Một đề xuất trái luật!
Một tình huống nữa cũng được đặt ra, là người điều khiển xe máy đi trên đường cao tốc nhiều khi không phải chủ sở hữu của chiếc xe đó (trường hợp xe đi mượn), nghĩa là chủ sở hữu phương tiện không vi phạm, thì căn cứ vào đâu để tịch thu phương tiện của người ta?Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đang soạn thảo đề xuất áp dụng biện pháp tịch thu xe máy, nếu người tham gia giao thông cố tình đi vào đường cao tốc. Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban này, cho báo chí biết: Những chiếc xe vi phạm, sau khi bị tịch thu, sẽ được bán đấu giá để lấy tiền ủng hộ người nghèo.
Và “Đây chỉ là một trong số rất nhiều giải pháp được đưa ra, nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm giao thông và kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông. Nếu đề xuất này nhận được sự ủng hộ thì sẽ trình Chính phủ…”, lời ông Nguyễn Trọng Thái được các báo trích dẫn.
Đề xuất trên có thể là rất hay, theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia. Hiện tại, trên các tuyến đường cao tốc đều cấm xe máy lưu hành. Tuy nhiên, tình trạng người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc vẫn xảy ra khá nhiều, cả do cố ý lẫn do vô ý (vì không biết quy định đó).
Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ trong 9 ngày Tết Ất Mùi vừa qua, trên cả nước đã có trên 7.000 xe máy bị tạm giữ do vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, đề xuất tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc, mang bán đấu giá là một đề xuất… trái luật.
Nguyên tắc lớn nhất khi xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật, là văn bản đó không được mâu thuẫn, không được trái với các luật và văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Xe máy là tài sản hợp pháp của công dân. Nếu tịch thu đem bán thì sẽ trái với quyền sở hữu, quyền sử dụng và định đoạt tài sản của người dân được quy định trong Bộ luật Dân sự.
Người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc là vi phạm luật giao thông đường bộ. Vậy thì họ phải được xử lý theo luật giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật khác về xử phạt hành chính. Nhưng luật giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật khác không có văn bản nào quy định việc tịch thu xe, mà chỉ quy định tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm, phạt tiền hoặc tước giấy phép lái xe có thời hạn.
Thực ra, luật xử lý vi phạm hành chính ra đời năm 2012 cũng có quy định về lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó quy định công an có quyền tịch thu phương tiện vi phạm, nhưng với điều kiện phương tiện vi phạm đó có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định.
Mà mức tiền phạt lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ hiện nay thì thấp hơn giá trị của phương tiện (xe máy) rất nhiều lần. Điều đó cũng có nghĩa không thể tịch thu phương tiện được.
Một tình huống nữa cũng được đặt ra, là người điều khiển xe máy đi trên đường cao tốc nhiều khi không phải chủ sở hữu của chiếc xe đó (trường hợp xe đi mượn), nghĩa là chủ sở hữu phương tiện không vi phạm, thì căn cứ vào đâu để tịch thu phương tiện của người ta?
Xe máy và các phương tiện giao thông khác chỉ bị tịch thu trong trường hợp chúng được dùng làm phương tiện để thực hiện những vụ vi phạm pháp luật hình sự, như dùng làm phương tiện để cướp giật hay vận chuyển ma túy… chẳng hạn.
Vì vậy, đề xuất trên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia là một đề xuất không có căn cứ pháp luật. Và nó chỉ trở thành hiện thực sau khi Quốc hội phải sửa nhiều luật, pháp lệnh khác.
Vũ Hữu Sự
http://nongnghiep.vn/mot-de-xuat-trai-luat-post139413.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét