Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

Ngón tay vàng trên sách cũ

Ngón tay vàng trên sách cũ
14/12/2021 TP - Bác Võ Văn Rạng, sinh năm 1960, bắt đầu vào nghề sửa sách cũ từ thời bao cấp. Cầm tạp chí Phụ Nữ Tân Văn, số 40, năm 1930, đã cũ mòn, mỗi nơi một mảnh, bác kêu lên: “Đừng đụng! Đừng đụng! Phải làm từ từ, từng trang!”. Lấy đồ nghề mòn vẹt ra để tu sửa cuốn tạp chí, bác bảo: “Người ta quý lắm nên mới giữ tờ tạp chí từ năm 1930 tới giờ”.

Bác Rạng tu bổ cuốn phụ Nữ Tân Văn in năm 1930 Ảnh: Trần Nguyên Anh

Màu thời gian

Bác Rạng dáng gầy gò, tính điềm đạm, suốt ngày ngồi trước những cuốn sách cũ. Người trong ngõ bảo: “Bác ấy cứ ngồi với đống sách cũ từ mấy chục năm nay, ngày nào cũng như ngày nào”.

Bác Rạng cặm cụi với tờ tạp chí Phụ Nữ Tân Văn xuất bản từ năm 1930, bảo: “Cuốn này phải làm hai ngày đây. Phải sửa dần từng trang, để nó khô mới làm tiếp, không làm liền được”. Rồi bác tìm trong tủ ra những trang giấy có màu ngà cũ kỹ, để làm nền, bồi cho tạp chí chắc chắn hơn. Bác nói: “Phải tìm giấy cũ có màu gần giống với màu báo thời Pháp, để bồi, ngăn tờ giấy báo không bị bể thêm. Dán giấy màu trắng lên vô duyên lắm, phải tìm giấy có màu thời gian để làm”.


Bác Rạng và những người chơi sách trẻ tuổi Ảnh: Tùng Vương

Bác bồi từng trang báo bằng thứ keo tự chế, thường gọi là hồ, chuyên dán giấy. “Hồ của ta làm dính rất chắc, không hỏng tờ giấy. Còn keo dán giấy bán ở ngoài chợ không bền, dán vào một thời gian sách sẽ rộp lên”. Hồ làm từ bột năng, là thứ nguyên liệu cổ xưa.

Bác Rạng dùng hai bàn tay với những ngón tay dài ngoẵng gầy gò để dán, chỉnh, là phẳng giấy, không bao giờ dùng máy móc. Nghề sửa sách tất cả đều làm thủ công, chỉ khi cắt xén bìa cứng mới dùng tới máy cắt giấy. Nhưng cái máy ấy cũng có từ mấy chục năm trước.

Vừa bồi đắp tờ báo cũ, bác vừa đọc to cho mọi người nghe bài báo: “Về hai ý kiến nên và không nên lấy vợ giàu?”. Trên báo Phụ Nữ Tân Văn ra năm 1930. Mọi người hỏi: “Thế ý kiến của bác Rạng là nên lấy vợ giàu hay nghèo?”. Bác bảo: “Tùy. Chuyện đôi lứa không có khuôn. Tôi thì không có vợ, độc thân mà. Giàu nghèo là số mạng. Muốn giàu đâu phải dễ”.

Cái duyên với nghề

Giấc mơ của bác Rạng thời còn trai trẻ là đứng trên bục giảng làm giáo viên, truyền dạy cho lớp trẻ những tri thức mà mình học được. Nhưng cuộc đời lại có ngã rẽ khó ngờ. Bác kể: “Tôi bị sốt, bị bại liệt. Tôi vẫn cố gắng đi học bình thường, sau năm 1975 tôi vẫn còn học cấp 3. Năm 1978 tốt nghiệp cấp 3, muốn đi sư phạm, nhưng sức khỏe yếu, chân yếu, không theo nghề được. Bạn bè học sư phạm, đi tỉnh dạy, chục năm sau mới về thành phố, sau này toàn làm hiệu trưởng. Tôi đành theo bạn bè đi làm thợ đóng sửa sách cũ”.

Trước năm 1975, xuất bản sách tại Sài Gòn phần đa là tư nhân. Các nhà sách, các nhà in đều có thợ đóng, sửa sách, đặc biệt đều nhận sửa sách cũ. “Cách mạng vào. Tôi bắt đầu đi làm công nhân cho Nhà nước, đóng sách cho nhà in số 4, số 2 của thành phố, nhưng cơ sở này ngày nay không còn nữa. Rồi tôi đi đóng sách cho các hợp tác xã, các cơ sở tư nhân”. Có thời gian, bác đóng sách cũ cho Nhà sách Bà Hai Công Lý, là cơ sở chuyên đóng sách cho Nhà sách Khai Trí.

Giấc mơ làm giáo viên không thành, anh chàng Võ Văn Rạng vui với công việc đóng sửa sách vì đó là công việc có thể cho anh đọc được nhiều sách hay, sách quý. Người nghệ nhân đóng sách tiết lộ: “Tôi mê đọc sách lắm. Trước năm 1975, còn nhỏ, nhưng có tiền là đi thuê sách về đọc. Sau năm 1975, làm công nhân sửa sách, cuốn gì hay, tranh thủ đọc thật nhanh”.

Hóa ra, không nghề gì đọc nhiều sách bằng nghề sửa sách cũ. Người nghệ nhân đã mấy chục năm lăn lộn với sách cũ, sách mục nói: “Nhiều cuốn sách hay, ai cho mình mượn? nhờ nghề sửa sách, thấy hay tôi lại lấy ra coi. Kiến thức mình thêm ít nhiều”. Bác Rạng kết luận: “Đóng sách mà không coi sách thì uổng. Sách cũ và quý hiếm thì ai cho mình mượn!”.

Nòi sách

Bác Rạng nói rằng: “Nhiều khi đóng xong cuốn sách, sẵn đó mà coi luôn, thuộc lòng luôn”.

Công việc của bác quanh năm quanh những trang sách cũ. “Tôi không chơi với những người sưu tầm sách, tôi chỉ là người sửa sách cũ. Sách hư cũ thì sửa lại. Tôi cũng chẳng biết cuốn sách, tạp chí cũ là giá bao nhiêu. Càng đóng, càng đọc, tôi càng thấy văn chương mình hay: Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du… Đọc mãi không chán”.

Thường thì người ta chơi sách cũ vì giá trị sưu tầm, không hẳn là để đọc. Còn người nghệ nhân đóng sách già thì khác. Với ông, sách là để đọc. Bác Rạng kể: “Có những cuốn sách cổ mình sửa mà biết là người ta chưa coi. Người ta quý sách nên chưa coi, hay vì lý do nào đó mà cuốn sách cổ hàng trăm năm qua tay bao nhiêu người chơi mà vẫn chưa ai đọc nó cả”. Người nghệ nhân phải tu bồi từng trang, lại phải đọc để xem trang nào nằm chỗ nào, lỡ mất số trang cũng phải sắp vào đúng chỗ. Bởi vậy, người thợ sách lại là người đầu tiên đọc cuốn sách cổ ấy.

Nhận xét về kỹ nghệ đóng sách, bác Rạng nói với tôi: “Sách Mỹ làm ào ào, rất nhanh, mì ăn liền. Sửa sách thánh kinh, giấy tốt, hay, cả trăm năm giấy không hư thì đó phần nhiều là sách Pháp, sách Ý xuất bản”.

Bác Rạng bảo tôi: “Đợt COVID-19 này, thấy mấy ông bạn chơi sách cũ không ghé qua, bèn gọi điện thoại hỏi thăm thì nghe nói có mấy người đã qua đời”. Bác lại bảo: “Chẳng biết con cháu có yêu sách như ông, cha của chúng không? Hay lại đem sách cổ đi bán đồng nát hết cả?”.

Năm 1978, chàng thanh niên tên Rạng theo nghề đóng sách cho đến tận hôm nay. Nhờ theo nghề sửa sách cũ mà bác có dịp đọc nhiều sách cũ của miền Bắc in thời chiến tranh. Bác Rạng nhận xét: “Sách miền Bắc những cuốn mà làm bằng giấy dó thì rất bền, rất đẹp”.

Thâm niên nửa thế kỷ làm nghề sửa sách cũ cũng để lại cho bác nhiều mối quan hệ thâm tình. Bác Rạng bùi ngùi: “Có khi mình sửa sách cho người bố, người bố mất đi, con bán hết sách. Có người khác mua được, lại đem cuốn sách đó đến cho mình sửa. Sau mấy chục năm sau bao cấp, tôi gặp lại những cuốn sách chính mình đã sửa năm xưa dù cuốn sách đã mấy lần đổi chủ!”.

Mừng vì không còn “chảy máu” sách

Bố mẹ bác Rạng đều qua đời. Gia đình mấy anh chị em, con cháu đều không ai theo nghề sửa sách cũ. Bác Rạng sống một mình không vợ con. Những người trong xóm bảo: “Bác Rạng không cần vợ, chỉ cần sách thôi”. Bác Rạng nói: “Tôi cũng muốn kiếm người để truyền cái nghề này, nhưng vất vả mà không có thu nhập gì nhiều nên cháu chắt không đứa nào theo”.

Nghệ nhân theo nghiệp đóng sách cũ là vì mê sách, thích đọc sách quý, nhưng theo ông: “Lớp trẻ giờ thích lướt mạng, xem phim ảnh, ca nhạc hơn là đọc sách. Sách mới giờ cũng rất nhiều, sách cũ được tái bản hết cả, nên người chơi sách xưa ngày càng hiếm”.

Những khi rỗi rãi, nghệ nhân lôi cây đàn ghi ta đánh mấy bản cho đỡ buồn. Rồi ông lại nghiêm cẩn mặc áo là phẳng ly, cắt xét, sửa từng trang sách đã ố vàng. Những cuốn sách ấy có từ đời ông, thậm chí đời cố của ông.

Nghệ nhân già ngồi trước cuốn sách, như ngồi trước hương án vậy. Ông trầm tư, thận trọng, từ hơi thở cũng điềm đạm, kiềm chế. Ông nói: “Mấy người chơi sách rất khó tính. Tôi sửa thế nào, phải nói trước với họ. Hai bên cùng nhất trí mới bắt tay vào làm”. Điểm danh “khách hàng” sửa sách cũ thì toàn là những giáo sư, kỹ sư, dịch giả, thậm chí có các nhà sư, các vị linh mục…

Nói về niềm vui của nghề sửa sách cũ, bác Rạng nói với tôi: “Thời bao cấp, đất nước mình khó khăn lắm. Dân chơi sách cũ thu gom, nhờ chúng tôi tu bổ để bán cho Việt kiều. Khi ấy, tôi thấy uổng quá, sách của nước mình cứ chảy đi nước ngoài. Bây giờ, đất nước đã phát triển, sách có giá trị thì người nước ngoài không thể mua được. Giờ khá lên, người nước ta có tiền liền mua sách quý để dành chơi, để lưu giữ, đó là niềm vui cho những người sửa sách cũ”.

Tùng Vương, một người chơi sách trẻ tuổi nhưng rất đam mê với hàng ngàn cuốn sách cũ nói: “Những năm gần đây, giới trẻ chơi sách cũ rất nhiều. Chúng em đang muốn thành lập câu lạc bộ người chơi sách cổ Sài Gòn. Với chúng em, những nghệ nhân sửa sách như bác Rạng giúp chúng em có được những cuốn sách chắc chắn, đẹp và lưu giữ được lâu dài”.

Trần Nguyễn Anh
https://tienphong.vn/ngon-tay-vang-tren-sach-cu-post1401045.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét