Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Quán cơm 2.000 đồng giữa Sài Gòn

Quán cơm 2.000 đồng giữa Sài Gòn


Mỗi ngày phục vụ hàng trăm suất cơm và chịu lỗ cả trăm triệu đồng mỗi tháng nhưng quán cơm "Xã hội nụ cười" vẫn mang tới cho người nghèo, học sinh đĩa cơm tươm tất với các món mặn, canh, trái cây tráng miệng và trà đá.

Lại nhắc về quán cơm Nụ cười

Bạn chỉ có 2.000 đồng trong túi, bạn sẽ dùng vào việc gì khi chỉ một lần bơm bánh xe cũng hết số tiền ấy. Vậy mà người nghèo với 2.000 đồng có thể mua được nguyên một suất ăn đủ cả cơm, món mặn, canh và trái cây tráng miệng tại quán cơm "Nụ cười" do nhà báo Nam Đồng và thân hữu sáng lập, tổ chức, điều hành. Hồi đầu tháng 12.2012 tôi có một bài viết ngắn về anh Nam Đồng đăng trên trang nhà (xem lại ở đây). Bữa ni, báo điện tử VnExpress có cái video clip phóng sự ngắn về quán cơm xã hội của bác ấy. Những hình ảnh bình dị mà ấm áp. Nếu ai có dịp ngang quán tại số 4 Hồ Xuân Hương, Q.3, Sài Gòn nhớ ghé thăm để tận mắt thấy một cách làm từ thiện vô cùng hiệu quả. Nếu bạn có chút ít (tiền bạc, vật chất) giúp đỡ người nghèo, bạn cứ gửi gắm nơi đây, bạn cứ yên tâm là nó sẽ được chuyển thẳng thành bữa ăn cho dân nghèo chứ không mất mát đi đâu cả.


Mời các bạn coi đoạn video clip của VnExpress: http://vnexpress.net/gl/doi-song/cau-chuyen-cuoc-song/2013/01/quan-com-2-000-dong-giua-sai-gon/


16.1.2013
Nguyễn Thông
--------------------

Nghĩ chút về bác Nam Đồng

Hôm qua có đứa đồng nghề rủ mình đến thăm một địa chỉ hồng: quán cơm của bác Nam Đồng. Nó bảo anh ơi đến đi, hay lắm tuyệt lắm. Mình hỏi có phải me xừ Nam Đồng tổng biên tập tờ Pháp luật TP.HCM hồi xưa không, nó cười thì còn ai vào đây nữa, lại kèm câu nhận xét ngắn gọn: Ông già hết sảy. Khổ nỗi nhà đang vấp tí việc không thể bỏ, mình xin khất dịp khác, cứ tiếc tiếc là.

Lâu rồi cũng đã nghe rằng bác Nam Đồng sau khi về hưu (không dây dưa luyến tiếc, thậm chí rất vui vẻ là đằng khác, chả giống người ta sụt sà sụt sịt rõ đáng thương) đã nghỉ ngơi một thời gian rồi cùng bạn bè tâm huyết mở một quán cơm siêu bình dân tại địa chỉ 6 Hồ Xuân Hương, Q.3, Sài Gòn. Cứ tưởng cỡ như bác ấy quan hệ rộng, làm ơn làm phúc cho thiên hạ đã nhiều, có khó gì trong việc mở nhà hàng, khách sạn, quán này quán nọ đẳng cấp cao, vậy mà chỉ đóng vào cái khung quán cơm thôi. Mà siêu bình dân. Mà dạng cơm xã hội, cũng như chính phủ xây nhà xã hội cho người nghèo. Không thể tưởng tượng được, giá bán chỉ có 2.000đ (hai nghìn đồng)/suất, chả khác cho không. Nghe đâu bác ấy chỉ tính tiền đồ ăn mặn thôi, còn cơm và canh cứ ăn tùy bụng, không tính công phục vụ. Thì có hai nghìn đồng, bằng tiền cái tăm xịn chỗ khách sạn 4-5 sao, còn chi phí cho thứ gì được nữa.

Vậy mà quán cơm hai nghìn đồng từ khi ra đời đã nức tiếng gần xa, càng ngày càng đông thực khách nghèo và đám sinh viên (cái đối tượng xã hội đầy khát vọng nhưng 99% là nghèo). Theo đó, tấm lòng thương người của bác Nam Đồng và cộng sự cũng càng ngày càng giàu thêm. Trời ơi, giữa một xã hội đầy những tranh đua, vụ lợi, kim tiền, phi nhân, coi người nghèo như cỏ rác, sao lại có những tâm hồn cao thượng mênh mông đến thế. Mình tự hỏi sao chưa ai làm thơ, viết nhạc ca ngợi con người rất người Nam Đồng nhỉ? Nhưng rồi tự giả nhời: người kiểu Nam Đồng không thuộc típ khoe mẽ, không thích ngợi ca, đừng tụng này tụng nọ mà sái bác ấy (chính thế nên trong ghi chép nho nhỏ này mình cũng không dám đào xới nhiều mảnh đất màu mỡ đó).

Hồi bác ấy còn tại vị nghề báo, mình cũng đôi khi được diện kiến, hội kiến, hội đàm, chỉ đôi khi thôi vì mình không có vinh dự là lính của đại ca Nam Đồng. Ít nhưng không có nghĩa không thu nhận được ấn tượng gì. Sâu sắc là khác. Nói chung mình trân trọng, kính phục, cảm mến bác Nam Đồng. Chỉ kể mỗn chuyện:

Dạo năm 2008, Công ty Prudential tổ chức cho một số ký giả đi chơi đảo Phú Quốc. Hai sếp bên đó là Nguyễn Văn Hảo (một tay đẹp trai, rất giỏi) và Mai Thị Ngọc Sương cực kỳ chu đáo với mọi người, lo cho mỗi người từng li từng tí. 3 ngày ở Phú Quốc thật ấn tượng, khó quên. Trong đám làm báo phần lớn là lính tráng nhí nhố như mình lại có cả cấp cao Nam Đồng. Già mà cực vui. Đi đâu cũng kè kè quyển sách dày, buông chơi ra là đọc, đọc chán lại chơi. Bên báo Pháp luật ngoài sếp tổng còn có hai vị nữa là Hoàng Chương phó tổng và Hoàng Mạnh Hà thư ký tòa soạn. Cứ coi cái cung cách của 3 thầy trò đủ hiểu họ đối xứ với nhau trọng thị thân tình bình đẳng thế nào. Đêm cuối trước ngày về, Hà ôm ghi ta rủ cả đám ra bãi biển ngồi hát vang chân sóng. Hà là tay điệu nghệ, lắm tài, tiếng đàn mê đắm thế nào mà kéo luôn được cả hai cô gái Nga gần đó nhập hội. Hai nàng Olga, Cachia (mình tạm đặt tên vậy) mình cứ tưởng sẽ khoái Hà nhất, ai ngờ chúng chân dài Nga ấy cứ xoắn xuýt lấy bác Nam Đồng. Thì ra chúng đã để ý suốt hồi nãy. Chúng phục bác, người bập bõm chút tiếng Nga đã làm chúng hiểu thứ tình cảm của đám trai Việt. Bác hát những bài hát Nga, nhạc Trịnh Công Sơn (sao thuộc lắm thế không biết), rồi khi Cachia đòi nhảy cũng chỉ có bác đứng lên ôm eo nó đi vài điệu cực kỳ chuyên nghiệp. Mình, Hoàng Chương, Hà và mấy chị em khác chỉ còn biết phục sư phụ sái cổ. Một cô bạn ở báo Phụ nữ bảo mình cụ ấy lạ lắm, ra ngoài hết sảy thế đấy nhưng cái đức sợ vợ (cũng làm bên báo Phụ nữ) thì không ai bằng. Bà lão mà biết cụ đang lả lướt thế kia thì trời sập chứ chẳng chơi.

Té ra con người Nam Đồng tiềm ẩn nhiều nét đáng yêu vậy nhỉ.

Một giấc miên man suốt mấy giờ. 


Ảnh Nguyễn Thông chụp ở Phú Quốc năm 2008

Định bụng chọn ngày đẹp giời mình sẽ thăm quán cơm hai nghìn, biếu bao gạo gọi là thêm chút tình của đứa đàn em với công việc cao quý mà bậc trưởng lão đáng kính đang làm một cách lặng thầm.

7.12.2012
Nguyễn Thông


http://thongcao55.blogspot.ch/2012/12/nghi-chut-ve-bac-nam-ong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét