Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Thủ tướng: Chủ động ứng phó nếu TQ gây khó kinh tế

Hoan hô Thủ tướng, nhưng tôi tin là Thủ tướng nói cho oai vậy thôi chứ thực ra chả có cách nào chủ động ứng phó nếu Trung Quốc gây khó kinh tế vì quân tướng có ai thực tâm lo đối phó Trung Quốc đâu. Tất cả đang lo cho lợi ích cá nhân, gia đình, phe nhóm, đảng phái.
Thủ tướng: Chủ động ứng phó nếu Trung Quốc gây khó kinh tế
Phiên họp thường kỳ tháng 6/2014 của Chính phủ với sự tham gia của 63 tỉnh, thành diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam mong muốn hợp tác kinh tế bình thường, cùng có lợi với Trung Quốc, nhưng sẽ chủ động có phương án, giải pháp ứng phó nếu Trung Quốc gây khó khăn về hợp tác kinh tế.

Quang cảnh phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từ đầu tháng 5 năm nay, Trung Quốc bất chấp đạo lý, pháp lý, quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, đã đưa giàn khoan thăm dò dầu khí cùng hàng trăm tàu hộ tống xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam sẽ tập trung sức để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, bằng mọi cách giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, vừa phấn đấu bằng mọi giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế mà Chính phủ đã đề ra trong năm 2014.

Trước đó, trả lời phỏng vấn TTXVN hôm 20/6, trước ý kiến dư luận cho rằng Việt Nam có thể bị lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các nước, chúng ta luôn phấn đấu bảo đảm cùng có lợi và dứt khoát không để phụ thuộc vào bất cứ nước nào trong cả kinh tế và chính trị.

Với Trung Quốc, quan hệ kinh tế, thương mại những năm qua phát triển khá nhanh, nhưng tình hình Việt Nam nhập siêu ngày càng lớn, liên tục diễn ra, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

Lĩnh vực đấu thầu EPC, BOT và cung cấp thiết bị ở một số ngành quan trọng như điện, thông tin viễn thông và một số ngành kinh tế khác, nhà đầu tư Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn, nhiều dự án chất lượng công nghệ không cao, chi phí đầu tư thường tăng lên so với ban đầu, thời gian hoàn thành kéo dài...

"Tình hình này cần phải sớm được chấn chỉnh", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ngày 28/6, trong buổi tiếp xúc doanh nghiệp cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cảnh báo thời hạn tự do hóa thương mại ASEAN-Trung Quốc.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, nếu sản xuất kinh doanh trong nước còn chậm như hiện nay, thì khó tránh khỏi đến ngưỡng đến ngày 1/1/2016, hàng hóa của Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam, một khi hai bên cùng gỡ rào cản theo cam kết thương mại.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý 2 năm nay Việt Nam tuy chịu tác động của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép nhưng tăng trưởng GDP vẫn đạt 5,25%, cao hơn mức 5,09% của quí 1 và cao hơn cùng kỳ năm trước (quý 2/2013 GDP tăng 5%).


Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng để chủ động ứng phó với tình hình xấu hơn có thể xảy ra trong quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư với Trung Quốc (thậm chí có thể dừng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước), các ngành, doanh nghiệp phải rà soát lại các hoạt động của mình, thực hiện các giải pháp phù hợp để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

An Thái (Tổng hợp)
(Đất Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét