Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Những bài học ở Việt Nam mà Hoa Kỳ có lẽ đã học được từ Điện Biên Phủ

Mối quan hệ với người Pháp

Những bài học ở Việt Nam mà Hoa Kỳ
có lẽ đã học được từ Điện Biên Phủ
TOM NAGORSIK
Ngày 20-2-2010
 
Các toán lính dù Pháp đang đáp xuống 
Điện Biên Phủ tháng 11 năm 1953. Ảnh: AFP.

Tháng 11-1953, nước Pháp đã ở vào năm thứ tám của cuộc chiến tranh nhằm dành quyền kiểm soát Đông Dương. Diễn biến tình hình đang xấu đi – du kích Việt Nam, hay còn gọi là Việt Minh, đang thắng thế – và tại một phiên họp mang tính chiến lược ở Sài Gòn, viên chỉ huy người Pháp, Tướng Henri Navarre, đã phác thảo kế hoạch mới nhất của mình. “Tôi đang nghĩ đến việc chiếm lĩnh vùng lòng chảo Điện Biên Phủ,” ông ta mào đầu. “Mục tiêu của cuộc hành quân mạo hiểm này là để bảo vệ Lào”. Ông ta tiếp tục biện luận rằng hành động này sẽ đưa Việt Minh vào một trận chiến mà họ không thể thắng nổi. Pháp có lợi thế về sức mạnh trên không. Một căn cứ tại Điện Biên Phủ – nằm ở góc tây bắc Việt Nam, gần biên giới với Lào – có thể được cung cấp hậu cần bằng đường không, trong khi lực lượng nòng cốt của Hồ Chí Minh, lãnh đạo du kích quân, thì buộc phải di chuyển một lực lượng lớn về người và trang thiết bị đi qua hàng dặm đường rừng núi. Kết thúc phần trình bày của mình, Tướng Navarre hướng xuống cử tọa. “Các vị nghĩ sao?”
Các chính trị gia sẵn sàng – song các sĩ quan lại ngăn cản. Các quân nhân đã “đồng lòng phản đối”, một sĩ quan cao cấp đã lưu ý. Họ nói với tướng Navarre, xây dựng một căn cứ ở một thung lũng trên núi sẽ gặp phải những khó khăn ghê gớm. Thả lính dù xuống sẽ gặp nguy hiểm, cung cấp thêm trang thiết bị cho căn cứ sẽ gặp khó khăn, và Điện Biên Phủ sẽ làm kiệt quệ nhân lực ở các mặt trận quan trọng hơn – mọi lợi thế quân sự đều đáng nghi ngờ. Tuy nhiên, Tướng Navarre vẫn bắt tay vào công việc của mình. Trong vòng mấy tháng – chính xác là vào ngày 7-5-1954 – Điện Biên Phủ đã bị Việt Minh nắm quyền kiểm soát. Hai năm sau Tướng Navarre ngồi viết lại lịch sử từ ký ức của mình về cuộc chiến. “Không có ý kiến phản đối được nêu ra trước trận đánh”, ông viết.
Sử biên niên của cuộc chiến tất nhiên đã bị chôn chặt với quyết định quân sự gây tranh cãi và những điều dối trá sau trận đánh, song với thái độ ngạo mạn và trình độ kém cỏi, thật khó để đối chọi được với những gì đã xảy ra trước và trong trận đánh kéo dài 56 ngày ở Điện Biên Phủ. Cuốn sách ‘Thung lũng Chết’ của Ted Morgan là một bản mô tả có căn cứ xác đáng về những ngày ấy – song nó cũng là một trang sử về sự tham gia của Hoa Kỳ vào Đông Dương từ lúc đầu. “Mấy chữ Điện Biên Phủ không còn là cái tên khôi hài được bàn bạc qua loa tại những cuộc chuyện trò trong bữa điểm tâm nữa, bởi vì chúng ta không biết nó ở đâu”. Tổng thống Dwight Eisenhower đã nói như thế trong một hội nghị với các nhà phát hành báo chí. Thực vậy, lúc đó Điện Biên Phủ đang chứng tỏ là một thảm họa cho người Pháp – một trong những dấu hiệu cảnh báo Hoa Kỳ.

Gần như mọi giả định của người Pháp đều bị đổ vỡ vào cái mùa xuân ấy. Không có điều gì cho thấy tai họa thảm khốc hơn là đức tin về sức mạnh không lực tối cao của Tướng Navarre. Người Việt Nam, được lãnh đạo bởi tướng Võ Nguyên Giáp lỗi lạc (nhân vật mà Mỹ phải đối mặt trong một thập kỷ sau đó), đã vận chuyển một lượng người và đạn dược dường như là vô hạn băng qua rừng núi tới Điện Biên Phủ. Đó là một thắng lợi không thể tin được, và nó đã đưa Việt Minh lên vị trí cao hơn căn cứ của người Pháp. Trong một bản phân tích đáng nhớ, Hồ Chí Minh đã lật ngửa chiếc mũ cát rồi chỉ vào đáy mũ và nói: “Người Pháp sẽ ở tại đây”. Sờ vào rìa quanh chiếc mũ, ông nói thêm, “Chúng ta sẽ ở vị trí này. Họ sẽ không bao giờ ra khỏi nơi đó được”.
Ông Hồ đã đúng – và các đoàn quân của ông đã nắm giữ những lợi thế khác. Trung Quốc đã gửi lương thực, thực phẩm, thuốc men và vũ khí hạng nặng cho Việt Minh. Là một lực lượng du kích quân, Việt Minh có được lợi thế trong mục tiêu hành động và hiểu biết về địa hình. Như ông Morgan đã viết: “Người Pháp đã có một lực lượng không quân. Việt Minh có lợi thế sân nhà và sự ủng hộ của dân chúng ở nông thôn’.
Các phiến quân Việt Minh chiến thắng phất cao lá cờ của họ trên căn hầm chỉ huy của Pháp tháng 5 năm 1954.  Nước Pháp đã phải chịu tổn thất trên 2.000 người chết hoặc bị cho là đã chết; hơn 10.000 bị bắt làm tù binh.
Trong lúc chờ đợi, những sai lầm của người Pháp đã được nhân lên gấp bội. Viên toàn quyền Đông Dương của Pháp thì “biết nhiều về những bữa ăn tối với rượu champagne của mình ở Sài Gòn hơn là kiến thức về quân sự”. Trong lúc các bính lính đã chết vì phải chờ đợi được cung cấp ngay thực phẩm và thuốc men, thì các toán lính dù lại bị chậm do thiếu sự huấn luyện. Cùng lúc đó, những nỗi kinh hoàng chồng chất trên khắp chiến trường. Các binh lính bị thương mòn mỏi chờ đợi trong các khu đông nghẹt; những rãnh hào đầy xác chết; những cơn mưa theo gió mùa làm ngập lụt doanh trại lính Pháp. Khi tình thế đã trở nên xấu hơn, di tản gần như là không thể thực hiện được. Ông Morgan đã vẽ nên một bức tranh xúc động về vị bác sĩ người Pháp Paul Grauwin, người đã làm việc trong những căn lều ướt sũng, nhung nhúc dòi trong lúc phải lo cho “một đoàn người bất tận bị mù mắt, bị gãy quai hàm, lồng ngực bị vỡ ra và chân bị gãy”. Lòng can đảm chắc chắn là không thiếu ở Điện Biên Phủ.
Trong nhiều năm, Đông Dương là một nơi sân chơi thứ yếu về địa chính trị đối với Hoa Kỳ. Sau Đệ nhị Thế chiến, Washington liên kết với các phong trào giải phóng trong khu vực – và vì vậy, như một cử chỉ hữu nghị, một đạo quân nho nhỏ lính nhảy dù Mỹ đã được thả xuống căn cứ tiền phương của Hồ Chí Minh tháng 7-1945. Ông Morgan đã đưa ra một bản mô tả hấp dẫn về cuộc gặp gỡ: “Những người lính dù được chào đón bằng một khẩu hiệu thu hút sự chú ý “những người bạn Mỹ của chúng ta”, và một bác sĩ Mỹ đã cứu chữa cho ông Hồ khi ông bị sốt cao nguy hiểm. Theo lời ông Morgan: “Hoàn toàn có thể nói rằng sự sống của vị chủ tịch tương lai của Bắc Việt Nam đã được cứu bởi một bác sĩ Mỹ”.
Tất nhiên tình hữu nghị ban đầu đã bị phai nhòa khi chủ nghĩa chống cộng đã cuốn hút Washington trong thập niên 1950. Không dưới bảy thổng thống và những người có thể thành tổng thống Hoa Kỳ đã xuất hiện trong cuốn sách của ông Morgan, và những lời nói của họ đã làm cho việc đọc cuốn sách trở nên hấp dẫn hơn, cho thấy những gì sắp xảy ra. Khi Điện Biên Phủ gần như thất thủ , Eisenhower đã lo lắng về sự sụp đổ của những quân bài domino tại Đông Nam Á song ông vẫn kiên định chống lại sự can thiệp nhân danh nước Pháp. “Không ai có thể phản đối một cách cay đắng hơn tôi trong việc để cho Hoa Kỳ dính líu vào một cuộc chiến nóng bỏng tại khu vực đó”. John F. Kennedy, một thượng nghị sĩ thuộc bang Masschusetts vào thời điểm đó, tỏ ra cứng rắn: “Đổ tiền của, trang thiết bị và binh lính vào trong những khu rừng nhiệt đới Đông Dương mà không có được ít nhất một triển vọng chiến thắng xa xôi thì thật là phù phiếm nguy hiểm và tự hủy diệt mình”. Trong số các tổng tư lệnh tương lai, chỉ có Richard Nixon là đồng ý một cách thẳng thừng cho hành động can thiệp.
Tuy nhiên, khi hoàn cảnh khó khăn của Pháp trở nên tồi tệ hơn, các nhà ngoại giao Mỹ đã tìm cách trợ giúp. Ngoại trưởng John Foster Dulles đã thúc giục Quốc hội và người Anh để có một phản ứng mạnh mẽ, song Dulles chỉ có được ít người nhập cuộc. “Đừng có thêm những người Hàn Quốc với việc Hoa Kỳ cung cấp 90% nhân lực khác nữa”, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện William Knowland, một đảng viên Cộng hòa thuộc bang California tuyên bố. Trong lúc những đợt gió mùa thổi tới làm cho Điện Biên Phủ trở nên nhớp nhúa, hoạt động ngoại giao bị sa lầy theo cách của riêng nó. Không có thêm quân tiếp viện nào sắp được gửi tới. Cuối cùng, Việt Minh đã bao vây Pháp, tràn vào thung lũng và bắt sống hàng ngàn tù binh. Đối với Pháp, sự kết thúc bi thảm đó có nghĩa là chấm dứt một kỷ nguyên, mất đi một báu vật trong lĩnh vực thuộc địa của mình. Đối với Việt Nam, nó mang ý nghĩa chia cắt hai miền Nam Bắc. Và đối với Hoa Kỳ – mặc dù lúc đó chẳng ai biết – song nó có nghĩa là những hạt giống đã được gieo vào cuộc chiến tranh khác ở Đông Dương.
“Thung lũng chết” đã ghi lại một cách sâu sắc các chứng cứ tài liệu từ tất cả các bên – người Pháp, người Việt, người Mỹ, người Anh, người Nga và người Trung Quốc. Cuốn sử biên niên của ông Morgan là thấu đáo – đôi khi còn hơn thế nữa. Có gần 200 trang được viết trước khi Điện Biên Phủ được đề cập đến. Trên mặt trận ngoại giao, mặc dù có ai đó ngạc nhiên về tài năng của ông Morgan đã đưa người đọc vào những căn phòng diễn ra các cuộc đàm phán, nhưng sau một lúc ai đó lại nhận ra là chính mình lại muốn rời khỏi những căn phòng ấy.
Nhiều điều đã được rút ra từ những bài học về Điện Biên Phủ – những bài học mà có lẽ Hoa Kỳ nên chú ý tới Việt Nam: ý chí ngoan cường của các lực lượng quân sự bản địa ở đất nước này, niềm đam mê và cách tổ chức của họ, và những khó khăn đặt ra bởi khí hậu và địa thế. Song việc mô tả trận đánh ở “Thung lũng Chết” là bài học cho bất kỳ nỗ lực quân sự nào. Điểm hay nhất, cuốn sách là một bản cáo trạng nghiêm khắc dành cho các tướng lĩnh đã mắc phải sai lầm và tính ngạo mạn buộc những người lính trẻ phải chịu đựng số phận khủng khiếp. Ông Morgan đã kể một câu chuyện ám ảnh về một đại tá người Pháp đã tự sát sau khi vị trí chủ chốt bị thất thủ. Ít ngày sau, một sĩ quan trẻ lên tiếng chê trách: “Nếu như tất cả mọi người ở đây đều phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra lại quyết định tự sát, thì một đám đông ở Paris cũng giống như ở Điện Biên Phủ”.
Ông Nagorski, chủ nhiệm kỳ cựu chương trình ABC News và là tác giả của cuốn “Miracles on the Water: The Heroic Survivors of a World War II U-Boat Attack.”
Người dịch: Ba Sàm
Hiệu đính: Ngọc Mai

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2010

Bài được đăng trên trang Ba Sàm ngày 21/2/2010, nhưng bị tin tặc phá blog xóa mất, nay đăng lại.
Một số tư liệu bổ sung của người hiệu đính:
- Còn tài liệu này nói 8.000 lính Việt Minh và 1.500 lính Pháp chết trong trận ĐBP: At 5:30 p.m., 10,000 French soldiers surrender at Dien Bien Phu. By now, an estimated 8000 Viet Minh and 1500 French have died. The French survivors are marched for up to 60 days to prison camps 500 hundred miles away. Nearly half die during the march or in captivity
- Tài liệu này cũng nói con số 8.000 lính VM bị giết: The Viet Minh lost 8,000 killed with 12,000 wounded:
- Tài liệu này cũng nói con số 8.000: In order to take Dien Bien Phu the Viet Minh committed the 304th, 308th, 312th, 316th and 351st divisions, representing the 33 battalions engaged as of March 13, 1954.  Counting reinforcements and coolies (porters, bicycle transport personnel and trench digging personnel) it can be assumed that Gen. Giap used far more than 100,000 men in the battle.
The French General Staff never learned the exact number of Viet Minh losses at Dien Bien Phu.  They can reasonably be estimated to number: 8,000 KIA (some works estimate 12,000 KIA and 20 to 30,000 WIA) 15,000 to 20,000 WIA of whom a great  number certainly must have died from the results of poor medical care. These are not official figures but rather estimates by the French General Staff.
8000 người bị giết, 15.000-20.000 bị thương (có nơi đưa ra con số 12.000 người bị giết, 20.000-30.000 bị thương).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét