Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Nhật tung "cú móc sườn hóc hiểm" - Trung Quốc choáng váng

Nhật tung "cú móc sườn hóc hiểm" - Trung Quốc choáng váng

ANTĐ - Sau khi ông Shinzo Abe nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, điểm dừng chân đầu tiên của các thành viên nội các mới chính là Myanmar, nổ phát súng lệnh báo hiệu vòng vây Trung Quốc bắt đầu thiết lập. Thời gian qua, Trung Quốc liên tiếp thất bại tại Myanmar, báo hiệu trong tương lai khu vực tây nam Trung Quốc sẽ không còn yên ả.
Tờ “Đông Phương nhật báo” (tên tiếng Anh là Oriental Daily News) số ra ngày 05/01 có bài viết mang tiêu đề: “Nhật tiến quân vào Myanmar, vu hồi sau lưng Trung Quốc”. Bài viết cho biết, vừa qua, phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã có chuyến thăm chính thức đến Myanmar, bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác thân mật giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế. Thế nhưng trên thực tế, chuyến thăm này còn có những ẩn ý khác với mục đích “một mũi tên trúng hai đích”.

Hai bên đã thảo luận phương hướng hợp tác về vấn đề thương mại song phương và nhiều lĩnh vực khác như: đầu tư nước ngoài, công nghiệp, điện lực, y tế, giáo dục, tư pháp, thể thao, văn hóa và giao thông của Thành phố Yangon… đồng thời đến thăm đặc khu kinh tế chung Nhật Bản - Myanmar. Ông Taro Aso đến thăm Myanmar lần này mang theo rất nhiều trọng trách, đầu tiên là chuẩn bị cho chiến lược đầu tư quy mô lớn vào Myanmar, chuyển dịch các cơ sở kinh tế Nhật từ Trung Quốc sang Myanmar; sau đó chuẩn bị công tác tiền trạm cho chuyến thăm chính thức cấp nguyên thủ quốc gia của Thủ tướng Shinzo Abe đến Myanmar nhằm nâng cao quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước.

Nguyên Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda và Tổng thống Myanmar U Thein Sein. 
Trong thời gian giới quân sự còn nắm quyền, Myanmar là “sân sau” của Trung Quốc, ngược lại Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào quốc gia này. Thế nhưng sau cuộc cách mạng dân chủ “Mùa xuân Myanmar”, Tổng thống Thein Sein đã chuyển hướng quan hệ ngoại giao sang phương Tây, lập tức trong 3 dự án đầu tư lớn của Trung Quốc vào Myanmar phát sinh 2 vấn đề nổi cộm: kế hoạch xây dựng đập nước khổng lồ Myitsone trên sông Irawadi có tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ USD đã bị đình chỉ, dự án khai thác mỏ đồng do tập đoàn xây dựng điện lực Trung Quốc đảm nhận ở núi Latbadaung - Thành phố Monywa, vùng Sagaing trị giá 1 tỷ USD cũng phải ngừng khai thác. Gần đây, các máy bay chiến đấu của Myanmar truy kích kịch liệt phiến quân Kachin khiến chúng phải chạy trốn sang lãnh thổ Trung Quốc, đốt phá nhà dân ở khu vực Vân Nam.

Trung Quốc đã viện trợ cho Myanmar tàu hộ vệ tên lửa cũ lớp 053H1
Tận dụng thời cơ này, Nhật Bản đã phát triển ảnh hưởng sang Myanmar, chỉ tính riêng năm tài khóa 2011-2012, kim ngạch mậu dịch song phương giữa Nhật Bản và Myanmar đã lên đến 822 triệu USD, tăng 60% so với năm trước. Ngoài ra, trước tình hình quan hệ song phương Trung - Nhật gia tăng bất đồng sâu sắc, chính phủ Nhật Bản đã quyết định từng bước thoái vốn đầu tư ở Trung Quốc, chuyển hướng đầu tư sang Myanmar và một số quốc gia Đông Nam Á đang “hục hặc” với Bắc Kinh. Quả thực là người Nhật đã lấy “gậy ông đập lưng ông”, vận dụng tuyệt vời kế “Nhất tiễn song điêu” trong binh pháp Tôn Tử của chính Trung Quốc, một mặt phá hoại nền kinh tế Trung Quốc, mặt khác lấy lòng các quốc gia ASEAN, lôi kéo các nước này vào trục liên minh Mỹ - Nhật, hình thành vòng vây cô lập Trung Quốc.

Ngoài J-7 ra, “Ông lão” Q-5I của Trung Quốc cũng hiện diện trong lực lượng không quân Myanmar
Sinh thời, trong cuộc chiến chống lại sự thống trị của thực dân Anh, cha của bà Aung San Kyi - tướng Aung San đã cầu viện sự giúp đỡ của quân đội Nhật và xây dựng mối quan hệ rất mật thiết với Tokyo. Hiện nay, bà Aung San Kyi nối gót cha mình, xuất hiện trở lại trên chính trường Myanmar cũng muốn liên minh Nhật - Mỹ ngấm ngầm đứng sau làm hậu thuẫn, trong lúc đó chính phủ mới của ông Shinzo Abe cũng thể hiện rõ ý định trở lại Myanmar, hai bên đều có những ý định và lợi ích riêng nhưng “tâm ý tương thông”, hình thành vòng vây xung quanh Trung Quốc.
Một khi Nhật Bản tạo lập được thế đứng chân vững chắc ở Myanmar, điều kiện địa – chính trị xung quanh Trung Quốc sẽ xấu đi nghiêm trọng, một khi tình hình tranh chấp Trung – Nhật trở nên căng thẳng, Nhật sẽ khuyến khích Myanmar "quấy rối" biên giới tây nam, Philippines tạo sóng gió trên biển Đông cùng với Ấn Độ "trói chân tay" Trung Quốc khắp 4 phía đông, tây, nam, bắc. Ngoài ra, Nhật còn đang tích cực lôi kéo các quốc gia khác trong khối ASEAN hình thành khối liên minh đối phó với Trung Quốc, trong tương lai các hội nghị ASEAN mở rộng 10+3 (thêm Trung, Nhật, Hàn) sẽ là các “diễn đàn lên án” Trung Quốc.

Để “câu kéo” Myanmar, Trung Quốc còn viện trợ thêm cả xe tăng hiện đại MBT-2000
Hiện nay Trung Quốc vẫn đang quan sát và phân tích sự biến động trên chính trường Myanmar, nếu họ không nhanh chóng quyết định, không bắt kịp sự biến đổi nhanh chóng của cục diện khu vực, rất có thể “hậu tuyến” của Trung Quốc sẽ trở thành “tiền tuyến” chống lại chính họ. 
Nguyễn Ngọc
Theo Oriental Daily News

Nhật siết chặt “vòng kim cô” xung quanh Trung Quốc

Thứ năm 10/01/2013 08:20
ANTĐ - Về vấn đề Senkaku, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã từng tuyên bố: “Về vấn đề quần đảo Điếu Ngư, có những thế lực đang mưu toan "đục nước béo cò", số khác thì ảo tưởng "cáo mượn oai hùm", đây đều là những cố gắng vô ích mà thôi”. Thế nhưng trên thực tế, một “vòng kim cô” vô hình đang siết lại dần quanh Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc đang lún sâu vào vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, đây là một cuộc đối đầu không lối thoát vì Nhật Bản cũng có thái độ cứng rắn không kém, liên tiếp trong thời gian qua họ đã đưa các tàu tuần duyên và máy bay chiến đấu lên xua đuổi các tàu hải giám và máy bay trinh sát Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm không phận, hơn nữa Nhật lại vừa nhận được một “cam kết quý như vàng” từ phía Mỹ.
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Barak Obama đã ký duyệt “Dự luật ủy quyền quốc phòng” Mỹ năm 2013. Trong đạo luật này, lần đầu tiên Mỹ đã thêm vào nội dung: “Bảo vệ Senkaku phù hợp với điều thứ 5 trong hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ” và ghi rõ cụm từ: “Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận hành động đơn phương của một nước thứ 3”. Việc ông Obama ký duyệt đạo luật này cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ đã từ bỏ lập trường “không thiên lệch bên nào” trong vấn đề giải quyết tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ chính phủ Nhật Bản trong vấn để chủ quyền lãnh thổ ở Senkaku.
Ngày 29/12/2012 đưa tin, khi trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định, Nhật phải lấy quan hệ đồng minh với Mỹ làm hạt nhân, đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh với Ấn Độ và Australia, phát triển quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ - Ấn là vấn đề có tính chất then chốt, nhưng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh Nhật - Mỹ - Australia cũng đóng một vai trò rất quan trọng. 

Tàu tìm kiếm, cứu hộ BRP Corregidor Nhật viện trợ cho Philippines
Bên cạnh đó, Nhật cần xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác tin tưởng lẫn nhau với một số quốc gia có vai trò quan trọng trong và ngoài khu vực như Nga, Philippines, Indonesia, Việt Nam…, chỉ có như vậy mới có thể cải thiện được hiện trạng ngày càng xấu đi của mối quan hệ Trung - Nhật, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, đưa họ trở về đúng với hành lang trật tự quốc tế.
Tháng 7 vừa qua, Nhật cũng đã cam kết cung cấp ít nhất là 10 tàu tuần tiễu (có thể lên đến 12 chiếc) cho lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) để tăng cường bảo vệ lãnh hải. Mối quan hệ gữa Nhật bản với Philippimes không phải giờ mới bắt đầu mà ngay từ năm 1990 Tokyo đã bắt đầu hỗ trợ Manila hiện đại hóa PCG và cách đây 15 năm, Tokyo tặng PCG một tàu tìm kiếm, cứu hộ và chiếc tàu này được Manila đổi tên thành BRP Corregidor. 
Không dừng lại ở đó, bắt đầu từ cuối năm 2012 và sang đầu năm nay, Nhật đã liên tiếp có những động thái ngoại giao xích lại gần Myanmar mà các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc ào ạt đưa tin là “mũi vu hồi nguy hiểm” của Nhật bên sườn phía tây Trung Quốc. Nếu Nhật nối gót Mỹ, xây dựng mối quan hệ đồng minh thân thiết với Myanmar thì họ đã gây nên cho Trung Quốc một “mối lo tâm phúc”, sự bất ổn ở sườn phía Tây sẽ làm cho Bắc Kinh không thể rảnh tay tập trung vào vấn đề biển Hoa Đông.
Có thể nhận thấy trong năm 2013, tình hình ở Senkaku/Điếu Ngư sẽ tiếp tục căng thẳng nhưng chắc chắn sẽ không có xung đột lớn hoặc chiến tranh cục bộ, nhiều khả năng hiện trạng Nhật nắm giữ chủ quyền và Trung Quốc lăm le áp sát vẫn được giữ nguyên vì thực lực của Nhật không hề kém Trung Quốc, không dễ để Trung Quốc bắt nạt khi đằng sau Nhật là Mỹ. Lúc đó Trung Quốc sẽ nhân một cơ hội hoặc một thời điểm thích hợp để xuống thang chứ không để tình trạng đối đầu căng thẳng cứ tiếp tục tái diễn trong khi họ còn quá nhiều rắc rối phải giải quyết ở biển Đông và eo biển Đài Loan. 
Nguyễn Ngọc
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét