Phạm Ngọc Tiến.
(Tham luận tại Hội thảo khoa học “Văn hóa đọc và ngày đọc Sách Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức đầu tháng 10 tới tại Hà Nội.)
(Tham luận tại Hội thảo khoa học “Văn hóa đọc và ngày đọc Sách Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức đầu tháng 10 tới tại Hà Nội.)
Địa chỉ nhà mới: www.phamngoctien.com
Kính thưa quý vị.
Là người viết, đương nhiên sự
quan tâm hàng đầu phải là việc viết. Viết thế nào? Viết cái gì? Viết ra
sao? Nhưng liệu có mâu thuẫn không khi người viết ở xứ ta lại luôn trăn
trở về sự đọc? Vâng, cái sự đọc này tưởng là chuyện trên trời dưới bể
nhưng nó lại quan hệ mật thiết như chân và tay như anh và em với chính
công việc viết của nhà văn. Không có gì mâu thuẫn cả. Số phận một cuốn
sách thậm chí phụ thuộc vào chính cái sự “đọc” này.
Còn gì buồn hơn khi
một tác phẩm được thai nghén được viết ròng rã nhiều năm chiếm có khi
cả đời lao động của một nhà văn khi đến nhà xuất bản để chào đời với
lượng in chưa đầy ngàn bản. Đó là một cái chết yểu ngay khi chào đời. Và
đó là thực trạng của ngày hôm nay. Văn hóa đọc đang chết dần chết mòn
trong đời sống đại bộ phận người dân. Vì sao nên nỗi?
Còn nhớ dạo những năm
80 hắt về trước, mỗi cuốn sách có ti ra không dưới 10 ngàn bản. Để có
được cuốn sách được in, nhà văn phải xếp hàng đợi lượt. Mặc dù những
cuốn sách dạo đó được in trên giấy đen nhưng đó thực sự là món quà quý.
Người ta mua, đọc, dùng sách để làm quà tặng nhau những ngày trọng đại
như sinh nhật và lễ lạt. Để có ti ra vài chục ngàn bản đòi hỏi sách phải
hay và cả hệ thống vận hành hết công suất. Hệ thống hướng đến chính cái
sự đọc này. Tôi nhớ dạo đó đa phần các cuốn sách tiêu biểu tôi được
tiếp nhận đều ở các thư viện. Chính những thư viện là điểm phân phối
sách đến với người đọc. Sách từ nhà xuất bản chạy thẳng đến các công ty
phát hành và một lượng lớn đến hệ thống thư viện trong cả nước. Thư viện
tỉnh thành, thư viện quận huyện, thư viện phường xã, thư viện trường
học, thư viện công sở…bất kể chỗ nào cũng thấy thư viện. Và đây chính là
điểm mấu chốt trong văn hóa đọc của người dân. Sẽ có người phản bác
lại, ô hay vậy ra cái sự đọc không phải là truyền thống từ gia đình hắt
lên hay sao mà phải phụ thuộc vào cái sự rõ ràng là bao cấp kia. Đúng.
Nhưng không phải tất cả. Tôi nghĩ cái sai lầm đầu tiên dẫn đến việc xói
mòn triệt tiêu văn hóa đọc chính là ở sự xóa bỏ hệ thống thư viện cùng
với việc quá riết róng hạch toán các sản phẩm văn hóa thời kinh tế thị
trường. Còn nhiều lý do khác nữa như công nghệ nghe nhìn, internet với
những tiện ích không thể chối cãi đã đang lấn lướt văn hóa đọc. Hệ thống
giáo dục với sự nhồi nhét kiến thức không tưởng cũng là một nguyên nhân
khiến không chỉ một thế hệ lãnh hậu quả. Tôi sẽ lần lượt điểm từng
nguyên nhân.
Trước hết là sai lầm coi sản phẩm
văn hóa là hàng hóa. Thì đúng nó chả hàng hóa là gì. Một cuốn sách có
giá vài chục ngàn đồng tương đương một chai dầu ăn hạng bét, một bịch xà
phòng. Đúng nó là hàng hóa. Nhưng hãy nhớ rằng nó là một dạng sản phẩm
đặc biệt. Đánh đồng nó với những thứ hàng hóa khác vô hình trung chúng
ta đã hạ giá văn hóa. Sự xóa bỏ bao cấp hệ thống xuất bản một cách triệt
để và ồ ạt dẫn đến tình trạng ăn đong của từng đầu vào sản phẩm. Ti ra
mỗi cuốn sách đương nhiên phải thụt. Hệ thống thư viện không còn bao cấp
tự nhiên teo tóp và dần bị xóa sổ. Sách không được bao tiêu đầu ra chỉ
in với lượng in nhỏ cũng dần tự đánh tụt giá trị. Tôi nhớ dạo những năm
90 sách được in rất dễ. Mỗi cuốn một, hai ngàn bản nhưng bán rất lắt
lay. Kinh tế thị trường không thể phủ nhận mọi mặt tích cực nhưng sự xóa
bỏ quá nhanh bao cấp trong hệ thống xuất bản đã khiến hệ thống này trở
nên manh mún và yếu ớt. Tư nhân làm xuất bản bắt đầu nhảy vào thị trường
sách. Lợi nhuận là đích đến của toàn bộ hệ thống. Và những cuốn sách
hàng hóa đáng thương thay trở thành vật trao đổi không mấy đáng giá giữa
một thị trường kinh tế xô bồ. Tôi nhớ để in được cuốn sách đầu năm 90,
tôi phải bỏ tiền ra mua giấy phép xuất bản, nhờ họa sĩ vẽ bìa, trình bày
và nhờ một nhóm người biết làm công việc phát hành rao bán sản phẩm. Mà
cũng chỉ dám in 2000 bản. Viết ra một cuốn sách thôi không nói sự nhọc
nhằn nghề nghiệp nhưng chạy ngược chạy xuôi để lo cho đứa con tinh thần
của mình đến được với đời sống sao mà cam go, thậm chí nhục nhằn. Người
có tiền nhân cơ hội này cũng tự cho ra những cuốn sách không có giá trị
khiến thật giả đảo lộn. Sách càng xuống giá. Còn gì hơn là một cú đánh
ác hiểm vào văn hóa đọc. Ngày đó trong Hội nghị những người viết văn trẻ
toàn quốc năm 1994 tại Hà Nội tôi đã phát biểu thẳng thắn. Đại ý coi
sách là một sản phẩm hàng hóa, đúng thôi nhưng đừng quên rằng nó là
những sản phẩm đặc biệt, sản phẩm văn hóa. Đánh đồng nó là hạ thấp nó là
coi thường nó là tiêu diệt nó. Một gia đình coi thường văn hóa là một
gia đình bất hạnh. Một đất nước coi thường văn hóa sẽ phải trả giá. Và
quả thật chúng ta đã phải trả giá cho cái sự ít đọc hiện nay. Và điều gì
đi kèm với cái với cái sự ít đọc ấy hẳn ai cũng biết. Chưa bao giờ đất
nước lại rơi vào khủng hoảng như bây giờ. Tội ác hoành hành, văn hóa ứng
xử xuống tới tận đáy của sự tha hóa. Con người man rợ…
Một nguyên nhân có lẽ hình như ai
cũng biết mà chẳng ai nói vì nó như một sự thật quá hiển nhiên. Hệ
thống giáo dục của chúng ta đang quá tải vì lệch hướng. Học sinh đến
trường phải tiếp nhận quá nhiều kiến thức. Học và học. Tôi có hai cô con
gái. Con lớn hiện đã là giáo viên trung học. Đứa bé đang học lớp 8. Cả
hai cô con gái đều phải chịu áp lực học một cách khủng khiếp. Học lồi
mắt đến loạn thị. Sáng học. Chiều học. Tối học. Học chính khóa. Học thêm
ở trường. Học thêm ở nhà. Truyền thống hiếu học không phải nguyên nhân
của sự quá tải này. Tôi khẳng định từ thực tế gia đình mình chính sự
nhồi nhét kiến thức không tưởng ở nhà trường phổ thông là nguyên nhân
chính của việc văn hóa đọc bị triệt tiêu từ trứng nước. Đừng nói là đọc
sách, chúng còn không có cả thời gian để chơi, để giải trí trừ tháng hè.
Ngay từ nhỏ, tôi đã luyện cho con thói quen tiếp nhận sách bằng phương
pháp sáng tác truyền miệng. Tôi bịa ra những câu chuyện đồng thoại để kể
cho chúng từ ngày này sang ngày khác. Kể lúc đi học về. Kể trước khi
con đi ngủ. Thói quen đó tôi duy trì không theo cảm hứng mà là nguyên
tắc giáo dục. Khi chúng biết đọc, tôi lựa thật ít những cuốn sách tôi
cho là tiêu biểu, ít nhất là đã tác động đến tuổi thơ tôi để ép con đọc.
Lớn chút nữa tôi hướng dẫn chúng cần đến những cuốn nào. Phải nói ngay
là những cuốn sách này rất ít ỏi vì chúng không có thời gian. Suy từ
thời khó khăn của tôi trước kia và điều kiện hôm nay của chúng đã khác
nhau rất nhiều về kinh tế nhưng rõ ràng thế hệ hôm nay đọc ít một cách
đáng lo ngại. Các con tôi ham đọc nhưng chúng chỉ đọc được bằng một phần
nhỏ những cuốn sách bằng tuổi chúng, tôi đã được đọc. Đấy là tính trong
gia đình tôi có những biện pháp để trẻ tiếp xúc với văn hóa đọc từ nhỏ.
Còn những gia đình khác thì sao? Câu hỏi rất dễ trả lời. Văn hóa đọc có
rất ít trong những đứa trẻ. Và điều này không chỉ ảnh hưởng đến một thế
hệ mà di hại nhiều lần hơn thế.
Tất nhiên như tôi đã nói ở trên
còn có những nguyên nhân khác dẫn đến văn hóa đọc chết dần chết mòn.
Thời đại công nghệ thông tin có những bước nhảy vượt bật. Con người có
thể giải trí, có thể học hỏi có thể tiếp nhận mọi thứ từ chính các công
nghệ này. Đặc biệt là internet. Người ta có thể không cần đến sách vẫn
có được những điều cần biết nhưng tôi có thể khẳng định rằng những cuốn
sách điện tử không bao giờ thay thế được sách in. Không bao giờ. Bằng
chứng là hiện nay đang rục rịch tái lập những thư viện dòng họ trên nền
tảng thư viện gia đình. Các nhà hảo tâm đã hướng đến ngoài kinh tế cho
những vùng sâu vùng xa bằng những thư viện nhà trường. Các nhà xuất bản
sau một thời gian đình trệ loay hoay tự bươn chải đang tìm ra được những
hướng đi thiết thực và khởi sắc. Sách đang dần có giá trị trở lại. Giờ
lại là thời các nhà văn nếu có bút lực, tài năng có thể ung dung không
lo đầu ra, các nhà xuất bản đã biết tìm đến những tác giả những tác phẩm
có giá trị để bao tiêu sản phẩm ngay từ trứng nước. Đã có những hy vọng
nhìn thấy. Không quá bi quan trước thực trạng văn hóa đọc hiện nay dù
tôi vẫn bảo lưu nhận định nó đang chết dần chết mòn. Cái chết này có thể
ngăn chặn đươc nhưng có lẽ sẽ phải rất lâu nữa. Sách tốt sẽ được người
đọc tiếp nhận. Một ngày hội đọc sách ư. Cần. Rất cần. Nhưng cần hơn cả
vẫn là những hoạch định chiến lược chúng ta quen gọi là chính sách.
Vâng, để có lại được văn hóa đọc
đúng với truyền thống văn hóa dân tộc hãy bắt đầu từ những việc tưởng
như nhỏ nhất. Ngay từ hội thảo này.
Cảm ơn quý vị.
Hà Nội ngày 31/8/2012
Phạm Ngọc Tiến
Một điều đáng buồn nữa là hệ lụy của việc ít đọc sách là các cháu kỹ sư,cử nhân bây giờ ra trường viết lách văn bản rất kém kể cả tốt nghiệp bằng loại khá giỏi.Nhiều khi giao việc xong công mình ngồi sửa có khi còn lâu hơn là tự viết từ đầu. Thật đáng buồn.Đành hy vọng như bác vậy thôi.
P/s Tôi rất thích văn của bác và rất hay đọc Blog này nhưng xin lỗi là đã lâu cũng không mua được quyển sách nào của bác in ra cả.
Cảm ơn Bác nhiều.
Hai là đúng như bác Tiến nói, văn hóa đọc cần được bao cấp ở một mức nào đó, không thể thả nổi như một món hàng hóa thông thường được. Khẩu hiệu học, học nữa, học mãi không phải chỉ là học kiến thức chuyên môn mà nghĩa rộng hơn phải là học cách sống, cách làm người. Và như vậy phải thường xuyên đọc. Không phải chỉ đọc sách và văn học hiện đại và cần đọc cả những cái cổ điển, lịch sử vì những bài học làm người trong đó có giá trị vĩnh cửu:Bao cấp cho học cũng giống như phổ cập tiểu học và trung học vậy, để con người cả đời liên tục được nuôi dưỡng và tự mình phát triển trong môi trường nhân văn, lành mạnh.
Người nông dân, công nhân còn nghèo lắm, không thể có tiền mua sách; kể cá có tiền mua thì về đọc 1 mình xong rồi cất đi, sẽ rất lãng phí cho xã hội. Giống như em trước đây có gần chục nghìn cuốn, đầy 2 gian phòng; sau bố em thông báo trước của nhà mở Chiếu sách, tức là đem sách ra phố, rải lên chiếu, ai cần thì cho mượn miễn phí, chỉ phải cược 1 số tiền rất nhỏ. Thế là nhiều người đến nên nhà em khi đó rất vui. Sau rồi nhiều người không trả, nhưng cũng không sao.
Vì thế tốt nhất là nhà nước tổ chức các thư viện công cộng, cho mượn miễn phí, nếu cần thì hàng năm chỉ đóng 1 số tiền lệ phí rất nhỏ độ 100.000 đồng, giống như đã làm hồi bao cấp. Mỗi quận huyện phải có ít nhất 1 thư viện như vậy. Ở các nước công nghiệp, cứ 10.000 dân (chưa bằng 1 phường của ta) là được nhà nước đầu tư cho 1 thư viện công cộng, mở cửa hầu như suốt tuần, miễn phí hoàn toàn. Ngoài ra thành phố còn tổ chức các thư viện lưu động, đặt trên xe to như xe buýt, môi tuần đỗ ở một điểm dân cư để tạo thuận lợi cho người dân đến mượn sách mang về đọc… Còn có nhiều cách hay lắm. Có thế dân trí mới lên cao được, xã hội mới văn minh được.
Cao lên như LTM nói các thư viện lớn cần duy trì và phát triển. Nhưng thực thì cái cần nhất là một bầu không khí văn hóa trong lành của xã hội. Mà cái này thì phải đồng bộ ở nhiều thứ. Trình độ tiến sĩ và có cương vị như LTM chắc chắn biết nó là cái gì. Khekhe…À giờ chuyển dần sang cái phamngoctien.com nhé để sớm đóng cửa được bên này.
Phát triển văn hóa không như kinh tế, không để tư nhân làm được đâu, phải nhà nước đứng ra, làm tổng thể, không tính lợi nhuận, chứ vài tủ sách dòng họ… không giải quyết được vấn đề lớn này đâu.
Chuyện đồng bộ thì đúng rồi, nhưng chờ được thì lâu lắm, cứ cái gì tốt, thấy làm được thì nên làm ngay. Chỉ tiếc các bác nhà ta ham phát triển doanh nghiệp, làm đường xá… mà quên văn hóa. Còn cái bảo tàng 11 nghìn tỷ nữa, đấy mới là điển hình của vô văn hóa. Giá tiền đó mà đem làm hệ thống thư viện ở nông thôn nhỉ, nông dân sẽ học được khối cách làm kinh tế nhờ đọc sách ở đó đấy.
Em sẽ xem trang .com để viết bên đó nhé.
em vẫn là fan cực đoan của sách in anh Tiến à..Tiếng sột soạt của những trang giấy khi chuyển trang, cảm giác khi lật sang trang sách mới lạ lắm..và khi bắt đầu cầm một cuốn sách, ngồi xuống và đọc là khi như lặng thầm bước vào và hòa mình với một thế giới khác..
Giờ nghe nói người in sách hay chạy theo thị hiếu…em đợt vừa rồi về đi mua sách mà có mua được nhiều đâu, chỉ chọn được chừng chục cuốn…
Còn về chuyện quá tải thì Nhật Bản cũng như Việt Nam. Học sinh năm cuối cấp mà ngủ ngày quá 4 tiếng thì không có hy vọng vào được trường đại học danh tiếng. Nhưng giới trẻ vẫn đọc nhiều. Cửa hàng sách ở Nhật hay đặt ghế cho khách ngồi đọc mà không bắt buộc phải mua. Học sinh hay sinh viên ít tiền rất hay đọc như thế, và cửa hàng sách lúc nào cũng đông người.
Có lẽ, cái mà Việt Nam thiếu là một cái gì đó khác chăng?
Cảm ơn Bình Minh.
Cao hơn nữa, cần “tái cơ cấu” lại các bác phê bình văn học, để những lời phê bình của các bác là đích đáng, sách nào đáng đọc thì các bác khen, thế là bán chạy, tác giả sung sướng viết tiếp; sách nào chẳng ra gì, các bác chê, thế là ế, tác giả phải xem lại mình hoặc chuyển sang nghề khác. Hồi những năm 60, 70, 80 ngoài vài cây đại đại bồi bút chuyên ca ngợi văn thơ của lãnh tụ ra, có mấy nhà phê bình ăn tiền nói sai sự thật trắng trợn như bây giờ đâu. Thậm chí Hội nhà văn còn tổ chức hội thảo tại Hội để những vị lãnh đạo cao nhất đến khen thơ của bác Hoàng Quang Thuận thì làm sao dân còn tin được các nhà phê bình văn học.
Thôi dài rồi, em chào bác nhé.
À quên, tại hội thảo, bác nên dùng em làm ví dụ điển hình về người thích đọc vì em không chỉ có tên toithichdoc mà còn có cả 1 blog riêng tên là toithichdoc đấy (em còn có cả toiyeudoc.blogspot.com nữa kia). Bác có biết không, khi ở Mỹ về nước năm 2000, toàn bộ đồ đạc của em là bộ quần đùi áo may ô mang trên người, còn lại 100 kg hành lý mang theo cùng chuyến bay là sách, ngoài ra còn 150kg sách gửi đường biển về sau nữa. Nhiều sách cực quý, nhưng nay nằm trỏng chơ ở nhà. Nhìn mà thương chúng nó quá. khe khe để giải buồn vậy.