Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Trí tuệ hải ngoại: Khoảng cách giữa tiềm năng và thực tế

(Petrotimes) - Thuộc thế hệ Việt kiều hồi hương khá sớm, từ những năm đầu thập niên 90, Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh đã có hơn 10 năm sống và giảng dạy tại Việt Nam. Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển chiến lược kinh tế, và làm cố vấn chiến lược cho nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia, các tổ chức đa phương, ông đã dành cho báo NLM cuộc trò chuyện cởi mở, xung quanh vấn đề thu hút trí thức Việt kiều về nước đóng góp cho quê hương, đất nước, trên cả hai phương diện: chất xám và đầu tư tài chính.
PV:Thưa Giáo sư, Việt kiều cần gì để hồi hương và ở lại? Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng, cả trí tuệ lẫn khả năng đầu tư của kiều bào ta ở nước ngoài?
GS. Hà Tôn Vinh: Việt Nam có lợi thế với hơn 3 triệu người đang sinh sống khắp thế giới. Trong đó có khoảng hơn 300.000 người có trình độ đại học và sau đại học. Trong số những trí thức Việt Nam này có nhiều người là những nhà khoa học có tên tuổi, chuyên gia đầu ngành hiện đang làm việc tại các đại học, viện nghiên cứu và công ty nổi tiếng. Kinh nghiệm ở một vài nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… cho thấy trí thức hải ngoại đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước của họ.
Từ thập niên 70, Hàn Quốc đã bắt đầu mời gọi trí thức gốc Hàn ở hải ngoại, nhất là Mỹ trở về đóng góp cho đất nước, với những đãi ngộ xứng đáng, công việc rõ ràng. Sau 30 năm, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 13 của thế giới. Và là một trong những nước có nền công nghệ tiên tiến hàng đầu. Trung Quốc trong hơn 10 năm qua tích cực mời gọi trí thức Hoa kiều trở về phục vụ với những dự án và đãi ngộ rõ rệt. Và họ cũng đã tiến nhanh trong công cuộc công hiện đại hóa đất nước, trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới. Đài Loan cũng thế.

Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh
PV: Việt Nam cũng đã và đang có nhiều chính sách mang tính cởi mở để thu hút kiều bào về xây dựng và phát triển đất nước, nhưng các chính sách này dường như vẫn chưa thực sự hiệu quả, vì sao?
GS. Hà Tôn Vinh: Tôi cho rằng có khoảng cách về văn hóa và tư duy giữa trí thức trong và ngoài nước. Trí thức Việt Nam ở hải ngoại thường hay có ý kiến phản biện nên khó có thể phù hợp với văn hóa lãnh đạo tập thể và đòi hỏi đồng thuận cao. Trí thức Việt kiều cần được làm việc trong những môi trường trân trọng khả năng sáng tạo và cá tính cá nhân. Về cơ bản, họ ít khi chịu tư duy và làm việc rập khuôn theo công thức hay làm việc theo phong cách tùy tiện. Nên họ thường ngại về nước, và nếu về thì không ở lại lâu.
Trí thức hải ngoại thường có hoài bão vươn lên những vị trí nổi bật trong tổ chức và xã hội. Về nước, họ không có cơ hội hoặc không được chấp nhận một cách dễ dàng. Người trí thức thường trọng danh hơn trọng lợi. Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng đóng góp của họ ở quê hương thường không được danh mà cũng không được lợi. Nên chuyện trí thức trở về hiện nay đang là chuyện cá nhân, rất hiếm hoi!
PV: Ngoài ra còn có khoảng cách nào đang là rào cản khiến dòng chất xám cũng như kiều hối đổ về Việt Nam chưa thật sự thông thoáng?
GS. Hà Tôn Vinh: Ngoài ra, còn có khoảng cách về môi trường làm việc và thời gian. Trí thức hải ngoại thường không có nhiều thời giờ về lại quê hương để tìm hiểu, thử nghiệm, thiếu kiên nhẫn, hoặc không tìm được dự án và công việc phù hợp, chưa nói đến các đãi ngộ cần có khác. Vai trò của trí thức Việt kiều ở các đại học, viện nghiên cứu chưa được đề cao. Nhu cầu phục vụ dự án của các bộ ngành ở Việt Nam không phù hợp hoặc không cần sự đóng góp của trí thức hải ngoại.
Các bộ ngành, cơ quan, dự án… cũng ngại mời trí thức Việt kiều về vì nhiều lý do, ví như không có kinh phí, văn hóa ứng xử, và cách làm việc khác biệt, sợ trách nhiệm, không có dự án phù hợp… Bên cạnh đó, thủ tục giấy tờ về nước làm việc phải thông qua nhiều bộ ngành nên cần nhiều thời gian. Và còn rất nhiều lý do và vấn đề tế nhị khác không nói ai cũng biết…
PV: Nghĩa là chủ trương đúng đắn này vẫn còn nhiều bất cập về mặt chính sách? Vậy nên làm cách nào thì mới hiệu quả hơn?
GS. Hà Tôn Vinh: Tư duy cần thông thoáng hơn, từ cả hai phía. Trí thức không nhất thiết phải về nước mới là người yêu quê hương và có công đóng góp cho đất nước. Trí thức Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp cho đất nước ở khắp mọi nơi và bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhìn nhận và vinh danh những trí thức Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp cho xứ sở mà họ đang sinh sống cũng là một cách làm rạng danh quê hương Việt Nam.
Theo tôi, cần có quyết tâm mời gọi trí thức tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các cấp đại học và sau đại học, thành lập các trung tâm đào tạo, các dự án, công trình nghiên cứu để thu hút chất xám của trí thức Việt kiều. Cũng cần mời gọi và cho phép nhiều loại giảng viên tham gia các chương trình giảng dạy kinh tế hay quản trị doanh nghiệp. Các loại giảng viên đó là những người thành công hay gặp phải thất bại, hay trước đây thành công nhưng sau này thất bại, hoặc trước đây họ thất bại nhưng sau này thành công. Kinh nghiệm khác nhau của họ là những bài học quý giá cho học viên và doanh nghiệp ở khắp nơi.
Nên, trí thức cũng cần được hiểu rộng và nhìn nhận đúng, có bằng cấp hay không có bằng cấp, thành công hay thất bại… Chúng ta đã thấy rất nhiều doanh nhân nổi tiếng trên thế giới chưa qua đào tạo đại học nhưng vẫn trở thành những gương mặt điển hình cho doanh nhân và lãnh đạo khắp thế giới.
PV: Có cái gọi là “công thức” cụ thể nào đó không, cho bài toán này?
GS. Hà Tôn Vinh: Theo tôi công thức thành công trong trường hợp Việt Nam gồm có: sự thể hiện đồng bộ quyết tâm chính trị của lãnh đạo. Một số chính sách và hành động tích cực, mời gọi và sử dụng hợp lý trí thức hải ngoại. Cam kết đầu tư tài nguyên và đãi ngộ hợp lý cho các cá nhân và các công trình nghiên cứu dài hạn.
Chốt lại câu chuyện này vẫn là hai vấn đề: chính sách và đối tượng. Quý hồ tinh bất quý hồ đa, có lẽ, chúng ta nên chọn lựa một số ít ngành nghề trọng điểm và mời trí thức hải ngoại về làm việc để xây dựng hình ảnh, cơ hội, tạo nên nhiều câu chuyện thành công làm tiền đề động lực cho những người khác. Trí thức nào cũng mong và sẵn sàng đóng góp tài năng và sức lực cho sư phát triển quê hương đất nước, phần còn lại là của lãnh đạo và các nhà quản lý.
Xin cám ơn GS vì cuộc trò chuyện này!
BOX: Mỗi năm, lượng kiều hối và đầu tư từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đạt xấp xỉ 20 tỷ USD. Trong những năm gần đây, lượng kiều hối gửi về Việt Nam mỗi năm thường tăng khoảng 10-15%. Ngoài việc gửi kiều hối về Việt Nam, nhiều kiều bào còn sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn đầu tư phát triển quê hương. Hiện nay, đã có trên 2.000 dự án được kiều bào đăng ký, phần lớn ở các lĩnh vực: nông nghiệp, giáo dục, công nghiệp, y tế và du lịch. Nhiều dự án tạo ra nhiều công ăn việc làm cho nhân dân và mang lại nguồn thu lớn cho địa phương.
Hiện nay, có khoảng 400.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước công nghiệp phát triển như: Mỹ, Australia, Pháp, Nga, Canada, Đức... Đây chính là nguồn lực lớn có khả năng tạo nên những đổi thay lớn cho đất nước, cả về tầm nhìn trí tuệ lẫn những đầu tư cụ thể, nếu chúng ta có những chính sách thực thi hiệu quả và đồng bộ hơn.
Lê Chi (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét