Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

(1) Lão Hạc và con Linh Cẩu

Văn nghệ cuối tuần: Lão Hạc
Chu Mộng Long 5-4-2019
(Chu Mộng Long phỏng truyện của Nam Cao)
Thấy tôi đi dạy về, lão Hạc chạy sang. Chắc là lão chờ đã lâu vì muốn tôi giúp lão điều gì đó. Tôi pha trà, châm đóm mời lão.
– Ông giáo dùng trước đi.
Lão đưa đóm cho tôi, còn trà thì ông dùng trước…
– Tôi xin cụ…
Và tôi cầm lấy đóm, vo viên một điếu. Tôi rít một hơi xong, thông điếu rồi mới đặt vào lòng lão. Lão nhồi thuốc, nhưng chưa hút vội. Lão cầm lấy đóm, gạt tàn, và bảo:
– Có lẽ tôi phải tống con Linh Cẩu vào lò thôi, ông giáo ạ!

Image result for Nguyễn Hữu Linh phó viện trưởng
Lão đặt xe điếu và hút. Tôi vừa thở khói, vừa gà gà đôi mắt của người say, nhìn lão, nhìn để làm ra vẻ chú ý đến câu nói của lão đó thôi. Thật ra thì trong lòng tôi rất dửng dưng. Tôi nghe câu ấy đã nhàm rồi. Tôi lại biết rằng, lão nói là nói để xoa dịu dư luận đấy thôi, chẳng bao giờ lão tống con chó ấy vào lò đâu. Trước đây đàn chó của lão đã từng phạm tội tày đình, hàng trăm trẻ em đã bị chúng hiếp, nạn nhân kêu thấu đến tận trời, có mấy con bị tống vào lò? Vả lại, có tống chúng vào lò thì đã sao? Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế…


Lão hút xong, đặt xe điếu xuống, quay ra ngoài, thở khói. Sau một điếu thuốc lào, óc người ta tê dại đi trong một nỗi đê mê nhẹ nhõm. Lão Hạc ngồi lặng lẽ, hưởng chút khoái lạc con con ấy. Tôi cũng ngồi lặng lẽ. Tôi nghĩ đến mấy quyển sách quý của tôi. Hồi bị ốm nặng ở Sài Gòn tôi bán gần hết cả áo quần, nhưng vẫn không chịu bán cho ai một quyển. Ốm dậy, tôi về quê, hành lý chỉ vẻn vẹn có một cái va ly đựng toàn những sách. Ôi những quyển sách rất nâng niu!

Tôi đã nguyện giữ chúng suốt đời, để lưu lại cái kỷ niệm một thời chăm chỉ, hăng hái và tin tưởng đầy những say mê đẹp và cao vọng: mỗi lần mở một quyển ra, chưa kịp đọc dòng nào, tôi đã thấy bừng lên trong lòng tôi như một rạng đông, cái hình ảnh tuổi hai mươi trong trẻo, biết yêu và biết ghét…

Nhưng đời người ta không chỉ khổ một lần. Mỗi lần cùng đường sinh nhai, và bán hết mọi thứ rồi, tôi lại phải bán đi một ít sách của tôi. Sau cùng chỉ còn có năm quyển, tôi nhất định, dù có phải chết cũng không chịu bán. Ấy thế mà tôi cũng bán! Mới cách đây có hơn một tháng thôi, đứa con nhỏ của tôi bị chứng lỵ gần kiệt sức… Không! Lão Hạc ơi! Ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu? Lão quý con Linh Cẩu của lão đã thấm vào đâu so với tôi quý năm quyển sách của tôi…

Tôi nghĩ thầm trong bụng thế. Còn lão Hạc, lão nghĩ gì? Đột nhiên lão bảo tôi:

– Này! Tôi sống yên ổn và hưởng lạc 75 năm nay là nhờ mấy con chó đó, ông giáo ạ!

À! Thì ra lão đang nghĩ đến cơ nghiệp của lão. Lão gốc bần hàn, từ khi nuôi được đàn chó, lão có tất cả, đất đai, nhà lầu, ô tô… Mấy con chó của lão rất khôn. Lão chỉ cần ngồi một chỗ ra hiệu lệnh là mấy con chó của lão xông lên cắn người, giết người, cướp của.

Nhiều người kiện lão nhưng chẳng ăn thua, vì lão đổ lỗi hết cho đàn chó. Một người phòng vệ quá mức đã bắn chết mấy con chó của lão mà bị án tử hình. Vậy là không ai dám phản kháng. Bây giờ đất nhà dân xung quanh bị cướp hết thì đàn chó ấy lại đi hiếp dâm trẻ em.

Hôm tôi mới về thấy con Linh Cẩu yêu quý nhất của lão hiếp một em bé mà sởn da gà. Nó đè em bé xuống và làm động tác… rất chó. Và thế là giọt nước tràn ly, dư luận ồn ào đòi làm thịt con Linh Cẩu của lão.

Thấy tôi không mặn mà với chuyện của lão, lão vội cắt nghĩa cho tôi hiểu tại sao lão lại tỏ ra hết mực đau khổ với con chó:

– Con Linh Cẩu này là cả sản nghiệp của tôi đấy chứ!… Nó đã cống hiến cả đời nó cho tôi, là niềm tự hào của tôi. Định chờ khi nó chết tôi sẽ làm cho nó một tang lễ cấp cao…

Ấy! Sự đời lại cứ thường như vậy đấy. Người ta đã định rồi chẳng bao giờ người ta làm được. Lão thương con chó lắm. Biết nó hư hỏng nhưng giết nó thì không nỡ. Nó ấu dâm cũng bởi vì nó từng dính lẹo với đủ loại chó cái đến kỳ động dục. Mỗi lần dính lẹo như vậy chắc là đau lắm nên nó kêu ẳng ẳng đến thê thiết. Nó chán mớ đời nên mới ấu dâm. Mà sự thực ấu dâm ít nguy hiểm hơn lão dâm. Không ngờ…

Lão rân rấn nước mắt, bảo tôi:

– Trước khi đi ấu dâm, nó tha về cho tôi một túi tiền, ông giáo ạ! Chả biết nó tha ở đâu ra. Khi đưa túi tiền cho tôi, nó liếm tôi từ chân đến đầu, chừng như nó bảo: “Con biếu bố tiền để bố đi chợ; xưa nay bố được tiếng liêm khiết, ăn toàn mắm muối dưa cà, xem chừng không đủ sức mà nuôi đàn chó…”. Tôi chỉ còn biết khóc, chứ còn biết làm sao được nữa? Nó là con chó trung thành. Nó có nịnh tôi cũng là nịnh trong sáng chứ đâu phải như người ta bôi nhọ, chế giễu?…

***

Lão Hạc ơi! Bây giờ thì tôi hiểu tại sao lão không muốn tống con Linh Cẩu của lão vào lò. Lão chỉ còn một mình nó để làm khuây. Bây giờ thì nếu tống nó vào lò lão sẽ sống với ai? Già rồi mà ngày cũng như đêm, chỉ thui thủi một mình thì ai mà chả phải buồn? Những lúc buồn, có con chó làm bạn thì cũng đỡ buồn một chút.

Lão gọi nó là Linh Cẩu như một bà hiếm muộn gọi tên đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra bể tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát bằng vàng. Lão ăn gì lão cũng chia cho nó cùng ăn. Những khi lão nói chuyện với dân làng thì nó ngồi ở dưới hếch mõm lên nghe như nuốt từng lời rồi sủa gâu gâu tán thưởng. Tới bữa tiệc thì lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Rồi lão chửi yêu nó, lão nói với chó như nói với một đứa cháu bé. Lão bảo nó thế này:

– Cậu có thương bố cậu không? Hả cậu Linh Cẩu? Bố cậu là ta đây. Ta đẻ ra cậu được ba năm rồi đấy… Hơn ba năm… Có đến ngót bốn năm… Không biết đến bao giờ ta lại đẻ được con chó trung thành như cậu. Không trung thành với ta thì liệu hồn cậu đấy!

Con Linh Cẩu vẫn hếch mõm lên nhìn, chẳng lộ một vẻ gì; lão lừ mắt nhìn trừng trừng vào mắt nó, to tiếng dọa:

– Người ta đòi giết mày đấy! Mày có biết không? Nếu bố đồng ý cho vào lò thì… bỏ bố!

Con chó tưởng chủ mắng, vẫy đuôi mừng, để lấy lại lòng chủ. Lão Hạc nạt to hơn nữa:

– Mừng à? Vẫy đuôi à? Vẫy đuôi thì cũng giết! Cho cậu chết!

Thấy lão sừng sộ quá, con chó vừa vẫy đuôi, vừa chực lảng. Nhưng lão vội nắm lấy nó, ôm đầu nó, đập nhè nhẹ vào lưng nó và dấu dí:

– À không! À không! Không giết Linh Cẩu đâu nhỉ!… Linh Cẩu của bố ngoan lắm! Bố không cho giết… Bố để Linh Cẩu bố nuôi…

Lão buông nó ra để nhấc chén, ghé lên môi uống. Lão ngẩn mặt ra một chút, rồi bỗng nhiên thở dài. Rồi lão lẩm bẩm tính. Đấy là lão tính cách xử êm cho cậu Linh Cẩu…

Sau vụ ấu dâm, con Linh Cẩu của lão trốn biệt trong buồng. Mặc dù lão đã sang thương lượng với người nhà nạn nhân để không bị tố giác, nhưng dân làng thì ầm ĩ lên. Nhiều người đã treo cả cái đầu chó trước nhà lão để bôi nhọ. Có đứa còn treo cả sì líp đỏ chót trước cổng để hạ nhục cả nhà lão. Lão lén ra gỡ hết thì lại bị xịt sơn lên cổng dòng chữ đen ngòm: “Địa điểm du lịch ấu dâm”. Con chó ấu dâm mà họ làm như chủ gia của nó ấu dâm vậy.

Lão lắc đầu chán nản, bảo tôi:

– Ấy thế mà bây giờ thì không thể giấu con Linh Cẩu được nữa, ông giáo ạ! Tôi ốm mất về vụ tai tiếng này. Chưa bao giờ tôi thấy tệ hại như bây giờ…

Sau sự vụ này người lão Hạc gầy rọp đi, mi mắt đã sụp xuống nay càng sụp hẳn. Lão cố mở to mắt ra nói:

– Thì ra cậu Linh Cẩu khỏe hơn cả tôi ông giáo ạ. Mỗi ngày cậu ấy ăn toàn cao lương mĩ vị. Trước kia còn phải đi cướp nhà cướp đất cướp tiền của người khác nên nó có dâm thì dâm vừa vừa thôi. Nay nó được nghỉ, no cơm ấm cật nên rậm rật suốt ngày, không cho nó ấu dâm liệu có được phỏng? Mà cho cậu ấy ăn ít thì cậu ấy gầy đi, mà mình thì lại mang tiếng đối xử với chó thiếu nhân văn…

Lão ngắt lại một chút, rồi tắc lưỡi:

– Thôi thì tống phắt nó vào lò đi! Hạ nhiệt được cơn nóng giận của dân làng chút nào hay chút ấy. Bây giờ dân không ngu và hèn như ngày xưa nữa nên khó mà dày mặt với dân. Cứ lạnh lùng tống nó vào lò xong thì sẽ cho cả đàn chó ra cắn đứa nào làm loạn trước cổng. Ông giáo thấy tôi làm vậy có được không?

***

Hôm sau lão Hạc sang nhà tôi. Vừa thấy tôi, lão báo ngay:

– Cậu Linh Cẩu đi đời rồi, ông giáo ạ!

– Tống vào lò thật à?

– Tống rồi? Vừa cho người bắt xong.

Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước, tôi muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc. Bây giờ thì tôi không xót năm quyển sách của tôi quá như trước nữa. Tôi chỉ ái ngại cho lão Hạc. Tôi hỏi cho có chuyện:

– Thế nó chịu bị bắt à?

Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và đôi mắt sầm sập của lão như tối hắn lại. Lão hu hu khóc…

– Khốn nạn… Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Mấy hôm nay nó tưởng yên chuyện nên trốn ra khỏi buồng để tìm các bé gái đi lạc mẹ. Nó thấy tôi gọi thì chạy như bay về, vẫy đuôi mừng. Tôi đãi cho nó một bữa tiệc. Nó đang ăn thì thằng An nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng An với thằng Côn, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại rồi lôi tuột đi. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Chim dái to tướng vậy mà ỉu xìu hết. Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”.

Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét