Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

'Ngày phái đẹp' nói chuyện bình đẳng giới

'Ngày phái đẹp' nói chuyện bình đẳng giới
Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy của ai tất cả. Ông trời cho đàn ông sức mạnh, nhưng sức mạnh ấy suy giảm theo thời gian. Ông trời cho phụ nữ sắc đẹp, nhưng sắc đẹp ấy rồi cũng bị năm tháng lấy mất. Phụ nữ có thể bớt đẹp đi đấy, nhưng vấn đề “sinh lý” thì không đáng ngại lắm. Đàn ông có thể nhiều tuổi mà ngoại hình vẫn đẹp, nhưng “khoản kia” thì lại là vấn đề nan giải.
Cuộc đấu tranh để phụ nữ được hoàn toàn “bình đẳng” như đàn ông vẫn đang tiếp diễn, nó được gọi là phong trào “bình đẳng giới”. Vậy, phụ nữ đang bị đối xử bất công như thế nào?

Hình ảnh của phụ nữ bị lạm dụng?
Có người cho rằng “truyền thông đã sử dụng hình ảnh phụ nữ ở tất cả các chiều cạnh cho mục đích thương mại”. Ví dụ ở Việt Nam “trên tạp chí toàn hình ảnh các cô gái mà ít thấy đàn ông”, tạp chí The Sun ở bên Anh thậm chí dành hẳn trang 3 cho các cô gái ngực trần…

Người ta có lẽ thương cho các cô gái trên tạp chí mà không nghĩ rằng, những cô gái ấy không chụp ảnh không công, thu nhập của các người mẫu trên tạp chí chắc chắn là cao hơn nhiều công việc “ổn định” của dân văn phòng. Và nếu thế tại sao không thương cho những người mẫu nam vốn không thể kiếm một hợp đồng nhẹ nhàng mà lương cao ấy.

Tôi thật sự nghi ngờ rằng chính các cô người mẫu sẽ không thích cái phong trào “bình đẳng giới” nếu phong trào ấy lấy mất đi công ăn việc làm của họ.

Quá nhiều sức ép cho nữ giới?

Có người nói rằng không thích từ ‘thiên chức”, cái cách truyền thông Việt Nam hay nhấn mạnh từ này như đặt gánh nặng lên vai phụ nữ.

Tôi đồng ý quan điểm rằng đàn ông cũng phải biết chăm sóc con cái và làm việc nhà, nhưng việc báo chí hoàn toàn không đả động đến đàn ông trong những việc trên, nếu nhìn theo khía cạnh khác, thì có khác nào mặc định cho họ tất cả các việc còn lại, trong đó quan trọng nhất là kiếm tiền nuôi gia đình.

Nếu cứ máy móc mà bắt mọi thứ phải bình đẳng, thì chắc sẽ có phong trào đòi bình đẳng cho nam giới. Sẽ có những anh đòi ăn bám vợ, sẽ có những chàng trai đòi bạn gái phải tra tiền khi đi chơi hay đòi quyền được nhờ phụ nữ dắt hộ cái xe máy…

Nếu cứ máy móc mà bắt mọi thứ phải bình đẳng, thì chắc sẽ có phong trào đòi bình đẳng cho nam giới. Sẽ có những anh đòi ăn bám vợ, sẽ có những chàng trai đòi bạn gái phải tra tiền khi đi chơi hay đòi quyền được nhờ phụ nữ dắt hộ cái xe máy… Không, không có anh con trai nào dám mở mồm mà nói ra điều đó. Đấy cũng là bất bình đẳng đấy chứ, nếu cứ theo cái lý lẽ hai giới không được phép phân biệt.

Nam chịu ít sức ép hơn nữ giới ư? Cứ thử xem những con số thống kê về bệnh tật và tuổi thọ thì sẽ rõ.

Báo chí Việt Nam đăng nhiều ảnh phụ nữ “chân dài, da trắng, mắt to, ngực nở” làm ám ảnh các thiếu nữ, phụ nữ rằng mình chưa hoàn thiện ư? Vậy những thông tin “triệu đô”, “tiền tỷ”, “xế sang”… vốn không bao giờ thiếu trên các trang mạng hàng ngày thì gây sức ép lên phái nào?

Người ta nói phụ nữ bị đặt thêm lên đôi vai về vấn đề hình thức, tức là phải giữ sắc đẹp. Nhưng đàn ông cũng có vấn đề riêng của họ. Cụ thể, người phụ nữ có thể dễ dàng nói mình đang bị tăng cân hoặc có vài nếp nhăn do tuổi tác, nhưng chưa thấy trường hợp cụ thể một người đàn ông Việt nào dám lên truyền hình mà nói rằng “tôi bị yếu sinh lý” trong khi ở nước ngoài thì việc này hết sức bình thường. Vậy việc này có phải đàn ông đang bị “bất bình đẳng” hay không?

Nguyên nhân của sự “Bất bình đẳng”



Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy của ai tất cả. Ông trời cho đàn ông sức mạnh, nhưng sức mạnh ấy suy giảm theo thời gian. Ông trời cho phụ nữ sắc đẹp, nhưng sắc đẹp ấy rồi cũng bị năm tháng lấy mất. Phụ nữ có thể bớt đẹp đi đấy, nhưng vấn đề “sinh lý” thì không đáng ngại lắm. Đàn ông có thể nhiều tuổi mà ngoại hình vẫn đẹp, nhưng “khoản kia” thì lại là vấn đề nan giải.

Những từ trong ngoặc kép như “sinh lý” hay “khoản kia” nói thẳng ra đều là vấn đề tình dục. Về vấn đề này, trong Thần thoại Hy Lạp có một vị thần có thể biến thành cả nam và nữ, vị thần này tiết lộ: Phụ nữ có khoái cảm gấp 10 lần đàn ông khi làm “chuyện ấy”. Còn theo khoa học hiện đại, nữ giới trung bình cũng nhiều cảm giác gấp 3 đến 4 lần nam giới.

Nghe có vẻ bất công cho nam giới. Nhưng khoan đã, hãy xem Thượng đế còn ban cho phụ nữ điều gì nữa: Thay vì chạy nhảy tung tăng, con gái cứ “đến tháng” là lại vô cùng khổ sở. Với bộ phận sinh dục cấu tạo phức tạp hơn, con gái cũng hay mắc bệnh trong cuộc sống thường ngày hơn. Các bạn đã đỏ mặt chưa? Chưa hết đâu, con gái phải vệ sinh hàng ngày còn con trai thì lười tắm thoải mái. Còn nữa, con trai quan hệ tình dục thoải mái mà không lo hậu quả còn con gái luôn phải chịu phải chịu phần thiệt nếu có chuyện gì xảy ra (ở đây cụ thể là việc có bầu).

Vậy đấy, cái giá của sự “sung sướng” là không hề rẻ. Nhưng thượng đế đã sinh ra con người với những đặc điểm giới tính như vậy và đó là sự khác biệt mà con người không thể thay đổi được.

Trong thể thao chẳng hạn, những môn thể thao đòi hỏi sức mạnh và nhiều va chạm khốc liệt như bóng đá hay các môn võ, đừng hỏi vì sao mà người ta lại thích xem nam giới thi đấu hơn, vì thô bạo quá còn đâu là nữ tính, còn đâu là sự duyên dáng nữa. 

Những môn mà nữ giới vẫn được yêu thích, đó là tennis, là bóng chuyền. Giải thích không khó: Tennis không làm xấu đi vóc dáng, không va chạm trực tiếp, động tác đẹp. Bóng chuyền thì chơi đơn giản, không đòi hỏi nhiều tài năng, chính vì thế mà nam giới môn này thì lại không được hâm mộ dù ai cũng cao ráo. Chúng ta chỉ thấy có Cúp bóng chuyền Nữ VTV chứ chưa có Cúp bóng chuyền Nam VTV bao giờ.

Như vậy, thêm một ví dụ cho thấy: Sự khác biệt giới tính có thể gây “bất công” ở chỗ này, nhưng lại bù lại bằng sự “bất công” ở nơi khác, và như thế có thể gọi là sự “bình đẳng” hay “công bằng” tương đối.

Một khía cạnh khác của “bất bình đẳng giới”

Công bằng chỉ là tương đối, nhưng như thế không có nghĩa là không đấu tranh với những bất công sờ sờ trước mắt.

Nhiều đàn ông vẫn còn mang nặng tư tưởng cũ, ví dụ như đã là đàn ông thì không bao giờ làm những việc như nấu cơm, rửa bát, giặt giũ… nếu có vợ ở nhà. Điều này xảy ra ngay cả khi chồng không kiếm được nhiều tiền hơn vợ.

Thật ra có nhiều người chồng vẫn chăm làm việc nhà đấy, nhưng không phải trên do sự “bình đẳng” mà là vì vợ không thích làm. Nhắc đến vấn đề này thì sẽ thấy một mặt hoàn toàn khác của vấn đề: nếu người vợ, vốn là người thích hợp hơn để làm việc nhà do đặc điểm giới tính mà lại không chịu làm thì cũng tương tự như đàn ông không thích làm trụ cột nuôi sống gia đình vậy.

Thật ra có nhiều người chồng vẫn chăm làm việc nhà đấy, nhưng không phải trên do sự “bình đẳng” mà là vì vợ không thích làm

Cái “chức phận” hay “thiên chức” rõ ràng là những thứ trời sinh ra đã thế, quy định ở cơ thể, ở hooc môn, ở gien không thể thay đổi được. Nam hay nữ, vẫn nên làm những việc phù hợp với những điều kiện được trời ban cho ấy để thể hiện nét đẹp giới tính và không bị xã hội coi thường.

Việc nhìn nhận một cách bình đẳng hoàn toàn khác với chối bỏ “thiên chức”, như đã là mẹ thì phải sinh con (chẳng nhẽ bắt chồng phải sinh?), sinh con xong thì phải cho con bú (vì người bố cũng không cho sữa được). Việc may vá, đan lát, nấu nướng… vốn phù hợp với nữ giới, nếu đàn ông khăng khăng nhất quyết không làm thì không hay, nhưng nếu đòi “bình đẳng” mà nữ giới cũng chối bỏ luôn những việc đó thì đâu còn là nét đẹp của người phụ nữ.
Những việc phù hợp với giới tính về lâu dài gây ra quan niệm chỉ giới đó mới làm những việc đó, đó là điều sai lầm, nó gây sức ép với cả hai phía không chỉ riêng nữ giới. Nhưng việc muốn xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách hay đảo lộn trật tự đó còn là điều sai lầm hơn nữa.

Nữ thì vẫn là nữ, nữ giới không thể vì nóng bức mà đòi cởi trần như nam, còn nam có muốn để ngực trần lên báo để kiếm tiền cũng chẳng được.

Bao giờ có bình đẳng về tình dục?



Quay trở lại vấn đề tình dục, có lẽ có một đặc điểm giới tính mà nữ giới sẽ đồng loạt kêu than rằng hoàn toàn bất công, đó là trinh tiết, tại sao ông trời lại ban cho họ cái đó để bị đặt gánh nặng về đạo đức.

Câu trả lời là: cũng giống như đàn ông, có được sức ép phải thành đạt nên họ có cơ hội để chứng tỏ tài năng. Trinh tiết cũng vậy, sức ép cũng đồng nghĩa với cơ hội chứng tỏ phần nào đức hạnh.

Còn nếu bạn không còn trinh tiết ư? Chẳng sao cả, vì “chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”. Đến giờ mà còn chi li việc đó thì thật thiếu đàn ông. Nhưng đừng nghĩ vậy mà xem nhẹ cái chữ trinh ấy. Ở một đất nước thoáng nhất về “chuyện ấy”, Britney Spears và Justin Timberlake thủa còn sánh đôi đã từng mặc áo phông in dòng chữ kêu gọi không quan hệ tình dục trước hôn nhân. Sau này người ta biết được thông điệp đó là dối trá, nhưng việc đưa ra thông điệp rõ ràng là một sự khẳng định vẫn có những giá trị không thể phủ nhận ở ngay tại xứ sở tự do nhất thế giới.

Có vô cùng nhiều lý do để các cô gái không còn nguyên vẹn trước ngày cưới: tai nạn, bị cưỡng bức, quá yêu bạn trai cũ… nhưng cũng đừng coi việc không còn trinh tiết là chuyện tất nhiên, cùng một sự việc nhưng lý do khác nhau làm bản chất cũng khác nhau. Những cô gái sống buông thả đừng xếp mình vào chung với cô gái với các lý do liệt kê ở trên.

Sống thế nào là quyền của người đó, nhưng những tiêu chuẩn để đánh giá con người phần nào phụ thuộc trên giới tính không bao giờ mất đi, vì cuộc sống có thay đổi đến mức nào đi chăng nữa, phái mạnh vẫn phải tự chứng tỏ mình là phái mạnh dù có muốn hay không, và phái nữ cũng thế.

Hãy cứ đấu tranh, nhưng phải hợp lý. Nếu không, các bạn gái nhỡ đâu lại gặp phải một anh chàng yêu cầu bạn gái phải cung cấp mọi vật chất để nuôi sống mình theo đúng tinh thần “bình đẳng” tuyệt đối thì sao?

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.
Trần Công Hưng
Gửi tới BBC từ Hà Nội
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/03/150307_ngay_phu_nu_noi_chuyen_binh_dang_gioi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét