Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Ở trời tây bàn chuyện Tết ta

Ở trời tây bàn chuyện Tết ta


Sống ở nước ngoài, chẳng quên bữa cơm tất niên
Trong các độc giả tham gia góp ý kiến, có một số người đang học tập, làm việc ở "trời tây" hoặc có điều kiện làm việc, tiếp xúc nhiều với người nước ngoài. Điều thú vị là, trong khi nhiều độc giả cho rằng nếu ai muốn quy hết về Tết tây thì... sang tây mà sống, đa phần các ý kiến trên lại ủng hộ việc duy trì Tết ta.
Bạn đọc Hùng Trường cho biết đã sống ở Mỹ 31 năm, mang quốc tịch Mỹ, ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng văn minh phương tây. Tuy nhiên, theo độc giả này: "Các bạn nghĩ sao mà đòi bỏ ngày tết của ông bà để lại, trong khi ở bên Mỹ người bản xứ họ ngưỡng mộ và tôn trọng ngày Tết ta. Có không ít trường học hoặc công sở cho người Á Đông được nghỉ vào ngày Tết âm".

Bạn đọc Duy Chung, tại số điện thoại ....6083888 chia sẻ, hiện bạn đang là một du học sinh, học tập tại nước ngoài, nhưng: "Đến tết cổ truyền của dân tộc, dù không được nghỉ nhưng không vì thế tôi và các du học sinh quên ngày thiêng liêng đó. Ngày Tết cổ truyền là ngày để gia đình bạn bè sum họp. Vậy mà lại có ý kiến đòi bỏ hoặc gộp chung Tết cổ truyền vào Tết dương thì thật vô lý".
"Mình đang sinh sống tại nước ngoài, cuối năm chỉ mong sao thu xếp công việc nhanh chóng để đặt vé về sum họp gia đình, làm cơm cúng ông Công, ông Táo, ăn bữa cơm tất niên, đắm mình trong không khí của mùa xuân mà nơi mình đang sinh sống không bao giờ có. Nếu bỏ Tết ta chắc từ giờ mình cũng không còn hứng thú về VN ăn Tết nữa..." - bạn đọc tại Email ...cz@yahoo.com.
Bạn đọc Mã Quang nhận định, Tết ta là cái Tết truyền thống của dân tộc đã có từ bao đời nay, không nên bỏ hoặc gộp lại chung với Tết tây. Bản thân gia đình bạn Quang cũng đang sống xa Việt Nam nhưng vẫn luôn "sắp xếp thời gian để đón tết cổ truyền nơi đất khách, để nhớ về Quê hương".
Bạn đọc tại Email Transinh@... cho biết đã từng học bên Anh, và thấy nước này cũng có rất nhiều dịp nghỉ khá dài. Bức xúc với ý kiến gộp Tết ta vào Tết tây, bạn đọc này cho rằng: "Những người muốn bỏ tết âm lịch xin hãy nhớ đến Tổ tiên, ông bà... Ảnh hưởng đến công việc ư? hoàn toàn do ta thôi".
Hiện đang làm việc cho dự án nước ngoài, bạn đọc Trần Ngọc Châu, 29 tuổi cũng không tán thành bỏ Tết cổ truyền dân tộc. Theo độc giả này, gộp Tết ta vào Tết tây là "đánh mất con người Việt của mình, đánh mất bản sắc dân tộc", thậm chí là "vứt bỏ ông bà Tổ tiên và dòng họ của mình".
Giới thiệu bản thân làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, luôn giao tiếp với người nước ngoài, nhưng độc giả tại Email Ete2281@.... vẫn cảm thấy: "Tết tây đối với tôi chẳng có ý nghĩa gì cả, thậm chí tôi cũng chẳng bao giờ để ý đến nó".
Đối với bạn đọc tại Email ...1978@gmail.com, thì "Tết ta có một không khí đặc biệt lạ thường, dù có những năm phải làm việc cả tết nhưng tôi vẫn cảm thấy yêu quý và trân trọng". Bạn đọc này cũng chia sẻ "Các bạn người nước ngoài của tôi khi được hỏi thì họ thực sự thấy quý mến bản sắc văn hóa của Việt Nam gắn với các từ Lunar New Year, Tet Holiday".
Đại lộ Grant ở San Francisco (Mỹ) chật kín người dự Hội chợ Tết âm lịch. Ảnh: Lao động
Với kiều bào, Tết là sợi dây nối kết
Một số bạn đọc nêu vấn đề, tại sao chúng ta ở trong nước mà lại có tư tưởng bỏ Tết ta. Trong khi đó, biết bao kiều bào ở nước ngoài hàng năm vẫn luôn cố gắng tổ chức Tết âm thật đầm ấm, để nhớ về quê hương. Tết âm như sợi dây nối kết những người con dù ở phương trời nào với đất nước sinh ra mình.
Bạn đọc Hùng Vĩ chia sẻ: "Kiều bào ta dù sống ở Mỹ, Pháp, Anh, Canada... nhưng họ vẫn không bỏ Tết ta. Họ vẫn truyền cho con cháu về cái Tết của người Việt Nam, mặc dù họ biết tiếng Việt không rành bằng tiếng Tây".
Đồng quan điểm trên, bạn đọc tại Email ...viet91@gmail.com cho rằng: "Người Việt Nam khắp năm châu, xa quê hương, đều cố gắng giữ nét văn hóa dân tộc. Văn hóa dân tộc tồn tại, trở nên thiêng liêng trong mỗi con người, nó giúp mỗi người trong chúng ta cảm thấy tự hào, yêu đất nước hơn".
"Tết không phải là do quy định của chính phủ hay nhà nước mà là nét văn hóa cổ truyền của mỗi dân tộc. Việt kiều ta trên khắp thế giới dù ở nước họ đang sống không cho nghỉ Tết ta nhưng đa số vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt, tổ chức ăn Tết hằng năm đó thôi" -  độc giả Nguyễn Lam Hồng.
Còn theo độc giả tại Email Tichbk...@yahoo.com: "Có biết bao Việt kiều nơi quê người sau 1 năm làm việc miệt mài có thời gian nghĩ về quê hương? Há chẳng phải nhờ có Tết âm lịch đã đem tâm hồn họ hướng về quê Việt sao? Những văn hóa đặc trưng của người Việt mình sao không tự hào mà lại đem đi vứt bỏ?".
Bạn đọc tại Email ...260780@yahoo.com cũng tâm tư: "Ở châu Âu, Mỹ... người ta còn tổ chức Tết ta không chỉ cho cộng đồng người Việt, người Hoa,... mà cả cho cả người bản địa hiểu biết về Tết âm lịch của người phương đông. Thế mà người Việt lại nói bỏ Tết ta theo Tết tây".
"Tết là điều thiêng liêng, là thời điểm những người xa quê, xa Tổ quốc mong mỏi về sum họp gia đình và nhiều nhiều nữa" - độc giả Nguyễn Viết Cường.
Bạn đọc tại Email Canara...@yahoo.com cho rằng: "Cộng đồng người Việt tại các nước khác nhau vẫn cố gắng để duy trì Tết ta, để luôn nhớ về nguồn gốc, về quê hương, duy trì tinh thần dân tộ. ". Cũng theo độc giả này, tư duy cho rằng Tết ta lãng phí, mất thời gian nên cần bỏ đi chẳng khác nào tư duy "Không quản được thì cấm" vốn phổ biến ở ta hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét