Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

GS Nguyễn Minh Thuyết: "Dân không tin kết luận thanh tra"

"Thanh tra việc “chạy công chức” cũng giống như chuyện đi soi ếch, nghe tiếng kêu “ộp ộp” râm ran, nhưng nếu không lội xuống ruộng, không mò vào tận hang sẽ chẳng bao giờ bắt được con ếch nào" – GS Nguyễn Minh Thuyết ví von.
Chia sẻ với phóng viên Infonet xoay quanh câu chuyện "chạy" công chức và kết quả thanh tra vừa được công bố, GS Nguyễn Minh Thuyết – Đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hài lòng vì Hà Nội đã tổ chức thanh tra và sớm đưa ra kết luận. Tuy nhiên, GS. Nguyễn Minh Thuyết lại tỏ ra không tin kết luận này.
Sau một thời gian thực hiện thanh tra, phía Hà Nội mà cụ thể là Sở Nội vụ đã công bố kết luận chưa phát hiện ra trường hợp nào "chạy" công chức 100 triệu đồng như đại biểu HĐND Trần Trọng Dực nêu trước đó. GS nghĩ sao về kết luận này?   

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng người dân và bản thân ông chưa thật tin vào kết luận thanh tra chạy công chức. Ảnh ST
Đầu tiên chúng ta phải ghi nhận và hoan nghênh Hà Nội đã tiến hành thanh tra và công bố kết luận sớm. Nhưng thú thực là, cũng như nhiều người dân, tôi chưa thật tin kết luận này. Có thể nhận thấy tâm lý người dân trong vụ việc này rất lạ: Người ta tin ý kiến của đại biểu Trần Trọng Dực về chuyện chạy công chức, dù không có bằng cớ gì. Trong khi đó, kết luận của đoàn thanh tra thì lại không tin.   
Phải chăng cách thanh tra của chúng ta hiện nay đang thực sự có vấn đề?   
Với cách thanh tra của nước mình thì khó có thể bắt được sâu. Cũng giống như chuyện soi ếch. Từ xa đã nghe tiếng kêu “ộp ộp” râm ran, nhưng nếu không lội xuống ruộng, không mò vào tận hang mà chỉ đút tay túi quần đi trên đường cái thì sẽ chẳng bao giờ bắt được con ếch nào.

Vấn đề ở đây là thanh tra như thế nào. Nếu đoàn thanh tra xuống cơ sở hỏi có ai phải đưa tiền và có ai nhận tiền "chạy công chức” không thì đương nhiên người đưa hối lộ sẽ không nói, người nhận hối lộ cũng làm ngơ. Đã hối lộ thì làm gì có hợp đồng, ký tá; nếu không có bằng chứng ghi âm, chụp ảnh ... nữa thì hòa cả làng.
Nhưng trước khi đoàn thanh tra vào cuộc, ông đã cho rằng họ sẽ có nghiệp vụ để phanh phui tiêu cực. Nhưng kết quả như vậy, liệu có nguyên nhân "nể, né"?           
Khi người ta đã quyết tâm làm thì kiểu gì cũng sẽ làm được. Ví như doanh nghiệp trốn thuế, dù có tinh vi đến mấy, người ta cũng moi ra. Phải chăng ở đây có nguyên nhân thiếu quyết tâm?
Cũng có thể là thanh tra không muốn mất lòng ai? Hay muốn bảo vệ uy tín nội bộ? Nể nang chỗ thân quen? Và có thể còn nhiều lý do khác?
Ai cũng biết, ở nghị trường, đại biểu không nói chơi. Nhưng về phát biểu của ông Trần Trọng Dực, đoàn thanh tra kết luận đó chỉ là tin đồn. Vậy bản thân ông Dực có vai trò và trách nhiệm gì đối với phát ngôn của mình?

Theo GS Thuyết, ông Trần Trọng Dực cần lên tiếng giải thích cho công chúng tỏ tường
Đây thực sự là điều đáng tiếc. Ông Trần Trọng Dực vừa là đại biểu HĐND, vừa là Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hà Nội, khi phát biểu như vậy ông ấy phải có căn cứ. Dù khẳng định hay chỉ "nghe dư luận phản ánh", ông Dực cũng cần lên tiếng giải thích cho công chúng tỏ tường, bởi điều này còn liên quan đến cả uy tín của đại biểu.
Hà Nội khẳng định sẽ không có "vùng cấm" và kiên quyết xử lý nghiêm những tiêu cực trong thi tuyển công chức. Theo ông mức cao nhất người vi phạm có thể phải gánh chịu là gì?
Nếu phát hiện sai phạm thì sẽ phải xử lý đúng quy định của pháp luật. Tùy theo mức độ, có thể xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhân đây, tôi xin nói là ngày xưa triều đình xử lý vi phạm trường quy rất nặng. Theo Từ điển văn học (Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên), năm 1841, quan hành tẩu Bộ Lễ Cao Bá Quát được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, thấy một số bài thi hay mà phạm huý, bèn cùng một người bạn lấy son hoà muội đèn chữa lại cho họ. Việc bại lộ, ông bị kết tội “giảo giam hậu” (án chém nhưng giam lại xét sau). Về sau, được xem xét lại, ông bị cách chức, đưa đi phục dịch cho phái bộ sang Nam Dương (Indonesia) để lấy công chuộc tội.
Chuyện gần đây nhất tôi biết (xảy ra cũng đã hơn 20 năm rồi) là một người quen đỗ tiến sĩ ở Đức về, đang dạy ở một trường đại học lớn ở Thủ đô, chỉ vì chữa bài cho con của bạn trong kỳ thi tuyển sinh đại học mà bị buộc thôi việc ngay.
Xưa nay kỷ luật thi cử đều rất nghiêm. Vì vậy, nếu phát hiện nâng điểm, sai phạm trong thi tuyển công chức chắc chắn sẽ phải xử lý đến nơi đến chốn.
Xin cảm ơn GS!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét