Bia miệng
Anh Huy ở Cà Mau đã tìm cách tránh mặt, sau khi gửi cho cơ quan báo chí một lô nước Soya Number 1 của công ty Tân Hiệp Phát không thể dùng được nữa, dù còn vài tháng nữa mới hết hạn. Theo mô tả, các chai nước này lợn cợn, lại có dị vật nổi bên trong chai. Đặc biệt, các chai này đều nguyên vẹn, hoàn toàn không có “dấu hiệu can thiệp từ bên ngoài”.Mà cũng mới cuối tháng trước, đoàn thanh tra của tỉnh Bình Dương, đã tuyên bố mọi sản phẩm của công ty này là hoàn hảo. Cuộc thanh tra phối hợp giữa Bộ, Cục, Sở này đã hoàn thành dễ dàng đến ngỡ ngàng trong một ngày đối với hệ thống hơn 15 loại sản phẩm, công suất hơn 1 tỷ lít/năm. Bất chấp dư luận phản ứng, thì đại diện phía thanh tra vặc lại rằng “truy cái gì?”
Anh Huy ở Cà Mau chắc chắn đã rất lo sợ việc mình trở thành một nạn nhân mới của Tân Hiệp Phát nên không nhận quà, không thương lượng, mà chỉ mong làm rõ về sản phẩm có nguy hại đến sức khỏe con người hay không. Nhưng ai mà không sợ, khi chứng cứ thì rành rành nhưng mọi thứ vẫn lạ lùng chống lại con người. Một nhà đại tư bản không chỉ có tiền kiểm soát truyền thông, mà thậm chí biến luật pháp thành pháo đài của mình. Trên trang wikipedia, đánh tên công ty Tân Hiệp Phát, người ta nhìn thấy nhanh nhất là cả một chuỗi thông tin nhiều năm liền những người tố cáo sản phẩm của hệ thống này đều trở thành khốn khổ.
Thời đại nào, đến một công ty sản xuất giải khát mà nhiều quyền lực giăng giăng mà dân chúng phải kinh hãi? Thời đại nào mà đoàn thanh tra khi công bố kết luận, những ai nghe thấy đều mỉm cười im lặng. Nụ cười buồn rầu như không thể thay đổi được nữa như chứng kiến lẽ tự nhiên ở đời, như con ruồi vẫn đậu vào miệng chai, mà không còn ai quan tâm đến chuyện vẫy tay đuổi đi nữa.
Chuyện xưa kể rằng Khổng Tử đi cùng học trò ngang một ngọn núi, thấy người đàn bà đang khóc tang ma. Ông mở lời hỏi thăm, được người đàn bà ấy nói rằng cha, chồng và con của bà đều bị hổ vồ chết nơi này. Khổng Tử bèn hỏi rằng biết nơi nguy hiểm vậy sao không đi nơi khác mà ở, người đàn bà nói là thân nhân chết thì buồn khổ, nhưng ở đây vẫn tốt hơn vì không có quan lại. Anh Huy sống ở thời nào nào đến khiếu nại một sản phẩm cũng sợ, đến mức Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) kêu anh làm đơn kiện, anh cũng không dám gặp?
Có lẽ lương tâm anh Huy thúc đẩy anh phải lên tiếng khi thấy đồng bào mình gặp nguy khốn, nhưng anh cũng đã đủ dè dặt và kinh nghiệm thấy rằng phận dân đen không là gì trong buổi nhiễu nhương này, mặc cho hổ vồ có lẽ là cách chọn hơn là đối diện công quyền.
Cũng từ chuyện khiếu nại sản phẩm này, chợt nhớ đến chuyện vỉa hè sớm mai. Dân chúng nói cười với nhau đỡ buồn. Có một làng nọ trồng rau chuyên phun thuốc phát triển thực vật để mau có hàng bán kiếm lời. Nhà anh A trong làng cũng làm như vậy, nhưng quyết chỉ bán ra chợ, không ăn rau mình trồng nhằm để sống sót. Bất ngờ thay, ngày nọ anh A lăn đùng ra chết, bác sĩ khám nói là ngộ độc. Cả xóm thấy lạ nên kéo nhau vào anh A để tìm hiểu, thì thấy ngổn ngang vỏ chai nước ngọt của một công ty hàng đầu trong nước. Hoá ra anh chết không vì thuốc phun cho rau, mà chết vì hoá chất trong nước đóng chai.
Chỉ là chuyện dân gian, tầm phào nghe cho vui rồi qua, nhưng thiết nghĩ, không phải vô cớ mà nó sinh ra. Chuyện dân gian thì chắc không cần thanh tra đúng sai, nhưng chắc chắn rằng sẽ là bia miệng muôn đời.
Tham khảo:
Khách "tố" sữa đậu nành Soya Number 1 không muốn gặp Tân Hiệp Phát
Thanh tra Tân Hiệp Phát một ngày: Đạt hết thì “truy” cái gì?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét