Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Nghĩ về sự đọc đang chết (Một góc nhìn)

(Một góc nhìn)


Phạm Ngọc Tiến
(Tham luận tại Hội thảo khoa học “Văn hóa đọc và ngày đọc Sách Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức đầu tháng 10 tới tại Hà Nội.)
Kính thưa quý vị.
Là người viết, đương nhiên sự quan tâm hàng đầu phải là việc viết. Viết thế nào? Viết cái gì? Viết ra sao? Nhưng liệu có mâu thuẫn không khi người viết ở xứ ta lại luôn trăn trở về sự đọc? Vâng, cái sự đọc này tưởng là chuyện trên trời dưới bể nhưng nó lại quan hệ mật thiết như chân và tay như anh và em với chính công việc viết của nhà văn. Không có gì mâu thuẫn cả. Số phận một cuốn sách thậm chí phụ thuộc vào chính cái sự “đọc” này.

Điểm sáng hiếm hoi của văn hóa đọc hiện nay. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh giữa 
vòng vây của độc giả nhí xin tặng chữ ký ngày ra mắt sách mới của tác giả tại Hà Nội.

Còn gì buồn hơn khi một tác phẩm được thai nghén được viết ròng rã nhiều năm chiếm có khi cả đời lao động của một nhà văn khi đến nhà xuất bản để chào đời với lượng in chưa đầy ngàn bản. Đó là một cái chết yểu ngay khi chào đời. Và đó là thực trạng của ngày hôm nay. Văn hóa đọc đang chết dần chết mòn trong đời sống đại bộ phận người dân. Vì sao nên nỗi?

Còn nhớ dạo những năm 80 hắt về trước, mỗi cuốn sách có ti ra không dưới 10 ngàn bản. Để có được cuốn sách được in, nhà văn phải xếp hàng đợi lượt. Mặc dù những cuốn sách dạo đó được in trên giấy đen nhưng đó thực sự là món quà quý. Người ta mua, đọc, dùng sách để làm quà tặng nhau những ngày trọng đại như sinh nhật và lễ lạt. Để có ti ra vài chục ngàn bản đòi hỏi sách phải hay và cả hệ thống vận hành hết công suất. Hệ thống hướng đến chính cái sự đọc này. Tôi nhớ dạo đó đa phần các cuốn sách tiêu biểu tôi được tiếp nhận đều ở các thư viện. Chính những thư viện là điểm phân phối sách đến với người đọc. Sách từ nhà xuất bản chạy thẳng đến các công ty phát hành và một lượng lớn đến hệ thống thư viện trong cả nước. Thư viện tỉnh thành, thư viện quận huyện, thư viện phường xã, thư viện trường học, thư viện công sở…bất kể chỗ nào cũng thấy thư viện. Và đây chính là điểm mấu chốt trong văn hóa đọc của người dân. Sẽ có người phản bác lại, ô hay vậy ra cái sự đọc không phải là truyền thống từ gia đình hắt lên hay sao mà phải phụ thuộc vào cái sự rõ ràng là bao cấp kia. Đúng. Nhưng không phải tất cả. Tôi nghĩ cái sai lầm đầu tiên dẫn đến việc xói mòn triệt tiêu văn hóa đọc chính là ở sự xóa bỏ hệ thống thư viện cùng với việc quá riết róng hạch toán các sản phẩm văn hóa thời kinh tế thị trường. Còn nhiều lý do khác nữa như công nghệ nghe nhìn, internet với những tiện ích không thể chối cãi đã đang lấn lướt văn hóa đọc. Hệ thống giáo dục với sự nhồi nhét kiến thức không tưởng cũng là một nguyên nhân khiến không chỉ một thế hệ lãnh hậu quả. Tôi sẽ lần lượt điểm từng nguyên nhân.
Trước hết là sai lầm coi sản phẩm văn hóa là hàng hóa. Thì đúng nó chả hàng hóa là gì. Một cuốn sách có giá vài chục ngàn đồng tương đương một chai dầu ăn hạng bét, một bịch xà phòng. Đúng nó là hàng hóa. Nhưng hãy nhớ rằng nó là một dạng sản phẩm đặc biệt. Đánh đồng nó với những thứ hàng hóa khác vô hình trung chúng ta đã hạ giá văn hóa. Sự xóa bỏ bao cấp hệ thống xuất bản một cách triệt để và ồ ạt dẫn đến tình trạng ăn đong của từng đầu vào sản phẩm. Ti ra mỗi cuốn sách đương nhiên phải thụt. Hệ thống thư viện không còn bao cấp tự nhiên teo tóp và dần bị xóa sổ. Sách không được bao tiêu đầu ra chỉ in với lượng in nhỏ cũng dần tự đánh tụt giá trị. Tôi nhớ dạo những năm 90 sách được in rất dễ. Mỗi cuốn một, hai ngàn bản nhưng bán rất lắt lay. Kinh tế thị trường không thể phủ nhận mọi mặt tích cực nhưng sự xóa bỏ quá nhanh bao cấp trong hệ thống xuất bản đã khiến hệ thống này trở nên manh mún và yếu ớt. Tư nhân làm xuất bản bắt đầu nhảy vào thị trường sách. Lợi nhuận là đích đến của toàn bộ hệ thống. Và những cuốn sách hàng hóa đáng thương thay trở thành vật trao đổi không mấy đáng giá giữa một thị trường kinh tế xô bồ. Tôi nhớ để in được cuốn sách đầu năm 90, tôi phải bỏ tiền ra mua giấy phép xuất bản, nhờ họa sĩ vẽ bìa, trình bày và nhờ một nhóm người biết làm công việc phát hành rao bán sản phẩm. Mà cũng chỉ dám in 2000 bản. Viết ra một cuốn sách thôi không nói sự nhọc nhằn nghề nghiệp nhưng chạy ngược chạy xuôi để lo cho đứa con tinh thần của mình đến được với đời sống sao mà cam go, thậm chí nhục nhằn. Người có tiền nhân cơ hội này cũng tự cho ra những cuốn sách không có giá trị khiến thật giả đảo lộn. Sách càng xuống giá. Còn gì hơn là một cú đánh ác hiểm vào văn hóa đọc. Ngày đó trong Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc năm 1994 tại Hà Nội tôi đã phát biểu thẳng thắn. Đại ý coi sách là một sản phẩm hàng hóa, đúng thôi nhưng đừng quên rằng nó là những sản phẩm đặc biệt, sản phẩm văn hóa. Đánh đồng nó là hạ thấp nó là coi thường nó là tiêu diệt nó. Một gia đình coi thường văn hóa là một gia đình bất hạnh. Một đất nước coi thường văn hóa sẽ phải trả giá. Và quả thật chúng ta đã phải trả giá cho cái sự ít đọc hiện nay. Và điều gì đi kèm với cái với cái sự ít đọc ấy hẳn ai cũng biết. Chưa bao giờ đất nước lại rơi vào khủng hoảng như bây giờ. Tội ác hoành hành, văn hóa ứng xử xuống tới tận đáy của sự tha hóa. Con người man rợ…
Một nguyên nhân có lẽ hình như ai cũng biết mà chẳng ai nói vì nó như một sự thật quá hiển nhiên. Hệ thống giáo dục của chúng ta đang quá tải vì lệch hướng. Học sinh đến trường phải tiếp nhận quá nhiều kiến thức. Học và học. Tôi có hai cô con gái. Con lớn hiện đã là giáo viên trung học. Đứa bé đang học lớp 8. Cả hai cô con gái đều phải chịu áp lực học một cách khủng khiếp. Học lồi mắt đến loạn thị. Sáng học. Chiều học. Tối học. Học chính khóa. Học thêm ở trường. Học thêm ở nhà. Truyền thống hiếu học không phải nguyên nhân của sự quá tải này. Tôi khẳng định từ thực tế gia đình mình chính sự nhồi nhét kiến thức không tưởng ở nhà trường phổ thông là nguyên nhân chính của việc văn hóa đọc bị triệt tiêu từ trứng nước. Đừng nói là đọc sách, chúng còn không có cả thời gian để chơi, để giải trí trừ tháng hè. Ngay từ nhỏ, tôi đã luyện cho con thói quen tiếp nhận sách bằng phương pháp sáng tác truyền miệng. Tôi bịa ra những câu chuyện đồng thoại để kể cho chúng từ ngày này sang ngày khác. Kể lúc đi học về. Kể trước khi con đi ngủ. Thói quen đó tôi duy trì không theo cảm hứng mà là nguyên tắc giáo dục. Khi chúng biết đọc, tôi lựa thật ít những cuốn sách tôi cho là tiêu biểu, ít nhất là đã tác động đến tuổi thơ tôi để ép con đọc. Lớn chút nữa tôi hướng dẫn chúng cần đến những cuốn nào. Phải nói ngay là những cuốn sách này rất ít ỏi vì chúng không có thời gian. Suy từ thời khó khăn của tôi trước kia và điều kiện hôm nay của chúng đã khác nhau rất nhiều về kinh tế nhưng rõ ràng thế hệ hôm nay đọc ít một cách đáng lo ngại. Các con tôi ham đọc nhưng chúng chỉ đọc được bằng một phần nhỏ những cuốn sách bằng tuổi chúng, tôi đã được đọc. Đấy là tính trong gia đình tôi có những biện pháp để trẻ tiếp xúc với văn hóa đọc từ nhỏ. Còn những gia đình khác thì sao? Câu hỏi rất dễ trả lời. Văn hóa đọc có rất ít trong những đứa trẻ. Và điều này không chỉ ảnh hưởng đến một thế hệ mà di hại nhiều lần hơn thế.
Tất nhiên như tôi đã nói ở trên còn có những nguyên nhân khác dẫn đến văn hóa đọc chết dần chết mòn. Thời đại công nghệ thông tin có những bước nhảy vượt bật. Con người có thể giải trí, có thể học hỏi có thể tiếp nhận mọi thứ từ chính các công nghệ này. Đặc biệt là internet. Người ta có thể không cần đến sách vẫn có được những điều cần biết nhưng tôi có thể khẳng định rằng những cuốn sách điện tử không bao giờ thay thế được sách in. Không bao giờ. Bằng chứng là hiện nay đang rục rịch tái lập những thư viện dòng họ trên nền tảng thư viện gia đình. Các nhà hảo tâm đã hướng đến ngoài kinh tế cho những vùng sâu vùng xa bằng những thư viện nhà trường. Các nhà xuất bản sau một thời gian đình trệ loay hoay tự bươn chải đang tìm ra được những hướng đi thiết thực và khởi sắc. Sách đang dần có giá trị trở lại. Giờ lại là thời các nhà văn nếu có bút lực, tài năng có thể ung dung không lo đầu ra, các nhà xuất bản đã biết tìm đến những tác giả những tác phẩm có giá trị để bao tiêu sản phẩm ngay từ trứng nước. Đã có những hy vọng nhìn thấy. Không quá bi quan trước thực trạng văn hóa đọc hiện nay dù tôi vẫn bảo lưu nhận định nó đang chết dần chết mòn. Cái chết này có thể ngăn chặn đươc nhưng có lẽ sẽ phải rất lâu nữa. Sách tốt sẽ được người đọc tiếp nhận. Một ngày hội đọc sách ư. Cần. Rất cần. Nhưng cần hơn cả vẫn là những hoạch định chiến lược chúng ta quen gọi là chính sách.
Vâng, để có lại được văn hóa đọc đúng với truyền thống văn hóa dân tộc hãy bắt đầu từ những việc tưởng như nhỏ nhất. Ngay từ hội thảo này.
Cảm ơn quý vị. Hà Nội ngày 31/8/2012
Phạm Ngọc Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét