Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Tin được không: Dự án lọc dầu 27 tỷ USD

Tin được không: 

Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) vừa đăng ký đầu tư xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu tại Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) với mong muốn khởi công từ đầu 2016. Dự án tiền khả thị cũng đã được trình lên Thủ tướng.

Trao đổi với VnExpress.net sáng 12/1, ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng về dự án nhà máy lọc dầu mà Tập đoàn Dầu khí Thái Lan đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã yêu cầu tỉnh Bình Định làm rõ, bổ sung thêm một số vấn đề kỹ thuật dự án để tiếp tục trình Chính phủ xem xét, đưa vào quy hoạch dự án tổ hợp lọc-hóa dầu này.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định lạc quan với dự án trị giá 27 tỷ USD. Ảnh: Trí Tín.

"PTT cam kết về khả năng tài chính và tỉnh tin tưởng dự án lọc-hóa dầu 27 tỷ USD hoàn toàn khả thi vì đây là Tập đoàn của Chính phủ Thái Lan. Tổng tài sản của Tập đoàn đến hơn 50 tỷ USD nên dự án đủ cơ sở để triển khai tại Bình Định. PTT đang hợp tác với Công ty Dầu khí quốc gia Thái Lan cùng các đối tác Việt Nam thực hiện dự án này", ông Dũng lạc quan.
Theo ông Dũng, nếu Thủ tướng chấp thuận, dự án sẽ khởi công vào đầu năm 2016, dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2019. Ý nghĩa lớn nhất của dự án là có thể chế biến đa dạng sản phẩm lọc dầu và hóa dầu mà Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á đang có nhu cầu rất lớn.

Lãnh đạo Sở Công Thương Bình Định cũng cho biết thêm, sau hơn ba năm đàm phán, PTT đã chính thức đăng ký đầu tư dự án lọc - hóa dầu gần 27 tỷ USD tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Nhà máy xây dựng trên diện tích 2.000 ha, có công suất khoảng 30 triệu tấn mỗi năm. Nguyên liệu dầu thô sẽ nhập khẩu từ Trung Đông, châu Phi, Nam Trung Mỹ với hơn 20 dòng sản phẩm lọc dầu và hóa dầu, chủ yếu để xuất khẩu.

Trước đó, tháng 11/2012, làm việc với tỉnh Bình Định, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan khẳng định quyết tâm muốn xây dựng một nhà máy lọc dầu có công suất 660.000 thùng mỗi ngày tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Đây là dự án lọc - hóa dầu có công suất 30 triệu tấn sản phẩm mỗi năm, qui mô thuộc hàng lớn nhất thế giới hiện nay.

Hiện Việt Nam mới có một nhà máy lọc hóa dầu duy nhất là Dung Quất với sản lượng 130.000 thùng mỗi ngày. Sau khi đi vào hoạt động từ năm 2009, nhà máy Dung Quất đáp ứng 1/3 nhu cầu trong nước.

Dự án xây dựng nhà máy nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đang trong giai đoạn ký hợp đồng tổng thầu. Nhà máy này có công suất thiết kế khoảng 200.000 thùng mỗi ngày. Trong số các chủ đầu tư của dự án có hãng lọc dầu lớn thứ ba của Nhật Idemitsu Kosan và công ty đến từ Kuwait - Kuwait Petroleum International (mỗi bên sở hữu 35,1% cổ phần), PetroVietnam và một công ty khác đến từ Nhật - Mitsui Chemicals sở hữu lần lượt 25,1% và 4,7% còn lại.

Một công ty khác của Thái Lan là Siam Cement PCL cùng đối tác đưa ra kế hoạch xây tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) trị giá 4,5 tỷ USD. Siam Cement và các công ty con sẽ chiếm 48% cổ phần tại dự án. Số cổ phần còn lại có thể thuộc về các công ty Qatar International Petroleum Marketing, Tasweeq, Petrolimex hay PetroVietnam. Tuy nhiên, dự án này đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn, do đó bị trì hoãn từ năm 2009 mãi đến nay.

Trí Tín
----------
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2012/11/khong-de-tieu-thu-du-an-loc-dau-28-7-ty-usd/

Không dễ 'tiêu thụ' dự án lọc dầu 28,7 tỷ USD

Nhu cầu trong nước của Việt Nam chỉ bằng hai phần ba công suất của dự án, số vốn đầu tư lên tới 28,7 tỷ USD mà Tập đoàn Dầu khí Thái Lan PTT định thu xếp cũng quá lớn so với khả năng hấp thụ.
Thái Lan muốn xây nhà máy lọc dầu 'khủng' ở Việt Nam

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Thái Lan (PTT PLC) hiện là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất tại Thái Lan. Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của hãng ở mức 1.402.412 triệu baht, tương đương 45,7 tỷ USD. Con số này tăng đáng kể so với 2010 ở 40 tỷ USD.
Doanh thu năm 2011 của PTT tăng 30% so với 2010, lên 2.428.165 triệu baht, tương đương 72 tỷ USD. Lợi nhuận ròng cũng tăng 27%, từ 2,7 lên 3,4 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục của PTT từ khi ra đời đến nay.
Thị phần của PTT trong lĩnh vực dầu khí tại Thái Lan tiếp tục tăng trong năm vừa rồi, từ 34,5% năm 2010 lên 35,8% năm 2011, lớn nhất trong số các công ty kinh doanh xăng dầu tại đây.
Thông tin Tập đoàn Dầu khí Thái Lan muốn đầu tư một nhà máy lọc dầu trị giá 28,7 tỷ USD tại Bình Định đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Hiện địa phương vẫn chưa có ý kiến gì thêm sau thông tin công bố tuần trước.
Phát biểu trên tờ Bangkok Post, Giám đốc điều hành PTT cho rằng tiềm năng tại Việt Nam rất lớn vì đất nước 86 triệu dân này mới có một nhà máy lọc dầu. Với công suất 660.000 thùng mỗi ngày, nếu dự án được thực thi, đó sẽ là một trong 5 nhà máy lọc dầu lớn nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngay cả ở Thái Lan cũng không có nhà máy lọc dầu nào lớn bằng.
Theo lãnh đạo PTT, họ chọn tỉnh Bình Định vì nghiên cứu của công ty con PTT Energy Solutions cho rằng vị trí địa lý ở đây phù hợp để xây một nhà máy lọc dầu cỡ lớn. Nhơn Hội có một khu cảng với trọng tải 30.000 tấn và sẽ được mở rộng vào năm 2020. PTT dự định nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Đông và sản phẩm làm ra được tiêu thụ ngay tại thị trường Việt Nam.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho hay, vốn đầu tư dự án lên tới 28,7 tỷ USD với công suất 660.000 thùng mỗi ngày, gấp 4-5 lần nhà máy lọc dầu Dung Quất, là một con số rất lớn. Nếu đi vào hiện thực, dự án có thể tạo nguồn thu, đóng góp thuế và tạo công ăn việc làm cho người lao động. 
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho hay, ông rất băn khoăn về tính khả thi của dự án. Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn, theo ông Minh, việc kêu gọi đầu tư không dễ dàng. Điển hình mới đây Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi dự án hơn 4 tỷ đôla Long Sơn để tập trung cho ngành nghề chính.
Ngoài ra, Phó viện trưởng Viện Dầu khí còn cho rằng, để triển khai dự án cần đánh giá đầy đủ tác động môi trường, tác động kinh tế xã hội và đặt trong quy hoạch chung của cả nước. "Trong kế hoạch phát triển ngành dầu khí, không thấy dự án này nằm trong quy hoạch", ông Minh cho hay.
Hiện nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đáp ứng được 30% nhu cầu trong nước. Trong trường hợp dự án đi vào hoạt động phục vụ mục tiêu xuất khẩu, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với nhiều nhà máy lọc dầu lớn ở các nước trong khu vực Nhật, Singapore, Thái Lan. Ngoài ra, cần phải đầu tư đất và cụm cảng rất lớn. "Để tìm hiệu thực sự dự án có thể khả thi hay không cần ý kiến của các bộ ngành nghiên cứu thêm", ông Minh nói.
PTT cho biết đã gặp gỡ những công ty xăng dầu lớn tại Việt Nam như PetroVietnam, Petrolimex, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội để bàn về tính khả thi của dự án. Tuy nhiên, qua trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) cho biết ông mới chỉ nghe thông tin qua báo chí về dự án lọc dầu ở tình Bình Định. "Trong chiến lược phát triển của tập đoàn, hoàn toàn không nhắc đến dự án này", lãnh đạo này tiết lộ.

Pailin Chuchottaworn
Ông Pailin Chuchottaworn, CEO của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan cho biết vẫn còn quá sớm để nói chuyện rót vốn cho dự án lọc dầu tại Việt Nam. Ảnh: Bloomberg
Giới chuyên gia quốc tế cũng tỏ ra thận trọng với dự án quy mô "khủng". Phát biểu với Reuters, chuyên gia Alex Yap từ hãng tư vấn năng lượng FACTS Global Energy nhận định đây là một dự án đầy tham vọng, nhất là khi hiện cũng có ít nhất 2 dự án lọc dầu khác đang được triển khai tại Việt Nam.
"Nhu cầu trong nước của Việt Nam chỉ khoảng 400.000 thùng mỗi ngày, một phần ba trong số này đã được đáp ứng nhờ nhà máy lọc dầu Dung Quất", ông Alex Yap nhận định. Theo đó, nếu nhà máy của PTT đi vào hoạt động, họ sẽ lâm vào tình trạng thừa dầu với công suất 660.000 thùng mỗi ngày. Trong khi đó, một số nước khác trong khu vực, như Myanmar, đang có nhu cầu xây dựng một nhà máy lọc dầu, chuyên gia này gợi ý.
Trước Việt Nam, PTT đã thực hiện khảo sát tại nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN, bao gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Ông Pailin Chuchottaworn, CEO của PTT cho biết trong số các quốc gia khảo sát, tiềm năng đầu tư tại Indonesia cao nhất vì hiện tại, chỉ 60% dân số nước này được tiếp cận với điện năng. Ở Myanmar cũng có nhiều cơ hội đầu tư vì tình trạng thiếu điện vẫn còn nhan nhản.
Còn ở Việt Nam, vẫn còn quá sớm để nói về kế hoạch tài chính vì dự án còn chờ sự thông qua từ Chính phủ, ông cho biết. "Sau đó chúng tôi mới ra quyết định đầu tư", CEO của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan nói.
PTT đang hiện diện ở Việt Nam tại nhiều liên doanh khác nhau. Tại lô khai thác dầu khí 52/97 do Chevron Việt Nam quản lý, công ty con của PTT là PTTEP Southwest Vietnam nắm 7% cổ phần. Tại lô khai thác 48/95 B, một công ty con khác là PTTEP Kim Long Việt Nam nắm 8,5% cổ phần. Tại lô 16-1, công ty con PTTEP Hoang-Long nắm 28,5%. Tại lô 9-2, PTTEP Hoan -Vu nắm 25%. Tại Công ty Liên doanh khí hóa lỏng Việt Nam (Vietnam LPG), PTT đang nắm giữ 45%.
Với 4 công ty con PTTEP Southwest Vietnam, PTTEP Hoang-Long, PTTEP Hoan-Vu, PTTEP Kim Long, PTT đều nắm giữ 100% cổ phần và đều đóng trụ sở chính tại Quần đảo Cayman, nằm ở phía Tây quần đảo Caribe.
Thanh Bình - Hoàng Lan

Thái Lan muốn xây nhà máy lọc dầu 28,7 tỷ USD tại Việt Nam

Nhà sản xuất dầu và khí gas lớn nhất Thái Lan đang cân nhắc xây một tổ hợp lọc hóa dầu khổng lồ tại miền Trung Việt Nam.

Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) muốn đầu tư vào dự án lọc dầu lớn nhất Việt Nam.
Theo tuyên bố của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT), họ muốn xây dựng một nhà máy lọc dầu có công suất 660.000 thùng mỗi ngày tại khu công nghiệp Nhơn Hội ở tỉnh Bình Định. Với sản lượng trên, đây sẽ là một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới. Dự kiến tổng vốn đầu tư sẽ ở mức 28,7 tỷ USD, theo tin đưa từ hãng Dow Jones Newswire.
Hôm 22/11, Cổng thổng tin điện tử của UBND tỉnh Bình Định cũng cho biết lãnh đạo tỉnh vừa có cuộc làm việc với ông Sukrit Surabotsopon - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Thái Lan, nghe ông này giới thiệu báo cáo tiền khả thi dự án khu liên hợp lọc hóa dầu.
Trả lời hãng tin Dow Jones Newswire, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết dự kiến nhà máy sẽ được khởi công từ 2016 và những thùng dầu đầu tiên sẽ ra lò vào năm 2019. "Phía PTT đã thể hiện quyết tâm rất cao, do đó chúng tôi tin rằng họ có thể thực hiện được dự án", ông Lộc phát biểu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng cho biết thêm phía PTT đã gặp gỡ một số công ty Việt Nam để bàn về khả năng hợp tác trong dự án này, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Xăng dầu Quân đội.
PTT hiện là hãng lọc hóa dầu lớn nhất Thái Lan.
PTT hiện là hãng lọc hóa dầu lớn nhất Thái Lan. Ảnh: Thailand Business News
Về phía PTT, Giám đốc điều hành của hãng, ông Nattachat Charuchinda xác nhận rằng họ vừa trình bày bản kế hoạch dự án trước các quan chức cấp tỉnh Bình Định hôm thứ năm vừa rồi. Ông cho biết nguồn nguyên liệu dầu thô để phục vụ cho nhà máy sẽ được nhập từ Trung Đông và dự án sẽ bao gồm cả một nhà máy sản xuất các chất thơm để xuất sang Trung Quốc.
Hiện Việt Nam mới có một nhà máy lọc hóa dầu duy nhất là Dung Quất với sản lượng 130.000 thùng mỗi ngày. Sau khi đi vào hoạt động từ năm 2009, nhà máy Dung Quất đáp ứng được khoảng một phần ba nhu cầu trong nước.
Động thái của PTT diễn ra trong thời điểm đang có nhiều nhà đầu tư ngoại khác đổ tiền xây nhà máy lọc dầu tại Việt Nam. Trả lời VnExpress.net mới đây, Tổng Giám đốc PetroVietnam Đỗ Văn Hậu cho biết dự kiến cuối năm nay, dự án xây dựng nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ đến giai đoạn ký hợp đồng tổng thầu. Nhà máy được thiết kế với công suất khoảng 200.000 thùng mỗi ngày sau khi đi vào hoạt động. Trong số các chủ đầu tư của dự án có hãng lọc dầu lớn thứ ba của Nhật Idemitsu Kosan và công ty đến từ Kuwait - Kuwait Petroleum International (mỗi bên sở hữu 35,1% cổ phần), PetroVietnam và một công ty khác đến từ Nhật - Mitsui Chemicals sở hữu lần lượt 25,1% và 4,7% còn lại. Idemitsu Kosan mới đây tiết lộ việc rót vốn đầu tư có thể chậm lại do khó khăn về tài chính.
Một công ty khác của Thái Lan là Siam Cement PCL cùng đối tác đưa ra kế hoạch xây tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn trị giá 4,5 tỷ USD ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Siam Cement và các công ty con sẽ chiếm 48% cổ phần tại dự án. Số cổ phần còn lại có thể thuộc về các công ty Qatar International Petroleum Marketing, Tasweeq, Petrolimex hay PetroVietnam. Tuy nhiên, dự án này đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn, do đó đã bị trì hoãn từ năm 2009 đến nay.
Thanh Bình


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét