Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

TÔI XIN QUAY LƯNG VỚI CHÙA…

TÔI XIN QUAY LƯNG VỚI CHÙA…
Tôi không dám đánh giá ai trong đám đông dân Việt là u mê cuồng tín, tôi chỉ khẳng định chắc chắn là Tôi Không U Mê. Trước kia, tôi cũng hay đến chùa, tôi theo Đạo Phật, tôi kính Đức Thích Ca Mâu Ni, tôi còn kính cả Chúa cả Phật... Tôi vãn cảnh chùa để hòa mình vào khung cảnh thanh tịnh, ăn chút cơm chay, cúng một số tiền nhỏ, vậy thôi.
Thú rừng được bày bán công khai tại chùa Hương.

Nhưng từ khi thấy sư sãi giờ đã (không nói hoàn toàn) xa rời cuộc sống tu hành khổ hạnh mà họ coi tu hành là nơi kiếm ăn, hưởng lạc. Họ không còn mặc áo vàng vải thô truyền thống, đi chân đất, ăn chay đạm bạc, uống nước vối nữa. Mà thay vào đó là những khuôn mặt láng mượt phồn thực, những bộ quần áo lụa sang trọng màu mỡ gà hay màu thâm máu đỉa, dép da hàng hiệu, đồng hồ Rolex, điện thoại Vertu, xe Camry bạc tỷ, những bữa tiệc xa hoa rượu thịt, đặc biệt có khi còn có cả trai gái trong chùa, cả gái tự cấp và gái bên ngoài đưa vô.

Nghe nói tất cả những chùa chiền có giá trị tâm linh cao như Bái Đính, Chùa Hương, Trúc Lâm Yên Tử , Ba Vàng...vv... đều được giao cho các doanh nghiệp đại gia, có bảo kê của ai đó, nâng cấp mở rộng thành những "khu du lịch tâm linh", thực ra là những cỗ máy in tiền nuôi lũ đội lốt đầu trọc và quan chức đứng sau.

Chùa Bái Đính cổ kính biến thành "Công ty TNHH Chùa Bái Đính" hoành tráng gần ngàn ha, giá trị hàng ngàn tỷ đồng.

Công ty mà chẳng sản xuất kinh doanh gì ngoài sự u mê của bá tánh, không một nhà máy nào kinh doanh hiệu quả bằng công ty chùa.

Thừa thắng xông lên, đại gia xây Bái Đính lại đang xây quần thể chùa Tam Chúc ở Hà Nam, dự định là lớn nhất thế giới, có cả khu biệt thự, casino... thì hết biết.

Thằng trọc phú rởm đời lại còn đúc tượng đồng (sao không tượng vàng luôn cho máu) hình bán thân vợ nó như Phật ngồi nơi chính điện, mà bá tính vẫn sì sụp khấn vái thì quả là hết thuốc chữa.

Trúc Lâm Yên Tử linh thiêng của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông được giao cho sư đại biểu Quốc hội Thích Thanh Quyết trụ trì cùng với chùa Phúc Khánh và một chùa khác ở Hà Nội.

Yên Tử thì lập BOT thu tiền bá tánh có công an gác cửa.

Phúc Khánh nổi tiếng với "dịch vụ" cúng sao giải hạn 200,000đ, thiếu 50,000đ cũng không chịu vì "chùa lỗ chổng vó" (nguyên văn lời Sư Trụ Trì).

Chùa Hương thì biến thành nơi kinh doanh ô trọc với quán thịt cầy, thịt rừng trên đường vào, có cả thịt mèo giả "cầy hương"...

Với những chùa như thế thì hỏi tôi có nên đến chùa nữa không?

Câu trả lời rằng không.

Tôi chính thức quay lưng với chùa.

Đến làm gì khi thấy cảnh quỷ ma đang khuấy động Phật môn? Đến để mang những đồng tiền hiếm hoi mồ hôi nước mắt đi nuôi lũ gian manh lợi dụng kiếm ăn trên đầu bá tánh ư? Không, không đời nào!

Có người bảo rằng ta đến chùa vái là vái cái áo cà sa, tức là vái Phật, không phải vái sư. Tôi lại thấy cái áo được mắc trên cái "giá" không xứng đáng là những sư đầu trọc giả danh làm ô uế cửa Phật, nên tôi không vái.

Tôi không đi chùa, nhưng tôi để Phật ở trong tâm, ở tại nhà tôi.

Tâm mình trong sáng, mình sống thiện lương, không tham lam hại người, thì mình chẳng cần sám hối, chẳng cần lên chùa dâng lễ cho to, cúng dường cho lớn, "hối lộ" để mong thần Phật xá cho những tội lỗi của mình...

Mặc ai lên chùa cứ lên, tôi chính thức quay lưng!

Xin thật tâm xin lỗi những vị sư chân chính, khi đám sâu mọt quá nhiều làm hỏng hết nồi canh rồi...!

Nguồn: Trên mạng
-----------------

Đừng quay lưng với chùa

Thứ Năm, 09/02/2023, Những hình ảnh người dân đi lễ chen chúc trên đường lên chùa Tam Chúc, Bái Đính, người dân nhét tiền vào tay tượng Phật hay hình ảnh những con thú rừng bị thui vàng, treo ngược, bày bán công khai ngay tại chốn linh thiêng nơi cửa Phật, được ví như những gam màu tối trong bức tranh du lịch tâm linh ngày đầu xuân năm mới.

Đâu đó, người ta than về sự thương mại hóa diễn ra ở khắp các chùa chiền. Có người còn bày tỏ ý kiến cá nhân đòi "tẩy chay" chùa, "quay lưng" với chùa.

Văn hóa tâm linh nghìn đời nay đã là gốc rễ, là một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân ta. Mỗi năm Tết đến xuân về, người người lại nô nức du xuân và hoạt động tôn giáo, tâm linh là một nét đẹp văn hóa được duy trì, truyền từ đời này sang đời khác.

Thời gian gần đây, khái niệm "du lịch tâm linh" được sử dụng nhiều. Hiểu một cách đơn giản nhất thì những người hưởng ứng loại hình này vừa có nhu cầu thỏa mãn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lại vừa có nhu cầu du lịch, giải trí, thư giãn, tham quan tìm hiểu về cội nguồn, lịch sử, văn hóa mỗi vùng đất gắn với các địa điểm diễn ra hoạt động tôn giáo, tâm linh. Du lịch tâm linh cùng lúc mang đến cho người trải nghiệm những giá trị tinh thần khác nhau.

Ở miền Bắc, nhắc đến du lịch tâm linh, không thể không nhắc tới chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Tam Chúc (Hà Nam). Đây là hai ngôi chùa lớn, được coi như lớn nhất Đông Nam Á, được cùng một doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Nhưng hai ngôi chùa này bị mang nhiều tai tiếng, vì được xây mới, vì không phải là chùa cổ, và nặng nề nhất là nhiều người cho rằng, doanh nghiệp "xây chùa để kinh doanh" nên một số người có những thái độ, lời nói thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội, vô hình trung tạo ra một sự lộn xộn, những suy nghĩ tiêu cực không cần thiết trong những ngày đầu xuân năm mới, gây tâm lý dao động tới hoạt động du xuân đầu năm của đa số người dân.

Không có ngôi chùa nào tự dưng mà có, phải do xây dựng, phải do bàn tay con người làm nên. Những công trình mang đậm dấu ấn cá nhân như Tam Chúc, như Bái Đính với quy mô lớn, nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, đã trở thành những địa điểm du lịch tâm linh mà bất cứ ai, đặc biệt là du khách nước ngoài cũng muốn một lần trong đời được ghé thăm chiêm ngưỡng. Nếu không có dấu ấn của ý chí cá nhân, làm sao thế giới có được những Cung điện Mùa Đông, Kim tự tháp, Vạn Lý Trường Thành, Ăng co vát, Ăng co thom...

Bởi thế, không nên nhìn nhận vấn đề một cách phiến diện rằng doanh nghiệp tư nhân xây thì khác với Nhà nước xây. Ai xây cũng được, miễn là công trình đó đáp ứng, phục vụ được nhu cầu du lịch gắn liền với tâm linh của nhân dân. Và cũng nên nhìn nhận thẳng vấn đề, một khi đã có du lịch thì không thể không có thương mại. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng, không thể là sự đầu tư miễn phí, nhất định phải có nguồn thu để bù chi. Không có thương mại thì lấy đâu nguồn thu để tái đầu tư các hạng mục.

Du lịch phát triển, kéo theo rất nhiều lao động địa phương có việc làm. Đường sá được nâng cấp, thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn. Và thực tế là mỗi năm, có hàng triệu lượt khách đổ về đây tham quan, tạo nên bức tranh sinh động về văn hóa du lịch tâm linh.

Bản thân những ngôi chùa này không có lỗi, không có ngôi chùa nào trên đất nước Việt Nam này có lỗi hết, lỗi có chăng chỉ ở sự tham lam từ chính trong mỗi con người chúng ta mà thôi. Người xây chùa, nếu có lỗi, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn chúng ta, đã có ai đến chùa mà chỉ để vãn cảnh hay để hưởng thụ không khí mát mẻ ngày đầu xuân? Đã có ai đến chùa mà tâm thật sự bình an, không cầu mong gì cho riêng mình? Tôi nghĩ là có nhưng rất ít, còn phần lớn chúng ta đi lễ chùa để cầu xin mọi việc hanh thông, cầu tài cầu lộc, cầu công danh... mà không biết rằng, Đức Phật không cho chúng ta được những cái đó, Ngài chỉ giúp chúng ta tìm được con đường thoát khỏi sự khổ đau, càng cầu xin nhiều, càng u mê tăm tối, càng chuốc cho mình tham sân si mà thôi.

Thật không hiếm gặp hình ảnh người dân đi lễ ở các đền chùa, phủ... tay cầm nắm tiền lẻ, nhét vào chân, tay tượng Phật, vào các ban bệ, người này nhìn người kia mà ném tiền theo. Văn hóa góp tiền công đức mỗi khi đến lễ chùa chiền, vốn dĩ mang một ý nghĩa rất tốt đẹp là đóng góp tiền để nhờ nhà chùa tu sửa những hạng mục xuống cấp, để phục vụ nhân dân đến hành lễ. Nhưng ngày nay, ý nghĩa tốt đẹp đó bị nhiều người thương mại hóa khi cho rằng mình nộp tiền công đức càng nhiều thì phúc lộc mình nhận được càng lớn. Đó là một sai lầm trong tư duy về tín ngưỡng.

Đơn giản nhất như câu chuyện Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã từ bỏ hết tiền bạc, mũ áo, danh vọng để lên núi đi tu và lập ra thiền phái Trúc Lâm, thì hà cớ gì bây giờ Ngài phải so đo xem ai mang nhiều tiền đến công đức để mà ''độ'' cho giàu sang phú quý. Đó là một tư duy sai lầm của những người không chịu tìm hiểu tín ngưỡng mình theo đuổi.
Quần thể Chùa Tam Chúc đón khách du lịch thập phương.

Hằng năm, chùa Phúc Khánh đón hàng nghìn người đến xin cúng sao giải hạn, cùng với đó là số tiền tương ứng mà người dân "tuỳ tâm" đóng góp. Những năm trước là cố định 150 nghìn/người, nhưng năm nay, chùa Phúc Khánh "cải tiến" bằng việc không quy định số tiền cụ thể là bao nhiêu mà để bá tánh "tuỳ tâm". Đây là một hoạt động không phù hợp trong đạo Phật, nhưng vẫn diễn ra đều đặn tại ngôi chùa này mỗi dịp đầu năm khiến nhiều người ngán ngẩm.

Bản thân nhiều vị chức sắc trong Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cũng từng lên tiếng nhiều lần, cho rằng đạo Phật không có hoạt động này, nhưng có cầu ắt có cung, người dân vẫn mong muốn được cúng sao giải hạn và chùa Phúc Khánh vẫn tổ chức vào mỗi dịp đầu năm. Và cảnh tượng chen chúc nhau lễ bái, tràn ra cả ngoài đường gây ách tắc giao thông suốt con phố Tây Sơn, kéo dài tới Ngã Tư Sở vào những năm trước, thực sự là một hình ảnh phản cảm và gây bức xúc đối với nhiều người. Năm nay, để tránh cảnh tắc đường, vái vọng, chùa Phúc Khánh làm lễ giải hạn sao xấu từ mùng 8 đến hết tháng giêng.

Bái Đính, Tam Chúc, chùa Hương hay bất cứ ngôi chùa nào khác trên đất nước Việt Nam này đều là những địa điểm văn hóa du lịch tâm linh nên ghé đến. Nhưng chúng ta nên đến với một tâm thế không xin xỏ, không đổi chác, hãy coi đó như một nơi để vừa hành lễ, vừa tìm kiếm sự an lạc trong tâm hồn, thay vì tư tưởng "đi lễ mới có lộc". Đừng quay lưng với chùa, lỗi là ở chính lòng tham sân si trong mỗi con người chúng ta mà thôi, khi mà nhiều người lên chùa bây giờ với tâm thế mong muốn được hoán đổi tiền bạc để đổi lấy sự giàu có, quyền chức, buôn may bán đắt, mà không hiểu rằng, Phật ở chính trong tâm thức mỗi người. Tự chiến thắng tham sân si của chính mình thì tức là đã tìm ra con đường thoát khỏi mọi khổ đau, đó cũng chính là con đường mà Đức Phật hướng con người ta tới.

Du lịch tâm linh giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển và là cách tốt nhất để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp ở mỗi vùng đất, tránh bị quên lãng. Du lịch tâm linh cũng góp phần tăng thu nhập cho lao động địa phương, làm thay đổi bộ mặt kinh tế, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Quan trọng nhất là chúng ta hiểu thế nào cho đúng về du lịch tâm linh, làm thế nào để có một cái đầu lạnh, đủ tỉnh táo để phân biệt đâu là giá trị tâm linh, đâu là mê tín dị đoan, để có những chuyến du xuân đầu năm thực sự ý nghĩa, mang lại sự bình an, thư thái trong tâm hồn.

https://cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/dung-quay-lung-voi-chua-i682890/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét