Không biết đọc hay cố tình phớt lờ?
Ở Quan Sơn (Thanh Hóa), thầy cô phải vớt nhái dưới suối ăn. Ở Phù Yên (Sơn La), trẻ tới trường phải ăn chuột, ở Đắk Glei (Kon Tum), trẻ mầm non học ngập trong bùn. Những thông tin này hàng ngày ngập tràn trên mặt báo, nhưng quan chức nói chung và quan chức ngành giáo dục, họ không biết đọc hay cố tình lờ đi?Cảnh học trò xẻ thịt chuột cải thiện bữa ăn / Bữa ăn không còn an toàn
Bạn tôi, một người đàn ông dạn dày sương gió ngoài 40, đi công tác lên Quan Sơn (Thanh Hóa) trở về đã sụt sịt như một đứa trẻ khi kể với chúng tôi chuyện các thầy cô phải ra suối bắt nhái về nấu lên ăn với cơm. Những con nhái suối chỉ to bằng ngón chân cái, nấu lên rồi mà vẫn chưa hết mùi tanh, có thể khiến cho người chưa ăn quen như mình lợm giọng.Bạn thương những đứa trẻ vùng cao cứ tới mùa giáp hạt là mặt vàng ra vì đói, cả mấy tháng chỉ trông chờ vào đợt cứu trợ với suất chia bình quân mỗi khẩu được 1 yến gạo, như hạt muối rơi tõm xuống biển sâu, thấm tháp vào đâu.
Một người đàn ông ở tuổi ấy mà rơi nước mắt vì chuyện đó, có thể khiến nhiều người thấy...buồn cười, còn tôi thấy yêu quý bạn hơn, vì lòng trắc ẩn của bạn vẫn còn nguyên như ngày xưa. Vì bạn vẫn giữ được một tâm hồn nhạy cảm như ngày xưa chúng tôi đã cùng học với nhau suốt 7 năm ở lớp chuyên văn.
Kể những chuyện rông dài như thế, chỉ muốn để nói một điều, thôi thì cứ cho là những người có tâm hồn yếu đuối nhạy cảm như chúng tôi và rất nhiều người đọc báo bình thường khác nữa, phải rớt nước mắt vì những hoàn cảnh đáng thương của đồng loại mình đi. Còn những người khác thì sao? Những quan chức địa phương và những quan chức của ngành giáo dục ấy, họ ở đâu, họ nói gì đi khi hàng ngày đọc báo, lướt mạng trông thấy những cảnh này?
Bữa cơm của trẻ vùng cao - Ảnh: Trần Đăng Tuấn
Chẳng ai có một phản ứng nào hết. Báo viết cứ viết, bạn đọc có xót thương thì cứ xót thương, chuyện đó là chuyện của ai đó, như trên sao Hỏa, chắc chắn chẳng liên quan gì đến cái vị trí họ đang ngồi. Thế mới có chuyện nhà báo Trần Đăng Tuấn, vất vả bao năm trời vì cái quỹ “Cơm có thịt” cho trẻ vùng cao của ông, mà gửi hồ sơ lên Bộ Nội vụ xin thành lập Quỹ, bị “ngâm tôm” đến 5 tháng liền không được xét đến.
Lại cũng nhà báo Trần Đăng Tuấn, mới đây đã phải viết đến mấy lần thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo về chuyện Bộ này quá chậm trễ ban hành Thông tư hướng dẫn Quyết định 60/2011/QĐ-Ttg cho phép chi 120.000 đồng/ tháng/học sinh hỗ trợ cho việc duy trì bữa ăn trưa tại trường cho trẻ em vùng núi, hải đảo và thôn bản đặc biệt khó khăn. Sau 14 tháng từ khi Quyết định này có hiệu lực, tiền đã có, nhưng các địa phương chưa chịu chi, vì... chưa có thông tư hướng dẫn của Bộ.
Sau hai lá thư ngỏ của nhà báo Trần Đăng Tuấn được báo chí rầm rộ đăng tải, chắc thấy “rát mặt” quá, Bộ Giáo dục Đào tạo cuối cùng đã có phản hồi, cho biết thông tư sẽ sớm được ban hành. Ôi chao, 15 tháng đã trôi qua, hơn một năm học đã kết thúc, năm học 2012-2013 này cũng chỉ còn 2 tháng nữa là khép lại, ngày 11/3/2013 Bộ mới cho biết sẽ có Thông tư để hướng dẫn cho cái Quyết định có hiệu lực từ 15/12/2011. Chắc chuyện này là “đặc sản” của Việt Nam.
Các em nhỏ vùng cao ở La Pán Tẩn với món sữa
từ đoàn công tác từ thiện - Ảnh: Trần Đăng Tuấn.
Trong quãng thời gian ấy, bao nhiêu đứa trẻ vì đói đã phải bỏ ngang con đường tới trường? Bao nhiêu đứa bé phải đi bắt chuột để ăn? Bao nhiêu đứa trẻ ôm cái bụng cồn cào vì bát cơm chan canh lõng bõng và chút muối trắng đã không giúp các em quên cơn đói?
Có vị lãnh đạo nào thấy xót xa? Có quan chức của Bộ Giáo dục nào thấy động lòng?
Nhà báo Trần Đăng Tuấn, trong lúc mòn mỏi chờ cái quyết định chi 120.000 đồng cho học sinh miền núi được thực thi, đã tuyên bố trên trang cá nhân của ông rằng: “Kể cả vào lúc kinh tế khó khăn, tôi tin ở Việt Nam có nhiều hơn 1 triệu người mỗi tháng có thể san cho trẻ con 120.000 đồng. Khi đó ở Việt Nam KHÔNG CÒN trẻ con không biết đến thịt trong bát cơm. Tuyệt đối không còn”. Trong số hơn 1 triệu người mà ông Tuấn nhắc đến đó, tôi cứ vẩn vơ nghĩ xem, liệu có vị nào là quan chức ngành giáo dục, chắc là hiếm lắm.
Hôm qua, một tờ báo lại đưa lên chuyện học sinh trường mầm non Mường Hoong, điểm trường làng Đắk Bối, xã Mường Hoong, huyện Đắk Glei (Kon Tum) đang phải ngồi học trong căn phòng tồi tàn, rách nát, bàn ghế dính lem đất bùn nhão. Những bàn chân bé tý xíu của trẻ mẫu giáo cũng đang ngập trong bùn.
Tôi đọc bài báo này và thấy tim mình đau thắt. Tôi thấy thương cho bọn trẻ, những đứa ăn chuột, những đứa đu dây vượt sông đi học, thương các thầy cô ăn nhái ở vùng cao, thương cho người mẹ ở An Xuyên (Cà Mau) mới đây đã tự tử để cho con được đến trường. Tại sao những tin tức động trời như thế trên báo chí chẳng bao giờ làm động lòng các quan chức của Bộ này Bộ nọ?
Các nhà báo cứ viết, người đọc cứ xót thương, còn quan chức thì lờ đi như chẳng biết. Họ chắc chắn không phải dạng biết đọc rồi, nếu mù chữ thì làm sao ở được vị trí đó. Họ có thể thấy không cần thiết đọc, hoặc có đọc mà lờ đi, tức là thuộc diện “mù tim”.
Đến bao giờ mới có chuyện các vị chức cao vọng trọng, mỗi buổi sáng đến cơ quan, dành ra 5 phút đọc báo, để lướt một vòng thôi, xem có chuyện gì “động trời” liên quan đến ngành hay công việc mình phụ trách, nhấc điện thoại lên giải quyết ngay lập tức rồi sau đó đôn đốc kiểm tra? Chức phận của họ là thế cơ mà? Họ ăn lương để làm việc đó cơ mà?
Đọc đến đây, chắc chắn bạn đọc sẽ nóng máu lên mà lập tức xỉ vả tôi, thôi thôi đừng ngồi mà mơ hão nữa, chán chuyện.
Vâng, tôi xin phép đồng tình.
Mi An(Đất Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét