Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Leo lên đỉnh Phú Sĩ

Hy vọng có dịp lên thăm núi Phú Sĩ nên lưu lại bài này. 
Bài gốc không có ảnh, các ảnh trong bài tôi bổ sung từ internet.

Leo lên đỉnh Phú Sĩ

Không rõ tên tác giả. Nguồn: Blog Tôi yêu Nhật Bản
Tôi không phải người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đỉnh Phú Sĩ và chắc cũng không phải nhà báo Việt Nam đầu tiên viết bài về biểu tượng tuyệt đẹp này của đất nước Mặt trời mọc. Bài viết của tôi giới thiệu về ngọn núi cao 3.776m hình thành cách đây 100.000 năm cũng không có gì đặc biệt, nhưng đổi lại nó là một chuyến hành trình mà đến giờ kể lại tôi vẫn thấy… ngượng.


Bình minh trên đỉnh Phú Sĩ

Sự kiện này xảy ra cách đây đến 10 năm, khi tôi đang làm việc cho Đài Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (NHK). Thính giả của đài đương nhiên đã biết đến Fuji-san (tên thường gọi trong tiếng Nhật của núi Phú Sĩ) qua những bài giới thiệu ngắn gọn mà tôi không thấy hài lòng. “Mình phải có mặt ở đó thì kể cho mọi người mới thuyết phục,” tôi nghĩ thế. Và cái ý tưởng đó dễ dàng được lãnh đạo chấp thuận. Một cuộc tranh luận ngắn gọn với ông đạo diễn về cấu trúc của bài đã mang lại “phần thắng” về tôi – lối giới thiệu từ xa đến gần mà ông thích rốt cục phải nhường chỗ cho cách trình bày đan xen của “chuyên gia”.


Kết hợp với ban tiếng Thái Lan ngay bên cạnh, chúng tôi lên kế hoạch chi tiết. Thành phần gồm tôi (chuyên gia ban tiếng Việt), anh chuyên gia ban tiếng Thái hiền lành và to cao cùng hai nữ đồng nghiệp trong đó có cô người Nhật với cái giọng rất thánh thót. Một đội hình cực kỳ… lãng mạn nhưng xin cam đoan là thuần túy vì mục đích công việc. Được thông báo chi tiết về vấn đề thời tiết (người Nhật vốn cẩn thận) nhưng hành trang của tôi khá gọn gàng vì nghĩ sức mình không thể vác nặng. Trưa hôm sau gặp nhau ở ga tàu điện tại Tokyo, cô bạn Nhật vẻ mặt rất nghiêm trọng đưa cho xem vài món đồ dành riêng cho việc leo núi, trong đó có cả những cái chai ôxy (giống như là bình gas du lịch vậy, nhưng có phần để chụp vào mặt). Tôi cười bảo mình không cần, và chắc rằng anh bạn cao đến 1m85 có khi còn phải hô hấp nhân tạo cho người khác.


Người VN trên đỉnh Phú Sĩ

Nằm gần bờ Thái Bình Dương của đảo chính Honshu trên đường ranh giới giữa hai tỉnh Shizuoka và Yamanashi, phía Tây Tokyo, núi Phú Sĩ có thể được nhìn rõ từ thủ đô vào những hôm trời quang. Mỗi năm có khoảng 200.000 người leo núi Phú Sĩ, trong đó khoảng 30% là người nước ngoài, và thời gian phù hợp nhất để lên tới đỉnh ngọn núi này là từ 1/7 đến 27/8. Người ta chia thành 10 trạm từ chân lên đỉnh núi nhưng đường lên tới trạm thứ 5, tức là đã cao tới 2.300m so với mặt biển, được lát đá đàng hoàng. Kiểu truyền thống nhất (hiện rất ít người thực hiện) là mặc đồ trắng và leo một mạch từ chân núi vào buổi đêm để có thể lên tới đỉnh núi đúng lúc mặt trời mọc, nhưng chúng tôi “chơi” kiểu an toàn như hầu hết các du khách: Xuất phát vào buổi chiều ở trạm thứ 3 vì… ôtô có thể lên tận nơi), tới trạm thứ 9 thì nghỉ đêm và sáng sớm leo nốt đoạn còn lại.

Kết thúc bữa trưa muộn, cả nhóm còn loanh quanh khá lâu tại các cửa hàng nhỏ để mua vài thứ đồ lặt vặt. Mỗi người tự sắm cho mình một chiếc gậy trèo núi bằng gỗ tiện – thực ra lúc đó tôi thấy cũng chẳng cần thiết nhưng vẫn cố mang vì cái thủ tục là cứ đến mỗi trạm cần phải đóng một cái dấu lên đó để chứng thực sự hiện diện của mình.

Mọi chuyện hoàn toàn suôn sẻ cho đến khi chúng tôi leo đến trạm thứ 5. Đường dốc thoai thoải, leo cũng chẳng thấy mệt, cứ từng đoàn nối nhau mà tiến bước, nói cười rộn ràng. Tôi lại là loại lắm lời, “đài cứ phát liên tục,” kể đủ loại chuyện chọc cười cả nhóm. Càng leo càng vã mồ hôi, và bất chấp lời khuyên của các bạn, tôi nhất quyết chỉ mặc một chiếc áo pull cho thoải mái. Từ lưng chừng núi nhìn ra xa thấy một cảnh tượng bao la đẹp không gì kể xiết, có thể nhìn thấy những cả những cái hồ xanh ngắt lấp ló giữa cả cánh rừng bạt ngàn. Thỏa chí tang bồng! Cảm xúc tuôn ra dào dạt, tôi nghĩ nếu lúc đó mà viết bài ngay thì khúc dạo đầu thôi cũng tha hồ mà lai láng. Thậm chí tôi chợt có ý tưởng đứng luôn đó mà làm một chương trình phát thanh trực tiếp thì mới gọi là “hết ý.”

Nhìn đã thấy sẽ vất vả khi leo lên đỉnh

Nhưng leo lên cao, nhiệt độ thay đổi nhanh, vừa mới nóng là thế, rồi chuyển sang mát và cuối cùng là… lạnh. Mới qua trạm thứ 5 một lúc thì đầu óc tôi đã bắt đầu váng vất. Cố không thể hiện ra ngoài nhưng chắc nhìn qua thì rõ ràng là tôi “có vấn đề” nên một đồng nghiệp nữ cứ theo sát để… phòng xa, trong khi cô kia cũng đang phải kè kè anh bạn Thái Lan mà tôi không để ý rằng đã bị tụt lại khá xa. Anh này thì không cảm không lạnh gì cả, nhưng đang phải vất vả kéo cái thân xác quá khổ (ít nhất cũng 80kg) lên dốc. Đã thế, những đoạn thoai thoải lại không còn, đôi chỗ phải trèo khá là khó khăn. Tốc độ leo bắt đầu chậm dần, trời lại bắt đầu tối, vừa đi còn phải vừa soi đường. Thời gian nghỉ ở trạm thứ 6 khá lâu chúng tôi mới có thể nối lại hành trình.

Lên đến trạm thứ 7 thì tôi thấy mình không thể chịu nổi nữa. Ý nghĩ ngay tức thời của tôi lúc đó là… quay xuống. Người mệt rã rời, chỉ muốn nhắm mắt làm luôn một giấc mãi mãi không cần dậy, nghĩ đến chuyện bò xuống cũng thấy là cả một thử thách. Tình hình tiếp tục trở nên trầm trọng hơn khi tôi bắt đầu chuyển từ tư thế ngồi sang… nằm sóng sượt, lên cơn sốt “xình xịch.” Các đồng nghiệp thậm chí bàn đến chuyện gọi đội cấp cứu lên cáng xuống. Nhưng muốn vậy cũng phải chờ ít nhất 2-3 tiếng. Thuốc thang thì không có, ngoài chai dầu gió nhỏ mang ra bôi đại vào đầu, vào cổ. Tôi chặc lưỡi: “Nghỉ một tí nữa xem sao.” Cũng không nhớ cái gọi là “một tí” kéo dài bao lâu nhưng rồi tôi vẫn gượng dậy được. “Bây giờ mà xuống thì còn khổ hơn leo lên, đi thôi,” tôi cố cười và tỏ ra mạnh mẽ.

Expressway Map

Chặng đường từ trạm 7 lên trạm 8 sao mà dài thế. Cô bạn kiên nhẫn đi bên cạnh, chăm sóc kỹ càng, động viên liên tục. Tốc bộ thì quá rùa bò, ấy vậy mà hai chúng tôi vẫn bỏ xa “đôi” kia, thỉnh thoảng cứ phải đứng lại chờ. Anh bạn Thái Lan lúc này mặt mũi chắc phải tái nhợt, cứ một đoạn là cô đồng nghiệp Nhật Bản (may là cũng khá to cao) úp cái bình ôxy vào mặt cho thở. Sau một cốc mì ăn liền ở trạm thứ 8, tôi vã mồ hôi và có vẻ hồi phục chút ít. Nhưng rồi sự hăm hở nhờ cốc mì nóng nhanh chóng chấm dứt và tôi lại trở lại cái trạng thái ì ạch, tuy là đỡ tệ hơn lúc mới bị cảm.

Từ đỉnh núi nhìn xuống

Đặt chân tới nhà trọ ở trạm thứ 9 thì đã phải 10 giờ đêm. Tính ra thời gian chúng tôi đi từ trạm 3 đến đó thì các đoàn khác không những đã kịp từ chân núi lên tới đỉnh (thông thường đi một mạch chỉ mất khoảng 7 tiếng là tối đa), mà có khi còn… xuống được vài trạm. Vừa cởi balô ra khỏi vai ở nhà trọ thì tôi chực nôn, vội chạy ra sau nhà. Nhưng trong hoàn cảnh đầu óc quay cuồng như thế, gần như mê đi như thế, cứ lao đầu vào để chuẩn bị cho cả gan ruột tự do lộn ra như thế, các giác quan của tôi vẫn cảm nhận được cái mùi xú uế kinh khủng của cái nhà vệ sinh ở trên cao mấy ngàn mét, thiếu thốn nguồn nước. Tịt luôn! Tôi quay trở lại bàn ăn, mang theo cả cái sự nôn nao mà vì quá sợ đã không thể giải quyết.

Một bát súp miso (canh đậu tương) nóng rẫy đã kịp thời đưa tôi trở lại trạng thái cân bằng. Bốn người ngồi quanh một cái bàn nhỏ, thưởng thức một bữa tối cũng khá đầy đủ như là ở một nhà hàng dưới mặt đất. Tuy ốm nhưng tôi ăn ngon miệng, vào đến đâu là tỉnh ra đến đó. Tôi cảm thấy thoải mái hơn, thậm chí ngồi trò chuyện với nhau đến tận hơn 12h đêm mới đi ngủ. Chỗ vừa ngồi ăn được dẹp bàn đi, và cứ thế trải đệm ra mà nằm, các nhóm cứ nằm sát nhau, chẳng cần phân biệt trai gái gì cả.

Một trạm nghỉ chân trên đường lên đỉnh núi

3 giờ sáng, chủ nhà trọ đã đánh thức mọi người dậy để không bị lỡ mất cơ hội ngắm mặt trời lên – giây phút quan trọng nhất của cả hành trình. Tất cả nhào dậy khoác áo thật ấm để lên đường vì giữa mùa hè nhưng nhiệt độ trên đỉnh núi vào lúc đó rất lạnh, chỉ khoảng vài độ C. Trời tối đen như mực, các đoàn lại nối đuôi nhau, những ánh đèn pin lấp loáng. Tôi tuyệt nhiên không thấy mệt, cứ thế leo thẳng lên tới đỉnh, và cùng cả vài ngàn người ồ lên khi quả cầu đỏ từ từ hiện ra. Nhưng sau khoảng 15 phút ngắm mặt trời, sau khi chúng tôi rời mỏm đá và ngồi xuống một cái phản vuông giữa trời để nghỉ thì tôi từ từ nằm xuống và cứ thế thiếp đi mê mệt, hoàn toàn không nhận ra lúc mặt trời lên cao và chói chang vào giữa mặt. Có một lúc tôi đã tỉnh lại, phản xạ vớ lấy lọ dầu để bôi khắp những chỗ nào cho là cần thiết và… mê man tiếp.

Du khách chinh phục núi Phú Sĩ

Có một tục lệ thú vị dành cho những người lên tới đỉnh Phú Sĩ là đi vòng qua bên kia miệng núi – vốn là miệng núi lửa không còn hoạt đông – để bỏ một lá thư hoặc bưu thiếp có đóng dấu bưu điện trên đỉnh ngọn núi này. Thời gian để đi làm cái việc có ý nghĩa này mất khoảng 2 giờ. Để lại một cô bạn trông tôi, cô bạn kia cùng anh chuyên gia Thái Lan lặn lội đi gửi bưu thiếp, quay về ngồi chờ chán chê tôi mới tỉnh dậy. Mặt đỏ tưng bừng vì nắng, tôi làm một hơi hết lon nước lạnh và quyết định… đi về. Nhìn chu vi miệng núi lửa quá lớn, tôi nghĩ mình không đủ sức.

Đoạn đi xuống thì nhanh và dễ dàng hơn nhiều, nhưng với sức khỏe không được tốt lắm thì kể cả những việc đơn giản cũng trở nên khó khăn. Đường đi theo kiểu zíc zắc, sườn núi thì phẳng và trơ trụi, cảm giác cứ như đi giữa dốc ở sa mạc. Nhìn xa xa thấy có hình người bé tị, coi đó là cái mốc để hướng tới cho đỡ ngại, thế mà đi mãi vẫn thấy những cái chấm là những cái chấm, chẳng to hơn tẹo nào. “Hành trình trên sa mạc” kéo dài chừng 4-5 tiếng, chân đau và mỏi nhừ, mặt mũi ai cũng phờ phạc. Hình như tôi là người tỏ rõ sự “kém tắm” đầu tiên khi gợi ý thuê ngựa thồ. Tất nhiên là để thực hiện được cái ý tưởng này thì chúng tôi còn phải đi bộ thêm chừng 1 tiếng nữa mới tới cái trạm có ngựa. Hai “đực rựa” chung một con, hai thiếu nữ cưỡi một con – có người dắt. Thở phào!

Thế nhưng vừa đi được chừng 5 phút thì chúng tôi thấy rằng leo lên ngựa là một sai lầm. Vì đi xuống dốc nên người ngồi trên cứ bị ngửa ra sau, tư thế không thoải mái chút nào, mà không cẩn thận là ngã ngay. Rồi khi ra đến đoạn đường bằng, tôi vẫn không thoải mái vì cứ có cảm giác những người đi ngược lại (lên núi) nhìn mình coi thường, kiểu “Ô, hai cái anh thanh niên thế kia mà phải cưỡi ngựa!” Thực sự là thấy xấu hổ.

Ngồi trên xe buýt tốc hành về Tokyo, tôi điểm lại cuộc hành trình suốt từ ngày hôm trước. Về tới nhà, sau bữa tối thật nhanh, tôi ngồi ngay vào máy tính để hoàn thiện bài viết cho một chương trình phát thanh 10 phút. Tôi còn kể lại chuyến đi của mình trong một chương trình giao lưu 20 phút với thính giả vào cuối tuần và nhận được nhiều lá thư hỏi han thêm thông tin sau đó. Tất nhiên, tôi chẳng hề đề cập đến vụ sống dở chết dở vì cảm giữa lưng chừng núi, tôi chỉ khoe cây gậy có đóng đủ dấu của từng trạm, cho đến tận trạm thứ 10./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét