Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

GIẤC MƠ SINGAPORE


Image

Tác giả: Nòng Nọc

Tôi luôn nghĩ về đất nước Singapore, dù không biết lý do tại sao. Nếu ai đã từng du lịch, tham qua, làm việc hay sinh sống tại Singapore sẽ cảm thấy sự hài lòng về cuộc sống ở quốc đảo sư tử này. Môi trường trong lành, thu nhập cao, các chính sách an sinh xã hội đạt ở mức đáng ao ước nhất cho mọi quốc gia dù rằng Singapore có diện tích bé tí, chỉ 692,7km2 (đứng thứ hạng 175) với dân số chỉ hơn 5 triệu người với 1/3 số dân này không có quốc tịch Singapore. Đất nước này còn đặc biệt ở chỗ, gần như không có tài nguyên khoáng sản gì, chỉ có ít than, chì, nham thạch, đất sét; không có nước ngọt, hàng năm phải nhập lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ở trong nước đồng thời mua nước ngọt từ Malaysia. Thế nhưng Singapore có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu Châu Á và thế giới như: cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi. Singapore còn là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở Châu Á. Nền kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào buôn bán và dịch vụ (chiếm 40% thu nhập quốc dân) Singapore có 12 khu vực công nghiệp lớn, trong đó lớn nhất là Khu công nghiệp Jurong. Singapore là nước hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn.

Người dân ở quốc đảo sư tử này năm 2012 đã dẫn đầu thế giới về thu nhập bình quân đầu người (56 nghìn USD/năm/người). Họ cũng soán ngôi quán quân của Mỹ về số triệu phú thế giới với khoảng gần 20% dân số có sở hữu từ 1 triệu dollars trở lên. Dù người Singapore không hề sở hữu những sản phẩm công nghệ đình đám như Sony, Canon, Toyota, Mitsubishi…(Nhật), HP, Dell, IBM, CNN, Microsotf, Apple, Facebook,… (Mỹ), hay thậm chí so với Hàn Quốc (Samsung, Huyndai, Kia,…) thế nhưng bạn có thể mua được tất cả những sản phẩm của những nhãn hiệu hàng đầu thế giới tại thành phố Singapore như đồng hồ Rolex, xe hơi BMW, Mercedes; thời trang Hermes, Chanel, LV,…Singgapore là một nơi những mặt hàng xa sỉ bậc nhất nhòm ngó thị trường, là quốc gia giàu nhất trong khối ASEAN. Người Sing được hưởng tất cả những gì tốt nhất, xa sỉ nhất, tiện nghi nhất.



Singapore trở thành một nhà nước tự chủ năm 1959 với người đứng đầu nhà nước đầu tiên là Yusof bin Ishak và thủ tướng đầu tiên là Lý Quang Diệu sau cuộc bầu cử năm 1959. Cuộc trưng cầu dân ý về việc sát nhập Singapore vào Malaysia đã đạt được năm 1962, đưa Singapore trở thành một thành viên của liên bang Malaysia cùng với Malaya,SabahSarawak như là một bang có quyền tự trị vào tháng 9 năm 1963. Singapore bị tách ra khỏi liên bang vào ngày 7 tháng 8 năm 1965 sau những bất đồng quan điểm chính trị chính phủ của bang và hội đồng liên bang tại Kuala Lumpur. Singapore được độc lập 2 ngày sau đó, vào ngày 9 tháng 8 năm 1965, sau này đã trở thành ngày Quốc Khánh của Singapore. Malaysia là nước đầu tiên công nhận nền độc lập của Singapore (Wikipedia).
Nhà nước Singapore theo chế độ đa đảng. Thế nhưng từ khi giành độc lập đến nay, Đảng Nhân dân Hành động (People’s Action Party – PAP) liên tục cầm quyền. Trong Quốc hội hiện nay có 94 đại biểu (82 đại biểu thuộc Đảng Nhân dân hành động, 2 đại biểu thuộc Đảng Công nhân, 1 đại biểu của Liên minh Dân chủ và 9 đại biểu chỉ định), với triết lý lãnh đạo “dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Vai trò lãnh đạo đất nước của đảng cầm quyền tại Singapore được ghi rõ trong hiến pháp, “PAP là một phong trào quốc gia tận tụy phục vụ đất nước vì sự thịnh vượng của người dân Singapore”.
Một điều mà ai cũng phải ngỡ ngàng khi đến đất nước này, đó là sự sạch sẽ của đường phố hay các nơi công cộng. Người dân Singapore là người có ý thức chấp hành pháp luật cao nhất trên thế giới có lẽ cũng do bởi sự nghiêm khắc của pháp luật. Tại Singapore, hình phạt cho những kẻ trộm cắp là rất nghiêm khắc. Tội nhẹ sẽ bị phạt tiền, ngồi tù, còn tội nặng sẽ áp dụng hình thức phạt đánh bằng roi.
Đây là một hình phạt rất đáng sợ, vì chiếc roi không những là loại được chế tạo đặc thù để làm tăng độ đau đớn, mà còn được bôi lên một loại thuốc nước đặc biệt, loại thuốc nước còn làm cho người bị đánh càng thêm cắt da cắt thịt và đau đớn trong thời gian dài.
Một tên trộm bình thường chỉ bị đánh một roi. Nếu người nào bị phạt nhiều roi, đòn đánh sẽ được chia ra thành nhiều lần và luôn luôn có sự giám sát của quan chức. Một ghi nhận đã chỉ ra số người tái phạm tội trộm cắp sau khi chịu hình phạt roi này hầu như rất ít vì họ không thể nào quên được những đớn đau từng phải chịu đựng.
Có lẽ đây là một trong các yếu tố khiến người dân Singapore luôn chấp hành nghiêm chỉnh các luật lệ, chính quyền duy trì kỷ cương đạo đức- nền tảng của một xã hội dân chủ văn minh thực sự. Pháp luật Singapore còn nghiêm minh ở chỗ chí công vô tư và không nể nang tình cảm, mọi người đều được đối xử công bằng trước pháp luật.
Viết tới đây, tác giả nhớ lại một vụ án gây xôn xao dư luận quốc tế, có liên quan tới Việt Nam. Đó là vụ án xét xử tử tội Nguyễn Tường Vân, 25 tuổi một người Úc gốc Việt. Ngày 12.12.2002, Nguyễn Tường Vân trên đường trở về Úc trong lần xuất ngoại đầu tiên của mình, từ Phnom Penh (Campuchia), Vân quá cảnh tại sân bay Changi ở Singapore để chờ nối chuyến về Melbourne (Úc). Trong khi Vân chuẩn bị lên máy bay, một máy dò kim loại đã phát tín hiệu báo động và cuộc kiểm tra được tiến hành. Vân bị phát hiện sở hữu hai bánh heroin, một buộc trên người, một để trong hành lý xách tay. Cảnh sát Singapore sau đó xác định Vân vận chuyển 396,2 gram heroin. Ngày 20.3.2004, Tòa thượng thẩm Singapore tuyên án tử hình Nguyễn Tường Vân về tội tàng trữ và vận chuyển ma túy. Trước tòa, Vân lý giải rằng anh ta chuyển ma túy để trang trải nợ nần cho người anh sinh đôi tên Khoa, người trước đây từng nghiện heroin và đã vay 25.000 đô la Úc để lo thủ tục pháp lý trong thời gian bị truy tố. Vào ngày 20.10.2004, Tòa phúc thẩm Singapore bác đơn kháng án của Vân.
Đây là một phiên toà gây tranh cãi rất quyết liệt từ nhiều phía. Vân là công dân Úc, phía Úc yêu cầu được dẫn độ Vân về nước để toà án Úc xét xử và như thế coi như Vân thoát án tử vì ở Úc đã hủy bỏ mức án tử hình. Tháng 10.2005, Chính phủ Úc đã gửi tới đảo quốc sư tử đề nghị khoan hồng cho Vân nhưng bị từ chối. Ngày 17.11, Cục Phụ trách giam giữ Singapore đã gửi thư đến gia đình Vân thông báo việc xử tử sẽ được tiến hành vào ngày 2.12. Cùng ngày 17.11, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hàn Quốc, Thủ tướng Úc J.Howard một lần nữa đề nghị Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khoan dung cho Vân nhưng cũng không thành. Lúc này thì thư thông báo ngày hành quyết đã được chuyển đến bà Kim, mẹ của Vân. Ông Howard sau đó trách người đồng nhiệm Singapore không thông báo cho mình điều này. Tối 17.11, ông Lý Hiển Long điện cho ông Howard, giải thích rằng thư đã được gửi sớm hơn 1 ngày so với dự định. Ngoại trưởng Singapore G.Yeo cũng xin lỗi Ngoại trưởng A.Downer của Úc. Tại Hội nghị thượng đỉnh Khối thịnh vượng chung diễn ra ở Malta, ông Howard một lần nữa đề cập đến việc khoan hồng Tường Vân nhưng ông Lý Hiển Long tiếp tục từ chối. Và hãy nghe lời từ chối hết sức mềm mỏng, nhã nhặn nhưng không kém phần cương quyết do Chủ tịch Quốc hội Singapore A.Tarmugi gửi tới Chủ tịch Hạ viện Úc D.Hawker: “Anh ta (Tường Vân) bị bắt khi đang sở hữu gần 400 gram heroin tinh chế, một lượng đủ để chế biến 26.000 liều cho người nghiện. Anh ta biết việc mình làm và hậu quả của nó. Chúng tôi không thể tha thứ cho hành động của Nguyễn. Là đại diện nhân dân, chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của những người có thể bị ma túy của anh ta hủy hoại. Chúng tôi không thể để Singapore trở thành trạm trung chuyển ma túy lậu của khu vực. Dẫu rằng quyết định này có thể gây đau đớn cho gia đình Nguyễn nhưng chúng tôi hy vọng ông và các đồng nghiệp hãy hiểu cho chúng tôi”. Họ đã bỏ qua tất cả những lời hăm dọa của phía Úc do Thủ tướng Howard nói trên đài phát thanh 3AV ngay sau khi nghe tin xác nhận Nguyễn Tường Vân đã bị treo cổ rằng “Tôi đã nói với thủ tướng Singapore rằng tôi tin là việc này sẽ có hệ lụy tới quan hệ giữa người dân hai nước” và đòi đưa vụ án ra công pháp quốc tế. Thế nhưng Singapore không có ký tên vào bản nghị định thư không có tính bắt buộc về án tử hình.
Và 2.12.2005 Nguyễn Tường Vân đã phải thi hành bản án tử hình bằng hình thức treo cổ, mức án cho là khủng khiếp nhất trong xã hội đương đại. Chính Phủ Singapore đã tạo mọi điều kiện để đưa thi thể Vân về Melbourne.
Người Sing đã cho thế giới thấy sự nghiêm minh về luật pháp của họ. Úc vẫn không thể có những hành động như họ tuyên bố, Singapore vẫn là khách hàng và đối tác quan trọng nhất của Úc tại Châu Á.
Tôi cho rằng đó là lý do góp vào sự thành công của quốc đảo sư tử này. Dù tuyên bố quốc khánh sau VN (vào 1959 nhưng chính thức vào năm 1965) với khởi đầu vô cùng khó khăn, nghèo nàn tài nguyên, Singapore vẫn vươn lên, trỗi dậy như một con rồng châu Á vào đầu những năm 2000. Họ có một nền hiến pháp dân chủ, những cá nhân xuất sắc luôn được lựa chọn, sàng lọc từ lá phiếu của người dân, họ có một luật pháp nghiêm minh nhưng vẫn đầy lương tâm, tình thương, trách nhiệm. Singapore là một trong rất ít quốc gia trên thế giới mà ĐBQH định kỳ tiếp dân hàng tuần để lắng nghe và giải quyết những nguyện vọng thiết yếu của người dân. Có người nói rằng Singapore làm được điều này vì đây là một quốc gia nhỏ nên dễ quản lý, nhưng đừng quên đảo quốc này có rất nhiều sắc tộc, tôn giáo; vị trí địa lý Singapore ở ngay cạnh 2 quốc gia Hồi giáo đông dân là Indonesia và Malaysia. Chính quyền nhà nước Singapore luôn thực hiện đúng những cam kết mà họ tuyên bố “tận tụy phục vụ đất nước vì sự thịnh vượng của người dân Singapore”, nó không khác là mấy so với tuyên bố của chính phủ và nhà nước Việt Nam, “nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Nhưng đời sống của người dân thì khác nhau hoàn toàn.
Thử hỏi, một quốc gia như thế không giàu mạnh thì ai sẽ giàu mạnh? Và chúng ta, những người Việt Nam có dám mơ một “giấc mơ Singapore”- một con rồng Châu Á thực sự bay cao chỉ sau hơn 35 năm, hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét