Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Tự do và sự phát triển của con người


Tự do và sự phát triển của con người
Hôm nay tôi ra công viên đọc sách, có lẽ nằm nhà vẫn có thể đọc được nhưng dường như nếu ta đến một nơi tương đối xa lạ với một mục đích định trước thì cái mục đích đó dễ thực hiện hơn, đó là cách thức lấy hoàn cảnh để buộc ta phải hoàn thành.
Quanh quẩn tìm vị trí ngồi không nắng nên vô tình phía đối diện tôi cũng có một chú đang đọc sách. Rồi có một bác đến ngồi cạnh chú ấy và hỏi về quyển sách đang đọc, vì ngồi khá xa nên tôi nghe loáng thoáng họ tranh luận về Thượng Đế và Khoa Học, đó là đề tài mà tôi rất muốn được trò chuyện cùng ai đó nhưng cho đến giờ vẫn chưa tìm ra. Bác kia thì tin vào sự tồn tại của Thượng Đế, còn chú kia thì nhìn Thượng Đế theo con mắt của các nhà khoa học. Ngay chính lúc đó tôi rất muốn tiến về phía họ để trò chuyện nhưng tôi cảm thấy rất ngần ngại, tôi muốn bảo rằng Khoa Học có những giới hạn của nó và ngày nay những vấn đề về tâm linh bắt đầu được khoa học xem xét.

Rồi tôi nghe chú kia bảo: “Khoa Học đã bỏ qua sự việc Thượng Đế có tồn tại hay không bởi nếu Khoa Học buộc Tôn Giáo chứng minh Thượng Đế tồn tại thì đến lượt họ bị Tôn Giáo buộc chứng minh Thượng Đế không tồn tại, và đó (việc chứng minh có và không có Thượng Đế) là sự bất lực của Khoa Học hay Tôn Giáo nói chung.” Khi nghe đến đây tôi hiểu rằng chú đó đã đứng trên một cái nhìn công bằng. Lúc ấy tôi ra về dù rằng vẫn rất muốn trò chuyện với họ.

Cái sự việc đó làm tôi nghĩ về một điều rất quan trọng đối với con người, khoan nói đến chuyện Thượng Đế có tồn tại hay không, nội chuyện tự do chọn lựa một trong 2 quan điểm đã là rất khó khăn rồi. Tất cả chúng ta tưởng chúng ta có quyền chọn lựa tin hoặc không tin nhưng thực tế không phải như vậy.

Từ khi sinh ra tôi đã sống trong một gia đình Công Giáo truyền thống, hay như bạn là một người theo đạo Phật, hay như ai đó không theo tôn giáo nào cả. Tôi tin Chúa, bạn tin Phật, ai đó lớn lên trong nền giáo dục Việt Nam có nền tảng duy vật sẽ không tin có Thượng Đế. Từ khởi đầu chính hoàn cảnh đã chọn cho ta tin hoặc không tin vào điều gì đó mà phương diện Tôn Giáo chỉ là một trong số ấy. Có thể nói Tự Do là một thứ rất khó có được trong cuộc sống của con người, dù nhiều người bảo là rất dễ dàng. Hầu hết đa số chúng ta sinh ra, lớn lên và chết đi với cái niềm tin có sẵn đó mà không có sự chọn lựa.

Bàn về con người nói chung, tức loại bỏ những truyền thuyết mang tính tâm linh như “vạn sự tự thông” hay được “các Đấng phù hộ độ trì” để có được sự hiểu biết, con người muốn hiểu ra sự thật thì buộc phải học hỏi và tìm kiếm những nguồn thông tin từ hoàn cảnh đang sống. Sẽ như thế nào nếu những thông tin mà con người có được đều là một chiều?

Ông bà cha mẹ nói với đầu óc non nớt của ta rằng Thiên Chúa hay Đức Phật tồn tại, và sự việc diễn ra là… ta đã tin. Vì nếu ta không tin tức là ta đang chống lại những con người sinh ra và dưỡng dục ta. Khi cả một nền giáo dục hoặc xã hội bảo rằng Thượng Đế chỉ là sự tưởng tượng của con người nhưng nếu ta cứ tin thì nghĩa là ta chống lại chính cái xã hội đó, điều đó rất dễ khiến ta bị loại trừ hoặc ít nhất bị cười chê hay nhạo báng. Từ đó có thể thấy, hoàn cảnh sống chẳng khác nào như một nhà tù giam hãm con người mà các song sắt của nó chính là những định kiến có sẵn.

Không lạ khi mục đích lớn nhất của những con người ở đỉnh cao trí tuệ của nhân loại chính là đi tìm Tự Do, có Tự Do thì con người có thể tìm thấy chính bản thân mình và Giác Ngộ ra sự thật. Sự thật hay chân lý có lẽ là điều rất khó tìm kiếm nhưng Tự Do là điều kiện đầu tiên cần phải có.

Đôi lúc tôi tự hỏi, một sự thật được chấp nhận một cách máy móc và mù quáng có phải là sự thật chân chính đối với tôi? Bạn có cảm thấy khó hiểu suy nghĩ này của tôi không? Một hành động bố thí cho người nghèo không xuất phát từ tình yêu thương đồng loại mà do thói quen từ trước liệu có ý nghĩa và giá trị của nó? Rất nhiều người đã và đang làm những việc đúng và tốt nhưng không hề xuất phát từ ý muốn của họ mà do được bảo hoặc bị bắt buộc hay được khen ngợi.

Tất cả những điều đó có thể mang lại điều tốt cho người nhận nhưng đối với bản thân người làm thì chúng vốn vô nghĩa hoặc có rất ít ý nghĩa. Tất nhiên ta vẫn khuyến khích họ làm những điều ấy nhưng phải chăng chỉ có thế là đủ? Đủ với bản thân từng người?

Khi bàn đến những vấn đề này thì ta lại phải xét xem điều gì mới thật sự ý nghĩa đối với đời sống của một con người? Đây là một câu hỏi khó mà con người vẫn luôn tìm lời giải đáp qua nhiều thế hệ. Có 2 quan điểm mà con người thường đưa ra để tranh luận. Một là chỉ sống trong trần gian này rồi sau đó biến mất vĩnh viễn, hai là còn có một linh hồn bất tử sau khi thân xác này chết đi và linh hồn đó phải nhận lấy những kết quả mà thân xác này tạo ra.

Với quan điểm “1” thì mục đích sống là khá đơn giản vì câu trả lời chính là mang lại sự thỏa mãn cho thân xác này một cách cao nhất. Với quan điểm “2” thì ta còn phải lo cho phần hồn của mình sau này. Như dù là quan điểm nào đi nữa thì theo tôi điều quan trọng nhất chính là “ta phải là chính ta, ta phải thật sự sống”, sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi ta sống như những thân cỏ dại mưa xuống thì xanh tươi còn nắng lên lại khô héo. Đó là một cách sống không ý thức được mình đang sống, sống như một bộ máy được lập trình, như loài động vật chạy theo bản năng.

Có không ít triết gia đã lớn tiếng chống lại sự tồn tại của tôn giáo hay nền giáo dục của loài người. Họ cho rằng hãy để con người sống một cách tự nhiên và tự do trong thế giới, khi đó con người sẽ tự tìm ra chân lý của mình. Với quan điểm này tôi có nửa đồng ý và nửa chống đối. Đồng ý vì nền giáo dục hay tôn giáo thường tạo ra những định kiến kiềm kẹp sự tự do nhận biết thế giới và cuộc sống của con người. Tất cả đều hướng con người đi theo một con đường, một phương hướng có sẵn.

Một quốc gia chú trọng phát triển kinh tế thường lái suy nghĩ của con người đến chuyện làm giàu về vật chất và xem nhẹ những giá trị tinh thần. Một đất nước cần phát triển công nghiệp sẽ định hướng con người chạy theo các môn tự nhiên mà bỏ qua các môn xã hội. Công Giáo thì bảo những lời dạy, những lề luật của mình mới là chân lý, Phật giáo thì bảo lời Phật dạy mới đưa con người đến sự siêu thoát để đến bến vĩnh hằng… và bản thân mỗi nhà nước, mỗi chế độ, mỗi tôn giáo hay tổ chức cố dùng mọi cách để bảo vệ quan điểm của mình và chống lại những quan điểm khác biệt để tồn tại.

Mà cách họ thường làm là bắt con người phải tin vào đó một cách mù quáng không suy xét, chính điều này đã giết chết ý nghĩa cốt lõi trong đời sống con người, ngăn cản con người đi đến những tầm cao mới của nhận thức. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu con người chỉ biết chấp nhận mà không tìm kiếm và thấu hiểu.

Chống đối quan điểm trên vì một mô hình nhà nước, giáo dục hay tôn giáo là cần thiết cho những bước đầu tiên của con người. Đó là những mô hình giúp xã hội này tồn tại một cách ổn định, vì trước khi con người có thể đi tìm ý nghĩa trong đời sống thì trước tiên cần phải sống sót.

Ngoài ra một điều cần phải nói là hầu hết những triết gia đó để có thể đạt được những tầm nhận thức đó thì điều họ cần là được sự giáo dục từ những người đi trước, chính những điều họ được dạy đã tạo nên con người họ nhưng sau đó cũng chính họ phủ nhận giá trị của nền giáo dục đó. Tôi hầu như chưa từng thấy một nhà tư tưởng nào tự họ sống tự do trong thiên nhiên và không được giáo dục hay không tìm hiểu những tư tưởng khác.

Không thể phủ nhận những mô hình nhà nước mang lại sự ổn định về đời sống con người trong xã hội, nó tạo ra những trật tự. Nền giáo dục có mục đích sơ khai là giúp con người đủ giúp mình tồn tại trong đời sống vật chất này. Những tôn giáo mang đến cho xã hội những giá trị đạo đức xác thực và hướng con người đến những tầng ý thức siêu việt. Nhưng sẽ hoàn hảo hơn nếu bản thân của tất cả những mô hình hay tổ chức đó mang trong đó sự Tự Do và không định kiến.

Không thể phủ nhận mô hình nhà nước tự do nhất sẽ mang đến sự phát triển cho con người lớn nhất, nền giáo dục hoàn hảo nhất chính là nền giáo dục có thể khai phóng tâm trí con người đến mọi mặt trong cuộc sống, tôn giáo thiên liêng nhất là tôn giáo đưa con người đến gần Thượng Đế nhất, thúc đẩy sự phát triển của tâm linh nhanh nhất, vì xét cho cùng thì Thượng Đế đã đứng trên và bao hàm tất cả mọi tôn giáo (chân – thiện – mỹ) trên thế giới này.

Vậy với những gì đã viết trong bài, theo quan điểm của tôi thì điều ý nghĩa nhất đối với con người chính là Tự Do, tự do nhận thức, tự do tìm kiếm, tự do học hỏi… để phát triển tâm trí của bản thân đến mức cao nhất. Chỉ có như thế mới không phụ việc ta được sinh ra trong thế giới này.

Hãy nhìn lại chính mình và niềm tin của mình xem mình có là mình và niềm tin đó có phải là của mình. Hãy tìm kiếm và thấu hiểu chân lý chứ đừng tin chỉ vì người khác bảo ta tin.

Và tất nhiên có điều tôi cần phải nói, bài có phê phán tôn giáo nhưng tôi tin có Thiên Chúa và tin con người có một linh hồn bất diệt, tin con người mang trong mình thiên tính của Thiên Chúa vì tất cả chúng ta là con của Ngài.


http://www.triethocduongpho.com/2015/03/07/tu-do-va-su-phat-trien-cua-con-nguoi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét