Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

TP.HCM áp dụng phương án mới đền bù đất giải tỏa

Từ năm 1995 chúng tôi đã kiến nghị cách đền bù giải tỏa đất theo như trong bài này, nhưng chẳng ai nghe. Do đó dù muộn còn hơn không, hoan nghênh Bí thư Nên và tp Sài Gòn đã chính thức quyết định cách làm này. Vấn đề quan trọng nhất sau khi thu hồi mỗi khu đất lớn là phải quy hoạch làm thành những khu đô thị mới hiện đại xung quanh cơ sở hạ tầng đó, chứ không phải là nhằm giao đất cho các đại gia để chúng ăn chênh lệch giá kiếm lời và bóc lột người bị thu hồi đất và bóc lột người mua nhà, căn hộ ở đó. Sợ là cách làm thì hay, nhưng khi thi hành lại nhắm vào mục tiêu khác hay chỉ nhăm nhăm tham nhũng thì kết quả sẽ rất tai hại, tức là người dân sẽ bị cướp đất trắng trợn hơn.
TP.HCM áp dụng phương án mới đền bù đất giải tỏa
21/02/2021 - TP.HCM sẽ giải phóng mặt bằng rộng hơn phạm vi dự án để người dân trong diện giải tỏa được tái định cư tại chỗ; Nhà nước có thêm quỹ đất bán đấu giá theo giá thị trường, tạo nguồn thu để tiếp tục phát triển hạ tầng. Gỡ được "nút thắt" giải phóng mặt bằng, TP.HCM có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Theo Đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM" vừa được UBND thành phố ban hành, cứ 5 năm/lần, thành phố sẽ lập đoàn kiểm tra liên ngành tổng rà soát việc sử dụng tài sản công là nhà, đất do Nhà nước quản lý trên địa bàn (bao gồm cả đất quốc phòng, an ninh sử dụng trái pháp luật) và đề xuất phương án sắp xếp lại, nếu phát hiện bất hợp lý.

Đối với trường hợp nhà đầu tư dự án nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường thì đặt ra yêu cầu phải nhận chuyển nhượng rộng hơn, nhằm trả lại Nhà nước một diện tích đất tương ứng với giá trị tài sản công xen cài sẽ được sử dụng cho dự án.

Cụ thể, TP.HCM sẽ thu hồi đất rộng hơn kế bên hạ tầng và thực hiện tái định cư tại chỗ cho tất cả người bị thu hồi đất, cả người có đất trong phạm vi hạ tầng và người có đất kề bên hạ tầng. Giá đền bù áp dụng mức giá vào thời điểm dự án được phê duyệt. Mỗi trường hợp bị thu hồi đất đều được nhận lại một diện tích đất tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. Thành phố sẽ quy hoạch lại hai bên hạ tầng và phần đất dôi dư được bán đấu giá để tạo nguồn thu, đầu tư công trình mới.

Theo Đề án, phương án này cần được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng những người bị thu hồi đất; khi đạt được đa số ý kiến của cộng đồng đồng thuận thì phương án được phê duyệt. Thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn hoặc chấp thuận phương án hoặc bị Nhà nước thu hồi đất.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình, thực tế hiện nay, khi Nhà nước đầu tư công trình hạ tầng (thường là mở đường mới hoặc mở rộng đường cũ), giá đất hai bên đường tăng lên rất nhiều lần so với trước đó.

Tuy nhiên, việc giải tỏa mặt bằng rất khó khăn, do người dân không chấp nhận giá đền bù vì cho rằng thấp hơn giá thị trường. Còn Nhà nước không thể điều tiết nguồn thu bằng thuế sau khi giá đất tăng cao vì có hạ tầng hoàn chỉnh sau giải tỏa, xây dựng dự án.

Phương án này được cho là khả thi, vì người dân trong diện giải phóng mặt bằng được tái định cư tại chỗ, được hưởng lợi từ việc Nhà nước đầu tư nâng cấp hạ tầng, còn Nhà nước có thể đấu giá đất dôi dư, tạo nguồn thu tiếp tục đầu tư phát triển.

https://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-ap-dung-phuong-an-moi-den-bu-dat-giai-toa-27604.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét