Với
sự tham gia của gần 900 đại biểu thuộc 52 quốc gia và vùng lãnh thổ,
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần 2 được tổ chức vào ngày 27/9
tại TP.HCM là sự kiện lớn được người dân Việt Nam trong và ngoài nước
trông đợi.
Trước khi diễn ra hội nghị này PV Báo điện tử Infonet
đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Hòa Phương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về
người Việt Nam ở nước ngoài (UBVNVNONN) tại TP.HCM về vai trò, những
đóng góp và cả những vấn đề còn tồn tại đối với những kiều bào ta hiện
đang sinh sống tại nước ngoài.
- Thưa ông, hiện
tại số lượng kiều bào ta ở nước ngoài lên đến hàng triệu người, trong đó
không ít người đã, đang và sẽ quay trở lại Việt Nam, ông có thể cho
biết vai trò của kiều bào trong việc chung tay xây dựng đất nước?
Trước
hết chúng ta phải khẳng định rằng, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ
phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc, là một nguồn lực, là nhân
tố rất quan trong trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tình hữu
nghị giữa Việt Nam và các nước và ngược lại.
Ông Trần Hòa Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban
về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM
Đối
với TP.HCM, ngay từ kháng chiến chống Mỹ, các kiều bào đã có nhiều đóng
góp vào sự nghiệp giải phóng Đất nước, thống nhất Tổ quốc. Sau giải
phóng, nhiều trí thức, kiều bào đã trở về để chung tay xây dựng lại đất
nước, nhiều người đã tham gia vào Quốc hội.
Cho đến
nay số lượng kiều bào ta đã lên tới hơn 4 triệu người, sinh sống tại hơn
100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là lực lượng có những đóng góp quan
trọng vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Họ chính là chiếc cầu nối giữa
nơi mà họ sống với quê hương, đất nước.
Riêng tại
TP.HCM lực lượng kiều bào không chỉ đóng góp về kinh tế, thể hiện ở việc
thành lập các công ty, mà nhiều trí thức cũng đã trở về giảng dạy tại
các trường đại học, hay chuyển các công nghệ mới về đất nước như Tiến sĩ
Đặng Lương Mô – người hướng dẫn để làm ra con chip đầu tiên của Việt
Nam hoặc tham gia công tác xã hội như ông Nguyễn Văn Công – người xây
dựng hơn 120 chiếc cầu bê tông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết thúc buổi phỏng vấn, ông Trần Hòa Phương có kể một câu chuyện. Nhiều năm trước có kiều bào từng là đại tá chế độ cũ, dù rất muốn trở lại Việt Nam nhưng ông vẫn lưỡng lự. Lần đầu tiên ông tới Băng Cốc và gọi người thân qua thăm, lần thứ hai ông bay tới Hồng Kông, lần thứ ba ông tới Quảng Châu, lần thứ tư ông về Hà Nội chỉ đến lần thứ 5 ông mới trở lại Sài Gòn, và khi đã đi thăm lại khắp nơi, chứng kiến những đổi thay ông mới thốt lên “Tại sao bây giờ tôi mới trở lại?” |
Hiện
tại, mỗi năm lượng kiều hối chuyển về nước khoảng hơn 10 tỷ USD trong
đó TP.HCM đã chiếm khoảng 6 tỷ USD, với trên 500 ngàn lượt kiều bào đi
về.
Để thu hút những kiều bào này về sinh sống, học tập, và làm việc tại Việt Nam chúng ta đã có những chính sách gì thưa ông?
Trong
những năm gần đây, chính sách, chủ trương của nhà nước càng ngày càng
thông thoáng và tạo điều kiện cho bà con. Nếu trước kia chỉ một quốc
tịch thì bây giờ có thể có hai quốc tịch, những người có giấy tờ đầy đủ
còn có thể đăng ký hộ khẩu thường trú, các thủ tục hải quan cũng được
tinh giảm tối đa…
Tại TP.HCM, hàng năm tổ chức họp
mặt kiều bào với UBND TP để lắng nghe những ý kiến đóng góp. Tổ chức kỳ
thi viết “Việt Nam đất nước tôi” để kiều bào nói lên những tình cảm,
nguyện vọng, suy nghĩ. Đặc biệt từ sau đại hội 11, Ủy ban về người Việt
Nam ở nước ngoài tại TP.HCM đã tổ chức kỳ họp hiến kế cho Thành ủy, UBND
Thành phố trong việc thực hiện các chương trình đột phá theo nghị quyết
của đại hội Đảng bộ thành phố.
Thưa ông, dù
những đóng góp của kiều bào hiện nay là rất lớn, nhưng nhiều ý kiến cho
rằng họ hoàn toàn có thể làm tốt hơn điều này?
Vấn
đề hiện nay là, người về được thì đã lớn tuổi, trong khi những trí thức
trẻ trở về còn rất ít. Muốn thu hút những người này về chúng ta phải có
những chính sách rõ ràng, tương xứng với đóng góp, vì tuy đã thông
thoáng hơn trước nhiều lần, nhưng vẫn còn không ít thủ tục.
Dù
năm 2008 chúng ta đã sửa luật quốc tịch, nhưng không phải ai cũng làm
được vì có những người hiện nay không giữ lại bất cứ một loại giấy tờ
nào để chứng minh nguồn gốc. Chúng tôi đang chuẩn bị, tập hợp các ý kiến
để trình sửa đổi, bổ sung. Muốn giải quyết điều này phải có một chính
sách tổng thể.
Hiện tại hình dung về đất nước
của một số kiều bào vẫn chưa thay đổi so với những suy nghĩ trước đây,
theo ông mọi người cần làm gì để thay đổi điều này nhằm hướng đến một
Việt Nam thịnh vượng.
Theo tôi số lượng kiều
bào còn giữ tư tưởng này chỉ chiếm một phần rất nhỏ, những người này hầu
như không về nước, chính sự thiếu thông tin đã khiến họ không thay đổi
những suy nghĩ của mình. Tất cả bà con về nước đều chứng kiến sự đổi
thay, lớn mạnh của đất nước, hãy nhìn vào lợi ích chung của dân tộc để
chúng ta cùng hóa giải những mâu thuẫn.
Nguyễn Cường
(thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét