Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Đốt lửa chống rét giữa đêm đông Hà Nội


Đêm xuống, ngoài trời lạnh 8-9 độ C kèm mưa phùn khiến những xe ôm, bốc vác, bảo vệ, bán hàng rong phải đốt lửa để chống lại cái rét buốt. Người ra đường vắng vẻ khiến hàng quán cũng lại thêm đìu hiu.

Dù trời mưa phùn, rét cóng nhưng anh Hoàn (Hà Tây cũ) vẫn ngồi bên đường với nồi ngô luộc, khoai nướng chờ đến gần 2 giờ sáng mới dọn hàng về khu trọ. Để có thể trụ được giữa trời mưa rét, anh phải đốt thêm đống lửa nhỏ.

Những tài xế xe ôm tại ngã tư Cầu Giấy rôm rả 
trò chuyện bên đống lửa hồng để kiếm thêm vài cuốc xe.

Muộn hơn nữa có lẽ là những công nhân hạ ngầm cáp. Để sáng hôm sau người dân có đường lưu thông, các công nhân phải làm việc từ 12 giờ đêm cho tới sáng sớm. Thỉnh thoảng, họ lại nghỉ vài phút ngồi hơ tay bên đống lửa uống chén trà ấm rồi tiếp tục làm việc.

Trong lúc chờ xe hàng về, những người bốc vác và kéo hàng thuê
 tại chợ hoa quả Long Biên ngồi tụ tập bên đống lửa để sưởi.

Nhân viên bảo vệ của một cửa hàng trên phố Xuân Thủy ngồi sưởi ấm, 
tiện thể đặt chiếc bơm tay kiếm thêm chút tiền nếu có người đi đường cần tới.

19h, khu vực trung tâm thương mại Vincom vắng người qua lại. 
Người trông xe cho hay, hiếm khi nào khu vui chơi, mua sắm này vắng như vậy.

Trời rét, các quán ngô, khoai nướng xuất hiện nhiều trên phố. Nhưng khi
thời tiết lạnh cóng thì những quán bán đồ ăn vặt này cũng khá vắng khách.

Một số người khác lại đốt lửa sưởi rồi cùng nhâm nhi chén rượu.

Với nhiều người lao động sống về đêm, ngọn lửa ấm áp như tiếp thêm sức mạnh 
cho họ tiếp tục công việc trong cái rét cắt da cắt thịt của Hà Nội những ngày cuối năm.
Anh Tuấn

Người vô gia cư co ro giữa đêm đông Hà Nội

Sau một ngày mưu sinh kiếm tiền về quê ăn Tết, nhiều người lao động ngoại tỉnh phải ngả lưng trên các vỉa hè thủ đô hoặc may mắn hơn thì được tá túc trong các cây ATM để tránh cái rét như cắt da cắt thịt.

Nhiều ngày nay, sau buổi đi bán tăm bông dạo, vợ chồng chị Tươi (quê Hà Nam) cùng
đứa con 7 tháng tuổi lại về vỉa hè phố Thợ Nhuộm nằm co ro trong chiếc chăn mỏng.

Trời rét nhưng đứa trẻ vẫn ngủ ngon lành. Thương tình, thỉnh thoảng người dân
qua đường lại cho đứa con nhỏ hộp sữa, vài ba đồng hoặc tấm áo ấm.

Sau 24 giờ, khi đường phố đã thưa thớt, gia đình chị Tươi lại vác 
chăn chiếu vào trong cây ATM gần đó tránh cái rét cắt da cắt thịt.

Giống như chị Tươi, nhiều người cũng lựa chọn cây ATM ấm áp làm nơi tá túc qua đêm.

Vì không có đủ 15.000 - 30.000 đồng cho một chỗ ngả lưng trong nhà trọ bình dân nên nhiều người ngoại tỉnh cũng đành ngủ lang bạt vỉa hè, góc chợ, công viên, vườn hoa, gầm cầu...

Kiếm được chỗ tá túc ổn định trên phố Cửa Nam nên dù ngủ vỉa hè 
nhưng người đàn ông 66 tuổi này cũng có chỗ ngả lưng tươm tất hơn.

Sáng ra, ông lại quét dọn sạch sẽ cho nhà chủ rồi cất kín chăn màn vào khe tường để chuẩn bị một ngày lao động. "Ngày kiếm được vài chục nghìn từ phế liệu, đói thì vào chợ ăn suất cơm 10.000 đồng. Người dân quanh đây cũng thương tình lúc cho đồ ăn, mảnh áo, khi chai rượu dở hay đôi dép cũ. Nhờ giời thương nên chẳng bao giờ đau ốm, mỗi năm chỉ dám về quê một lần vào dịp Tết...", ông tâm sự.

Đi trên các phố vào buổi đêm có thể rất dễ bắt gặp cụ ông nằm co ro 
trên vỉa hè phố Nguyễn Khắc Cần, đắp tạm bằng tấm chăn mỏng.

Hay bà cụ nằm lọt thỏm trong chiếc chăn bông trên vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng.

Trong khi đó, dù có nhà cửa ở quê và hàng tháng có trợ cấp nhưng buồn vì không có con cháu nên cụ Quang (87 tuổi, quê Hưng Yên) bắt xe lên Hà Nội "dạo chơi" vài ba tuần lại bắt xe về nhà một lần.

Hàng ngày, cụ chỉ lang thang đi dạo khắp Hà Nội, mệt thì ngồi nghỉ ghế đá, đêm về ngủ trên vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng. Cụ kể, về đêm nhiều người tưởng cụ là ăn xin nên cho cụ tiền hoặc đồ ăn, riêng quần áo thì cụ không lấy vì đã đủ ấm.


Vạ vật ở hành lang bệnh viện giữa đêm lạnh

Nằm chật hành lang vì thiếu phòng, vạ vật với tấm chăn mỏng dưới gốc cây, sung túc hơn thì được ngủ 2 người một giường..., bệnh nhân và người nhà tại một số bệnh viện ở Hà Nội đang trải qua những đêm đông vất vả.

Hành lang tại Viện tim mạch Hà Nội. Bệnh nhân và người nhà trải chiếu, đắp chăn ngay từ 19h tối.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, liên tục các chuyến xe cứu thương đưa người bệnh đến cấp cứu trong tình trạng quấn kín chăn bông vì gió rét.
Chị Như (trái) quê ở huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) đưa người nhà đến điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Chị và người em mang chăn ra gốc cây ngồi chờ và ngủ qua đêm luôn tại đây.
Bất cứ nơi đâu cũng có thể trở thành chỗ ngủ tạm bợ qua đêm dù Hà Nội đang giá lạnh 9 độ C.
Hành lang tại Bệnh viện K lúc 21h, bệnh nhân nằm chiếm hết lối đi lại.
Hai bệnh nhân nữ mặc nguyên cả bộ áo khoác cùng khẩu trang ngủ.
Ông Cơ (60 tuổi) và ông Thiệp (phải) đều quê ở Vĩnh Phúc ra Hà Nội điều trị. Ông Cơ đã 1 tháng, ông Thiệp gần 2 tháng nằm hành lang như thế này vào mỗi buổi tối. Thời tiết càng ngày càng lạnh, còn hai bệnh nhân già này chưa biết bao giờ mới được về nhà. "Ai chưa mổ hoặc mổ rồi đều phải nằm ngoài này hết, trong phòng nhường chỗ cho bệnh nhân nặng hơn", ông Thiệp chia sẻ.
Mọi ngóc ngách ở Bệnh viện K đều có người đắp chăn nằm qua đêm.
Tại một buồng bệnh thuộc khoa ngoại, các bệnh nhân "có điều kiện" đã chung nhau một chiếc quạt sưởi điện.
Khoa Xạ trị Bệnh viện K, những người được coi là may mắn được ở trong căn phòng khá ấm. Tuy nhiên do quá tải nên 2 người phải chung nhau một giường nằm.
Một phụ nữ quê ở Đại Yên, Hạ Long (Quảng Ninh) ở viện một mình. Chị kể chồng chị cũng đang bị bệnh nằm điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy, còn chị phải ở đây, cả hai chẳng ai chăm sóc. 22h đêm, ngồi trên giường chị bật khóc nức nở vì nhớ nhà sau khi ở đây đã 3 tháng và chưa biết bao giờ được về.
Ngoài sân Bệnh viện K, một số người nhà bệnh nhân vạ vật với tấm chăn mỏng tá túc qua đêm chờ trời sáng.
Hoàng Hà




1 nhận xét: