Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Dự luật “tăng quyền cho thủ tướng”: Đội nào sẽ thắng?

Dự luật “tăng quyền cho thủ tướng”: Đội nào sẽ thắng?
Ngày cuối cùng của quý 3 năm 2014, phía Chính phủ “bất ngờ” đặt lên bàn thảo luận của Ủy ban thường vụ quốc hội một văn bản rất đặc trưng cho đường lối “kiến tạo phát triển”: Dự thảo sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ. Không nhiều người còn nhớ, nhưng cũng chẳng ít người không quên khái niệm “nhà nước kiến tạo phát triển” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lồng ghép vào Thông điệp đầu năm 2014 của ông.

“Tiền đạo” Chính phủ
Có lẽ Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ cùng đề xuất “tăng quyền cho thủ tướng” hoàn toàn nằm trong đường hướng “đổi mới thể chế” mà thủ tướng vẫn hô hào. Nếu dự thảo này được Quốc hội ‘gật”, vai trò Thủ tướng sẽ được “nâng lên một tầm cao mới” về quyền lực và quyền hành: quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ. 


Trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng được giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm. Tương tự, Thủ tướng được quyền tạm thời giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp địa phương chưa bầu được chức danh này.

Thủ tướng cũng có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh đình chỉ, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới, khi không hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao hoặc vi phạm pháp luật…

Về thực chất, quyền hành nếu được luật hóa trên sẽ rất có ý nghĩa cho cương vị của Thủ tướng trong giai đoạn nước rút đến đại hội đảng 12 vào năm 2016.

“Thủ môn” Nguyễn Sinh Hùng

"Có thẩm quyền thì bao giờ cũng đi với nó là trách nhiệm, quyền thì nói nhưng trách nhiệm thì không hỏi" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói trỏng như một hàm ý nửa kín nửa hở.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt câu hỏi: “Có cơ chế từ chức không? Cơ chế từ chức thì báo chí nói nhiều rồi, bây giờ đổi mới có dám đưa cái đó không? Tôi đồng ý với Chủ tịch Quốc hội là nêu quyền hạn thì khá rõ, nhưng trách nhiệm kể cả Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng thì không rõ”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thì đặt vấn đề sử dụng từ ngữ khá mới và khó hiểu như "hành pháp chính trị", "chính trị hành chính", "kiến tạo xây dựng đất nước"... mà trong Hiến pháp không đề cập.

Bà Phóng nói thêm: "Tờ trình nêu rằng xây dựng thiết chế Thủ tướng độc lập. Vậy Thủ tướng độc lập với ai? Độc lập với Chính phủ hay độc lập tương đối trong mối quan hệ với chức trách của Thủ tướng?”.

Còn theo ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đặc biệt là dự thảo chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ “Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” đã được quy định tại khoản 6 Điều 98 Hiến pháp. Đồng thời, các quy định này phải khắc phục được tình trạng dồn trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ muốn“thống lĩnh” cả Quân đội nhân dân?

Ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh dẫn ra Điều 17 trong dự thảo luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về quốc phòng và cho rằng phải thận trọng với quy định này, vì Hiến pháp không nói Chính phủ xây dựng quân đội nhân dân.

"Tôi cho là phải xác định rõ vai trò của Chính phủ trong vấn đề quốc phòng an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang theo đúng Hiến pháp. Hiến pháp quy định nhà nước củng cố xây dựng quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân. Hiến pháp quy định nhà nước xây dựng quân đội nhân dân, từng bước chính quy, hiện đại. Ghi thế này là Chính phủ xây dựng quân đội nhân dân thì không phải.

Cơ chế quản lý lực lượng vũ trang xác định rất rõ Đảng lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt, Chính phủ chỉ thống nhất quản lý nhà nước về mặt này thôi, cụ thể là gì thì sẽ nói trong quy định, chứ nếu Chính phủ làm tất cả thì không đúng với tinh thần của Hiến pháp".

“Hậu vệ thòng” Phan Trung Lý

Ông Phan Trung Lý cũng nêu 6 vấn đề cần xem xét lại trong dự thảo luật:

Thứ nhất, không quy định thẩm quyền của Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước xem xét việc quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, vì vấn đề này thuộc phạm vi của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Thứ hai, không quy định thẩm quyền của Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới, vì vấn đề này thuộc phạm vi của Nghị quyết của Quốc hội về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới.

Báo cáo tại Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - ông Nguyễn Thái Bình đề cập tới 4 hạn chế bất cập của luật hiện hành, đồng thời tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ ba, không quy định thẩm quyền của Chính phủ đề nghị Quốc hội chưa thông qua hoặc xin rút lại các dự án luật, pháp lệnh, nếu thấy không đủ điều kiện thực hiện hoặc chưa đủ điều kiện thực hiện hoặc không bảo đảm tính khả thi, vì vấn đề này thuộc phạm vi của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ tư, không quy định thẩm quyền của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét lại kết luận giám sát của các cơ quan của Quốc hội liên quan đến hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, vì vấn đề này thuộc phạm vi của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội.

Thứ năm, không quy định thẩm quyền của Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án, nếu thấy bản án, quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vì vấn đề này thuộc phạm vi của các đạo luật về tố tụng.

Thứ sáu, không quy định thẩm quyền của Chính phủ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân liên quan đến các cơ quan hành chính nhà nước; việc thực hiện kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân, nếu thấy vi phạm pháp luật, vì vấn đề này thuộc phạm vi của các đạo luật về tố tụng.

Bóng đá phản công

"Ủy ban pháp luật nhận thấy, dự thảo Luật chưa thể chế hóa quy định tại khoản 2 Điều 88 của Hiến pháp về thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ", ông Phan Trung Lý phát biểu như thể kết luận.

Xin nhắc lại, cuộc “tranh tụng” tại Ủy ban thường vụ quốc hội như trên diễn ra trong không khí khá cập rập chuẩn bị cho hai kỳ họp trung ương và quốc hội (hoặc quốc hội và trung ương) cuối năm 2014 - được dư luận xem là “đặc biệt quan trọng về công tác nhân sự” cho đại hội đảng 12 vào năm 2016.

Lê Viết Quân
(Việt nam Thời báo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét