Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Làm báo thế này ư?: Kinh tế VN 2013: Cánh cửa cơ hội sẽ mở ra

Vài dòng cập nhật của chủ Blog này:

Thông tin ngày 13.1.2013 từ trang của bác Trần Hữu Dũng: Làm báo thế này ư ? Hôm qua viet-studies có giới thiệu bài Kinh tế Việt Nam 2013: Cánh cửa cơ hội sẽ mở ra (ĐV 13-1-13) trong đó có những ý kiến gán cho chuyên gia Phạm Chi Lan, TS Lê Đăng Doanh. Tôi (Trần Hữu Dũng) vừa được chi Lan và anh Doanh cho biết rằng hai vị chưa bao giờ trả lời phỏng vấn của báo này! Vây xin thông báo cho các bạn được rõ.

Vậy thì toàn bộ tin trong bài dưới đây chỉ là tin tổng hợp về kinh tế của nhà báo Hoàng Anh chứ không phải là ý kiến của ba chuyên gia Lan, Doanh, Nghĩa.

Trường hợp này tôi, chủ Blog này, cũng đã từng gặp phải. Một số báo trong nước đã đăng ý kiến của tôi về phân tích, dự báo kinh tế sau khi tôi đã rời VN được 1-3 năm và từ đó không hề phát biểu hay đăng bài ở đâu nữa. Tìm hiểu thì biết hoặc họ bịa ra, hoặc họ lấy ý từ những bài viết trước đây của tôi để gán vào các sự kiện tại thời điểm họ muốn viết.
------------------------

Kinh tế VN 2013: Cánh cửa cơ hội sẽ mở ra

(ĐVO) - Cùng chung nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2013 sẽ tiếp tục phải giải quyết những khó khăn tồn đọng cũng như thách thức mới, nhưng các chuyên gia cho rằng những cánh cửa cơ hội sẽ mở ra.
Chuyên gia kinh tế - Phạm Chi Lan: Chông gai rồi sẽ qua
Doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua chặng đường dài vô cùng gian nan để phát triển trong hơn hai thập kỷ đổi mới vừa qua. Song chặng đường trước mắt cũng đầy những thách thức cam go đối với họ. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, doanh nghiệp cần phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, cố gắng cùng toàn dân tộc đưa nền kinh tế nước nhà lên trình độ phát triển cao hơn trong những năm tới.
Lòng yêu nước và tự tôn dân tộc phải được thể hiện trong việc coi trọng và hài hòa lợi ích chung của đất nước với lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp. Không ngừng cải thiện khả năng cạnh tranh, nâng cao thương hiệu và vị thế hàng Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.

 Chuyên gia kinh tế - Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế - Phạm Chi Lan
Các doanh nghiệp cũng cần “nhìn xa trông rộng”, biết đặt các vấn đề phát triển của mình trong bối cảnh cạnh tranh khu vực và toàn cầu để có chiến lược vươn lên thu hẹp khoảng cách và tiến tới đuổi kịp trình độ của các đối thủ cạnh tranh chủ chốt, tạo lập khả năng thích ứng cao hơn với những biến động của thị trường.
Nêu cao tinh thần chấp nhận rủi ro, không ngừng đổi mới, mạnh dạn đầu tư sáng tạo những sản phẩm mới, khai phá những thị trường mới, áp dụng những phương thức kinh doanh mới nhằm đạt hiệu quả và lợi ích ngày càng cao hơn.

Trong sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp phải nâng cao khả năng chuyên môn hóa, ứng dụng công nghệ và hệ thống quản trị tiên tiến, nâng cấp hoạt động theo những chuẩn mực cao hơn phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập trong giai đoạn tới.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần tuân thủ pháp luật, coi trọng đạo đức kinh doanh, chăm lo thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường để đáp ứng các chuẩn mực theo tập quán kinh doanh quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững và nâng cao uy tín của doanh nghiệp.

Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, đông thời biết hợp tác, liên kết chia sẻ lợi ích với các doanh nghiệp và các đối tượng liên quan, tạo nền tảng cho quan hệ “các bên cùng thắng” lâu dài.

Con đường phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong những năm tới còn nhiều thử thách cam go, song chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam sẽ vượt qua mọi chông gai để dùng toàn dân đưa đất nước đến một tương lai tươi sáng.

Trên cơ sở những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đạt được qua hơn 25 năm đổi mới, chúng ta đã có nền tảng và điều kiện tốt hơn nhiều so với trước đây để phát triển doanh nghiệp. Trong xã hội, tầng lớp doanh nhân giành được sự quan tâm, thiện cảm hơn và kinh doanh trở thành một nghề rất được ưu chuộng, đặc biệt đối với lớp trẻ.

Một đội ngũ doanh nhân trẻ, giàu ý chí kinh doanh, được đào tạo bài bản, có năng lực quản trị tốt đang hình thành sẽ là nòng cốt dẫn dắt sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam mà đất nước cần trong những năm tới.

TS.Lê Đăng Doanh: Vẫn có tiềm lực và hoàn toàn có khả năng phát triển

Kinh tế Việt Nam 2012 đã trải qua một năm đầy khó khăn. Đây là năm bộc lộ một cách rầm rộ các yếu kém của nền kinh tế đã tích lại từ nhiều năm trước đây. Đầu tiên phải kể đến là nợ xấu của ngân hàng và hàng tồn kho cao trong doanh nghiệp.

Nguyên nhân chính là do thị trường bất động sản đóng băng và tiêu dùng người dân bị giảm sút. Tỉ lệ tồn kho không bán được trong bất động sản rất lớn. Nhiều doanh nghiệp không trả được nợ đã vay, gây nên căn bệnh đóng băng tín dụng.
Một nền kinh tế mà tín dụng đóng băng thì không thể tăng trưởng được. Vì vậy yêu cầu cấp bách hiện tại là giải quyết nợ xấu. Phải biết nợ xấu nó là bao nhiêu, nợ xấu nằm ở đâu, ở lĩnh vực nào, ngân hàng nào, doanh nghiệp nào. Và trên cơ sở đó phải có phương án giải quyết thích hợp.
TS.Lê Đăng Doanh
TS.Lê Đăng Doanh
Nhìn chung bức tranh của nền kinh tế 2012 ảm đạm nhưng vẫn có tiềm lực và hoàn toàn có khả năng phát triển. Chúng ta vẫn có ưu thế nguồn lao động dồi dào, có nguồn vốn. Điều Việt Nam cần làm là đổi mới thể chế thị trường, phát trển nguồn nhần lực, đầu tư công, doanh nghiệp sản xuất, phân bổ lại bộ máy phân quyền ở nước ta. Nếu chúng ta tiến hành cải cách kịp thời thì vẫn còn hy vọng.
Tôi cho rằng năm 2013 vẫn chưa phải là 1 năm phù hợp để doanh nghiệp mở rộng phát triển mà sẽ tiếp tục là 1 năm tái cấu trúc. Quá trình này sẽ còn kéo dài thêm 2-3 năm nữa mới có thể thay đổi được. Ngoài ra, cần phải có những cải cách mạnh mẽ.
Chúng ta cần thay đổi động lực phát triển, thay đổi các chính sách cải cách từ chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, ngân hàng và giải quyết nợ xấu. Nếu chúng ta làm tốt thì còn có tiềm năng để tiếp tục phát triển. Nếu chúng ta làm không tốt thì nền kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn năm 2012.

Về phía các doanh nghiệp, nên tìm mọi cách để cắt lỗ, thậm chí bán dưới giá, giải quyết nợ để phá tan băng tín dụng. Các doanh nghiệp sẽ phải tự lo cho mình. Đối với doanh nghiệp đã trải qua một năm 2012 đầy khó khăn, cần phải tự định vị lại mình đang ở đâu.

Mình đang phát triển hay đang hấp hối, để từ đó điều chỉnh lại. Điều chỉnh lại những gì đầu tư sai, nếu có nợ phải giải quyết nợ, cắt nợ để có thể kinh doanh được. Nhiều lĩnh vực hiện tại có thể đầu tư được như lĩnh vực y tế và giáo dục, doanh nghiệp nên dựa vào đó để định hướng lại, tái cấu trúc để có thể tiếp tục phát triển.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Doanh nghiệp đang tồn tại là trụ cột của nền kinh tế

 TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Cuối năm 2011 chúng ta nhắc nhiều đến rủi ro thanh khoản, nguy cơ đổ vỡ thì đến bây giờ thanh khoản đã được củng cố khá vững chắc. Ngoài ra, trong bối cảnh quốc tế khủng hoảng, trong nước lòng tin của các nhà đầu tư suy giảm, đặc biệt, các chỉ số về môi trường kinh doanh, đầu tư quốc tế hạ tín nhiệm của Việt Nam xuống nhiều bậc, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành được mục tiêu chủ chốt Nghị quyết 11 đưa ra. Đó là thành tựu của ngành ngân hàng trong năm 2012.

NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu là một lựa chọn đúng đắn, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta bỏ chỉ tiêu phát hành tiền hàng năm. Đó là cách điều hành gắn với diễn biến thực tiễn của lạm phát.

Năm 2013, NHNN cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì kiểm soát lạm phát. Năm 2012, CPI xuống khá thấp là nhờ một công lao lớn của NHNN và cũng có một may mắn là giá lương thực giảm liên tục từ tháng Giêng đến tháng 9, giá thực phẩm giảm từ tháng 3 đến tháng 9.

Chặng đường 2013 vẫn còn nhiều khó khăn, xử lý nợ xấu là trọng tâm giai đoạn 2 của tái cơ cấu ngân hàng. Vấn đề đặt ra là từ nay làm thế nào để các ngân hàng yếu kém đang gây rất nhiều rắc rối cho thị trường tiền tệ, đặc biệt cho việc ổn định lãi suất, ổn định thanh khoản cũng phải được xử lý rốt ráo.

Hiện nay một bộ phận rất lớn doanh nghiệp vẫn đang tồn tại, hoạt động, bán hàng, xuất khẩu… đấy là lực lượng trụ cột nhất của nền kinh tế. Lực lượng này đang cần hạ lãi suất để tăng năng lực cạnh tranh, tăng khả năng xuất khẩu, bán hàng. Lãi suất thấp giúp họ có tính toán đầu tư trung và dài hạn và như vậy sẽ tạo ra một thị trường cả tư liệu sản xuất và tiêu dùng ấm nóng trở lại.

Về nguyên tắc thì lãi suất phải bám lạm phát, không thể nào để lãi suất xuống quá thấp rồi lại để lạm phát bùng lên nữa. Đấy là cả một sự trả giá rất đắt, cả về lòng tin. Tôi nghĩ rằng, điều chỉnh lãi suất xuống cũng phải rất thận trọng, vừa điều chỉnh vừa xem nó có tác động thế nào đến kinh tế vĩ mô.

Sau quý I năm 2013 có thể xem xét vấn đề lãi suất một cách tổng thể. NHNN trước đây định bỏ dần tiến tới tự do hóa lãi suất, tôi cho rằng đó là hướng đi tốt hơn là đưa ra các mức trần.
  • Hoàng Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét