tính phát hiện cao. Hầu hết các tác phẩm được giải là tác phẩm đầu tay, và nhiều tác phẩm trong số đó lúc ra mắt qua giải thưởng Tự lực văn đoàn, như Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Bức tranh quê của Anh Thơ... đã thành “hiện tượng” trong đời sống văn học. Và thật thú vị, những nhà văn chủ trì Tự lực văn đoàn, vốn được coi thuộc khuynh hướng lãng mạn, lại chọn biểu dương những cây bút gần như ngược hẳn với mình, đậm chất hiện thực xã hội, nhiều khi đến gay gắt. Có thể điều này rất quan trọng: giải thưởng do đó khêu gợi và quy tụ cả một dàn đồng ca rộn rã phong phú đa dạng như chưa từng có những tài năng mới, trẻ, góp phần tạo nên “cả một thời đại mới trong văn học” như cách nói của Hoài Thanh.” (theo Wikipedia Việt Nam).
Riêng tôi còn nhớ một tác giả trẻ cuối cùng đầy triển vọng cũng do nhóm văn học tài hoa và tinh tế này phát hiện, nhà văn Đỗ Tốn với tập truyện Hoa vông vang ra đời ở nhà xuất bản Đời Nay đâu chỉ vài tháng trước ngày Cách mạng tháng 8-1945. Chỉ có cuộc cách mạng này mới chính thức và thật sự kết thúc Tự Lực văn đoàn và giai đoạn văn học hiện đại rực rỡ do nó góp phần lớn tạo nên.
Tôi có một tham vọng: với Ban Sáng tác, cố làm một giải thưởng của Hội Nhà văn tương đương như Tự Lực văn đoàn đã làm mấy mươi năm trước. Thậm chí cả cái Hội Nhà văn này chỉ tập trung làm cho được chừng đó cũng đủ rồi. Và thậm chí có thể còn hay hơn những giải thưởng các bậc tiền bối Tự Lực đã làm. Bởi vì tôi nhận ra một điều: Đổi mới kỳ thực mới diễn ra được mấy năm, lại đã có dấu hiệu bị cản trở và dở dang, nhưng hình như văn học nhanh hơn, và cũng rất có thể tích lũy cho một sự thay đổi mạnh và sâu sắc đã tiềm tàng khá đậm từ lâu, cộng thêm một số nhân tố mới đến từ sự mở cửa dù cũng chỉ mới he hé. Nên thật sự đã có một hiện tượng gần như bùng phát một số tác phẩm đặc sắc, còn quan trọng hơn là khác hẳn trước. Như Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng, và đặc biệt Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.
Chức năng, hay nôm na công việc cụ thể và quan trọng nhất, là khẳng định những thành tựu mới này bằng một giải thưởng chắc hẳn sẽ vang dội của Hội Nhà văn, tác động vào tư duy của người sáng tác và đời sống văn học nói chung, cả thị hiếu văn học của công chúng.
Ban Sáng tác nghe tên oai thế kỳ thực ngoài tôi chỉ còn có thêm hai người, Xuân Thiều là Phó Ban và Trọng Tân là Trợ lý. Chúng tôi có nhiệm vụ chuẩn bị mọi thứ cho Ban Chấp hành Hội làm giải thưởng, cụ thể là tổ chức các Ban Sơ khảo văn xuôi, thơ và lý luận phê bình, và tiến cử một danh sách Ban Chung khảo. Theo lệ thường đã thành nếp, chính Ban Chấp hành làm Ban Chung khảo. Khi Ban Chấp hành quá đông, như sau đại hội III, thì Ban Thường vụ làm Ban Chung khảo.
Ngay từ đầu, tôi đã biết lần này sẽ rất khó, với một Ban Chấp hành gồm chín người được bầu làm hai lần trong Đại hội IV, hầu như chắc chắn Nỗi buồn chiến tranh, là tác phẩm đặc sắc nhất, sẽ bị loại. Phải tìm cách lập một Ban Chung khảo khác. Cách nào đây? Suy nghĩ mãi, không dám bàn với ai, e lộ ra trước, “họ” sẽ chặn lại ngay. Trong một phiên họp chấp hành, với danh nghĩa Trưởng Ban Sáng tác, tôi phát biểu, cố thật nhẹ nhàng đề xuất một phương án tốt nhất có thể nhưng cũng không lộ liễu quá căng.
Tôi nói: Tôi nghĩ Đại hội vừa rồi đã bầu ra một Ban Chấp hành như chúng ta đang có đây, không phải người ta chọn những nhà văn giỏi nhất đâu. Chẳng hạn cụ Nguyễn Tuân, hay anh Tô Hoài, và bao nhiêu người khác nữa giỏi hơn tôi nhiều chứ. Nhưng khi bầu, người ta tính trong Ban Chấp hành sắp tới có những công việc gì cần làm, như công tác đối ngoại, công tác hội viên, những công việc về cơ sở vật chất của hội, rồi công tác kiểm tra, công tác đối với nhà văn trẻ, nhà văn già, v.v., người ta nhắm những ai có thể đảm nhận tốt những phần việc đó mà bầu, tất nhiên cũng phải là nhà văn có tên tuổi, có tinh thần trách nhiệm, đáng tin cậy… Còn xem xét một giải thưởng thì lại là một công việc khác, đòi hỏi nhưng tiêu chuẩn khác. Cho nên theo tôi không nhất thiết lần nào cũng là Ban Chấp hành làm luôn Ban Chung khảo. Mà có thể mời một số anh chị khác có am hiểu, có kinh nghiệm, có uy tín, có thể có đánh giá sắc sảo mà đa dạng, và công tâm, cùng một số ủy viên chấp hành đang có, lập thành một Ban Chung khảo. Cũng có thể mỗi năm lại thay đổi…
Thảo luận một lúc, tôi mừng thấy không khí không căng, không ý kiến nào phản ứng gay gắt. Tôi nói luôn: Ban Sáng tác chúng tôi đã có thăm dò và chuẩn bị, nếu Ban Chấp hành đồng ý, chúng tôi xin đề nghị một Ban Chung khảo gồm chín người như sau: Tổng thư ký Vũ Tú Nam tất nhiên phải là Chánh Chủ khảo, cùng các anh Vũ Cao, Bùi Hiển, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên, Hữu Mai, Vũ Quần Phương, Lê Ngọc Trà, và tôi, Nguyên Ngọc, vì phụ trách Ban Sáng tác nên xin làm Thường trực. Trao đổi không nhiều lắm, rồi Ban Chấp hành đồng ý. Kỳ thực ý định của tôi là tập trung chủ yếu vào tác phẩm của Bảo Ninh. Với cấu tạo một ban chung khảo như thế này, tôi nhẩm tính Bảo Ninh có thể được 5/9 phiếu, chỉ cần được thế là ổn.
Về sau Xuân Thiều có nhận xét ông Ngọc trông vậy mà làm việc rất chặt chẽ: Tôi yêu cầu các thành viên chung khảo không chỉ phát biểu ý kiến bằng miệng, mà phải viết hẳn đánh giá của mình ra giấy, có ký tên hẳn hoi để làm bằng.
Tôi hồi hộp, nhưng tin. Quả thực Bảo Ninh viết rất hay. Đấy thật sự là cuốn tiểu thuyết của cả một đời người. Từng câu, từng từ chỉ có thể từ gan ruột mà ra và thấm đến gan ruột. Đọc rồi, còn quằn quại mỗi ngày ta còn sống, không thể không tự hỏi con người, loài người đã đến mức như thế này ư? Chỉ cần tâm hồn anh còn chưa bị xơ cứng, đầu óc anh chưa bị ám muội tối tăm vì những giáo điều nhồi nhét. Và trong anh còn chút can đảm để thật sự làm người. Thì anh không thể bỏ qua cuốn sách này.
Và người đầu tiên bị cuốn sách ấy chinh phục lại chính là anh Trưởng Ban Chung khảo do tôi đề cử. Giữa phiên họp chính thức, Vũ Tú Nam dõng dạc tuyên bố: “Lần này hoặc không có giải văn xuôi, hoặc nếu có thì nhất thiết phải có Nỗi buồn chiến tranh”. Vậy mà Vũ Tú Nam vốn là một người rất thận trọng.
Bỏ phiếu, hai tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Trường và Dương Hướng đều dễ dàng đạt 9/9, Nỗi buồn chiến tranh có 7/9 phiếu, hơn cả mức tôi hy vọng. Tôi sẽ không nói hai phiếu đánh rớt nó là của ai.
Về lý luận phê bình, còn có tập tiểu luận Lý luận và Văn học của Lê Ngọc Trà (anh Trà không tham gia chung khảo khi xét đến phần này). Về thơ, có tập Tiếng hát người xa xứ của Trương Nam Hương, hiền lành và kỳ thực cũng không thật đặc sắc, nhưng chúng tôi cố ý đưa vào để giải thưởng chung bớt căng đôi chút. Cũng vì mục đích ấy lại còn có một giải khuyến khích cho thơ chung của Lê Thị Mây, không nói rõ tác phẩm nào.
Ngày 17 tháng 8 giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 chính thức được công bố. Và chắc không chỉ theo đánh giá riêng tôi, đấy là giải thưởng hay nhất của Hội Nhà văn Việt Nam từ trước đến nay, cho tới tận bây giờ. Cũng là công việc đáng kể nhất và duy nhất tôi đã cố làm, cố gắng khéo léo nhưng quyết làm cho kỳ được, bất chấp tất cả, và đã làm được trong suốt nhiệm kỳ tôi tham gia Ban Chấp hành lần cuối cùng này.
Cả ba cuốn tiểu thuyết và cả tập tiểu luận về lý luận phê bình đều hay, nhưng cũng chắc chắn hay hơn cả và cũng gây sóng gió hơn cả là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (cũng xin nói luôn một lần để khỏi nhắc lại, cái tên mà anh Hoàng Ngọc Hiến gọi là rất vớ vẩn Thân phận của tình yêu là do Nguyễn Phan Hách biên tập viên nhà xuất bản đã ép tác giả phải đổi “để cho dễ in” như chính Hách đã thú nhận trong một hội thảo sau đó). Muốn nói gì thì nói, theo tôi Nỗi buồn chiến tranh là hiện tượng chỉ có một trong văn học ta, ít nhất thôi thì cứ tạm kể là từ sau 1954. Một hiện tượng như vậy ắt phải từ nhiều yếu tố khác nhau vừa tất yếu vừa ngẫu nhiên tụ lại mới có được. Nên tôi xin lỗi trước, chắc tôi sẽ nói hơi dài về chuyện này.
Bảo Ninh xuất thân từ một gia đình trí thức, lớp trí thức một thời của nước ta hầu như nay không còn. Bố anh là giáo sư Hoàng Tuệ, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, “là chuyên gia hàng đầu, người đặt nền móng xây dựng và phát triển ngành ngôn ngữ học Việt Nam. Thảo nào văn của Bảo Ninh…”, Phạm Ngọc Tiến, bạn thân của Bảo Ninh viết.
Và đây là chân dung nhà ngôn ngữ học ấy dưới ngòi bút của Tiến: “…Hiện trước mắt tôi là một cụ già trông rất đẹp, tóc bạc trắng, dáng cao to nhưng bước đi rất nhẹ nhàng và đặc biệt đôi mắt rất sáng như thấu tỏ mọi điều khiến loại khách ồn ào như tôi phải thoáng ngần ngại. Ông là người ít nói, thoáng gặp cũng biết ông là con người rất nguyên tắc với bản thân nhưng tình cảm với mọi người. Mỗi lần tôi đến nhà, Bảo Ninh đi vắng, có việc cần phải ngồi đợi, bao giờ ông cũng chủ động tiếp chuyện. Ông phương phi cao lớn thế nhưng có giọng nói trầm ấm ân cần và rất đỗi dịu dàng…”.
Hình ảnh một trí thức có Tây học uyên bác, vừa đậm sự điềm tĩnh thâm trầm rất phương Đông, rất Việt. Mấy năm sau khi bố mất Bảo Ninh có viết một truyện ngắn tên là Vô cùng xưa cũ kể lúc còn đi học, anh đã tụ tập chúng bạn trà thuốc. Giáo sư Hoàng Tuệ tỏ ra thất vọng vì đứa con trai sớm có hiện tượng “hư hỏng” này. Ông nghiêm khắc trừng trị. Một lần ông móc túi áo con trai lấy bao thuốc ném thẳng ra sân. Bảo Ninh đứng ngẩn người, sợ một phần, phần nhiều hơn là tiếc. Trước hôm Bảo Ninh lên đường nhập ngũ, ông rủ con trai đi uống cà phê ở ngõ Cấm Chỉ. Hai cha con trò chuyện rất lâu. Ông dặn dò đủ mọi việc (trước đấy Bảo Ninh đã được ông dẫn đến các bạn đồng ngũ của ông để học hỏi kinh nghiệm…) sau khi tặng con trai một tút “Tam Thanh”, ông tỏ ra ái ngại về cái tật nghiện thuốc này. Đến bây giờ, Bảo Ninh vẫn là nghiền thuốc hạng nặng còn cha anh, ông bỏ thuốc một năm trước khi qua đời.
Lạ thay, tôi cũng có một kỷ niệm gần giống hệt như vậy: Ở Hội An, 11 hay 12 tuổi tôi đã đua đòi theo bạn bè tập tò hút thuốc. Ba tôi bắt được, đánh cho một trận nhớ đời, mạ tôi phải khóc xin mãi tôi mới được tha. Mười mấy năm sau, đã là lính, nhân đi chiến dịch Hè Bắc Quảng Nam, tôi tranh thủ ghé về thăm nhà, hai ba con ngồi nói chuyện, ông rút một điếu thuốc ra mời tôi. Tôi cầm lấy điếu thuốc, ứa nước mắt, mà không sao hút được.
Bảo Ninh nhập ngũ năm 1969, tức sau chiến dịch Mậu Thân. Có thể nói đấy là thời đen tối nhất trên chiến trường. Tôi có một nhận xét: đánh Mỹ là đánh nhau với đội quân mạnh nhất thế giới, lại rất thiện chiến. Cách đánh của ta là ra sức tích lũy lực lượng mọi mặt trong một số năm, đến lúc có thời cơ đánh một trận lớn, đẩy lùi đối thủ một bước. Nhưng ta cũng bị tổn thất nặng. Lại cố gắng gượng dậy, lại tích lũy mấy năm nữa, lại đánh tiếp một trận lớn nữa…, cứ thế mà đi tới dần… Mậu Thân 1968 buộc Mỹ phải ngồi bàn đàm phán, bàn chuyện rút quân, nhưng cũng là lần ta bị mất sức nặng nhất trong suốt cuộc chiến. Cuộc gượng dậy của ta khó nhọc nhất.
Lại còn chiến dịch Quảng Trị 1972 cực kỳ ác liệt. Hội nghị Paris được coi là cuộc đàm phán dài nhất lịch sử ngoại giao thế giới. Cuối cùng Mỹ phải chịu rút quân, nhưng rút rất chậm, rút thí điểm từng đơn vị nhỏ, rồi rút có chọn lọc rất thận trọng, kéo dài, trong khi quân đội Sài Gòn được gấp rút đôn lên rất nhanh, quân Nam Hàn đặc biệt tàn ác, quân Úc… vẫn còn. Cho nên thực tế đây là thời kỳ quân đối phương đông nhất trên chiến trường. Về phía ta, là lúc thật sự vét đến những lực lượng cuối cùng ở cả hai miền ra trận. Tôi ở Khu 5 bấy giờ tôi biết, có nơi hoàn toàn không còn trai tráng, đến mức lính miền Bắc vào phải xuống làm du kích xã…
Bảo Ninh ra trận chính vào những ngày ấy, cùng hàng nghìn hay hàng vạn thanh niên, đợt này phần lớn là học sinh viên, đã đến lượt họ phải trực tiếp cầm súng, và làm binh nhì, tức là người lính tận cùng ở đáy của chiến tranh.
Gần đây tôi thường đến chơi nhà Bảo Ninh mỗi lần ra Hà Nội, thấy Bảo Ninh càng già – anh sinh 1952 – càng giống cụ Hoàng Tuệ quá chừng, từ khuôn mặt cho đến dáng người đậm, đi đứng đã chậm, mái tóc đã bạc trắng,.., nhưng đồng thời lại là một cụ Hoàng Tuệ hoàn toàn khác, tôi đi bộ đội mấy mươi năm, có vô số đồng dội, nhưng tôi chưa thấy chưa biết một người nào bị chiến tranh in dấu vết đậm, sâu, đến tận từng tế bào, từng nơ-rôn thần kinh, từng phút còn sống, cho đến suốt đời như ở Bảo Ninh.
Khi còn làm trường Đại học Phan Châu Trinh có lần tôi mời anh đến nói chuyện với các thầy cô giáo và sinh viên. Hôm ấy anh không hề nói gì về chiến tranh, cũng không hề động đến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình, anh chỉ kể về cái hôm anh sống sót sau chiến tranh trở về nhà ở khu chung cư Thành Công, Hà Nội. Anh đã chú ý đi lên cầu thang rất khẽ để không đánh động đến hàng xóm, cũng bước vào nhà rất khẽ, bố anh, mẹ anh ôm lấy con và đều dặn nhau không được nói to cười to. Bởi vì ngay phòng bên cạnh là một gia đình có con trai ra trận như anh và không trở về. Và còn bao nhiêu gia đình trong khu chung cư không lấy gì làm lớn lắm và bao nhiêu căn nhà khác nữa của chỉ mới một Hà Nội… Những người nghe bỗng hiểu ra tất cả thế nào là chiến tranh.
Còn anh Nguyễn Văn Bổng thì nói: “Tôi tham gia hai cuộc chiến tranh đã qua, ở các chiến trường khác nhau [trong trận Mậu Thân, anh Bổng đã vào tận trung tâm Sài Gòn], và đã viết năm ba tiểu thuyết và bút ký về chiến tranh. Thế nhưng đọc tiểu thuyết của Bảo Ninh tôi có cảm tưởng mình chưa biết gì về chiến tranh cả”. Anh Bổng còn nói riêng với tôi: “Xưa nay mình đọc sách viết về chiến tranh, phục nhất là Eric Maria Remarque, bây giờ đọc Bảo Ninh, thấy Remarque cũng chưa vào đâu…”.
Một hôm tôi đến thăm cụ Hoàng Tuệ, ngồi nói chuyện khá lâu. Không ai hiểu và yêu đứa con trai của mình hơn người cha ấy. Không ai biết đứa con trai yêu vô cùng của mình đã bị chiến tranh tàn phá đến chừng nào, đang quằn quại đau đớn khổ sở đến chừng nào, chắc còn đến suốt đời. Bảo Ninh trở về, học đại học khoa Sinh, rồi làm việc ở Viện Sinh học một thời gian và có lần anh gây chuyện: Viện nuôi một đàn gà để làm thí nghiệm, anh nghịch cho chúng ăn thứ gì đó, chết tiệt cả đàn.
Cụ Hoàng Tuệ hiểu: chiến tranh đã khiến con ông không thể còn bình thường, vết thương sâu trong tâm hồn anh đã rất nặng. Ông thương và rất lo cho con. Là nhà ngôn ngữ học uyên bác bậc nhất, ông cũng nhận ra dấu hiệu tài năng văn học tiềm ẩn ở con. Ông nghĩ đến một phương cách may ra có thể chữa bệnh cho con được chăng. Ông hỏi tôi về Trường Viết văn Nguyễn Du. Rất tinh tế, ông tỏ ý muốn gửi Bảo Ninh vào trường, và cũng có ý gửi gắm cho tôi. Tôi rất cảm động và vô cùng kính phục ông.
Sau này Bảo Ninh sẽ nói: Em hầu như không còn nhớ chút gì các thầy đã nói đã dạy ở trường, nhưng nếu không có ba năm Nguyễn Du thì chắc chắn em không thể viết được Nỗi buồn chiến tranh.
N.N.
Nguồn: https://vandoanviet.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét