Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

'Đấu giá vàng chỉ đem lại lợi ích cho những 'ông' lớn'

'Đấu giá vàng chỉ đem lại lợi ích cho những 'ông' lớn'
Theo sự đánh giá của nhiều chuyên gia, những chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NNHN) trong thời gian qua khiến cho mục tiêu bình ổn thị trường vàng dường như ngày càng xa.
Thậm chí có người còn cho rằng thị trường vàng trở nên khó kiểm soát là hệ quả của sự can thiệp hành chính quá mức của NHNN. Hậu quả cuối cùng là người dân chịu thiệt.
Thanh tra chính phủ vào cuộc
Trước tình trạng thị trường vàng trong nước biến động lớn với những cơn lên xuống giá ngoài tầm kiểm soát, mới đây thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiến hành thanh tra hoạt động điều hành của NHNN từ thời kỳ năm 2009 đến hết tháng 3/2013.
Đặc biệt hoạt động thanh tra sẽ hướng đến năm 2012, đây cũng là năm NHNN tham mưu soạn thảo để Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Với nghị định 24 vàng SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia với hơn 90% thị phần, còn các doanh nghiệp vàng khác chỉ chiếm một thị phần khiêm tốn. Cũng chính từ đây phát sinh nhiều vấn đề như vàng nhái SJC, thêm phí chuyển đổi bao bì, phí gia công, vàng SJC cao hơn vàng thế giới 4-6 triệu đồng/lượng trong khi vàng các hãng khác chỉ ngang bằng thế giới thậm chí thấp hơn...
Trong nỗ lực kéo giá vàng trong nước tiệm cận với giá vàng quốc tế, NHNN lại tiếp tục tung ra chính sách đấu thầu vàng miếng. Cũng trái với mong muốn của các nhà quản lý, tính đến ngày 24/4, hơn 12 tấn vàng (315.000 lượng - tương đương 1.500 tỉ đồng) đã được NHNN tung ra trong các phiên đấu thầu và được tiêu thụ hết, nhưng giá vàng trong nước không những không giảm mà ngày càng bỏ xa giá vàng thế giới đến gần 6,5 triệu đồng/lượng.
Đại diện của NHNN, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối giải thích rằng giá vàng thế giới giảm mạnh nhưng giá vàng trong nước điều chỉnh không kịp khiến mức chênh lệch giá cao.

Nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao trước khi đấu thầu giá vàng trong nước cao hơn thế giới 2-3 triệu đồng/lượng vàng, đến khi NHNN can thiệp, tung ra hơn 12 tấn vàng mà người dân vẫn phải mua vàng với giá cao hơn giá thế giới tới 6 triệu đồng có thời điểm là gần 7 triệu đồng.

Vậy "núi vàng" kia chảy đi đâu? Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB) cho hay trước đây các ngân hàng huy động vàng trong dân vào rồi bán vàng để đổi ra tiền đồng cho vay với lãi suất có thời điểm lên đến hơn 20%/năm kiếm lời. Nay họ phải mua để trả lại cho người gửi vàng trước thời điểm 30/6. Vì thế việc đấu thầu vàng thực chất chỉ để bù đắp lại số vàng huy động của dân trước đây chứ không thể bình ổn được thị trường ngay cả sau thời điểm 30/6 khi các ngân hàng hoàn tất việc đóng trạng thái. Chính vì thế dù NHNN có "núi vàng" khổng lồ thì cũng không thể chảy đến được với người dân. Nó vẫn nằm trong kho dự trữ của các ngân hàng để trả cho người gửi tiết kiệm.


Đánh giá về chính sách điều hành thị trường vàng của NHNN trong thời gian qua, TS. Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng việc quản lý vàng trong thời gian qua gây hỗn loạn một thị trường vốn được coi là linh hoạt trong tập quán kinh tế của người dân Việt (có thói quen giữ vàng). Ông lo ngại nếu cứ ra sức can thiệp bằng biện pháp hành chính thì nền kinh tế lâm vào thế tê liệt. Những hành động của ngân hàng Nhà nước trong những năm qua như độc quyền Nhà nước về vàng, khống chế ngân hàng, điều khiển thị trường tín dụng theo mệnh lệnh hành chính... đã và đang làm nghẽn mạch hệ thống tiền tệ.

Đồng quan điểm với TS. Phạm Đỗ Chí, TS. Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, sở dĩ thị trường vàng trở nên khó kiểm soát như hiện nay là do hệ quả của sự can thiệp hành chính quá mức của Ngân hàng Nhà nước. Và bà hết sức khó hiểu khi NHNN lúng túng điều hành thị trường vàng.

Đem lại lợi ích cho ai?


Việc thanh tra Chính phủ vào cuộc trước thực tế thị trường vàng đang trở nên khó kiểm soát như hiện nay được dư luận xã hội cũng như các chuyên gia kinh tế đầu ngành ủng hộ. Mong muốn qua đợt thanh tra này sẽ tìm ra nguyên nhân gây nên sự biến động vô lý của thị trường vàng. Trả lại vàng về đúng thị trường của nó.

TS. Phạm Đỗ Chí cho rằng NHNN cần lo những vấn đề nóng bỏng như giải quyết nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng... Nhưng hiện nay NHNN lại chuyên tâm vào định giá vàng, buôn bán vàng trong khi giá vàng là do thị trường quyết định. NHNN không thể ngồi họp mỗi sáng để quyết định giá vàng, nhất là khi giá vàng biến động từng giờ từng phút. Nói một cách hình ảnh đó là NHNN đang đứng trong một cái nhà cháy mà không lo cứu, chỉ nhăm nhăm tìm chổi để quét nhà cho sạch.

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả) nhận định các định mức giá vàng trong nước điều chỉnh chậm hơn so với thế giới là không hợp lý. Bởi lẽ điều hành giá vàng khác với giá xăng dầu. Nếu như xăng dầu dự báo và đặt hàng trước cả tháng thì vàng đặt lệnh ngay thời điểm chào giá, không phụ thuộc vào khâu dự báo giá. Do đó NHNN có thể định giá sát với giá thế giới, kiểm soát doanh nghiệp đấu thầu.
Thành Huế

(Người Lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét