Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2019

VN: 200 k và công lý nguyên thủy thời vô pháp

Có thể gọi việc dân mạng Việt Nam “thế thiên hành đạo” là một thứ công lý nguyên thủy. Điều đáng lẽ chỉ còn nhìn thấy ở những xã hội chưa phát triển, nơi kẻ trộm phải bị chặt tay, và công lý vận hành bằng công thức sơ khai nhất: “mắt trả bằng mắt, răng trả bằng răng”. Hậu quả của công lý nguyên thủy là một xã hội bất an và khó lường. Hơn thế nữa, không thể lường được tình trạng “mắt trả mắt, răng trả răng” sẽ khốc liệt đến mức nào; trong sự trả thù đó, sẽ có thể có những nạn nhân oan uổng hay không...
200 k và công lý nguyên thủy thời pháp luật thiếu hụt
Khoảng hai tuần qua, anh đàn ông tên Đỗ Mạnh Hùng chắc đã ôm một niềm oán hận vô cùng với pháp luật Việt Nam. Vì, tuy chỉ bị mất có 200.000 VNĐ (xem như móc ví rơi mất) cho hành vi cố ép một cô gái không quen biết vào thang máy để sờ soạng và hôn người ta bất chấp phản kháng, nhưng mặt mũi, danh tính, thân thế sự nghiệp cùng gia phả nhà anh đã bị dân mạng Việt Nam hú ba hồn chín vía đến vang vọng đất trời.

Anh ta bị chế giễu, dè bỉu, thậm chí làm nhục khắp nơi. Dân mạng chế hoạt hình, ví von bộ mặt và hành vi của anh ta với đủ những thứ tồi tệ trên đời, và bây giờ anh ta khó có thể đi đâu mà không bị nhận ra. Nhất là khi anh ta vẫn phải tiếp tục làm việc ở văn phòng công ty cũ, vẫn phải hàng ngày dùng chiếc thang máy ấy, trong tòa nhà ấy, chạm mặt với vô số người quen và người lạ nhưng đã quá quen mặt anh ta. Anh ta sẽ bị vô số tia nhìn như mũi tên bắn vào mình khắp chung quanh mỗi khi bước vào thang máy hoặc nơi trong sảnh tòa nhà.

Sẽ có tiếng cười khúc khích và xì xầm sau lưng anh ta ở bất cứ nơi nào anh ta đến.


Sẽ có những cô gái sau khi thấy mặt anh ta thì nhìn trừng trừng khinh bỉ rồi bước thẳng ra khỏi thang máy.

Anh ta bị đặt tên là yêu râu xanh (dù sự thực có thể không đến mức như thế).

Nói tóm lại, anh ta đã trở thành một con cừu đen.

Dân mạng Việt Nam “thế thiên hành đạo”

Biết thế thì thà im ỉm đền gấp ba mươi lần (cộng với xin lỗi người bị hại), nhưng đổi lại được giữ kín sự việc, trừ cơ quan pháp luật và người liên quan ra chẳng ai biết mình, còn hơn!

Trên các báo Việt Nam, giới làm luật bàn tán sôi nổi. Hầu hết ý kiến cho rằng đây là một chỗ khuyết trong pháp luật hình sự Việt Nam, nghĩa là tuy bản chất là quấy rối tình dục nhưng lại chưa hề có tội danh này.

Tuy nhiên, nếu người quấy rối “có hành vi, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” thì sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Do luật khuyết thiếu như vậy, nên anh Hùng chỉ bị phạt 200.000 đ. Bằng 4 bát phở có thịt.

Luật pháp thiếu thì luật đời xử. Dư luận nhanh chóng bù vào chỗ khuyết bằng các hành vi “ném đá tập thể” với anh ta, như kể trên. Đặc biệt, với thực trạng 51% phụ nữ Việt Nam thừa nhận từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần, theo kết quả điều tra năm 2016 của Bộ Lao động, thương binh và xã hội và Tổ chức ActionAid tại năm tỉnh và thành phố Việt Nam, việc thay trời hành đạo của dân mạng càng nhận được nhiều đồng tình.

Công lý nguyên thủy
Tuy nhiên, không phải không có phản biện. Một luồng dư luận kín đáo hơn phản đối việc bêu hình ảnh tên tuổi anh ta trên công luận, với lý do vì pháp luật hiện tại chỉ xử được anh ta đến thế, cho nên anh ta phải được đối xử thích đáng với hình phạt ấy. Nghĩa là chỉ đóng 200 VNĐ và hết.

Lý lẽ này cho rằng việc dân mạng công khai danh tính và làm nhục anh ta, nhìn từ giác độ pháp luật, cũng chính là vi phạm luật pháp.

Sự ngược chiều nói trên là một góc nhìn logic và rất hợp pháp. Nhưng, tự hỏi bản thân mà xem, bạn có thấy nó hợp lý, hợp với lòng bạn không?

Hành vi của dân mạng dùng tiếng Việt đã chỉ ra: câu trả lời của số đông là không. Không hợp lý, không hợp lòng.

Có thể gọi việc dân mạng Việt Nam “thế thiên hành đạo” là một thứ công lý nguyên thủy. Điều đáng lẽ chỉ còn nhìn thấy ở những xã hội chưa phát triển, nơi kẻ trộm phải bị chặt tay, và công lý vận hành bằng công thức sơ khai nhất: “mắt trả bằng mắt, răng trả bằng răng”.

Do vậy khi nó được thực thi ở thế kỷ 21, trong xã hội Việt Nam với hệ thống pháp luật khá đồ sộ, đó là tín hiệu báo động.

Không phải chỉ là giễu cợt hệ thống luật pháp, nó báo hiệu người dân sẽ có thể bất chấp hệ thống này, nếu nó vẫn tiếp tục không bảo vệ được họ.

Công lý nguyên thủy không lạ lẫm với người dân nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Trong nhiều năm gần đây, có những kẻ trộm chó bị cả làng đánh đập đến chết, bị đốt xe máy và đốt chết, bị nhốt vào chuồng con chó vừa bị cướp đi, bị treo xác con chó vào cổ và dong tới công an, dọc đường liên tục bị người dân đánh đập… Tuy vậy, nạn trộm chó không giảm.


Kẻ trộm chó bị đánh chết ở Bắc Giang năm 2016. Ảnh từ báo Thanh Niên


Giữa căm thù ngút trời của dân chúng và sự hung hãn ngày càng tăng của trộm chó là kẽ hở của pháp luật. Hành vi xông vào nhà, dùng vũ khí (kích điện, súng tự chế, bột ớt, vỏ chai thủy tinh vỡ…) đe dọa người chủ rồi ngang nhiên bắt con chó đi đã rõ ràng là hành vi cướp, phải được xử theo tội cướp theo Luật Hình sự. Thế nhưng pháp luật Việt Nam vẫn chỉ xem đây là tội trộm, hình phạt thì vài trăm ngàn đồng, tương ứng theo… số kg thịt của con chó bị bắt! Nếu con chó (quy ra thịt) chưa đến hai triệu đồng thì kẻ trộm chó chỉ bị xử lý hành chính, tức là cảnh cáo, uống trà, nộp ít xu phạt, rồi về.

Người nuôi chó không thể hài lòng với hình phạt ấy, do đó trong không ít trường hợp như đã kể, họ không viện đến công an nữa mà cùng nhau tự tay xử những kẻ bắt chó. Công lý nguyên thủy được thực thi, mang lại thỏa mãn tạm thời cho nạn nhân.

Nhưng về lâu dài, cũng giống như hình phạt bêu giếu dành cho kẻ quấy rối phụ nữ trong thang máy, hậu quả của công lý nguyên thủy là một xã hội bất an và khó lường. Hơn thế nữa, không thể lường được tình trạng “mắt trả mắt, răng trả răng” sẽ khốc liệt đến mức nào; trong sự trả thù đó, sẽ có thể có những nạn nhân oan uổng hay không.

Một thẩm phán cao cấp yêu cầu giữ kín danh tính nói, ông không đồng tình nhưng có thể thông cảm với phản ứng của người dân, trong tình trạng pháp luật Việt Nam hiện tại vẫn vô hiệu ở khá nhiều trường hợp.

Nhưng đấy cũng là một cơ hội để các nhà làm luật Việt Nam cải cách hệ thống pháp luật, nếu họ quan tâm 
và nắm bắt cơ hội.

Tre 's Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét