ĐÂU LÀ QUỐC ĐÔ ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT ?
KS. PHAN DUY KHANúi Hồng Lĩnh (tức Ngàn Hống) là một trong những danh sơn của đất nước được chọn khắc vào “cửu đỉnh” (9 chiếc đỉnh bằng đồng đặt ở sân Thế Miếu, kinh đô Huế). Núi nằm giữa ba huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc của tỉnh Hà Tĩnh. Tương truyền núi có 99 đỉnh, đỉnh cao nhất 676m. Theo Ngọc phả Hùng Vương thì chính ở phía Tây – Nam dãy núi này, ngày xưa là đô thành của Kinh Dương Vương.
Vị trí đó đã được Ngọc phả xác định tương đối cụ thể: ở chân núi Thiên Tượng thuộc làng Bình Lãng (tên cổ là Kẻ Vọt) và ở tả hữu Thiên Lộc, nội ngoại Thiên Lộc (thuộc hai xã Thiên Lộc và Phúc Lộc, huyện Can Lộc ngày nay). Đây là một vùng đất cổ. Theo một cuốn địa phương chí thì ở vùng Can Lộc này 2/3 số làng cổ có tên nôm là Kẻ, ví dụ: Kẻ Vọt (Bình Lãng), Kẻ Treo (Đậu Liêu), Kẻ Cài (Thanh Lộc), Kẻ Lù (Hồng Lộc), Kẻ Chòi (Tân Lộc)… Những làng này đều nằm ở phía Tây – Nam Ngàn Hống, trùm lên vị trí kinh đô xưa… Không phải ngẫu nhiên mà những người lập Ngọc phả lại ghi nhận nơi đây là quốc đô đầu tiên của ngươi Việt. Chúng ta biết rằng, ngay kinh đô Văn Lang của các vua Hùng, ngày nay chúng ta vẫn chưa xác định được vị trí cụ thể, thì việc một kinh đô có trước thời kỳ Hùng Vương hàng ngàn năm, lại được xác định một cách cụ thể như thế chứng tỏ rằng nó đã từng tồn tại lâu dài và để lại những dấu ấn đặc biệt.
Dấu tích vật chất và dấu ấn tinh thần của kinh đô Ngàn Hống
Dấu tích vật chất duy nhất còn lại là đài Trang Vương (còn gọi là Sở Trang Chỉ) mà nhiều người lầm tưởng là nên nhà của công chúa Diệu Thiện, do Sở Trang Vương xây dựng cho con gái (Xin được nói thêm: trong thời đại phong kiến, một số nhà nho có tư tưởng sùng ngoại thường hay gắn những di tích trên đất nước ta cho các nhân vật Trung Hoa. Ví dụ: tên núi Yên Tử, thuộc huyện Đông Triều, Quảng Ninh, họ cho rằng do đạo sĩ Yên Kỳ Sinh người Trung Hoa, đời Tần sang tu luyện ở núi này mà có tên như thế (!). Vậy thử hỏi, núi Yên Phụ, cũng ở Đông Triều, cạnh Yên Tử, là do bố của Yên Kỳ Sinh đến tu luyện mà có tên như thế hay sao? Chính những sự gán ghép tùy tiện như thế gây rắc rối không ít cho những người nghiên cứu. Khi sử dụng loại truyền thuyết này, cần hết sức cảnh giác!).
Trở lại vấn đề của chúng ta. Đài Trang Vương nằm trên ngọn Hương Tích, có độ cao 500m, vị trí vào khoảng giữa của kinh đô Ngàn Hống. Sách. Đại Nam nhất thống chí ghi: “Núi Hương Tích, trên có thành đá, trong thành có nền ghép bằng đá, có 99 bậc gọi là đài Trang Vương…”. Nhà học giả Hoàng Xuân Hãn mô tả: “Đường lên chùa (tức chùa Hương Tích, nằm trên cùng một đỉnh núi với đài Trang Vương) gồ ghề và dốc. Nhiều chỗ phải bò mà vịn vào tảng mới qua chỗ hẻm. Lúc lên đến nơi thì một cảnh ngoạn mục bày ra trước mắt: một vạt sân rộng phẳng, tùng già bóng mát, tiếng gió thổi qua lá nhỏ, nghe như thổi sáo, gảy đàn” (La Sơn phu tử – NXB Văn học, theo bản in 1952). Như chúng tôi đã phân tích, đây không thể là công trình xây dựng của vua Sở Trang Vương như nhiều người lầm tưởng. Chúng tôi cho rằng đây có thể là đài quan sát thiên văn của bộ tộc Việt Thường. Chúng ta biết, bộ tộc Việt Thường đã làm được “quy lịch”. Mà muốn làm được lịch thì không thể không hiểu biết tường tận về bầu trời và khoa học quan sát thiên văn. Một đỉnh núi cao đến 500m, lại nằm giữa vùng đồng bằng là một vị trí quan sát thiên văn lý tưởng. Vì vậy, đài Trang Vương phải chăng là đài quan sát thiên văn của thời kỳ Việt Thường thị?
Dấu ấn tinh thần của kinh đô Ngàn Hống, theo chúng tôi, còn lại trong các truyền thuyết về lễ hội, trong đó có lễ hội đình Đụn mà chúng tôi đã đề cập tới (TGM 164). Lễ hội đình Đụn còn được truyền miệng trong một bài vè ở vùng này:
…Di truyền cổ tích
Dựng bốn cột làm đình .
36 gian rộng thênh
Khi lễ hội cáo thành
Làng cho hạ cột đình
Dân rước về Khe Hác…
(Vè đình Đụn)
Khe Hác là khe Nhà Trò. Bốn cột đình dựng lên, dù rộng bao nhiêu cũng chỉ là một gian, chứ sao được 36 gian (36 gian thì phải cần đến 74 cột!). Chúng tôi chưa giải thích được con số 36 này, nhưng con số 4 cột đình phải chăng tượng trưng cho 4 cột chống trời ở 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc trong quan niệm của người Việt cổ?
Một điều lý thú là ở cách vùng này trên chục cây số, tại xã Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) cũng có truyền lại về lễ hội đình Đụn ở vùng này. Hàng năm, cứ đến rằm tháng 6, dân 4 giáp trong xã tổ chức tế lễ ở Đại Đình. Ở đó, người ta đắp một cái cồn cao và rộng, gọi là cồn Đình. Tại đây, 4 giáp dựng 4 cột gỗ lim ở 4 góc cồn Đình và cũng gọi là 4 cột đình Đụn. Tế lễ xong lại dỡ cột đình đem cất đi. Có lẽ trên đất nước ta, chưa ở đâu có cách tế lễ độc đáo như thế! Đụn là một từ Việt cổ, có nghĩa là kho, là nhà (ngày nay ta vẫn còn dùng từ ghép kho đụn). Phải chăng, lễ hội này phản ánh một thời kỳ xã hội còn ở mức sơ khai, khi cả cộng đồng đông đúc cùng ở chung trong một căn nhà rộng? Hay phản ánh một nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng, khi chưa đủ khả năng vật chất để xây dựng đình ở thời bán nguyên thủy?
Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, dọc theo quốc lộ 1A, hát giặm rải từ phía Bắc vào phía Nam, qua Quỳnh Lưu; Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc (Nghệ An), nhưng dần dần, hát giặm đậm đặc nhất ở Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà (Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa Sở Văn hóa – Thông tin Hà Tĩnh 1995). Theo học giả Nguyễn Đổng Chi trong cuốn Hát giặm Nghệ Tĩnh (NXB Khoa học 1963) thì: “Hát giặm Nghệ Tĩnh giọng hát thô sơ, đều đều, nhạc điệu đơn giản, tưởng như còn giữ được ít nhiều hình thức nguyên thủy và tính chất hùng dũng vốn có xưa kia của nó. Phải chăng, hát giặm Nghệ Tĩnh có xuất xứ từ thời kỳ Việt Thường thị và chính vùng kinh đô của nó còn bảo lưu, bảo tồn được nhiều nhất (Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà đều ở quanh vùng Ngàn Hống)?
Nhân vật Kinh Dương Vương và Việt Thường thị
Tác giả Việt Nam: thần thoại và truyền thuyết (Bùi Văn Nguyên, NXB Khoa học xã hội và NXB Mũi Cà Mau -1993) dẫn theo Ngọc phả và truyền thuyết, cho biết: Kinh Dương Vương là cháu 4 đời của Viêm Đế – Thần Nông. Kinh Dương Vương vì không thích làm vua ở đất Kinh, Tương (vùng hồ Động Đình, Trung Quốc) nên mới du ngoạn phương Nam để chọn đất đóng đô ở Ngàn Hống và đặt quốc hiệu là Việt Thường. Thế nhưng, chúng ta biết, khi đoàn sứ giả của Việt Thường thị sang dâng rùa thần cho vua Nghiêu, để hiểu nhau phải qua nhiều lần thông dịch. Hơn 1.200 năm sau, đoàn sứ giả Việt Thường sang dâng chim trĩ trắng cho Chu Thành Vương cũng phải qua nhiêu lần thông dịch mới hiểu được nhau. Chi tiết này chứng tỏ giữa nền văn minh Việt Thường và nền văn minh Trung Hoa hoàn toàn xa lạ, phải có những người của bộ tộc trung gian làm công tác phiên dịch mới hiểu được nhau. Không lẽ Kinh Dương Vương, cháu 4 đời của Viêm Đế Thần Nông mà lại khác xa tổ tiên và những người anh em cùng huyết thống với mình như thế?
Hai là, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nở ra một trăm người con, thủy tổ của dân tộc Việt. Đây là truyền thuyết đích thực của dân tộc ta, phản ánh “khát vọng của dân tộc trong buổi ban đầu muốn có hình thức sinh sôi nảy nở một cách thần kỳ, để có đủ nhân lực, nhằm đấu tranh với thiên nhiên, chống lại thú dữ, bảo tồn nòi giống. Một khát vọng buổi đầu như thế là hết sức thiêng liêng. Nếu chúng ta xét trong phả hệ này, Viêm Đế sinh ra Đế Khôi; Đế Khôi sinh ra Đế Thừa; Đế Thừa sinh ra Đế Minh; Đế Minh sinh ra Kinh Dương Vương đều là những sự sinh nở hết sức bình thường. Đến đời Lạc Long Quân, tự nhiên lại sinh ra một bọc trứng thì vô hình chung, đấy là một sự bất thường khó hiểu, chứ đâu còn mang ý nghĩa thiêng liêng nữa!
Chúng tôi cho rằng nếu Kinh Dương Vương là thủ lĩnh Việt Thường thị thì:
- Một là, ông không thể là dòng dõi Viêm Đế Thần Nông như chúng tôi đã phân tích.
- Hai là, ông không thể là thủy tổ của Lạc Long Quân và các vua Hùng như trong Ngọc phả và truyền thuyết đã xác nhận. Chúng tôi cho rằng: truyền thuyết đó là ngụy tạo và việc gắn thân thế của Kinh Dương Vương với Viêm Đế Thần Nông là một sản phẩm “sáng tác” vụng về, chắp vá, hết sức ấu trĩ của các nhà nho đời sau mà thôi.
Đôi điều kết luận
Trước thời đại Hùng Vương hàng ngàn năm, ở vùng Khu IV cũ (bao gồm Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình – Trị - Thiên ngày nay) mà trung tâm là vùng núi Hồng sông Lam, đã từng tồn tại một bộ tộc Việt Thường của người Việt cổ, có trình độ văn minh cao, đã có chữ viết và làm được “quy lịch”. Trên cơ sở của nền văn minh đó, về sau này trên đất nước ta dần dần xuất hiện ba quốc gia: đó là quốc gia Văn Lang của các vua Hùng ở phía Bắc, quốc gia Lâm ấp (Chăm-pa) ở miền Trung và quốc gia Phù Nam ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ trước đến nay, nhắc đến nền văn minh Việt cổ, chúng ta chỉ chú trọng đến thời kỳ Hùng Vương mà bỏ quên nền văn minh Chăm pa, nền văn minh Phù Nam và trước đó hàng ngàn năm là nền văn minh Việt Thường thị. Phải chăng, chúng ta đã thiên lệch và phiến diện lắm sao?
* Nguồn: NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét