Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Câu hỏi của Thủ tướng

Câu hỏi của Thủ tướng

TT - "Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt câu hỏi như thế với lãnh đạo ngành lao động - thương binh và xã hội trong hội nghị trực tuyến của bộ này vào sáng 7-1.
Một câu hỏi nhẹ nhàng mà nhức nhối!
Bởi có lên với vùng cao, vùng sâu, vùng biên ải mới hay có nhiều trẻ em đang chịu cảnh thiếu cơm, thiếu áo, dù khẩu hiệu chúng ta vẫn treo ở các trường học là "Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em!". Không chỉ nghịch lý khi chúng ta là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng nhiều trẻ vùng cao đang thiếu những bữa cơm no!
Trong một lần tháp tùng đoàn công tác xã hội của báo Tuổi Trẻ mang gần 6.000 suất quà trị giá gần 2 tỉ đồng lên trao cho học sinh và giáo viên ở những điểm trường khó khăn của sáu tỉnh biên giới Tây Bắc, 6.000 suất quà ngỡ là nhiều, nhưng đến đấy rồi mới biết cũng chỉ là muối bỏ biển, càng xót xa hơn khi thấy hàng trăm em bé người La Hủ, một dân tộc đang báo động về nguy cơ suy giảm dân số, đến lớp với đôi chân trần trên đá, ước mơ có một đôi dép nhựa tổ ong giá 10.000 đồng để đi. Chiếc áo ấm với các em là điều quá xa lạ. Trường học của các em nằm giữa núi rừng nhưng không có gỗ để che tường chắn gió, phải quây tạm bằng bạt nhựa. Và những đứa trẻ rẻo cao ấy, khi chúng tôi mang bánh cho các em, nhiều em chưa biết bóc bánh để ăn vì đây là lần đầu tiên chúng nhìn thấy cái bánh!
Trong một chuyến đi cùng nhà báo Trần Đăng Tuấn, chỉ tình cờ ghé vào bếp ăn của những em bé ấy, chương trình "Cơm có thịt" do ông khởi xướng từ hai năm nay đã mang đến những cải thiện đáng kể cho hàng ngàn em bé vùng cao và đang được cộng đồng cư dân mạng từ nhiều quốc gia góp sức chia sẻ.
Một nhóm bạn trẻ khác với chương trình "Áo ấm biên cương" đã lặng lẽ quyên góp mang cho các em bé rẻo cao áo và chăn ấm... Chúng ta cần nhiều tấm lòng nhân ái, nhưng những hoạt động tự phát ấy không thể mang lại cho hết thảy các em bé vùng cao cơm no và áo ấm một cách công bằng và chu đáo. Bài toán này cần được giải bởi một chính sách mang tầm vóc quốc gia chứ không dừng ở câu khẩu hiệu "Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai" treo khắp nơi.
Chúng ta mừng vui về những bước phát triển của đất nước, vui mừng với những con số xuất khẩu gạo, tự hào với những dự án ngang tầm thời đại, nhưng câu hỏi của Thủ tướng cũng cần để những người có trách nhiệm hoạch định chính sách xã hội nhìn lại. Và trước hết, để cận cảnh thật sự với những chuyện thiếu cơm thèm thịt của các em, những người làm chính sách ít nhất hãy lên những điểm trường rẻo cao này, "ba cùng" với giáo viên và học sinh, chúng tôi nghĩ chắc chắn sẽ tìm ra câu trả lời!
Và chúng tôi cũng muốn kể thêm một điều này, không phải ai cũng biết:
Trên các đồn biên phòng ở biên giới phía Bắc chúng tôi đi qua, ở mỗi đồn thường có một nhà bia khắc tên những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Rất nhiều người lính ấy im lặng trên tấm bia với dòng tên tuổi chúng tôi chép vội: "Lý Lóng Xè, Pừ Gia Lồng, Sừng Lù Ky... hi sinh năm...". Đó là tên những người lính dân tộc Hà Nhì, Giáy, Mông... đã hi sinh trên miền biên giới!
Chúng tôi tin những em bé dân tộc La Hủ, Hà Nhì... như Ly Gạ Cò, Vàng Xạ Hồ, Lỳ Chìu Pơ, Pờ Sì De... mà chúng tôi đã tin cậy ôm lấy bờ vai bé bỏng gầy gò đầy trìu mến của các em hôm nay, chắc chắn mai đây khi lớn lên các em cũng sẽ là những người lính đầu tiên ôm súng để giữ gìn mỗi tấc đất biên ải.
LÊ ĐỨC DỤC

Không để trẻ nghèo bị đói

TT - Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2013 do Bộ Lao động - thương binh và xã hội tổ chức sáng 7-1.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Tôi xin nói bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác. Vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn? Những vấn đề như thế thì ngành lao động - thương binh và xã hội phải quan tâm. Chúng ta còn nghèo, còn khó nhưng cái thiết thực phải hỗ trợ cho tốt".
Một em bé dân tộc Mông ở Sa Pa, Lào Cai cùng gia đình trên đường lùa trâu đi tránh rét. Bữa trưa chỉ có cơm và rau - Ảnh: Ngọc Bằng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu bộ cùng sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố phải làm hết trách nhiệm, tập trung chăm lo chính sách cho người có công, người nghèo, người không may mắn, đảm bảo cả đất nước, cả dân tộc cùng đón Tết Nguyên đán đầm ấm, vui tươi, an toàn và tiết kiệm.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành LĐ-TB&XH cần nâng cao năng lực, khả năng cung cấp thông tin, giải trình, giải đáp trước nhân dân. "Chính sách chăm lo tết phải rõ ràng. Thông tin phải chính thống, đảm bảo mọi chính sách chăm lo tết phải được giải đáp, giải trình đầy đủ trước nhân dân để các đối tượng chính sách, người dân hiểu, đồng thuận và nhất trí trong thực hiện".
Đề cập nhiệm vụ trọng tâm của Bộ LĐ-TB&XH trong năm 2013, Thủ tướng khẳng định trọng tâm của năm 2013 là phải hết sức tập trung thực hiện cho hiệu quả về giảm nghèo. Trong năm 2012 đã giảm được 1,76% số hộ nghèo so với năm 2011 (kế hoạch là 2%), "giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc chậm quá. Để tình trạng còn 50%, 60%, thậm chí 70% số hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc là không được. Vì vậy, phải thực hiện quyết liệt mục tiêu giảm nghèo, đặc biệt là phải quan tâm và giảm nhanh tỉ lệ nghèo tại vùng đồng bào dân tộc" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với chính sách cho người có công, Thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ dù có khó khăn nhưng vẫn giữ nguyên đầy đủ mọi chính sách và tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách. "Trong thực hiện thì bộ phải chủ động rà soát xem còn sót đối tượng nào không, nếu sót thì phải bổ sung, làm cho trọn vẹn nhưng cũng phải loại ra những hồ sơ không đúng đang hưởng chính sách. Đồng thời phải tiếp tục thực hiện chính sách quy tập mộ liệt sĩ, có khó khăn tốn kém cũng cố gắng thực hiện" - Thủ tướng nói.
Về nhiệm vụ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH cần sơ kết, đánh giá việc đào tạo nghề đối với lao động nông thôn. Theo Thủ tướng, hiện vẫn còn một số địa phương có tình trạng đào tạo không theo nhu cầu, đào tạo để lấy phong trào, đào tạo để giải ngân. "Phải đánh giá kỹ việc này, làm sao việc đào tạo lao động cho nông thôn phải đạt được hai mục tiêu. Thứ nhất đào tạo nghề mà bà con đang làm để có kiến thức hơn, kỹ năng hơn, năng suất cao hơn. Thứ hai là đào tạo để chuyển nghề, ly nông không ly hương. Còn việc đào tạo nghề cho lao động ra nước ngoài làm việc cũng phải theo hướng lựa chọn thị trường, chọn thị trường có thu nhập cao để đào tạo, tạo điều kiện thu nhập cao cho các lao động" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng tình với các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2013 của ngành LĐ-TB&XH. Cụ thể, năm 2013 sẽ tạo việc làm cho 1,6 triệu người; tăng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lên trên 11 triệu người; tuyển mới dạy nghề cho 1,9 triệu người; 98,5% hộ gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cư dân nơi cư trú; giảm 2% hộ nghèo của cả nước, trong đó các huyện nghèo giảm 4% so với cuối năm 2012; hỗ trợ kịp thời, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lụt, mất mùa...
X.LONG - Đ.BÌNH
TT - Theo chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt, Chính phủ sẽ dành hơn 30.600 tỉ đồng hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động và phát triển thị trường lao động trên phạm vi cả nước.
Theo đó, sẽ có sáu dự án được phân cấp kinh phí nhằm thực hiện mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2012-2015. Trong đó, 18.946 tỉ đồng sẽ dành cho dự án Đổi mới và phát triển dạy nghề với mục tiêu: hỗ trợ phát triển đồng bộ 130 nghề trọng điểm ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; hình thành 26 trường chất lượng cao (trong đó năm trường đạt đẳng cấp quốc tế), góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40% vào năm 2015. Dự án thứ hai là Đào tạo nghề cho lao động nông thôn với tổng kinh phí 6.959 tỉ đồng nhằm mục tiêu đào tạo nghề cho 2,45 triệu lao động nông thôn. Dự án Vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia việc làm sẽ hỗ trợ cho vay ưu đãi với lãi suất thấp từ quỹ này để hỗ trợ tạo việc làm cho 0,7-0,8 triệu lao động trong giai đoạn 2012-2015. Dự kiến nhu cầu vốn để thực hiện dự án này là hơn 1.795 tỉ đồng.
Riêng dự án Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ có tổng kinh phí khoảng 1.064 tỉ đồng. Dự án này đặt mục tiêu đưa 80.000-120.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động là thân nhân chủ yếu của các gia đình chính sách, lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp... đi làm việc ở nước ngoài (không bao gồm các đối tượng thuộc 62 huyện nghèo theo quyết định 71/2009/QĐ-TTg); hỗ trợ đào tạo khoảng 5.000 lao động trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của các nước tiếp nhận lao động. (HỒ VĂN)

1 nhận xét:

  1. Ha ha...
    Đạo đức giả, chỉ có Việt Nam mới có thủ tướng ghê tởm như vậy.

    Trả lờiXóa