Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Cái Tết đầu tiên trên đất Mỹ

Cái Tết đầu tiên trên đất Mỹ
Phong giật mình thức dậy, nhìn đồng hồ trên tường kim chỉ năm giờ sáng. Vậy là anh đã gục đầu trên chiếc dương cầm thiếp đi gần 3 tiếng đồng hồ, sau khi viết xong nhạc phẩm đầu tiên trên đất Mỹ dự tính cho buổi họp tân niên chiều nay. Như một người đàn bà thai nghén đã đến giờ khai hoa nở nhụy, nhạc phẩm ‘Quê hương nỗi nhớ’ của anh cũng đã hình thành qua một giai đoạn đau thương, uất hận đong đầy nước mắt, khi phải rời bỏ nước ra đi!

Tết ngày nay ở Little Saigon. Sau 40 năm, cái Tết của người Việt ở Mỹ đã có quá nhiều đổi thay. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)



Thời gian trùng hợp một cách lạ thường, kể từ cuối tháng tư 75 ngày Phong rời Saigon, cho đến nay là cuối tháng giêng 76, đúng 9 tháng tròn. Chín tháng nhọc nhằn cưu mang đứa con tinh thần, giờ đây nó đã chào đời và đang nằm trước mắt anh. Phong nhìn nó mà lòng nhẹ nhàng thơ thới vì đã đặt trọn hết vào đó tâm tư ý tưởng của mình, gói ghém chân thành những ưu tư dằn vặt của đồng bào cùng cảnh ngộ. Giờ đây anh sẵn sàng trình bày nó trước mắt mọi người. Nghĩ đến đây Phong mỉm cười quên đi giấc ngủ đã mất.

Ngoài hiên tuyết đã ngừng rơi. Mấy tháng lạnh vừa qua đã khiến anh hơi quen với cái xứ sở giá tuyết của miền Bắc Mỹ này. Phong vươn vai kéo chiếc áo choàng đứng dậy tiến đến cửa sổ nhìn ra ngoài. Mặt kính trên cửa sổ đóng đầy những bông hoa tuyết, chúng lặng lẽ trôi nhè nhẹ xuống dưới khung cửa sổ và tan chảy theo khe cửa. Trời vẫn lạnh vì đang giữa mùa Đông, một mùa Đông đầu tiên của gia đình Phong trên đất tạm dung của miền đất Biển hồ.

Tiếng máy sưởi chạy ầm ầm ở tầng hầm dưới nhà (basement) làm Phong nảy ra một ý nghĩ so sánh ngộ nghĩnh. Cả một mùa đông lạnh lẽo như thế này mà anh và gia đình phải chịu trận nằm trên một cái máy sưởi cổ lỗ sĩ to tướng chạy bằng khí đốt cháy phừng phừng ngày đêm không dứt dưới hầm. Chỉ một sơ xuất nhỏ là cái nhà có thể ra tro và cả gia đình anh cũng sẽ trở thành những đống thịt nướng giống như những miếng thịt bò nằm trên dàn xe nướng ‘barbecue’ lưu động ở bãi đậu xe trước chợ Safeway mà anh đã thấy lúc chiều khi đi làm về. Phong bật cười ra tiếng.

Cái nhà mà Phong hiện đang ở cùng gia đình nằm trong khu xóm người da trắng nghèo lẫn vài ba gia đình da đen. Nó cũ kỹ đến độ lần đầu tiên khi anh được Paul, người sponsor của anh dẫn đến xem. Anh và Paul phải rón rén lắm khi bước chân lên cầu thang vì sợ những mảnh ván cũ dưới chân anh không chịu đựng nổi sức nặng của hai người. Chúng run lên kèn kẹt theo mỗi bước chân, cơ hồ như sẵn sàng gãy ra làm đôi làm anh ngại ngùng ra mặt! Cột kèo thì đã phải sơn đi sơn lại không biết bao nhiêu lần mà vợ chồng Paul thì muốn Phong gật đầu ngay vì sợ anh từ chối thì lại phải mất công đi tìm thuê cái khác.

Paul vừa đi vừa quay đầu lại cố gắng thuyết phục Phong, rằng tuy là nhà hơi cũ nhưng còn ở được không sao. Lại với cái giá thuê cũng vừa phải, nhà ba phòng mà chỉ có bốn trăm đô một tháng. Chủ căn nhà có lẽ cũng đã đợi khách dễ thường đến cả năm, nên khi có người đến thuê là ông tíu tít mừng vui ra mặt. Một bên muốn có người thuê ngay mà không cần xem tín dụng người thuê xấu tốt ra sao, còn một bên thì Sponsor cũng muốn tống vợ chồng cái anh tị nạn này ra riêng sớm chừng nào hay chừng ấy, nên cả hai bên đều vội vã, chỉ khổ cho Phong đứng giữa chẳng biết ăn nói ra làm sao đành phải miễn cưỡng gật đầu. Anh nghĩ, thôi thì cám ơn Trời cứ hẳn ở tạm đây đã cho yên bề rồi ta sẽ tính sau. Nhưng nhìn căn nhà đã quá cũ dám cất đâu từ thập niên 30-40, Phong lắc đầu ngao ngán, nhưng đâu có phải bám riết vào sponsor được! Người ta cũng đã cưu mang một gia đình bảy người trên ba tuần lễ rồi. Không thể lợi dụng lòng tốt của người ta được nữa!

Tuyết không còn rơi nặng như hồi đầu đêm. Những cánh tuyết nhỏ vẫn còn bay lả tả trong không, thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lùa chúng vào khung cửa kiếng tạo ra hằng hà sa số những cánh sao tuyết bám chặt vào mặt kiếng. Phong thẫn thờ chép miệng rồi lẩm bẩm một mình câu nói chẳng dính dáng gì đến thời tiết hiện tại:

“Thế mà đã mồng một Tết rồi!” “Một cái Tết tha hương đầu tiên của gia đình mình đây!”

Phong khẽ lắc đầu ngao ngán chép miệng nghĩ tiếp. Sao thời gian qua nhanh quá? Mới ngày nào đặt chân đến đây và cũng mới tháng trước cả gia đình anh vừa dự lễ Giáng sinh đầu tiên bên Toledo, nghe ông giáo sĩ Tôn Thất Bình thuyết giảng, thấm thoát mà nay đã đến Tết mình rồi. Trí óc anh bỗng miên man nhớ lại, như một cuốn phim tài liệu quay chầm chậm, rõ ràng và mạch lạc.

Chiều hôm đó trên đường từ Cleveland đến Toledo cùng gia đình để đi dự lễ, bầu trời u ám và tuyết cũng rơi như hôm nay, Phong lái xe rất cẩn thận, bốn bánh xe cũng đã được Paul dặn dò kỹ càng trước rằng phải ràng giây xích cho thật chặt để khi chạy trên tuyết bánh xe khỏi trơn trượt. Thế mà chiều nay khi Phong lái xe đến gần một ngả tư thấy đèn đỏ từ xa anh vội đạp thắng, cái xe cứ trượt một cách “vô tư” và đậu ngay chình ình chính giữa ngã tư đường làm cả nhà tái mặt hoảng hốt. Nhưng may mắn Trời thương lúc đó không có xe nào chạy ngang qua hết. Nếu có thì không chết cũng đến bị thương cả nhà! Anh vội vàng đạp nhẹ chân ga để vượt qua đèn đỏ và đậu lại cạnh lề đường ngồi chờ cảnh sát đến cho cái giấy phạt. Nhưng lại cám ơn Trời lần nữa. Chắc giờ này quý thầy công lộ đang lo uống cà phê và ăn donut giữa buổi nên Phong chờ mãi mà không thấy đèn mô tô chớp chớp và tiếng còi ú e..ú e…. Hú vía! Phong cẩn thận lái xe từ từ ra lộ tiếp tục cuộc hành trình. Lần này Phong có tí kinh nghiệm rồi nên cố chạy kỹ lưỡng hơn và cứ hễ thấy ngã ba hay ngã tư là anh giảm tốc độ trước không đợi có đèn xanh hay đèn đỏ.

Buổi chiều hôm ấy gia đình Phong đến giảng đường trễ hết mấy phút. Vào nhà thờ đã thấy tín hữu ngồi chật cả mấy chục hàng ghế, hầu hết là người Việt, chỉ có một hai dãy ghế sau là đầy những người Mỹ sponsor cùng bạn bè thân hữu. Phong quay qua nhìn vợ thì thầm: “ở đâu mà lắm người Việt mình thế này?” Lòng anh rộn lên niềm vui khôn tả. Gia đình anh lục tục tìm chỗ ngồi rồi cùng hát theo hội chúng. Những ánh mắt đồng hương nhìn nhau một cách vui vẻ, vài tín hữu quen mặt gật đầu làm cả gia đình anh quên hết cả cái lạnh ở bên ngoài.

Hôm đó phần thuyết giảng do ông giáo sĩ Stebbin con, có tên Việt là Tôn Thất Bình đang vui vẻ hăng say trong thông điệp Giáng sinh bằng tiếng Việt. Thỉnh thoảng ông cũng dịch một vài câu nói quan trọng từ tiếng Việt ra tiếng Mỹ cho những người sponsor ngồi hàng ghế sau được hiểu. Mặt ông rạng rỡ hẳn lên, giọng ông sang sảng khi ông kể đến câu chuyện như sau:

“Quý vị ơi! Cái “mẹt” tôi là Mỹ “rẹt”! (ông nói giọng Quảng, vì ông vốn sinh ra tại Quảng Nam. Hai cụ thân sinh ông lúc đó đang dạy đạo trong trường Kinh Thánh Đà Nẵng), nhưng tâm hồn tôi là người Việt Nam, quốc tịch tôi là quốc tịch Việt Nam.”

Cả hội trường bật dậy vỗ tay, làm mấy người Mỹ sponsor ngồi đàng sau chả biết ất giáp gì cũng ngơ ngác đứng dậy vỗ tay theo. Hội chúng rào rào như ong vỡ tổ. Ông Bình chờ một chốc cho im lặng rồi mời hội chúng an tọa và sang sảng nói tiếp:

“Tuần qua tôi có được tổng thống Ford mời vào Toà Bạch ốc “eng” cơm. Tổng thống có hỏi ý kiến tôi rằng:

“Ông giáo sĩ ơi, ông gần gũi với người Việt nhiều, xin ông cho biết: ‘Họ’ (chỉ người Việt Nam di tản) trong tương lai có là gánh nặng của nước Mỹ lắm không?”. Tôi đáp lời tổng thống ngay:

“Dạ thưa Tổng thống, không đâu! như Tổng thống cũng đã biết, tôi vốn là người Mỹ da trắng nhưng sinh trưởng tại Việt Nam, lớn lên tại Việt Nam nên tôi nói rành ngôn ngữ và phong tục Việt và sống ở Việt Nam nhiều hơn là tại Mỹ. Tục ngữ Việt Nam có câu: “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, đó là đặc tính nổi bật của người Việt nam. Tôi biết chắc cho dù ở vào hoàn cảnh nào, họ cũng thích ứng được và khắc phục mọi khó khăn một cách dễ dàng”! Lại một tràng pháo tay vang dội.

Dư âm lời nói của ông giáo sĩ Bình vẫn còn âm hưởng trong đầu, thế mà đã một tháng qua! Phong chậm rãi tiến đến bên cây cột giở tấm lịch Tàu ra xem. Hôm nay đúng là 31 tháng giêng dương lịch năm 1976, và là mồng một tháng giêng âm lịch năm Bính Thìn. Tối hôm qua cả gia đình quây quần bên bàn ăn, Phong cầu nguyện cho năm mới và sau đó cả nhà thức đến nửa khuya để nghinh đón giao thừa! Cũng có dưa hành, câu đối đỏ nhưng thiếu nêu cao, buồng pháo và nhất là bánh chưng xanh. 


Tuần vừa qua vợ chồng Phong đã tất tả chạy xe lên tận phố Tàu bang Pennsylvania, đi và về ngót 16 tiếng đồng hồ, đề tìm mua một số thực phẩm đặc biệt cho dịp Tết. Nhưng cái phố Tàu cũ kỹ ấy, một dãy chừng ba bốn căn lụp xụp, cũng chẳng có gì hơn ngoài ba miếng thịt ba rọi, mấy bó cải bukchoy cùng dăm chai nước mắm Phi mà chủ người Tàu đã lên tận Nữu Ước mang về bán khi thấy có đám người Việt Nam tị nạn đến định cư quanh vùng từ hồi tháng năm. Vợ Phong vơ vội mấy miếng giấy hồng điều có viết mấy chữ Cung Hỉ Phát Xồi! cùng một ít thiệp Tết in hình phong pháo, một lọ cải chua và vài chai nước tương. Trên đường về không quên tạt qua chợ Mỹ mua ít lạng ham gà Tây trắng bệch để về cắt lát giả làm chả lụa, cùng một ít trứng tươi về nấu nồi trứng kho thịt nạc, chỉ thiếu nước dừa.

Ở cái xứ sở này lúc bấy giờ làm gì có thức ăn Việt Nam đầy dẫy như bây giờ. Gia đình Phong đón Tết một cách đạm bạc và với chừng đó thức ăn cũng đã là thuần túy Việt Nam quá rồi, mà nếu có thừa tiền đi chăng nữa cũng không đào đâu ra một chiếc bánh chưng hay đòn bánh Tét ở cái nơi lạ nước lạ cái này! Nhớ lại mấy tháng trước khi mà cả nhà sponsor đến đón gia đình anh ở phi trường sau khi xuất trại vào cuối tháng 5. Vợ chồng người sponsor hí hửng vác cho một bao gạo 5 pounds mua được ở chợ Tàu Cleveland cùng chai xì dầu là đã làm cho gia đình anh vui mừng ra mặt vì thấy có gạo để nấu cơm ăn cùng với nước tương còn hơn ở trong trại ròng rã trên tháng trời ăn toàn thịt hộp, trứng và gà chiên cùng những món khô mà tuần nào cả nhà cũng bị táo bón phải uống thuốc xổ cho nhẹ bụng vì thiếu rau quả.

Cũng từ đó gia đình Phong được ăn cơm với thịt ham gà tây giả làm chả lụa kho vào buổi tối hoặc khá hơn thì cá Biển Hồ chưng với xì dầu nuốt vô vừa cứng lại vừa tanh. Sau này ở lâu cuối tuần mới mon men chạy lên Nữu Ước kiếm được chai nước mắm Phi Tiparos và một ít bao gia vị Á châu về kho cá nước dừa hoặc làm món phở hay bún bò đầu tiên sau những tháng dài sáng thì sandwiches trưa hamburger để cho kịp giờ đi cày mỗi ngày 2 jobs.

Gia đình anh vừa ăn vừa hình dung lại đêm Giao thừa năm ngoái ở quê nhà mà nước mắt chạy quanh. Chắc bây giờ cây hoa mai trước ngõ nhà anh đã nở rộ, những cánh hoa 5, 6 cánh vàng óng ánh trong cái nắng đầu Xuân của Saigon. Năm ngoái cây mai nhà anh nở rộ trước Tết, có hoa đến 6, 7 cánh. Anh nói với vợ rằng năm nay nhà mình chắc hên lắm đây. Nào ngờ đầu năm đã bỏ của chạy lấy người. Anh cúi đầu buồn bã nhưng thầm nghĩ dầu sao đi nữa gia đình anh còn có cơ hội đặt chân đến vùng đất hứa, nơi mà anh tin tưởng rằng mai kia tương lai con cái của anh sẽ được học hành đầy đủ, sẽ không còn lo sợ chiến tranh, bắt lính, cũng không còn nghe tiếng đại bác ru đêm dội về thành phố, những chuỗi ngày mà từ lúc Phong vừa mới mở mắt chào đời là đã nếm mùi bom đạn!

Ký ức hiện về trong anh, Phong nghĩ không riêng gì gia đình anh mà tất cả đồng bào của anh đã quằn quại chết chóc trong hai cuộc chiến dai dẳng..........., những hận thù tạo dựng giữa anh em cùng giòng giống, dẫn dắt dân tộc anh vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn! Nhưng những năm tháng đó bây giờ bắt buộc anh phải cố quên đi, vì không quên sao được khi hiện tại anh và cả gia đình phải đối diện với cuộc sống với hàng tá sự việc mới lạ trước mắt. Nó không cho anh có thì giờ để hồi tưởng lại quá khứ. Phong như những người mới lái xe leo lên xa lộ, chỉ biết chạy tới với tốc độ đã hạn định mà không được dừng lại để nghĩ suy, chỉ biết là sau khi chạy hết đoạn đường trong ngày anh phải ra ‘exit’, lúc đó thân xác đã mệt nhoài, có còn sức đâu mà nghỉ về dĩ vãng! Thảng hoặc có những ngày nghỉ cuối tuần thì là những ngày ngủ bù hoặc dọn dẹp nhà cửa, cắt cỏ vườn tược.

Mải miên man với những ý nghĩ trong đầu, tiếng động của vợ và các con vừa thức dậy lôi anh trở về thực tại. Hôm nay là ngày đầu Xuân Bính Thìn khá bận rộn đây. Anh sẽ phải cùng các anh chị em trong Hội Tết lo cho buổi lễ đón Xuân đầu tiên cùng đồng bào trên vùng Bắc Mỹ này. Tờ rơi đã được gửi đi từ tháng trước, có rất nhiều bà con lân cận hoặc các tiểu bang xung quanh đã thông báo sẽ lái xe đến tham dự vì đây là ngày họp mặt của bà con ta lần đầu tiên sau ngày rời các trại đến định cư ở các tiểu bang ở vùng Bắc Mỹ. Phong cùng các bạn và gia đình con cái cũng đã lo sân khấu, lo nhạc, lo kịch, lo cả cái màn trình diễn áo dài Việt Nam v.v… và nhất là phải lo cho có đầy đủ chỗ ngồi cho đồng bào trong một hội trường thể dục lớn của trường Trung học công lập có sức chứa được cả ngàn người. Nhà trường cũng đã khuyến cáo khi cho mượn là không một ai được đứng hay ngồi ngoài hiên vì trời mùa Đông ở vùng Biển hồ này rất lạnh, âm độ -20F là chuyện thường, đến nước của mặt hồ cũng đã đông lại từ giữa tháng 11 mà thiên hạ những ngày nắng ráo có thể trượt tuyết trên đó.

Phong cùng gia đình cầu nguyện cho năm mới, anh nuốt vội bữa sáng rồi tất tả lái xe qua hội trường để lo công việc. Những ngày đầu tiên khi mới đến đây anh có dịp quen biết với hai người Việt. Một anh là sinh viên Việt du học đã đến học tại Đại học này từ hai năm trước, và một hiện là giáo sư cũng là người Việt dạy tại trường Đại học này. Thật là một sự tình cờ, sau khi trường được sự giới thiệu bởi ông thị trưởng thành phố rằng có một nhân viên của ông tên Phong là người Việt Nam đầu tiên đến định cư và đang làm việc cho tòa thị chính tại đây. Ông khoa trưởng của phân khoa đại học về Á châu và Việt Nam liền ngỏ ý mời anh đến nói chuyện về các vấn đề liên quan đến chiến tranh Việt Nam cho sinh viên của ông đang theo học phân khoa đó, đồng thời có cơ hội để sinh viên đặt câu hỏi cho một vài vấn đề liên quan đến học trình của họ. Vì thế nên anh lại có dịp quen biết với hai người bạn Việt nói trên trong trường, anh S. đang theo học ngành chính trị kinh doanh (science-po) và sau đó lại được sự giới thiệu của anh, nên Phong biết thêm anh L. là một giáo sư tiến sĩ người Việt hiện cũng đang dạy trong trường đại học này. Hai vị này sau đó đã nhiệt tình cùng Phong lo lắng cho buổi lễ Tân Xuân cùng cộng đồng đầu tiên ở đây, nên hầu hết những người mới đến định cư tại đây đều cảm thấy vô cùng ấm áp và hứng khởi mặc dầu thời tiết bên ngoài thì lạnh tái tê!

Buổi lễ bắt đầu từ lúc 4 giờ chiều mà mới 12 giờ trưa đồng bào các nơi xa xôi đã lục tục lái xe đến đậu chật cả bãi đậu xe của trường. Đến 3 giờ rưỡi chiều là cả hội trường đông nghẹt ước tính lên cả ngàn người. Tiếng cười nói râm ran cả trong hội trường lẫn ngoài sân. Có nhiều gia đình lái xe cả đêm qua đến từ Nữu Ước, Hoa Thịnh Đốn, Virginia, Pennsylvania, và các thành phố phụ cận phía Nam cùng tây nam Biển Hồ như Cincinati, Toledo…v.v..

Sau phần nghi lễ chào cờ, mặc niệm là đến các tiết mục ca nhạc kịch và trình diễn thời trang. Hầu hết những nghệ nhân và các cô trình diễn đều là cây nhà lá vườn, toàn là dân nghệ sĩ nghiệp dư, song đã hăng hái và chịu khó tập luyện từ cả tháng nay. Suốt cả buổi diễn hội trường vang dội tiếng vỗ tay cổ võ tán thưởng không ngớt. Đặc biệt tới phiên Phong lên trình bày ca khúc ‘Quê hương nỗi nhớ’ của anh thì cả hội trường im phăng phắc. Phong chìm đắm hồn mình trong giòng nhạc tình tự quê hương khiến cho khán giả trong hội trường sụt sùi cảm động, Phong đã phải nhiều lần nghẹn ngào dừng lại để cùng khán giả lau nước mắt. Đó là một kỷ niệm khó quên trong đời Phong và anh chắc rằng tất cả đồng bào hiện diện chiều hôm đó cũng không thể nào quên được.

Sau buổi lễ cả hội trường biến thành một phòng ăn tập thể. Mọi người đã lo đầy đủ thức ăn “pot luck” cho mình nên mỗi gia đình kéo ra chung vui mãi cho đến gần nửa đêm mới dứt. Có nhiều vị không biết tìm đâu ra nếp mà gói được bánh tét, lại có cả dưa chua cải bokchoy (!) ngâm nước mắm nữa!. Cả hội trường dậy lên mùi vị Việt Nam, kẻ hỏi người han rộn ràng không kịp trả lời:

“Bạn mình tìm đâu ra mấy thứ này vậy? cho mình biết với!” “Ủa, làm sao mà mợ có cả bánh đa?!”

Lại một màn cười giả lả giấu diếm. Có kẻ thật thà nói toẹt ra là vợ tui làm đấy nhưng cũng chẳng chỉ cho là mua vật dụng tại đâu! Ấy! người Việt mình mà một số lớn có thói quen hễ làm được cái gì lạ là dấu giếm! Lại khen, lại xuýt xoa. Có một chị lấy chồng Mỹ về đây từ hồi 70, tìm ra được một tiệm bán đồ ăn khô nhập cảng từ bên Nhật. Chị ta làm một tràng bún chả thịt nướng thơm phức hai vợ chồng ngồi ăn tỉnh bơ làm bà con ai nấy thèm rỏ giãi.

Nhưng cuộc vui nào mà chẳng có lúc tàn. Quá nửa đêm thì mọi người lục tục kéo nhau ra về. Lại thay phiên nhau lái xe trong đêm đông đầy tuyết giá, nhưng chả mấy ai phàn nàn vì đường xa diệu vợi nhưng chỉ mong ban tổ chức tạo ngày họp mặt lần tới thật gần để cho đỡ nhớ nhung.

Nửa đêm hôm đó Phong và cả gia đình cùng bạn bè trong hội đoàn phờ người trối chết vì phải dọn dẹp phòng ốc cùng thức ăn dư thừa vương vãi đầy phòng để sáng mai còn trả lại cho nhà trường, nhưng trong lòng vẫn vui vì nghĩ mình và bạn hữu đã cùng đồng bào hưởng một cái Tết tha hương đầu tiên đầy thi vị và hứng thú nhất trên vùng Bắc Mỹ này.

Cũng vì thời tiết mùa Đông quá khắc nghiệt, phần Phong không chịu được cái lạnh của xứ hàn đới, một buổi sáng đi làm tuyết rơi lả tả, anh vừa đậu xe trước bãi đậu của Tòa thị chính nơi anh làm việc. Phong vừa mở cửa xe bước xuống, một ngọn gió đông cực lạnh từ phía bắc của Biển hồ thổi tạt qua, máu mũi Phong chảy liên hồi làm anh té sấp, bạn cùng sở định kêu xe cứu thương (lúc đó chưa có 911) nhưng anh giơ tay cản lại, chỉ xin dìu vào bên trong gần cái lò sưởi là được. Từ hôm đó trở đi anh nhen nhúm quyết định xin thôi việc và sẽ lên gặp xếp khi có cơ hội thuận tiện. Sau một thời gian thăm dò cùng bà con bạn hữu, một ngày đẹp trời Phong và vợ con quyết định rời bỏ cái xứ đẹp nhất vào mùa Thu và tệ nhất vào mùa Đông này.

Trong buổi tiệc chia tay, ông Thị trưởng hỏi tại sao anh quyết định bỏ đây mà đi trong khi mọi người và chúng tôi đều quý mến? Phong vừa cười và trả lời:

“Thưa ông tôi có cảm giác ở đây vào mùa Đông lúc nào tôi cũng cảm thấy mình co quắp trong một cái tủ đá vĩ đại! “

Mọi người phá ra cười vang. Gia đình Phong sau đó lại khăn gói quả mướp trả nhà cám ơn sponsor rồi một lần nữa rời cái thành phố tuyết lạnh để làm một phát di tản thứ hai về vùng Tây nam nước Mỹ tìm đến một thành phố ấm áp hơn ở tiểu bang California.
Tác giả: Tô Vũ
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticles30thang4.aspx?articleid=203611&zoneid=492#.VPCEIuESGos

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét