Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

Báo chí: cuộc khủng hoảng bao giờ kết thúc?

Đoạn này hay: do nhiều nhà báo thất nghiệp, chuyển sang viết FB và bất mãn, "tôi phải chúc mừng ông Mark Zuckerberg và những ông chủ khác của Youtube, Tweeter… họ sau này có thể sẽ đón nhận những tay viết rất có chất lượng từ Việt Nam, viết free, để mạng xã hội Việt Nam ngày càng sôi động và họ sẽ có thêm nguồn thu đáng kể từ các nguồn quảng cáo tăng thêm cho trang của mình. Còn những tay viết mới-những nhà báo bị loại khỏi công việc họ đang làm bởi quá trình sắp xếp, sáp nhập, chia tách báo chí lớn nhất trong lịch sử báo chí VN hàng chục năm qua, họ sẽ viết gì trên FB? Ôi thôi, tôi cũng không dám hình dung...". Theo mình, tờ nào tồn tại, tờ nào phát triển, tờ nào biến mất, tốt nhất Thủ tướng nên để độc giả quyết định vì họ là người trả tiền để đọc báo ! Nhiều Fbkers gốc nhà báo đã trở thành Quá Bảnh, Siêu Bảnh, Thiệt Bảnh... chứ không chỉ là Khá Bảnh. Quy hoạch để dễ quản nhưng sẽ làm phát sinh thất thoát một lượng lớn tài năng và đẩy nhiều người từng tin vào sự lãnh đạo sang thành chán ghét, thậm chí chống phá. Ôi khi ấy chắc chỉ có cắt cáp quang may ra mới giảm được hậu quả!
Báo chí Việt Nam, cuộc khủng hoảng bao giờ kết thúc?
Mạnh Quân 7-4-2019 - Ai cũng đã biết, Quyết định phê duyệt Quy hoạch báo chí VN đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành. Mức độ ảnh hưởng của quyết định này đến hàng trăm tờ báo, hàng chục ngàn nhà báo và phía sau cũng là hàng vạn người thân của họ là rất lớn. Bởi có nhiều tờ báo phải thu hẹp phạm vi hoạt động, nhiều tờ phải sáp nhập … sẽ có nhiều nhà báo công việc trở lên khó khăn hơn, và rất có thể sẽ có những người rơi vào cảnh thất nghiệp.
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và đám đông
Nhiều nhà báo có mặt trong số xe ôm này.
Tôi đã từng rơi vào tình cảnh thất nghiệp một thời gian, khi tờ Sài Gòn Tiếp thị bị đình bản vĩnh viễn, khi nó được cho là một sản phẩm được xuất bản không đúng quy định: Trung tâm Xúc tiến đầu tư của một Sở thuộc TP HCM thì không được ra báo (Ở đây, nó có gì đó, sẽ rất giống với nhiều tờ báo đang trong diện quy hoạch). Khi đó, tờ SGTT được đưa về Thời báo Kinh tế SG nhưng nhân sự, bộ máy của nó khá lớn và Thời báo KTSG chỉ tiếp nhận được đâu hơn chục người… Thực chất SGTT đã biến mất, chỉ còn duy trì một tên báo giống như nó, tồn tại lay lắt. Thế là hơn 100 người còn lại tan tác, thất nghiệp. Mãi cho đến bây giờ, mọi người mới tìm được việc làm nhưng nhiều người, cho dù đã có việc nhưng cơ bản vẫn khó khăn, vất vưởng hơn nhiều so với thời kỳ làm ở SGTT.

Có anh em trong số đó, vốn là nhà báo khá hiền lành, đã trở thành facebooker luôn thể hiện thái độ không còn tin tưởng gì với nhà nước, sau biến cố đó.

Nhưng đó mới chỉ là ở cấp độ 1 tờ báo hạng vừa. Còn sắp tới đây, hàng loạt tờ báo với ít nhất là hàng ngàn con người ở một loạt tờ báo, có những tờ báo có đội ngũ nhân sự rất lớn như Tuổi trẻ, Pháp luật TP HCM, Người lao động, Thanh niên, Công an TPHCM… vốn là những tờ báo đang hoạt động lành mạnh, hiệu quả, có đóng góp lớn cho xã hội bỗng chốc phải thay đổi tổ chức, bộ máy, sáp nhập… thì mức độ ảnh hưởng nó còn lớn đến thế nào? Đúng là đáng… rùng mình.

Mặc dù ghi nhận rằng, quy hoạch báo chí sẽ có những hiệu quả, tác dụng tích cực nhất định như dẹp bớt những tờ báo, tạp chí làm ăn luộn thuộm, suốt ngày tung quân đi “đếm tầng”, tống tiền DN… viết lách giật gân, câu khách rẻ tiền, khiến nhiều Doanh nghiệp sẽ bớt khổ. Nhưng với rất nhiều tờ báo hoạt động rất đàng hoàng, lành mạnh, một khi bị quy hoạch khiến từ chỗ là báo, bị đưa xuống tạp chí, rồi bị siết về nội dung…đó là cả một thay đổi, tác động vô cùng lớn mà chưa chắc đã đem lại môtj kết quả tích cực mà có thể là một hậu quả vô cùng tai hại.

Thực sự, bài viết này còn khá nhạt bởi tôi không dám viết hết tay về những suy nghĩ, quan điểm của mình về bản quy hoạch này.

Nhưng có lẽ, tôi phải chúc mừng ông Mark Zuckerberg và những ông chủ khác của Youtube, Tweeter… họ sau này có thể sẽ đón nhận những tay viết rất có chất lượng từ Việt Nam, viết free, để mạng xã hội Việt Nam ngày càng sôi động và họ sẽ có thêm nguồn thu đáng kể từ các nguồn quảng cáo tăng thêm cho trang của mình.

Còn những tay viết mới-những nhà báo bị loại khỏi công việc họ đang làm bởi quá trình sắp xếp, sáp nhập, chia tách báo chí lớn nhất trong lịch sử báo chí VN hàng chục năm qua, họ sẽ viết gì trên FB? Ôi thôi, tôi cũng không dám hình dung …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét