Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Du lịch qua mạng: Hiền như Myanmar


Thế giới này rất nhiều nơi phong cảnh còn đẹp hơn Myanmar. Nhưng nếu ai muốn tìm đến tình cảm lương thiện, hiền hòa của con người để soi rọi lòng mình, để yêu thương và tin tưởng nhau hơn thì Myanmar là nơi nên đến.

1. Tháng 10, Myanmar vẫn nắng nóng gay gắt, hơn cả Campuchia ngày hè đổ lửa. Nhưng Myanmar lập tức đem lại sự mát lành cho du khách bằng nụ cười thân thiện của cô hải quan khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế nhỏ xíu của nước này. Anh nhân viên nhìn passport của tôi bèn nhoẻn cười: “Ôi Việt Nam! Xin chào!” và nói “Cảm ơn!” khi trả tôi hộ chiếu. Anh nói bằng tiếng Việt! Đến quầy hành lý, một anh nhân viên lăng xăng, tay giơ cao chiếc túi đựng máy ảnh hay điện thoại chi đó hỏi khắp các hành khách ai là người đánh rơi.

Yangoon, thủ đô cũ của Myanmar, khá nghèo. Mặc dù đó đây vẫn có những cao ốc, đường sá rộng lớn nhưng cũ kỹ và xuống cấp. Cứ như câu chuyện cổ tích về một vương quốc đang an lành hạnh phúc bỗng bị mụ phù thủy hóa phép khiến thời gian ngừng trôi và bây giờ mới bắt đầu thức dậy.

Hòn đá thiêng Golden Rock trong sương mù.

Nếu ai hình dung Myanmar đẹp như cổ tích với hoa thơm cỏ ngọt cùng những lâu đài vàng son thì chắc sẽ thất vọng lắm. Bụi và rác vương vãi khắp các đường phố Yangoon. Những chuyến xe buýt, xe lam cũ kỹ đã bị xóa sổ ở Việt Nam tự lúc nào thì ở đây vẫn đang cõng khách chen kín, có người còn đu cả ra ngoài. Khách sạn hai sao có giá rất mắc, tới 60 USD/ngày nhưng chất lượng chỉ cỡ khách sạn… không có sao nào ở Sài Gòn, thang máy lại còn rung bần bật.

Nhưng bù lại, Myanmar đã nuôi dưỡng sự yên lành cho du khánh vì con người ở xứ sở này thật hiền lương.

Buổi tối đầu tiên ở Yangoon, sau bữa ăn tối, tôi rảo bộ một mình để tìm hiểu thêm về thành phố này. Đi một đoạn thì bỗng có chiếc xe chạy theo, đó là chị hướng dẫn viên và anh tài xế chúng tôi thuê, hai người bản địa tôi vừa mới quen. Bằng thái độ hết sức chân thành và lo lắng, họ nhất định bảo tôi về khách sạn, đừng đi khuya như thế vì sẽ không tốt cho một cô gái trẻ một mình lang thang không ai bảo vệ.

2. Myanmar là xứ sở của chùa chiền thiêng liêng. Khách sạn tôi ở sát bên một ngôi chùa và gần với rất nhiều ngôi chùa khác. Tôi thức dậy trong tiếng chuông chùa và tiếng chim líu ríu. Những chú bé đầu cạo trọc, trên dưới 10 tuổi sống trong ngôi chùa cạnh khách sạn tôi ở đã dậy từ bao giờ, đang lục tục lao động. Chú thì lau nhà, chú thì nhổ cỏ, chú thì đổ cát. Đến giờ giải lao, chúng túm tụm vào nhau chơi oẳn tù tì trong tiếng cười vang. Một cảm giác bình yên ùa về trong lòng du khách.

Nhưng khi phát hiện tôi giơ máy ảnh lên chụp thì lũ trẻ rụt rè và bỏ chạy tán loạn. Bỗng đâu, các sư huynh của những chú bé này đang đứng trên lầu (và chắc nãy giờ đã quan sát câu chuyện của chúng tôi - tôi và lũ trẻ) nên nói gì đó nghe có vẻ rất nghiêm. Lũ trẻ dễ thương bèn ngoan ngoãn tụm lại, chịu ngồi cạnh bên để tôi ghi lại những hình ảnh trong trẻo, bình yên ấy.

Trên đường phố Myanmar, hình ảnh nhiều nhất là những vị sư. Xen lẫn những nhà sư áo vàng, các cô bé đầu trọc mặc y phục nhà Phật màu hồng ôm bình bát trên tay nối nhau đi khất thực vào mỗi sáng. Trước cửa một ngôi nhà nhỏ, gia chủ đặt sẵn khạp nhỏ đầy gạo cúng dường cho các nhà sư. Một tiểu ni cô áo hồng đến, người bố thí đi ra, dẫn theo đứa con, bàn tay lớn cầm bàn tay bé bỏng, kính cẩn xúc từng thìa gạo đổ sang bình bát của tiểu ni cô. Tất cả đều mỉm cười. Bình an. Thánh thiện.



Ngôi chùa Shwedagon hơn 2.500 tuổi nổi tiếng nhất ở Myanmar, nơi giữ xá lợi tóc Phật Thích Ca, được xây dựng bằng vô số vàng bạc châu báu.

Và một điều lạ lùng là khắp nơi trên đường phố, xóm làng Myanmar, dưới những tán cây, trước những hiên nhà, góc phố là những chiếc khạp đựng nước uống mát lạnh. Những nhà sư chân trần khất thực, những khách bộ hành lỡ khát cứ tự nhiên múc uống, tự nhiên cảm nhận dòng nước mát lành tan chảy vào huyết quản, nghe bình yên kinh kệ ùa về.

Góc phố bên kia, nơi có một con đường đất nhếch nhác và những người lam lũ, một người đàn ông đen đúa, dáng vẻ nghèo khó ngồi bệt xuống đường cùng đứa con nhỏ chừng một, hai tuổi. Trên tay ông cầm lon hạt đậu, cùng đứa con vốc từng nắm hạt rải xuống đường cho lũ chim ăn. Em bé còn chưa biết nói nhưng tỏ ra rất thích thú với công việc này. Đám bồ câu đậu trên cây sà xuống vây quanh mổ thức ăn. Tôi đứng lặng và cảm ơn khoảnh khắc tuyệt đẹp của đời.

Ở Myanmar, từ những em bé thơ ngây, những cô gái xinh đẹp mộc mạc, các anh bán hàng trầu nghèo khó đến bà chủ cửa hàng trang sức khá giả hay anh bán tranh ở chợ… trên môi luôn nở nụ cười dù khách có mua hay không mua hàng của họ. Họ vui vẻ, giúp đỡ nhiệt tình khi khách ngỏ ý xin chụp ảnh rồi còn làm thợ chụp ảnh bất đắc dĩ cho khách nữa. Không có chuyện bị xua đuổi, quát mắng khi lỡ ngồi trước một phòng tranh ở Hội An để chụp ảnh. Không có chuyện treo bảng không cho khách chụp ảnh trước các cửa hàng bán lồng đèn Trung thu ở quận 5 (TP.HCM).

3. Tôi lại nhớ ngọn núi nơi có ngôi chùa Kyaikhtiyo với hòn đá thiêng Golden Rock nữa rồi. Trên đỉnh núi này, buổi tối mây bay là là và sương mù giăng giăng. Đêm khuya, gió bấc ào ào len qua khe cửa. Sáng 4 giờ, tôi thức dậy để đi đến hòn đá thiêng đón ánh bình minh. Trời còn tối lắm, gió vẫn thổi và sương mù dày đặc. Người tôi ướt sũng, lạnh lẽo, lòng thích thú xen lẫn lo lo vì con đường tối dài hun hút và vắng vẻ quá.



Những chú tiểu và trẻ con tu học trong chùa đang chơi oẳn tù tì sau giờ lao động buổi sáng. Ảnh: CẨM TÚ

Thấy tôi một mình lang thang, cậu thanh niên địa phương đang chạy bộ tập thể dục trên đường liền đứng lại hỏi han rồi bảo tôi đừng đi vì trên ấy giờ này vắng lắm, trời lại đang mưa lạnh nữa. Không thuyết phục được khách, cậu bèn đưa tôi chiếc đèn pin đang cầm trên tay kèm lời dặn dò: “Bạn hãy cầm lấy và cẩn thận kẻo ngã, mình phải rèn luyện tiếp đây. Khi nào xuống thì gửi lại mình cũng được”. Rồi cậu chạy tiếp, để lại tôi đứng ngỡ ngàng.

Hòn đá khổng lồ nằm chênh vênh trên vực thẳm ngàn năm không rơi là một điều kỳ diệu. Nhưng với tôi, kỳ diệu hơn là những nụ cười ấm áp và tấm lòng hiền lương, tốt bụng của người Myanmar đối với những người khách lạ.

Buổi sáng hôm đó tôi không thể đón được cảnh mặt trời tỏa ánh nắng vàng chiếu trên hòn đá cũng phủ vàng lấp lánh vì sương mù dày đặc. Tôi không phải là người đến đây sớm nhất. Một ông bố tay cầm hoa, tay dẫn đứa con nhỏ xíu, chân trần đi lễ Phật từ lúc nào. Các vị nhà sư cũng đã xuống núi đi khất thực.

Trong ngôi chùa nhỏ, những chú tiểu đang học kinh giọng vang vang không quên mỉm cười khi tôi ghé thăm. Cạnh hòn đá thiêng là một ngôi nhà nguyện bằng kính, trải thảm ấm áp. Người Myanmar và khách hành hương các nước sáng sớm đến đây cầu nguyện hoặc đơn giản chỉ để ngồi tĩnh tâm trong sự yên tịnh tuyệt đối, trước đất trời mênh mông với một niềm cảm động chân thành nghĩ về tình yêu thương, về lòng từ bi bác ái. Bình an và hạnh phúc này tưởng đơn giản nhưng không phải dễ dàng cảm nhận được và không phải hễ đầy đủ vật chất xa hoa là có.

CẨM TÚ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét