Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Đốt pháo ở Cổ Ngư

Thư giãn chủ nhật:


Phạm Ngọc Tiến
Tôi chơi nhiều, biết lắm nhưng để tính bạn bè thật sự thì chỉ có quãng độ mươi người. Trong số đó mấy anh bạn lính là đặc biệt hơn cả. Thành là một người trong nhóm đó. Nhà Thành ở phố Tạ Hiện. Tính ra tôi với Thành đã quen biết nhau chẵn bốn chục năm. Bốn chục năm, nói ngớn miệng một cái là xong om nhưng ngần ấy thời gian có biết bao nhiêu chuyện xảy ra với đời người. Ngẫm với Thành thật đúng.

                                 Chân dung Thành con ngày hội lính thường niên

Đám lính chúng tôi gọi Thành kèm theo biệt danh “con”. Thành con. Chẳng hiểu sao Thành lại có cái tên kèm vô lý ấy đính theo suốt đời. Con ở đây nghĩa là bé đối nghịch với to chứ không phải con với người đâu nhé. Cũng lạ, người Thành to vật vã phải gấp rưỡi tôi chứ không ít. Riêng cái mặt thì gọi là vô địch thiên hạ vì nó bè bè dù không béo không gầy cũng choằn choặn chiếm khối không gian. Tóm lại Thành thuộc loại mặt nhớn. Khekhe…Nói về tình bạn bao giờ tôi cũng thiên về hữu duyên. Có cái mặt chơi mãi vẫn không được. Nhưng có người chỉ liếc qua đã thân thiện đã ấm áp đã như là khó mà dứt ra khỏi nhau kiểu như phải lòng mặt. Thành và tôi thuộc loại như vậy. Trong rừng xanh sắc lính ngày mới nhập ngũ tôi và Thành nhanh chóng nhận ra nhau. Chỉ qua một câu hỏi thăm nhà cửa phố nào, phố nào thế là thành thân tắp lự. Thành hơn tôi một tuổi. Hai đứa gắn bó từ dạo ấy.
Đận tân binh không nói làm gì. Qua 6 tháng huấn luyện chúng tôi được chuyển về một đơn vị pháo phòng không. Tôi được đào tạo làm lính thông tin, Thành may mắn hơn được học y tá cấp tốc. Loạng quạng tôi với Thành cùng được chuyển về tiểu đoàn bộ. Thành là y tá được ở nhà dân còn tôi phải trực chiến đấu ăn ở ngay tại chỉ huy sở. Thi thoảng kiếm được cái gì ngon ngon như chai rượu quýt hay xâu bánh đa nướng Thành lại nhấm nháy cho tôi. Báo hại cái nết tham ăn tục uống từ nhỏ khiến tôi hay lỉnh khỏi trận địa bị kiểm điểm thôi rồi. Bí quá Thành xui tôi xin vào làm anh nuôi. Bếp ăn cũng ở nhà dân tự do thoải mái hơn nhiều. Dạo đó tôi có biệt tài làm thơ báo tường mà bộ đội thì nhất thống món này nên tôi tương đối được ưu ái vậy nên cái khoản thuyên chuyển kia chỉ trong nháy mắt là xong. Có điều kiện nên tôi và Thành bắt đầu hư hỏng từ dạo ấy. Gọi hư hỏng cho oai chứ thực ra cũng chỉ quy ra bao thuốc, chai rượu chẳng nhiều nhặn gì. Tôi và Thành hợp nhau nết uống. Mười mấy tuổi đầu nhưng hai ông tướng con nếu có dịp là quật gọn cả chai 65 rượu rồi quắp nhau nằm ngủ bết bệt. Không có tiền chúng tôi kiếm củi bán vào những lúc đi khai thác cho đơn vị ở rừng. Bấn quá thì lừa quản lý bếp xúc trộm gạo đi đổi rượu. Nghĩ lại mà kinh. Sao ngày ấy lại bố láo chi khươn đến thế. Cái nạn tham nhũng, trộm cắp hoành hành bây giờ cũng chẳng khó giải thích. Khi con người ta có quyền hoặc có điều kiện thì cũng dễ sa ngã lắm. Ngày ấy đám lính tráng mới lớn chúng tôi chẳng thiết tha gì ngoài mỗi sự ăn uống. Một lần, khi tôi và Thành đã dắt díu nhau chuyển về đại đội pháo, bố của Thành từ Hà Nội lên thăm con ở Thanh Hóa trước khi chúng tôi đi chiến trường B. Ông là đoàn phó đoàn cải lương Chuông Vàng. Thương con trai bé bỏng sắp phải đi xa, ông tặng một chiếc đồng hồ cổ rất quý làm kỷ niệm. Tôi nhớ đó là chiếc Longines mạ vàng lên giây cót. Hai thằng được phép của đơn vị tiễn ông ra thị xã. Lúc ông vừa vào ga tàu xong thì Thành rủ đi tìm ngay hiệu đồng hồ để xử lý món quà tặng. Đâu như bán được những gần trăm bạc. Lúc đó là một món tiền to vật. Bán xong tạt ngay vào quán thịt chó làm một chầu túy lúy, lúc hai thằng mò về được đơn vị đã thấy ông ngồi ở lán đợi. Thì ra ông bị nhỡ tàu nên phải quay lại đơn vị đợi tối sau mới lại có tàu. Thấy hai thằng trong bộ dạng khật khưỡng ông hiểu ngay tình thế nhưng không nói gì. Sau này hết chiến tranh khi chúng tôi đã xuất ngũ ông bảo lần đó tao giận lắm nhưng biết chúng mày đi sống chết thế nào nên không nỡ mắng. Tôi được ông cho biết cái đồng hồ ấy là kỷ vật của gia đình từ thời hoàng kim còn có xe tư chở khách chạy ở Hà Nội thời thuộc Pháp. Thành là người luôn làm những chuyện động trời như vậy vì bản tính rất liều không coi trời cao đất thấp là gì. Lúc ở Lộc Ninh năm 74 tôi bị trận sốt rét ác tính, tóc rụng tiệt, cơ thể chỉ còn chưa đầy 40 ký, tay chân run rảy, đi phải chống gậy, và cơm không được, phải ăn xúc bằng thìa nhưng cũng vãi phân nửa. Thành thương tôi liều lấy thuốc bổ trong cơ số dự phòng của đơn vị tiêm cho tôi cật lực, thuốc bệnh cũng thế cứ loại tốt nhất mà phạng kim phầm phập. Lúc kiểm kê Thành bị kiểm điểm lên bờ xuống ruộng. Bây giờ thi thoảng nó lại kể công. Mà đúng, đận ấy không có cái vố trộm thuốc tiêm tẩm bổ và điều trị tích cực chắc chắn tôi đã ngoẻo củ tỏi. Hết chiến tranh tôi làm đơn xin về đợt đầu tiên. Thành ở lại thêm hơn một năm mới ra quân.


Bạn lính lúc về già

Về Hà Nội, tôi và Thành tiếp tục gắn bó. Không như tôi mít đặc món yêu đương, Thành có cô người yêu dạo trước khi đi lính. Xuất ngũ Thành cưới luôn. Năm 79, khi đẻ con trai đầu lòng, xảy chiến tranh biên giới, Thành được gọi tái ngũ mang hàm thiếu úy là chính trị viên phó một đại đội bộ binh của Quân khu Thủ Đô. Tôi nhớ cái đận ác liệt ấy Thành từ biên giới về cùng cậu liên lạc, người khét lẹt thuốc súng, hông đeo súng ngắn K54 và kè kè hai quả lựu đạn chày. Thành bảo tao nhớ con quá tiện công tác tạt về thăm nó chút. Rồi Thành cởi chiếc áo bay đang mặc, mắng cậu liên lạc cũng người Hà Nội đang mặc áo giống thế bắt cởi nốt, đại loại lính tráng cứ vi phạm điều lệnh là sao. Cậu liên lạc chắc biết tính thủ trưởng nhăn nhở cười suốt. Thành bắt tôi cùng cậu lính mang cả đôi áo ra Ngõ Gạch bán. Áo bay Nga dạo đó đang mốt được giá. Tiền bán được áo, Thành trích ra mua cho con ít sữa còn thì mua hết thịt chó gọi bạn bè liên hoan. Đang uống Thành tháo quả lựu đạn ở thắt lưng bảo Tiến, mày cầm về làm kỷ niệm. Tôi trợn mắt bảo cho tao lựu đạn để tự sát à. Khekhe…Sau vố áo bay ít lâu thì tôi thấy Thành ở nhà luôn. Chiến tranh biên giới cũng đã tạm yên. Hỏi thì Thành bảo tao nhớ con về nhà thăm nhiều quá bị cấp trên mắng nên cãi lại. Họ kỷ luật tao. Thì sao. Tao bỏ đơn vị luôn. Còn hàm cấp, còn Đảng viên, còn…Thành nói như không, bỏ tuốt, con là trên hết. Sau thì biết Thành mất hết vố ấy may mà còn có cái quyết định kỷ luật loại ngũ nên nhập được hộ khẩu. Giai đoạn này đời sống vô cùng khó khăn. Thành không làm Nhà nước mà làm đủ mọi nghề bên ngoài để sống từ cắt chữ xốp trang trí đám cưới đến buôn bán đường dài nhưng tuyệt nhiên không bao giờ sử dụng lại cái bằng y tá quân đội cấp. Lúc đó có cái bằng ấy Thành có thể vào bệnh viện làm rồi học nâng cao thành ông này thày nọ chưa chừng. Vợ Thành tên là Nga đẻ tiếp được cậu con trai nữa. Vợ chồng làm ăn có vẻ khá. Hai đứa con đẹp như thiên thần. Tôi độc thân nhìn gia cảnh Thành mà thèm. Thành là đứa yêu trẻ. Buồn cười có hôm tôi và Thành đang uống rượu thì bắt gặp một đứa bé chừng 8, 9 tuổi đi vét đĩa. Tức là ăn thừa của khách trong quán ăn bỏ lại. Thành nhìn nó rất lâu thấy ứa nước mắt bảo, nó xinh trai như con tao mày ạ. Rồi Thành gọi nó lại cho ăn uống hỏi han. Đứa bé gốc Huế nói năng lễ phép rất dễ thương. Không biết vì sao nó lại lạc ra Hà Nội. Thành bảo, tao đón nó về nhà nuôi nhân thể. Thằng bé kia ngoan ngoãn nghe lời. Về nhà, Thành hì hụi lấy quần áo của mình ra đo đo cắt cắt khâu tay cho thằng bé Huế. Tôi và Thành xúm vào tắm rửa cho nó. Quả nhiên là thằng bé trắng trẻo rất đẹp. Đêm đó Thành bố trí đứa con nuôi ngủ với tôi trên gác xép. Lúc đó tôi chưa vợ bạ đâu ăn đấy, ngủ đấy. Cả đêm đó tôi thấy thằng bé cứ lục sục suốt. Ra cu cậu đang tìm mấy đồng tiền xu yểm trong người bị tuột rơi ra. Tôi thiếp đi sáng muộn mới dậy. Cả nhà tá hỏa khi thằng bé đã bỏ trốn. Kiểm lại không thấy mất thứ gì. Tôi mới lĩnh lương số tiền để ở túi ngực còn nguyên vẹn. Chính Thành sau này kể có bắt gặp lại nó vẫn đi vét đĩa. Thì ra cu cậu ở ngoài quen rồi. Nó bị lạc mẹ nên phải phiêu bạt để tìm. Sở dĩ theo về không dám cãi lời là vì…sợ. Tội thật. Gia đình Thành đang hạnh phúc thì đánh độp một cái đến khoảng năm 90 hay 91 gì đó nó tuyên bố bỏ vợ cũ lấy vợ mới. Tôi sốc. Ly hôn còn con thì sao. Thành chả đã vì con mà mất hết sự nghiệp đấy thôi. Thêm nữa, Nga vợ Thành rất thân với gia đình tôi. Vợ tôi quý Nga như chị em ruột. Tính Thành đã định thì khó có ai cản. Cô vợ sau cũng tên Nga. Đám cưới, tôi giao hẹn là chúng tao không mừng lần hai, không được thông báo với vợ cũ là chúng tao tham dự vì không đi không được chứ không ủng hộ. Thành gật đầu dù có càu nhàu cái vụ không mừng. Cũng chỉ có số ít bạn bè thân thiết dự cùng họ hàng. Không ngờ đám cưới Thành cho quay vidio rồi bật cho vợ đầu xem. Từ đấy Nga cũ không bao giờ chơi trở lại với gia đình tôi nữa. Cô Nga sau có hai con gái. Sống hạnh phúc và thành đạt. Hai đứa con cũng rất xinh xắn và ngoan ngoãn. Đứa lớn năm rồi vừa đậu vào trường Mỹ thuật công nghiệp. Đứa bé lớp 10 học rất giỏi. Hai đứa con trai Thành vắng bố lúc ở với mẹ lúc bà nội. Thành tuy có vợ khác nhưng vẫn quan tâm đến gia đình cũ. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không biết nguyên nhân của sự đổ vỡ này. Đứa con trai thứ hai thiếu người quản lý mắc nghiện ma túy. Thành rất khổ tâm. Tôi cũng cám cảnh nên bàn với Thành quyết tâm cai nghiện cho nó. Chính tôi có lần đã trực tiếp dẫn cháu đi ăn ở ba cùng ở một cơ sở cai nghiện tư nhân đằng đẵng cả nửa tháng trời. Dằng dưa mãi giờ thì cu con đã dứt được hẳn nghiện ngập và chí thú làm ăn. Đứa con trai lớn có vợ con nhưng sau cũng tan vỡ phải làm lại. Tôi biết Thành rất buồn về những chuyện này. Buồn là vì cái sự lặp kia thôi chứ thực thì bọn trẻ tôi biết chúng sống ổn.

Sự phớt đời ở Thành đã thành tính và không bao giờ bỏ được. Khi cần Thành sẵn sàng cho bạn bè tướt. Tôi không ít lần bị Thành cho ăn quả lừa kiểu như mời cả nhà đến ăn cơm nhưng khi tôi đèo vợ con đến thì chủ nhân đi vắng. Hẹn đánh xe đến đón đi đâu đó nhưng dài cổ đợi không thấy, gọi thì điện thoại tắt máy. Vì quên hoặc bận đột xuất chả biết. Lúc khó khăn nhất Thành vay tiền mỗi người vài trăm nhưng không trả. Chẳng ai giận Thành vì biết điều ấy là không quan trọng. Bởi trong đám bạn lính không ai tận tình như Thành. Giúp bạn cũng vậy. Thành có nghề xây dựng. Cứ mua đất xây nhà ở nếu thấy lãi thì bán. Thành coi đó vừa là niềm vui vừa là một nguồn sinh nhai. Năm kia tôi làm nhà. Khi công trình đang dở dang ngổn ngang chuẩn bị làm móng thì anh chủ thầu bị tai biến. Mọi kíp thợ đều từ anh này điều động thế có tai hại không cơ chứ. Đang loay hoay tìm người thay thế thì Thành đến bảo, không phải mượn ai, để đấy tao giúp. Quả nhiên Thành chỉ đạo tất tật từ A đến Z. Vố làm nhà ấy tôi lãi khối vì không phải trả công chủ thầu. Chưa kể đến thất thoát phết phảy phần trăm từ vị trí này. Cũng chả cứ tôi, bạn bè ai làm nhà làm cửa đều cạy nhờ đến Thành không một xu công xá. Những việc khác nữa, ai không có việc làm Thành đều giúp. Tiền bạc vật chất chẳng bao giờ tính toán. Thành có ô tô từ lâu. Những việc đơn vị như hội họp, hành quân dã ngoại trở lại thăm chiến trường xưa, Thành đều là người tổ chức và ủng hộ xe cộ. Đi ăn nhậu bao giờ Thành cũng xung phong trả tiền. Đến tận bây giờ dù rất thân nhưng tôi vẫn không lý giải nổi những điều mâu thuẫn trong con người bạn cũng như cái biệt danh Thành con kia. Đám bạn lính chúng tôi chơi với nhau thật sự như anh em ruột thịt, để tang bố mẹ nhau khi các cụ về nơi chín suối. Chia sẻ mọi sự. Một dạo Thành có chuyện gì đấy cãi vã với vợ. Cô Nga mới triệu tập tôi sang xa xả nói đốp vào mặt khiến thằng tôi vốn dẻo miệng vẫn phải im như thóc tức nổ mề dù chẳng hiểu mô tê răng rứa chuyện gì ra chuyện gì. Lý do đơn giản vì tôi là bạn thân nên được mượn làm chỗ trút giận cho chị vợ. Nhân chuyện này xin được kể lại cái vố Thành làm báo hại nhiều người. Vốn tin tưởng chuyên môn bác sĩ của vợ tôi, Thành rất hay hỏi ý kiến về y khoa. Đận đó Thành bỗng dưng tự kỷ ám thị mình bị bệnh Aids. Hà Nội có bao nhiêu bệnh viện, cậu chàng bỏ tiền đi khám bằng hết. Xét nghiệm đều cho âm tính nhưng Thành không tin. Hôm ấy Thành mò đến bệnh viện vợ tôi nhờ tư vấn. Vợ tôi hỏi sao anh lại nghĩ mình bị bệnh? Thành khai ra thi thoảng có cùng thằng A thằng B đi hát hò nghịch ngợm. Kết quả lại âm tính. Lần này thì Thành khỏi bệnh ám ảnh nhưng báo hại cho anh A, anh B bị vợ rầy la suýt tắc tử vì cái vố chưa khảo đã xưng nổi tiếng kia. Khekhe…

Hôm rồi đi dự đám giỗ anh Nguyên bạn lính trong truyện “Vòng trắng chấp chới”, Thành tự lái xe riêng đưa bạn bè đi nhưng đến bữa không dám đụng một giọt rượu. Đang uống như két sao lại kiêng khem thế này, khổ chưa. Thấy lạ hỏi thì bảo đang bệnh. Mấy ông bạn lính cười khúc khích nhìn nhau. Lại một đợt tự kỷ ám thị mới về bệnh ung thư máu phải kiêng rượu. Nhìn khuôn mặt bè bè lo lắng thật sự của Thành tôi không nhịn được cười. Chẳng nhẽ Thành đốc chứng dở người ra thế. Trời ạ. Đã thành những ông già xấp xỉ lục tuần nhưng hình như chúng tôi vẫn là những đứa trẻ thì phải. Bốn chục năm vèo trôi. Tôi chợt nghĩ nếu không có cái vụ loại ngũ vì nhớ con kia thì bây giờ Thành sẽ ra sao. Biết đâu Thành lại chả làm đến cấp tướng.

Khi viết truyện ngắn này tôi bỗng có nhu cầu mang cuốn nhật ký của mình dạo chiến tranh ra xem lại. Thấy ở cuối cuốn sổ có một số dòng viết của bạn bè chia tay ngày tôi rời đơn vị ra Bắc. Chữ của Thành rất đẹp uốn cầu kỳ ngỏng lên, ngoặt xuống mỗi nét cuối chữ. Chào Tiến, hẹn ngày về đốt pháo ở Cổ Ngư diễm lệ. Đọc xong ngồi thừ ra ngẫm ngợi thấy nhớ nhung thèm muốn cái thời đã xa lăng lắc ấy. Tự nhiên thấy thương yêu bạn bè nhiều hơn. Tôi lấy luôn lời của Thành đặt tên cho truyện ngắn. Đốt pháo ở Cổ Ngư./.

Hà Nội ngày 16/9/2012

PNT


Like
Be the first to like this.

Entry filed under: Truyện ngắn chủ nhật. Tags: .

Quyền phải sống (Truyện ngắn chủ nhật)
8 phản hồi Add your own




1. Sống thật chậm | Tháng Chín 16, 2012 lúc 1:29 sáng

Dạo này bác viết lên tay quá, gần bằng ngày xưa rồi bác ạ Trả lời




2. Phạm Ngọc Tiến | Tháng Chín 16, 2012 lúc 1:49 sáng

Mụ Sống Chậm này thật đáo để. Xỏ xiên nhưng mà có ý hay đấy nhỉ. Bao giờ cho đến ngày xưa. Khekhe…. Trả lời




3. Dai Viet | Tháng Chín 16, 2012 lúc 1:45 sáng

Chào anh Tiến,
đọc truyện ngắn của anh,tôi luôn tâm đắc câu “hãy giữ lấy con đường mới và những người bạn cũ”
Chúc các anh vui vẻ trong các buổi gặp gỡ. Trả lời




4. Phạm Ngọc Tiến | Tháng Chín 16, 2012 lúc 1:52 sáng

Số tôi được nhất là đường bạn bè. Cảm ơn anh. Trả lời




5. toithichdoc | Tháng Chín 16, 2012 lúc 6:35 sáng

Bác Tiến mô tả cuộc sống đời thường hay thật, đúng là phải có năng khiếu văn chương mới viết được như vậy. Đọc mà thấy dường như cả xã hội Việt Nam suốt mấy chục năm qua đang hiện ra trước mắt: Có vui,buồn, kết hôn, ly hôn, ma túy, aids, buôn đất, bán quần áo, quân phục, trộm đồ đơn vị, trẻ lang thang… nói chung đủ cả. Nhưng vượt lên tất cả vẫn là tình người, giữa những người lính với nhau và với con cái họ, giữa họ với các thành phần khác trong xã hội. Nhờ có tình người mà tất cả những người liên quan mới gắn kết thành một khối thống nhất, một người vì mọi người và mọi người vì một người. Có điều một nhóm người các bác vẫn bơ vơ, xa lạ với những nhóm người khác trong 1 xã hội hỗn loạn không biết đã, đang và sẽ phát triển theo kiểu gì, để rồi từng người một đến lúc nào đó sẽ bị cái xã hội này xô đẩy đến bước đường cùng mà tất cả mọi người trong nhóm dù hợp lực cũng không cứu được. Trương hợp anh Nguyên, cô An và hôm nay đến bác Thành là những ví dụ tiêu biểu. Và bác Tiến nữa, cũng coi chừng với tâm lý sẵn sàng vứt hết để về nguyên quán.
Trong hồi ức này, tôi khoái 2 đoạn vì có liên tưởng thời cuộc và gia đình. Bác Tiến bảo tiếc cho anh Thành, với bằng y tá quân đội biết đâu lại chả làm đến cấp tướng. Thế là đánh giá bạn hơi bị thấp, tôi biết có anh y tá to con, đẹp trai y chang như bác Thành còn lên to hơn rất rất nhiều. Lại nữa, Thành khai ra thi thoảng có cùng thằng A thằng B đi hát hò nghịch ngợm, báo hại cho anh A, anh B bị vợ rầy la. Chuyện khai với bác sĩ là đúng nhưng ai bảo bác sĩ đi kể lại với người khác ? Viết ra thế này bác Tiến sẽ bị vợ vặt tai là cái chắc. Khe khe. Trả lời




6. Phạm Ngọc Tiến | Tháng Chín 16, 2012 lúc 9:58 sáng

Cảm ơn toithichdoc đã cảnh báo cái tâm lý bơ vơ xa lạ của cá nhân hay một nhóm người đối với xã hội. Tôi thì nghĩ khác. Sợ nhất là sự a dua kiểu bày đàn. Bày đàn mới xô đẩy xã hội này đến vực thẳm. Cứ suy từ cá nhân tôi nếu về được nguyên quán thì tốt hơn cho bản thân và những người xung quanh quá. Khekhe…. Trả lời




7. toithichdoc | Tháng Chín 16, 2012 lúc 1:19 chiều

Phản hồi của bạn đang chờ được xét duyệt.

Bày đàn là một nhóm đông hơn, nhưng không có tổ chức và không lâu bền, chỉ kết hợp lại vì một lợi ích ngắn hạn nào đó, xong vụ việc là chấm dứt. Đúng là bày đàn mới có khả năng xô đẩy xã hội này đến vực thẳm (nhưng cũng có thể tạo ra một cuộc cách mạng khởi đầu cho một sự thay đổi tốt lành cho đất nước), vì những chuyển biến lớn của xã hội cũng thường chỉ qua một đêm cách mạng thôi mà (chỉ cái mà Lê Nin gọi chủ nghĩa đế quốc là đêm trước của cách mạng XHCN thì đến nay đã hơn 100 năm mà chưa hết đêm).
Ngược với bày đàn, những nhóm người tôi nêu thường là một tập hợp kéo dài cả đời, chỉ có một số ít người hợp cách sống của nhau, trong đó có những cá nhân làm nòng cốt, sống không vì lợi ích mà hình thành từ tình thương yêu, quý trọng nhau, từ những kỷ niệm cùng sống chết trong chiến tranh hay đã cùng ngồi trên ghế nhà trường (hội cả lớp hay dòng họ… không phải là nhóm này mà thực chất cũng chỉ là bày đàn thỉnh thoảng gặp nhau liên hoan thôi). Mỗi cá nhân không thể sống cô độc nên theo bản năng phải kết hợp với 1 số khác, nhưng lại không đủ lực tạo nên chuyển biến xã hội. Do đó những nhóm này đành kệ xã hội mà chỉ tập trung vun vén cho nhau. Xã hội càng thối nát thì càng sinh ra nhiều nhóm như thế. Trái lại xã hội càng văn minh thì cũng sinh ra nhiều nhóm, nhiều hội đoàn với qui mô đông hơn, có tổ chức hơn và đặc biệt có mục tiêu tích cực là tạo ra sức mạnh cộng đồng để chung sức phát triển cả xã hội, cả đất nước chứ không co cụm, vun vén cho nhóm riêng mình. Buồn là cái xã hội ta đã đang và vẫn sẽ đi theo hướng thứ nhất. Trả lời




8. tranlieu | Tháng Chín 16, 2012 lúc 12:03 chiều

Anh Thành, ngay lúc vào đời anh đã cùng những người cùng chí hướng đánh đuổi kẻ thù chung, anh thân thiện với mọi người, làm bạn với tất cả, anh sẵn lòng giúp đỡ bạn bè. Anh bắt đứa bé Huế lạc mẹ (phải chăng mẹ nó bên Âu châu(?)) về nuôi nhưng nó không quen cuộc sống mới mà bỏ đi. Đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, anh bỏ cái hiện tại, cái mà anh vì nó mà anh phải đánh đổi bằng tất cả, quên luôn cái mốc đáng nhớ vào năm 1979 đó để chạy theo cái tưởng là mới nhưng vẫn chỉ là tên cũ mà thôi. Hậu quả của việc chạy theo không đúng hướng là lũ con nheo nhóc bệnh hoạn trong khi cái tưởng là mới anh bám vào cũng chẳng tốt đẹp gì. Đến cuối câu chuyện, sau vài chục năm với bệnh tật và chứng lo sợ vô cớ anh lại kiêng khen cấm đoán đủ điều, anh thật dở người cho nên anh vẫn chưa tìm được con đường đi đến vinh quang cho bản thân anh và lũ con. Nhân vật Thành của bác Tiến rất giống bạn em, thằng Nam con chú Việt ở Hà Nội. Trả lời

9. Phạm Ngọc Tiến | Tháng Chín 16, 2012 lúc 12:30 chiều

Mình lại thấy khác tranlieu ở nhân vật người bạn thân này. Đó là một người dám sống. Khi cần lý tưởng thì sẵn sàng hy sinh kể cả tính mạng. Anh Thành tham gia cả mấy cuộc chiến tranh đều chiến đấu trực tiếp, vào Đảng năm 19 tuổi. Lúc cần vì gia đình cũng sẵn sàng đánh đổi sự nghiệp. Điều mà rất nhiều người không dám làm kể cả tác giả truyện này. Hiện tại anh sống bình an và hạnh phúc dù một lần đổ vỡ gia đình. Những đứa con của anh dù có người từng lạc bước song vẫn là ước mơ của nhiều bậc cha mẹ. Thành chỉ là một người lao động bình thường nên những biến cải của đời anh cũng chỉ bó hẹp trong phạm vi rất nhỏ. Nhưng nếu ở một vị thế khác thì những sự dám thay đổi kia thật sự là đáng quý và cần thiết cho cuộc đời. Cảm ơn bạn. Trả lời




10. toithichdoc | Tháng Chín 16, 2012 lúc 1:50 chiều

Phản hồi của bạn đang chờ được xét duyệt.

Hoàn toàn tán thành nhận xét của bác Tiến, xã hội chỉ phát triển khi có những con người dám làm như anh Thành, nếu ai cũng tròn vo như cách chúng ta ép con cháu hiện nay (cũng như thế hệ chúng ta cũng đã bị đúc khuôn như thế) thì đất nước chẳng bao giờ tiến được. Các nước khác phát triển được là nhờ có những cá nhân dám nổi loạn như thế, nhưng ở đó họ có cách khuyến khích, nâng đỡ để sự nổi loạn đó làm cho xã hội tốt hơn.

Nhưng cá nhân một con người không thể kiểm soát được tất cả mọi thứ liên quan, a Thành không thể giáo dục được cả 4 đứa con hoàn hảo, theo ý mình được, ngay cả 1 đứa cũng chắc gì đã dễ, với vợ cũ cũng vậy. Đó là vì con cách anh chủ yếu sống trong xã hội chứ không phải lúc nào cũng ở bên a Thành. Mà chúng ta đều biết thông tin xã hội quyết định thông tin di truyền hay thông tin gia đình (lý thuyết thông tin), tức là những ảnh hưởng xã hội có vai trò quyết định, áp đảo tạo ra cách sống của mỗi cá nhân chứ không phải di truyền hay bố mẹ dạy dỗ ra được. Do đó sống trong một xã hội mà như Lê Lựu vẫn nói “thời nay mới là thời loạn chứ không phải chiến tranh mới là thời loạn”, thì việc con anh Thành hay hàng triệu người nữa rơi vào vòng tệ nạn là hết sức bình thường. Thậm chí hầu như tất cả những quan chức tinh hoa của chúng ta cũng đều dính tệ nạn hết vì ai chẳng tham ô, gái gú (vì đi công tác thì được địa phương chiêu đãi mà), chỉ có điều đã lộ hay chưa lộ thôi.

Những bất hạnh khác của a Thành như lý hôn, chập cheng… chủ yếu cũng vì cái môi trường xã hội gây ra cả; ham muốn nhiều nhưng làm sao thực hiện được trong cái thể chế chỉ biết đổi trắng thay đen này (HSP nói đây là 1 xã hội lật ngược hay là 1 phản xã hội mà, vì nó bị ép không được phát triển theo đúng quy luật tiến hóa). Vì đã già mà ước muốn không thành nên sinh bệnh cũng là lẽ thường (Khổng tử đã nói bất hạnh nhất của đời người là chết khi sự nghiệp chưa thành). Chuyện hiện tại anh sống bình an và hạnh phúc hay không thì tôi không rõ, nhưng tôi tin rằng cái chúng ta gọi là hạnh phúc hiện nay chỉ ngang bằng trình độ thế giới trước đây một trăm năm, tức là vừa đủ để khỏi chết đói. Cứ nhìn các so sánh quốc tế tràn lan trên báo thì biết.

Sợ lại dài dòng như chị HL rồi, xin dừng để đi dạo chơi chủ nhật cho khỏi bị chập cheng như anh Thành đây. Nhiều luc thấy bác Tiến nghĩ đúng, vứt (mẹ) cái phản xã hội thối tha hiện nay ra khỏi đầu, nó có sao thì sau này con cái mình chết chứ mình cứ lo cải tạo nó thì mình chết trước. Khe khe 1 cái cho sảng khoái… (cười thay cho uống rươu hay ma túy mà). Trả lời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét