Trong tâm trí của nhiều người đương thời, tên tuổi Hà Văn Tấn được ghi nhận như một nhà khoa học đầu đàn trong lĩnh vực khảo cổ học, một trong những ngành khoa học đòi hỏi trình độ chính xác cao; và ở đó ông đã thu được những thành tựu khả quan.
Song bên cạnh Khảo cổ học, Hà Văn Tấn cũng đã viết nhiều về lịch sử Trung đại Việt Nam, và đi vào một số hiện tượng văn hóa tiêu biểu như đình, chùa, văn hóa Phật giáo… Rồi ông mở rộng ra một số vấn đề trọng yếu như bản sắc dân tộc, giao lưu văn hóa cổ, hoặc thử đề nghị một cách nhìn biện chứng đối với truyền thống.
Khi làm thư mục cho các bài viết về lịch sử Việt Nam, một bộ từ điển lớn như Encyclopedia universalis (E.U) của Pháp thường vẫn phải dẫn Hà Văn Tấn, trong khi từ chối nhiều sử gia khác (vì cho là thiếu khoa học).
Từ các công trình của Hà Văn Tấn, người ta có thể nhận ra mối quan hệ giữa văn hóa và lịch sử, từ đó có được một cách hiểu khác đi về văn hóa. Điều này càng trở nên thiết yếu nếu đối chiếu với thực tế trì trệ của ngành nghiên cứu lịch sử và văn hóa đương thời, bộc lộ ít nhất ở hai khía cạnh:
Thứ nhất là tầm nhìn chật hẹp. Do tình trạng kém phát triển của tư duy nghiên cứu và một cách nhìn non nớt chưa đạt tới trình độ duy lý cần thiết, ở ta có một thói quen hình thành từ lâu, và ngày nay đang được tiếp tục, đó là thu hẹp khái niệm văn hóa trong các hoạt động văn học nghệ thuật, nhất là sự sáng tác thơ văn, ngoài ra là một ít thành tựu sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, các phong tục tập quán, các lễ hội…
Trong khi đó, theo nghĩa rộng rãi của nó, văn hóa là cái cách sống, cách quan hệ với thiên nhiên, cách làm ăn sinh sống (văn hóa nông nghiệp, văn hóa biển…), là các hoạt động tinh thần (văn hóa tôn giáo, văn hóa thư tịch…). Sau nữa, có một điều trong thực tế ai cũng biết là rất thiết yếu, nó liên quan đến sự tồn vong và phát triển của đất nước, bao gồm cách tổ chức xã hội, cách tồn tại của dân tộc trong lịch sử và quan niệm về sự có mặt của mình trên thế giới. Những cái này ở các nước khác, người ta cũng quan niệm là văn hóa (văn hóa quyền lực, văn hóa hành chính, văn hóa quan hệ đối ngoại). Song ở ta lại thường bị lảng tránh và không được coi là một lĩnh vực cần nghiên cứu từ góc độ văn hóa.
Thứ hai, kể cả khi đã được quan niệm đúng thì văn hóa cũng chỉ được các nhà khoa học đương thời khảo nghiệm như là một mặt bằng đơn giản, nhất thành bất biến, mà không hề có sự tiến triển trong chiều sâu thời gian. Tức là họ không biết nhìn văn hóa dân tộc trong sự hoàn thiện đầy khó khăn. Nói chung, sự thiếu hiểu biết sâu sắc về quá khứ khiến cho các nghiên cứu về văn hóa dễ trở nên nông nổi và không có sức thuyết phục.
Ở chỗ nhiều người dừng lại đó, Hà Văn Tấn đã vượt lên một cách tự nhiên nhờ chỗ nghề nghiệp của ông là làm Sử. Qua ông, người ta thấy văn hóa học có nhiều điểm trùng với học thuật, trong đó có khoa học Lịch sử. Và các nhà nghiên cứu lịch sử của một dân tộc chính là những người mở đường cho việc nghiền cứu văn hóa dân tộc.
Là sản phẩm của một hoàn cảnh làm việc cụ thể, các công trình của Hà Văn Tấn tuy có một số điểm đã bị vượt qua, nhưng nhìn chung đó là những gợi ý tốt cho lớp người đi sau.
Tập sách này được hình thành theo nguyên tắc một tuyển tập có chủ đề riêng. Chúng tôi đề nghị tác giả tạm xếp lại một bên những công trình nghiên cứu trong phạm vi chuyên môn hẹp, mà chỉ giới thiệu những đề xuất của ông trên những vấn đề có ý nghĩa rộng rãi và được viết bằng một bút pháp phổ cập. Bởi chủ ý của chúng tôi là muốn để Hà Văn Tấn có thể đến với đông đảo bạn đọc, nhất là những ai có nguyện vọng tha thiết là tìm hiểu nền văn hóa dân tộc trong cả bề dày lịch sử.
VƯƠNG TRÍ NHÀN
——
LỊCH SỬ SỰ THẬT VÀ SỬ HỌC(1)
HÀ VĂN TẤN
“Ai ai đều đã bằng câu hết
Nước chẳng còn có Sử Ngư!”
Đó là hai câu thơ cuối cùng trong bài thơ cuối cùng của mười bốn bài “Mạn thuật” mà Nguyễn Trãi đã để lại cho chúng ta. Thật là cay đắng, khi mà mọi người bị uốn cong như lưỡi câu, và chẳng còn ai nói lên sự thật nữa, chẳng còn ai như Sử Ngư nữa. Sử Ngư là người chép sử nước Vệ đời Xuân Thu, nổi tiếng về thẳng thắn và trung thực. Khổng Tử đã từng khen: “Trực tai Sử Ngư!” (Sử Ngư thẳng thay!).
Cho đến hôm nay, đọc câu thơ Nguyễn Trãi, chúng ta vẫn như tê tái với nỗi đau của ông. Làm sao có thể sống trong một xã hội mà mọi sự thật đều bị che đậy hay xuyên tạc. Trong những thời kỳ như vậy, người chép sử, nhà sử học, những người có nhiệm vụ nói lên sự thật, không biết bị dằn vặt đến thế nào?
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật là yêu cầu của nhân dân, của đất nước. Đã đến lúc những người chép sử, những nhà sử học phải tự hỏi rằng: “Sử bút” của mình đã thật nghiêm chưa, đã viết đúng sự thật lịch sử hay chưa?
Lịch sử là khách quan. Sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài ý thức của chúng ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan. Và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau.
Từ thời cổ đại, người ta đã đặt yêu cầu cho việc chép sử là nêu gương cho nhân dân và đem lại bài học cho những nhà cầm quyền. Polibius, nhà sử học Hy Lạp vào thế kỷ 2 trước công nguyên, đã nhận thấy rằng sử học có tính pagmatikos, tức thực dụng. Trong các vị thần Muses Hy Lạp, thì nữ thần Clio là thần sử học. Nhưng tên Clio là bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là Kleio, nghĩa là ca tụng, biểu dương.
Ở phương Đông, Khổng Tử viết Kinh Xuân Thu, bộ sử lớn của Trung Quôc cổ đại, là cốt để “bao biếm”, tức là khen và chê các hành vi của các nhân vật lich sử. Cái mẫu mực sử học thực dụng còn tồn tại rất lâu dài về sau, nhất là ở phương Đông. Ta hãy đọc những dòng của Phạm Công Trứ trong bài tựa sách Đại Việt sử ký tục biên: “Vì sao phải viết quốc sử ? Vì sử chủ yếu ghi chép công việc. Có chính trị của một đời tất phải có sử của một đời. Mà sự ghi chép của sử giữ nghị luận rất nghiêm, tụ điểm việc trí trị thì sáng tỏ ngang với mặt trời mặt trăng, răn đe kể loạn tặc thì ráo riết như sương thu lạnh buốt, người thiện biết thì có thể bắt chước, người ác biết thì có thể tự răn, quan hệ với chính trị không phải là ít. Cho nên mới làm ra quốc sử”.
Một mục đích thực dụng như vậy đặt ra cho sử học tất nhiên đã ngăn cản không ít việc nói lên sự thật lịch sử. Thường thì người ta chỉ chọn chép những sự kiện nào có lợi cho đường lối chính trị, hoặc là làm thay đổi sự kiện cho phù hợp với ý muốn của nhà cầm quyền.
Nhưng ngay trong hàng ngũ các nhà sử học thời cổ, cũng đã có người cho rằng cần làm thế nào để phục vụ đời sống và chính trị không làm hại đến thiên chức nói sự thật của nhà sử học. Chẳng những thế, họ còn cho rằng sử có chép đúng sự thật mới phục vụ tốt cho đời sống và chính trị. Ciceron ở La Mã đã gắn historia magistra vitae (lịch sử chính yếu của cuộc sống) với yêu cầu đạt tới lux veritatis (ánh sáng của sự thật). Trong Deoratore, ông đã viết: “Luật thứ nhất của chép sử là không dám nói cái giả mạo, luật thứ hai là dám nói tất cả những gì là sự thật”.
Còn Lê Quý Đôn của chúng ta, ở đầu tập Đại Việt thông sử, đã dẫn một loạt các câu nói của các nhà sử học đời trước để coi việc chép đúng sự thật như một tôn chỉ của việc soạn sử. Và để giữ được tôn chỉ đó, cuối cùng, ông đã chép lại câu của Yết Hề Tư đời Nguyên: “Việc soạn sử phải lấy việc dùng người làm gốc. Người có văn học mà không biết cách chép sử thì không thể cho dự vào sử quán. Người có văn học, lại kiềm biết cách soạn sử, nhưng bụng dạ bất chính, cũng không được dự”.
Từ thế kỷ 17, sử học thế giới đạt đến mẫu mực phê phán, đặt yêu cầu đem lại sự thật của quá khứ. Và từ cuối thế kỷ 19, khi sử học đạt tới các mẫu mực cấu trúc và biện chứng, các hình ảnh của quá khứ mà sử học khôi phục được còn phải được đặt trong cái toàn thể và sự vận động.
Từ khi chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử mác- xít ra đời, khám phá ra cơ chế của sự phát triển xã hội, các nhà sử học được cung cấp một mô hình giải thích lịch sử có tính nhất thể – năng động, kết hợp cả hai mặt cấu trúc và biến đổi. Sử học vươn tới phát hiện quy luật và nhờ đó, sử học không những nhận thức được quá khứ mà còn chuẩn bị cho những khả năng dự báo. Nhưng sử học muốn thực hiện được những chức năng đó, khảo sát con đường đã qua và góp phần nhận thức con đường sắp tới, một điều kiện cơ bản là phải biết sự thật và nói lên sự thật.
Nhưng biết sự thật không dễ, và dám nói lên sự thật nhiều khi càng khó hơn. Với ý của Yết Hề Tư mà Lê Quý Đôn đã dẫn nhưng nói theo ngôn ngữ hiện đại thì như thế này: Muốn viết sử, phải biết phương pháp sử học, và trước hết, phải là người trung thực chứ không phải là tên cơ hội.
Viết sử là một nghề, nói như người Pháp là métier d’historien. Người viết sử phải được luyện rèn tay nghề. Các sách dạy nghề, tức các sách viết về phương pháp sử học, thường nói đến hai bước cơ bản trong công tác sử học: bước thứ nhất là từ sử liệu, khôi phục sự kiện; bước thứ hai là giải thích và đánh giá sự kiện.
Ngay từ bước thứ nhất, đã có những khả năng dẫn nhà sử học xa rời sự thật. Đó là vì sử liệu thiếu, và phổ biến hơn, vì sử liệu không được phê phán nghiêm túc. Người ta chia sử liệu ra làm hai loại: sử liệu trực tiếp và sử liệu gián tiếp.
Sử liệu trực tiếp xuất hiện cùng thời với sự kiện. Chẳng hạn trống đồng Ngọc Lũ, khẩu pháo Điện Biên, hay văn bản Hiệp nghị Paris… là sử liệu trực tiếp.
Còn sử liệu gián tiếp là sử liệu nói đến sự kiện này qua một người thông tin gián tiếp, tức tác giả sử liệu. Loại sử liệu này cần được giám định cẩn thận, vì thông tin nhận được đã qua trung gian người thông tin. Chẳng hạn hồi ký là sử liệu gián tiếp, ở đây, các sự kiện xảy ra không đồng thời với sử liệu, tức là trước lúc hồi ký được viết. Nhà sử học Liên Xô M.N.Tchernomorski đã viết cả một quyển sách dày, có đầu đề “Hồi ký với tư cách là sử liệu lịch sử”, để trình bày các phương pháp nghiên cứu nguồn sử liệu gián tiếp này.
Hiện nay, nhiều công trình sử học của chúng ta đã sử dụng những nguồn sử liệu gián tiếp một cách thiếu thận trọng. Sử liệu gián tiếp bao gồm cả những lời kể về sau của những người dã chứng kiến sự kiện. Các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương hay lịch sử hiện đại, lịch sử Đảng thường sử dụng nguồn tài liệu này. Những lời kể như vậy cần được phân tích so sánh với các sử liệu khác, nếu không, dễ dẫn đến tình trạng là cùng một sự kiện, có thể được trình bày rất khác nhau. Tình hình thường xảy ra là nếu người thông tin là người hiện có uy lực chi phối ở địa phương thì lịch sử sẽ được viết theo cách nhìn nhận của người đó.
Đối với các thời kỳ xa xưa, sự sai lầm càng dễ xảy ra, vì sử liệu càng hiếm hơn, khó kiểm tra hơn. Trong nhiều trường hợp để khôi phục sự kiện, nhà sử học phải vận dụng đến sự suy đoán lô-gích, và thậm chí, cả sự tưởng tượng. Nhưng trong trường hợp sự kiện được trình bày mới chỉ là giả thuyết, thì điều đó phải được nói rõ, đừng để người khác tin rằng đó đã là sự thật đích xác. Trong nhiều công trình sử học hiện nay, cái mới chỉ là giả thuyết với cái đã là sự thật, thường bị làm lẫn lộn.
Chẳng hạn, không một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư ” là của Lý Thường Kiệt. Không có một sử liệu nào cho biết điều đó cả. Sử cũ chỉ chép rằng trong trận chống Tống ở vùng sông Như Nguyệt, một đêm quân sĩ nghe tiêng ngâm bài thơ đó trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát. Có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt đã cho người ngâm thơ. Đi xa hơn, có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ. Nhưng đó chỉ là đoán thôi, làm sao nói chắc được bài thơ đó là của Lý Thường Kiệt. Thế nhưng, cho đến nay, mọi người đều tin rằng đó là sự thật, hay đúng hơn, không ai dám nghi ngờ đó không phải là sự thật.
Ta còn có thể dẫn ra nhiều ví dụ khác về những sự kiện chắc là không thật, thậm chí không thật mà nay nghiễm nhiên là “sự thật”, ngay cả trong các giai đoạn lịch sử gần đây.
Các nhà sử học thường dựa chủ yếu vào nguồn sử liệu viết. Mà nước ta, các văn bản sử liệu thường bị biến chuyến ghê gớm. Đó là chưa kể sự xuất hiện những tài liệu giả. Nếu trình bày sự kiện mà dựa vào sử liệu đã bị biến đổi hay sử liệu giả thì hiển nhiên không tránh khỏi sai lầm.
Chẳng hạn, quyển Binh thư yếu lược hiện có, được coi là của Trần Hưng Đạo, là một quyển sách giả từ đầu chí cuối. Các nhà nghiên cứu ở Viện Hán Nôm vừa làm một việc có ý nghĩa là chứng minh được quyển sách giả mạo đó đã hình thành như thế nào. Thế nhưng khi viết về cuộc kháng chiến chống Nguyên hay về Trần Hưng Đạo, một số người vẫn dùng quyển sách giả này. Thậm chí có lãnh tụ đã trích dẫn sách này trong diễn văn của mình. Đó cũng là lỗi của các nhà sử học, họ đã không thuyết minh đầy đủ khi cho in bản dịch tác phẩm giả mạo này.
Còn các văn bản bị biến đổi, sửa chữa qua các đời thì rất nhiều. Thậm chí cả các văn bản hiện đại. Ngay bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh mà hiện nay trong các trường phổ thông vẫn học, vẫn trích, cũng đã sai, khác quá nhiều với văn bản đầu tiên còn được cất giữ ở Cục Lưu trữ trung ương. Các văn kiện khác cũng vậy. về điểm này, cần học tập thái độ của Mác và Ăng-ghen khi cho xuất bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản năm 1872, hai ông viết rằng: “Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại”. Các nhà sử học đòi hỏi phải có một thái độ như vậy đối với các văn kiện lịch sử.
Trên đây là chuyện phê phán sử liệu và miêu tả sự kiện. Thực ra sự thật dễ bị che lấp hay xuyên tạc là ở bước thứ hai, giải thích và đánh giá sự kiện. Đó là vì công việc này phụ thuộc nhiều vào mặt chủ quan của nhà sử học như nhận thức, quan điểm và nhân cách.
Các nhà sử học chúng ta thường tự coi là người mác- xít nhưng bệnh thiên lệch lại hay dễ mắc. Mà thiên lệch, cường điệu một cách phiến diện, một mặt nào đó lại là đặc trưng của chủ nghĩa duy tâm. Cũng chính vì vậy nhiều sự thật lịch sử đó bị bỏ qua.
Trong một thời gian dài, do một động cơ tốt là phải tập trung tinh lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các nhà viết sử chỉ chú ý đến các trang sử chống ngoại xâm trong lịch sử dân tộc. Không chỉ trong các công trình chuyên luận, mà cả trong các bộ thông sử, cũng chỉ tập trung khai thác truyền thống đánh giặc, giữ nước. Một nhà sử học Liên Xô, khi bình luận một quyển sử Việt Nam do Ủy ban Khoa học Xã hội xuất bản, đã có một nhận xét thú vị là các bản đồ trong sách, trừ một bản đồ hình thế chung, đều là bản đồ các trận đánh. Trong thời gian qua, hàng loạt các vấn đề về kinh tế – xã hội của lịch sử Việt Nam đã không được chú ý đầv đủ.
Cũng là đề cao truyền thống, chúng ta thường chỉ đánh giá một chiều, chỉ nhận thấy cái hay cái tốt, dường như người ta không chấp nhận có truyền thống xấu. Đến nay, trong công cuộc xây dựng đất nước, chúng ta đang cần đánh giá đúng đắn về con người Việt Nam mà phần lớn là tính cách, khả năng dã được quy định qua lịch sử. Phải phân tích trung thực và khoa học các ưu điểm và nhược điểm của con người Việt Nam, chứ không phải cái gì cũng khen.
Chúng ta đã được đọc cả một quyển sách dày đề cao truyền thông khoa học – kỹ thuật Việt Nam. Tôi nghĩ rằng trong lịch sử, nhân dân Việt Nam cũng đã đạt được một số thành tựu về kỹ thuật. Nhưng đề cao quá đáng truyền thông khoa học kỹ thuật của người Việt Nam xưa thì là một sự tô hồng không thật. Vả lại, đề cao ông nghè Vũ Hữu cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 đã tính đủ số gạch xây tường không thừa thiếu một viên, khi trên thế giới, không phải chỉ ở châu Âu (thời Copernic) mà cả ở A-rập (thời AI Kashi) đã có những công trình toán học cao, thì chỉ là làm một việc lố bịch.
Rồi người ta lại đề cao cả những truyền thống của làng xã cổ truyền, nhấn mạnh tính dân chủ của nó. Không hiểu vì sao các nhà sử học tự coi mình là mác-xít lại có thái độ “dân tuý” đến như thế. Ngày nay, khi cái cung cách, cái tâm lý “việc làng” đang khoác áo xã hội chủ nghĩa đi giữa chúng ta, các nhà sử học phải xem xét lại thái độ của mình trong việc đánh giá cao làng xã cổ truyền.
Lịch sử Việt Nam anh hùng thật, vinh quang thật, nhưng trình bày nó lúc nào, chỗ nào cũng tốt đẹp cả, rực sáng cả thì quả là không thật. Nhà sử học không thể chỉ ngâm ngợi những thiên anh hùng ca mà không biết đến những khúc bi ca trong lịch sử.
Cùng thường thiên lệch, khi chúng ta đánh giá các nhân vật lịch sử. Con người là cả một hệ thống những mối liên hệ phức tạp, bị quy định bởi các điều kiện xã hội, tự nhiên và lịch sử. Thiếu một sự đánh giá xuất phát từ chủ nghĩa lịch sử dường như là căn bệnh chung của chúng ta. Một số người đã chỉ trích các nhân vật lịch sử vì họ không giống ta. Một số lại quá yêu các nhân vật đó, đến chỗ miêu tả tư duy và hành động của họ cứ y như là họ đã được học tập chủ nghĩa Mác – Lênin.
Đã là con người, không phải là ông thánh, thì có lúc đúng, lúc sai. Đó là chuyện thường tình. Nhưng thật là không công bằng khi chỉ vì khuyết điểm của thời kỳ này, ta sổ toẹt hết cả công lao của nhân vật đó, khi ở thời kỳ khác, đóng góp của người đó là rõ ràng, không thể chối cãi. Nhà sử học mác-xít không thể chấp nhận một thái độ như vậy. Tại sao chúng ta không noi gương Lênin trong việc đánh giá nhân vật như Plê-kha-nốp?
Chúng ta hãy nhớ lời Mác: “Khoa học càng vô tư và không thiên vị thì càng phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của người công nhân”. Một nền sử học muốn tự biểu hiện là mác-xít chân chính, chẳng những phải đặt cho mình nhiệm vụ khám phá chân lý của lịch sử, mà còn phải tỏ rõ khả năng đạt được sự thật khách quan.
Cho đến nay, nhiều học giả tư sản vẫn nghi ngờ tính khách quan của sử học. Ngay người bạn của chúng ta là Bertrand Russell cũng nói rằng:“Sử học chỉ là dẫn ra những ngu xuẩn ngày hôm qua để giúp con người chịu đựng được những ngu xuẩn ngày hôm nay”.
Chúng ta phải bác bỏ những luận điểm đó bằng cách chứng minh rằng nền sử học của chúng ta có khả năng đạt được sự thật khách quan, chứ đừng tiếp tục giúp thêm chứng cứ cho những luận điểm đó.
(1) Đã in trong Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm, nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983
* Nguồn: Đến với LỊCH SỬ – VĂN HÓA VIỆT NAM, nhà xuất bản Hội nhà văn, Tác giả: HÀ VĂN TẤN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét