Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Mùa này, bà nội trợ nên mua trái cây nào ít độc?

Có lẽ ở VN giờ toàn trái cây độc, chỉ còn loại ít độc ?

Mùa này, bà nội trợ nên mua trái cây nào ít độc?


Đang là mùa ổi, bạn có thể mua về dùng vừa rẻ, vừa an toàn. Ảnh: VTCnews.

Các bà nội trợ với thu nhập khá có thể mua hoa quả nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand có nguồn gốc rõ ràng. Còn người ít tiền cũng có thể mua hoa quả “lành” tại chợ cóc.

Với tình hình khủng hoảng kinh tế như hiện nay, nhiều bà nội trợ phải thắt chặt chi tiêu. Chị Thu Huế (Sơn Tây, Hà Nội) chia sẻ: "Giờ ra chợ, tôi không dám mua táo tây, lê, hay dưa vàng vì nghe thông tin những loại quả này thường được nhập từ Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật lớn. Hai đứa con nhà tôi vẫn phải cần bổ sung vitamin, tiền có hạn nên cũng không biết chọn mua loại quả gì cho an tâm”.

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Bộ môn cây ăn quả, Viện Nghiên cứu rau quả cho biết: những loại quả có nhiều vitamin, dưỡng chất, ở Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng, khá phong phú.

Có những loại quả mà khi ăn, người tiêu dùng tương đối an tâm, giá cả lại rẻ như ổi. Nông dân rất ít khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lên ổi. Sau khi hái xong họ thường mang đi bán ngay.

Mùa này có ổi bo ở Thái Bình quả to bằng nắm tay. Ổi găng được trồng nhiều ở Gia Lâm, Hà Nội và nhiều vùng quê Bắc bộ. Ngoài ra còn có giống ổi to không hạt được nhiều nông dân trồng.

Anh Hùng (làng Đông Dư, Gia Lâm, Hà Nội - làng nổi tiếng với ổi găng ngon) mang ổi đi bán tại chợ Thái Thịnh cho biết: “Tôi hái ổi của những nhà trong làng, hái xong mang bán ngay chứ không hề ngâm tẩm gì. Lá và cuống ổi vẫn tươi nguyên. Để chọn ổi găng ngon, cần chọn quả có vỏ sần, cứng, màu hơi trắng ăn đảm bảo vừa giòn vừa ngọt”.

Hiện cũng là mùa chuối tiêu. Khắp nẻo đường, chuối được bày bán với giá khá rẻ chỉ khoảng 20.000-30.000 đồng một nải. Chuối chứa nhiều vitamin B6, vitamin C và kali. Có bà nội trợ lo lắng mua chuối không khéo sẽ mua phải chuối dấm bằng thuốc.

Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Quốc An cho rằng: Chuối là loại quả rất lành, được bọc ngoài bởi lớp vỏ dày. Sau khi hái khỏi cây, quả vẫn tiếp tục chín. Thời gian để được chuối từ lúc hái còn ương đến khi chín khá dài, vì vậy người bán ít phải sử dụng thuốc.

Theo ông An, dù có dùng thuốc kích thích sinh trưởng để cho chuối mau chín thì người dùng cũng không nên quá lo lắng, vì thịt quả được ngăn với bên ngoài bằng lớp vỏ dày, có thể bóc được.

Khế ngọt cũng là loại quả an toàn cho người dùng. Ông Trần Văn Tài, kỹ sư nông nghiệp ở Hoài Đức, Hà Nội, cho biết: Trong 100 gr khế tươi có 10 mg canxi, 8 mg photpho, 30 mg vitamin C... Khế giàu muối khoáng như kali, magie... Vị chua của khế không phải do vitamin C mà do axit tartric.

Mùa khế ở miền Bắc vào khoảng tháng 2-3 và thêm vụ thu vào tháng 8-10. Chưa có loại bệnh nấm, virus nào nguy hiểm đối với khế. Vì vậy, người dân ít phải dùng thuốc bảo vệ như thuốc chống nấm, chống virus. Nhưng chị em chú ý khế là loại quả sau khi đã ngắt xuống khỏi cây sẽ không tự chín nên khi mua khế cần chọn quả lành lặn, đã chín. Chọn quả xanh sẽ bị chát.

Một loại quả hiện có thể mua và sử dụng giá cả vừa rẻ lại vừa an toàn là dứa. Quả dứa có hàm lượng axit hữu cơ cao gồm axit malic và axit xitric. Ngoài ra còn có chứa mangan, photpho, vitamin C dồi dào.

Sau thu hoạch, quả lành lặn còn xanh nếu bảo quản ở nhiệt độ 10-12 độ C, 7-8 độ C đối với dứa bắt đầu chín, thì có thể để được 2-3 tuần.

Kỹ sư Tài cho biết quả dứa ít phải bảo quản bằng thuốc vì có thể tự chín sau khi đã thu hoạch, nông dân hái từ khi quả còn xanh hoặc chớm chín. Vỏ dứa lại dày nên người dùng có thể an tâm.

Vào mùa này, ra chợ thường gặp những hàng bán mít. Mít rất giàu dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, vitamin C, canxi, kali, sắt, thiamin, riboflavin, niacin, magneisum và nhiều chất dinh dưỡng khác.

Mít có thể tự chín ở nhiệt độ bình thường. Quả mít có thể để lâu trong 6 tuần ở nhiệt độ 11-13 độ C. Bình thường để được 7-10 ngày. So với các loại cây ăn quả khác, mít khá dễ trồng, chịu hạn rất tốt, ít công chăm sóc.

Nếu sử dụng biện pháp tổng hợp để quản lý dịch hại trên cơ sở sinh thái học tốt, người trồng có thể không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, người tiêu dùng không phải sợ bị ngộ độc do thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong quả. Theo VTC New

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét