Quân Nga từng "thần tốc" tiến vào Bắc Kinh, đánh chiếm Tử Cấm Thành
Các cường quốc cùng tấn công vào Tử Cấm Thành ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc năm 1900, nhưng quân đội Nga là những người đầu tiên treo cờ chiến thắng trên tường thành ở Bắc Kinh.Cuối thể kỷ 19, Trung Quốc như "miếng bánh" bị các cường quốc thế giới xâu xé. Ảnh: Henri Meyer
Cuối thế kỷ 19, đế chế hùng mạnh một thời của nhà Thanh đang lụi tàn trong bối cảnh phải đối mặt với sức ép từ bên ngoài, nhiều cuộc nổi loạn bên trong và những cuộc chiến thất bại. Nhà Thanh, khi đó vẫn do Từ Hy thái hậu thao túng, không còn nắm toàn quyền kiểm soát đất nước như trước. Một số cường quốc như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức... đã xuất hiện ở Bắc Kinh và có tầm ảnh hưởng lớn.
Không thể chống lại sức ép từ bên ngoài, nhà Thanh khi đó chỉ quan tâm tới việc duy trì quyền lực và trục lợi từ bất cứ tình thế nào. Trong khi đó, người dân phải sống trong cảnh lầm than, nghèo đói.
Sự bất mãn của người dân Trung Quốc với việc xâm nhập của nước ngoài như Mỹ, Nhật, hay một số cường quốc châu Âu, dẫn tới việc thành lập Nghĩa Hòa Đoàn, nhóm gồm những người học võ, có thái độ căm ghét người nước ngoài.
Năm 1899, Nghĩa Hòa Đoàn tổ chức một cuộc nổi dậy quy mô lớn chống lại người nước ngoài, khi đó được mô tả là "những kẻ hải ngoại xấu xa". Nghĩa Hòa Đoàn coi người nước ngoài khi đó là những người mang theo các tập tục xa lạ và nguy hiểm vào Trung Quốc, phá hoại nền tảng hàng thế kỷ của xã hội Trung Quốc truyền thống.
Thành viên Nghĩa Hòa Đoàn. Ảnh: RB
Thành viên Nghĩa Hòa Đoàn sát hại nhiều người nước ngoài, trong đó có cả những người truyền giáo đạo Cơ đốc. Ngoài ra, những người Trung Quốc rời bỏ đạo Phật theo đạo Cơ đốc cũng bị giết chết.
"Không thỏa mãn với việc phá hủy, đốt bỏ nhà thờ, tu viện, các thành viên Nghĩa Hòa Đoàn đã giết gần như toàn bộ những người theo đạo Cơ đốc và nhiều người Albazin theo đạo Thiên chúa. Thi thể của những người theo đạo Cơ đốc bị ném xuống giếng cùng với cả những người đang sống. Người của Nghĩa Hòa Đoàn còn xâm phạm cả nghĩa trang của người Nga, đập phá bia mộ và đào xương cốt của người đã khuất", Ivan Korostovets, một nhà truyền giáo Nga, chia sẻ lại về quá trình đi truyền giáo ở Trung Quốc.
Từ Hy thái hậu và quan quân triều đình lúc đó không thể trấn áp cuộc nổi dậy của Nghĩa Hòa Đoàn, thậm chí ban đầu còn hùa theo ủng hộ. Trước sự trỗi dậy của Nghĩa Hòa Đoàn, các cường quốc phương Tây liên minh với nhau, lập ra cái gọi là liên quân 8 nước gồm: Nga, Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Áo-Hung và Ý, nhằm chống lại phong trào này.
Tháng 6/1900, người Trung Quốc tấn công tuyến đường sắt “Phía đông Trung Quốc” ở Mãn Châu, thuộc sở hữu của người Nga, đồng thời bao vây khu đại sứ nước ngoài ở Bắc Kinh, nơi hàng trăm nhà ngoại giao của 8 nước và vợ con họ trú ẩn, dưới sự bảo vệ của hàng trăm lính.
"Trong hai tháng bị bao vây, 3 tuần đầu tiên là khó khăn và cam go nhất với chúng tôi. Khi mặt trời mọc, chúng tôi không biết còn có thể sống tới lúc mặt trời lặn hay không. Và khi mặt trời lặn, chúng tôi cũng không rõ mình còn thở tới lúc mặt trời mọc hay không", bác sĩ người Nga Vladimir Korsakov, một nhân chứng từng ở khu đại sứ, chia sẻ.
Dù nắm lợi thế rõ rệt về quân số, nhưng quân Thanh và các thành viên của Nghĩa Hòa Đoàn lại thua kém liên quân 8 nước về khả năng chiến đấu.
"Quân Trung Quốc không quá hèn nhát nhưng cũng chẳng được đào tạo để kiểm soát bản thân, khác xa so với lính châu Âu", bác sĩ Korsakov cho hay.
Tiếp đà thắng lợi sau khi chiếm được pháo đài Đại Cô, nằm ở cửa sông Hải Hà và thành phố Thiên Tân, quân liên minh nhắm thẳng tới thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, nơi có khoảng 30.000 quân bảo vệ. Lực lượng của quân liên minh lúc này khoảng hơn 19.800 người, gồm 9.000 lính Nhật, 5.000 lính Nga, 2.000 lính Mỹ, 800 lính Pháp và 3.000 lính Ấn Độ do Anh cử tới.
Mục tiêu của các lực lượng liên quân lúc đó khi tiến vào Bắc Kinh là tìm đường đến khu đại sứ nước ngoài để giải cứu hàng trăm nhà ngoại giao và người thân của họ đang trú ngụ ở đó.
Theo quân nhân người Anh Robert Peter Fleming, việc liên quân tấn công Bắc Kinh được ví như một cuộc chạy đua, xem quân đội nước nào giành được vinh quang khi giải vây được cho các nhà ngoại giao.
Quân đội Nga là những người đầu tiên tấn công vào Bắc Kinh, theo Russian Beyond. Rạng sáng 14/8/1900, đại đội do tham mưu trưởng Yaroslav Gorsky dẫn đầu tấn công cổng phía đông Dongbianmen, một phần công sự của pháo đài Bắc Kinh. Quân Thanh bị hạ gục dễ dàng bởi hỏa lực mạnh của Nga.
Lính Nga đã tiến vào trong và treo cờ Nga trên tường thành. "Những tiếng súng, pháo rền vang như sấm chớp. Cuộc bắn giết đầy hỗn loạn giữa người Nga và người Trung Quốc... Người Nga đã nổ phát súng đầu tiên tấn công vào Bắc Kinh", Dmitry Yanchevetsky, làm công việc ghi chép giống phóng viên chiến trường, mô tả lại hiện trường.
Ảnh mô phỏng cảnh người Nga chiếm cổng Dongbianmen năm 1900. Ảnh: RB
Người Mỹ tấn công Bắc Kinh năm 1900. Ảnh: Hugh Charles McBarron Jr.
Tuy nhiên, trong cuốn "The Siege at Peking: The Boxer Rebellion" (tạm dịch: Cuộc vây hãm Bắc Kinh: Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn), quân nhân Fleming cho rằng, người Nga đã phá kế hoạch.
Cụ thể, theo kế hoạch, chỉ huy của 4 nước Nga, Mỹ, Nhật, Anh thống nhất mỗi bên sẽ tấn công vào Bắc Kinh từ một cổng khác nhau. Người Nga được giao tấn công cổng phía bắc, người Nhật đánh cổng phía nam, người Mỹ chiếm cổng phía đông Dongbianmen, người Anh đánh một cổng phía nam khác. Người Pháp nằm ngoài kế hoạch này.
Cổng phía đông nằm gần khu đại sứ nước ngoài nhất và người Mỹ được cho là có lợi thế để tới đây sớm nhất. Nhưng Fleming cho rằng người Nga đã "vượt mặt" các nước khác khi một cánh quân Nga tấn công vào cổng phía đông Dongbianmen trước người Mỹ vào 3h sáng 14/8. Hàng chục lính nhà Thanh bị bắn chết. Khi người Mỹ tới nơi thì quân Nga đã vào được bên trong.
Sáng 14/8, các nước khác trong liên quân bắt đầu tấn công Bắc Kinh. Suốt một ngày, quân đội Nhật Bản gặp phải sự kháng cự quyết liệt tại cổng phía nam Qihuamen. Quân Nhật phải yêu cầu lực lượng pháo binh Nga yểm trợ.
Liên quân sau đó chiếm ưu thế nhờ hỏa lực mạnh và kỹ năng chiến đấu. Họ nhanh chóng phá vỡ các vòng vây của Nghĩa Hòa Đoàn ở khu đại sứ và kiểm soát hoàn toàn Bắc Kinh khi đêm xuống.
Ngày 15/8, sau đợt pháo kích của quân Mỹ, liên quân đã chiếm được Tử Cấm Thành, nơi Từ Hy thái hậu đã rời đi. Sau khi chiếm được Bắc Kinh, liên quân tám nước còn tiến hành đốt phá, cướp bóc và thảm sát dân chúng, quân lính nhà Thanh và thành viên Nghĩa Hòa Đoàn. Người chết đầy đường, người còn sống cũng không có chỗ trú ngụ. Các nước liên minh sau đó đổ lỗi cho nhau về việc thực hiện các hành vi tàn bạo này. Nhiều bảo vật của nhà Thanh trong Tử Cấm Thành cũng bị lấy mất.
Một thành viên Nghĩa Hòa Đoàn sắp bị chặt đầu. Ảnh: Wellcome Images
Sau khi góp phần chiếm được Bắc Kinh, người Nga tiếp tục tiến đánh Mãn Châu và tạm thời kiểm soát toàn bộ khu vực, cho phép họ xây dựng lại đường sắt "Phía đông Trung Quốc".
Về phần Từ Hy thái hậu, bà cùng đoàn tùy tùng rời Tử Cấm Thành đến Tây An lánh nạn rạng sáng 15/8/1900. Theo cuốn "The Siege at Peking: The Boxer Rebellion", Từ Hy thái hậu phải mặc trang phục của một nông dân cùng Hoàng đế Quang Tự trèo lên 3 chiếc xe bò rời Bắc Kinh.
Tháng 9/1900, Từ Hy thái hậu lệnh cho quan quân nhà Thanh tìm diệt "tận gốc" các thành viên Nghĩa Hòa Đoàn. Bà cũng nhường quyền kiểm soát Bắc Kinh cho phương Tây khoảng một năm.
Do sự cạnh tranh lẫn nhau, các cường quốc thống nhất không phân chia Trung Quốc thêm nữa. Tháng 9/1901, các nước đồng minh và chính quyền phong kiến nhà Thanh ký Nghị định thư Bắc Kinh, chấm dứt phong trào nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn.
Nội dung Nghị định thư Bắc Kinh ghi rõ, Trung Quốc phải bồi thường và bị cấm nhập khẩu vũ khí, đạn dược trong 2 năm. Ngoài ra, Bắc Kinh phải phá hủy pháo đài Đại Cô, chuyển giao một số thành trì cho các cường quốc phương Tây kiểm soát, quân đội nước ngoài được phép đồn trú lâu dài ở Bắc Kinh. Trung Quốc về cơ bản đã trở thành một quốc gia phụ thuộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét