Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Nhân dân tệ có thực sự đe dọa kinh tế Mỹ ?

Nhân dân tệ có thực sự đe dọa kinh tế Mỹ ?


Đồng NDT tăng giá trong thời gian gần đây được cho là sẽ giảm bớt những tác động tiêu cực mà chính sách tiền tệ của Trung Quốc gây ra cho kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, liệu có phải Mỹ đang lo lắng thái quá?
Mối quan hệ Mỹ - Trung luôn luôn là vấn đề được Mỹ xem xét thận trọng và thậm chí đã trở thành điểm nóng trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng. 

Trong khi ứng viên của Đảng Cộng hòa Mitt Romney hứa hẹn sẽ đối xử nghiêm khắc với “những kẻ lừa đảo, điển hình như Trung Quốc”, chính phủ Mỹ liên tiếp kiện Trung Quốc lên WTO. Hôm thứ 6, đương kim Tổng thống Barack Obama vừa ra lệnh “cấm cửa” 1 công ty đến từ Trung Quốc do lo ngại nhà máy điện gió ở Oregon của công ty này sẽ đe dọa đến an ninh quốc phòng. 

Đóng cửa phiên thứ 6 vừa qua (28/9), đồng nhân dân tệ (NDT) đã lập kỷ lục so với đồng USD và đạt đến ngưỡng mà 1 số chuyên gia phân tích cho rằng phản ánh đúng những gì đang diễn ra trên thị trường tiền tệ. Diễn biến trên cũng được cho là sẽ giảm bớt những lo ngại cho rằng chính sách tiền tệ của Trung Quốc đang hủy hoại nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, liệu có phải Mỹ đang lo lắng thái quá?

Thực tế là, mặc dù vẫn bị kiểm soát chặt chẽ bởi NHTW Trung Quốc (PBOC), từ đầu năm đến nay, giá trị của đồng NDT vẫn diễn biến khá tương đồng với tiền tệ của các nước đang phát triển khác. 

Hồi đầu năm, đồng tiền này cũng giảm giá khi nhà đầu tư lo ngại eurozone sẽ tan rã và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chùng xuống khiến dòng tiền đổ vào đồng USD cũng như các tài sản an toàn khác.  Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trong bối cảnh Trung Quốc chuyển sang tập trung đối phó với suy giảm kinh tế và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố bơm tiền vào nền kinh tế để đẩy mạnh quá trình phục hồi, đồng NDT lại có xu hướng tăng giá. 

Bằng cách giữ giá trị của đồng nội tệ ở mức thấp, 1 quốc gia có thể tạo ra được lợi thế cho khu vực xuất khẩu. Đây cũng chính là chiến lược mà Trung Quốc đã áp dụng để xây dựng nền tảng cho các ngành công nghiệp – điều mà nhiều người cho rằng sẽ làm tổn hại đến các nhà sản xuất của nước Mỹ. 

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng ứng xử khá mềm mỏng khi dần dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát tiền tệ và cả các luật lệ tài chính. Sự điều chỉnh thường được thực hiện khi có các chuyến thăm của các lãnh đạo nước ngoài hay sau các cuộc họp quốc tế quan trọng. 

Một số người cho rằng Trung Quốc phải thực hiện điều chỉnh trước sức ép của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, 1 số khác lại nhận định chính phủ Trung Quốc đã nhận ra rằng để cho tiền tệ tự do dao động sẽ giúp kiềm chế lạm phát và đó mới là điều cần thiết để đạt được các mục tiêu trong dài hạn. 

Hơn nữa, theo C. Fred Bergsten và Joseph E. Gagnon – 2 chuyên gia đến từ Viện kinh tế quốc tế Peterson, trên thực tế, Trung Quốc không phải là thủ phạm lớn nhất trong việc công kích và gây ra chiến tranh tiền tệ. 

Trong 1 bài báo được đăng tải trên tờ Financial Times, 2 học giả này nhấn mạnh, cả những nền kinh tế lớn khác như Hàn Quốc, Thụy Sĩ và nhiều đồng minh của Mỹ cũng đã nỗ lực giữ giá đồng nội tệ ở mức thấp. 1 nghiên cứu gần đây cũng chứng minh rằng đồng NDT đang ở trong phạm vi chênh lệch 8% so với mức giá cân bằng với đồng USD – thấp hơn rất nhiều so với mức 30% mà người ta vẫn thường chỉ trích. 

Eswar Prasad, chuyên gia thường xuyên theo dõi kinh tế Trung Quốc đang công tác tại đại học Cornell, nhận định các chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc cũng đã được cải thiện đáng kể. Thêm vào đó, từ đầu năm đến nay, lượng dự trữ ngoại hối của nước này giảm mạnh đồng thời thặng dư cán cân thanh toán và đầu tư với phần còn lại với thế giới cũng sụt giảm. 

Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa là rất nhiều vấn đề giữa Trung Quốc và các nước lớn đã được giải quyết. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn coi NDT là đồng tiền bị định giá thấp. Trong khi đó, các doanh nhân vẫn cho rằng ở Trung Quốc hiện đang xảy ra cuộc chiến nội bộ giữa 1 bên là những người muốn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước đối với khu vực tài chính và 1 bên là những người muốn đẩy mạnh cải cách mở cửa nền kinh tế.

Theo Scott Paul, giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ, giá trị của đồng NDT vẫn sẽ là vấn đề nóng bỏng cho đến khi Trung Quốc cho phép đồng tiền này được tự do dao động so với đồng USD và các đồng tiền chủ chốt khác, xóa sạch sự thiên vị dành cho Trung Quốc.    

Thu Hương
Theo TTVN/Washington Post

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét